Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Tổ chức phiên tòa trực tuyến
Chiều nay 12/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, với tỷ lệ 93,79% số đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Tổ chức phiên tòa trực tuyến
Nghị quyết về Tổ chức phiên tòa trực tuyến quy định: TAND được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các trường hợp sau đây:
Vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước; Vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự; Vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự.
Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.
Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.
Nghị quyết Quốc hội giao Chánh án TANDTC theo thẩm quyền ban hành hoặc chủ trì, phối hợp với Viện trưởng VKSNDTC, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.
Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này. TANDTC có trách nhiệm báo cáo Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết này trong báo cáo công tác hằng năm.
UBTVQH, Ủy ban Tư pháp, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.
UBTVQH sẽ chỉ đạo TANDTC và các cơ quan hữu quan trong quá trình xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của ĐBQH để bảo đảm phù hợp với các luật tố tụng và bảo đảm tính khả thi.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận