Quốc hội cùng với Chính phủ quyết tâm tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Đến ngày 1/8/2023, mới có 9 bộ ngành gửi báo cáo về Đoàn giám sát của Quốc hội, trong đó Bộ Tài chính gửi chậm 15 ngày. Hiện vẫn còn 3 cơ quan chưa gửi báo cáo gồm: Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Chiều 7/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát, Đoàn giám sát “việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” tổ chức Phiên họp thứ 3. Phiên họp nhằm cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo kết quả giám sát bước đầu để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 25 tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội nêu rõ, sau thời gian tiến hành giám sát 11 bộ ngành trung ương và giám sát tại 15 tỉnh, thành phố, Phiên họp thứ 3 này nhằm cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo kết quả giám sát bước đầu về bố cục, nội dung để sau phiên họp này sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 25 tới; báo cáo khái quát kết quả đạt được của từng Chương trình và những vấn đề nổi lên, khái quát những khó khăn, tồn tại, vướng mắc và nguyên nhân; đề xuất giải pháp, kiến nghị để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cảm ơn các thành viên Tổ Công tác, Tổ giúp việc, các chuyên gia đã rất tâm huyết, có nhiều nỗ lực cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đã được phân công và khẳng định, các Báo cáo của Tổ Công tác rất sâu sắc, qua đó cho thấy việc Tổ công tác đi trước là một biện pháp giám sát tốt, có hiệu quả và giảm thời gian của Đoàn công tác của Quốc hội. Báo cáo cũng thể hiện trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của Tổ Công tác.
Tại Phiên họp, các đại biểu nghe các Đoàn công tác báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện các CTMTQG tại các địa phương; thảo luận, tham gia ý kiến Dự thảo báo cáo kết quả giám sát sơ bộ việc triển khai thực hiện các CTMTQG.
Tuy nhiên, đến ngày 1/8/2023, mới có 9 bộ ngành gửi báo cáo, trong đó Bộ Tài chính gửi chậm 15 ngày. Hiện vẫn còn 3 cơ quan chưa gửi báo cáo gồm: Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đối với địa phương, mới có 44/63 tỉnh, thành phố có báo cáo chung; 29/51 tỉnh có báo cáo về Chương trình dân tộc thiểu số và miền núi; 35/63 tỉnh có báo cáo về Chương trình xây dựng nông thôn mới; 35/63 tỉnh có báo cáo về Chương trình giảm nghèo bền vững.
Như vậy, việc các bộ ngành và địa phương gửi báo cáo chậm, muộn đã làm ảnh hưởng khá lớn đến tiến độ và các hoạt động của Tổ Công tác, Đoàn giám sát trong việc xây dựng báo cáo giám sát gửi UBTVQH, nhất là 2 báo cáo rất quan trọng của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến nay vẫn chưa có báo cáo.
Báo cáo kết quả giám sát sơ bộ nhấn mạnh, việc Quốc hội tổ chức giám sát ngay khi các CTMTQG mới bắt đầu triển khai thực hiện đã có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các CTMTQG trong bối cảnh các Chương trình này đang triển khai rất chậm.
Các đại biểu tham dự phiên họp
Cuộc giám sát có tác động lan tỏa, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội cùng với Chính phủ quyết tâm tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các CTMTQG; qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao 3 Đoàn công tác, Tổ Công tác và Tổ giúp việc với tinh thần trách nhiệm cao, cung cấp tình hình tốt, đề nghị các thành viên của Đoàn tập trung cao độ, đặc biệt Tổ giúp việc họp thống nhất lại các nội dung, bám sát 3 Tổ của 3 Đoàn giám sát thật chặt chẽ, qua đó báo cáo UBTVQH bước đầu việc thực hiện 3 CTMTQG tại Phiên họp thứ 25 tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bố cục Báo cáo của Đoàn giám sát gồm 3 phần: Phần thứ nhất, tình hình và kết quả triển khai giám sát, cách thức tổ chức làm việc với các bộ ngành địa phương; những thuận lợi, khó khăn, đánh giá kết quả bước đầu (tác động đến sự chuyển biến nhận thức của các cấp, các bộ ngành và địa phương);
Phần thứ 2 về kết quả thực hiện 3 CTMTQG, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị trong mục về công tác chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện các CTMTQG, cần đánh giá mô hình tổ chức từ trung ướng đến cơ sở của cả 3 CTMTQG và từng Chương trình; ban hành văn bản của 3 Chương trình và của từng Chương trình; lập kế hoạch và phân bổ vốn của 3 CTMTQG và của từng Chương trình.
Về mục kết quả thực hiện 3 CTMTQG, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị phân tách kết quả của từng Chương trình, trong đó cần đánh giá khái quát kết quả thực hiện trong 2 năm vừa qua, đánh giá một số điểm mạnh của từng Chương trình. Tuy nhiên đối với từng chương trình, đánh giá cụ thể một số tồn tại, hạn chế.
Đối với mục đánh giá chung của 3 CTMTQG, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị với từng Chương trình rút ra nguyên nhân: về nhận thức của các cấp, các ngành và người dân; thái độ, hành động chỉ đạo cụ thể; trách nhiệm.
Đối với từng CTMTQG, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần tập trung đánh giá 6 nội dung chính sau: đánh giá khái quát kết quả của 3 Chương trình; Cơ quan chỉ đạo tham mưu cho từng Chương trình; đánh giá văn bản ban hành; về vốn; kết quả triển khai thực tế; kết quả công tác kiểm tra, giám sát.
Phần thứ 3 về giải pháp, kiến nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung vào báo cáo để sắc sảo hơn, có phát hiện mới và tính đặc thù của 3 CTMTQG, trong đó cần tiếp tục đẩy mạnh 2 phong trào thi đua là xây dựng nông thôn mới và cả nước chung tay vì người nghèo.
Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: Qh.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Bàn về quy định buộc xin lỗi, cải chính công khai khi bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín trên mạng xã hội
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Bất thường ở huyện nghèo Krông Búk –Đắk Lắk: Thanh niên mới 20 tuổi đã đứng tên nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận