Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được chuẩn bị công phu, nghiêm túc
Theo Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ được Tòa án nhân dân tối cao trình trước Quốc hội vào chiều ngày 19/11/2019, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ cùng ngày và thảo luận tại Hội trường vào sáng ngày 26/11/2019. Đây là dự án Luật được đánh giá là chuẩn bị công phu, nghiêm túc.
Hồ sơ dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá là được chuẩn bị công phu, nghiêm túc bằng việc tiến hành tổng kết việc thi hành pháp luật; tổng kết việc triển khai thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại Tòa án ở 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đánh giá tác động, lấy ý kiến của Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan cùng với việc tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, đồng thời tham khảo kinh nghiệm pháp luật một số nước để hoàn thiện [1].
Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (sau đây viết là dự thảo Luật) gồm 04 chương, 29 điều, trong đó:
– Chương I – Những quy định chung (gồm 08 điều, từ Điều 1 đến Điều 8), quy định về: phạm vi điều chỉnh và nhiệm vụ của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 1); giải thích từ ngữ (Điều 2); nguyên tắc hòa giải, đối thoại (Điều 3); bảo mật thông tin (Điều 4); chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 5); kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 6); trách nhiệm của Tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại (Điều 7); quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại (Điều 8).
– Chương II – Hòa giải viên (gồm 06 điều, từ Điều 9 đến Điều 14).
– Chương III – Trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải, đối thoại (gồm 13 điều, từ Điều 15 đến Điều 27).
– Chương IV – Điều khoản thi hành (gồm 02 điều, Điều 28 và Điều 29), quy định về: hiệu lực thi hành (Điều 28); trách nhiệm thi hành (Điều 29).
Để tiện cho bạn đọc quan tâm về vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu tới bạn đọc về những nội dung cơ bản của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
1. Về phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 1)
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. Luật này không điều chỉnh các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định.
Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Quy định của dự thảo Luật theo hướng trên phù hợp với mục tiêu xây dựng cơ chế pháp lý mới để cá nhân, cơ quan, tổ chức lựa chọn giải quyết các tranh chấp, bất đồng thông qua hòa giải, đối thoại, giảm số lượng tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính mà Tòa án phải thụ lý, xét xử; đồng thời, phù hợp với điều kiện về cơ sở vật chất hiện hành, số lượng Hòa giải viên; không chồng chéo, mâu thuẫn với các cơ chế hòa giải, đối thoại hiện có.
2. Các nguyên tắc của hòa giải, đối thoại (Điều 3)
Dự thảo Luật quy định việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án phải tuân thủ các nguyên tắc: (1) Các bên tự nguyện tham gia hòa giải, đối thoại; tự nguyện thỏa thuận, thống nhất phương án hòa giải, đối thoại; bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ; (2) Nội dung thỏa thuận hòa giải, đối thoại không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; (3) Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật theo quy định của Luật này; (4) Phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc; (5) Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ quyền của trẻ em trong tổ chức và hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án; (6) Tiếng nói và chữ viết dùng trong hòa giải, đối thoại là tiếng Việt. Người tham gia hòa giải, đối thoại có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình; trường hợp này họ có thể tự bố trí hoặc yêu cầu Hòa giải viên bố trí phiên dịch cho mình và tự chịu chi phí phiên dịch. Người tham gia hòa giải, đối thoại là người khuyết tật nghe, khuyết tật nói hoặc khuyết tật nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật; trường hợp này phải có người biết ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật để dịch lại.
3. Chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 5)
Xuất phát từ ý nghĩa, vai trò và những ưu điểm của hòa giải, đối thoại, Nhà nước cần có những chính sách hợp lý để khuyến khích các bên lựa chọn cơ chế này để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện. Theo đó, tại Điều 5 của dự thảo Luật quy định: (1) Khuyến khích các bên giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính bằng hình thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án; (2) Khuyến khích những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Luật này làm Hòa giải viên; (3) Nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
4. Kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 6)
Xuất phát từ ý nghĩa, vai trò và những ưu điểm của hòa giải, đối thoại cũng như hiệu quả thực tiễn đã chứng minh, dự thảo Luật quy định: (1) Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án từ ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; (2) Kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Chính phủ trình Quốc hội quyết định sau khi thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao; (3) Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án có nhiều ưu điểm, giúp giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện, do đó sẽ hạn chế số lượng lớn các vụ việc phải đưa ra Tòa án xét xử. Kết quả hòa giải, đối thoại thành được các bên tự nguyện thi hành sẽ giúp tiết kiệm được khoản chi phí lớn mà hàng năm ngân sách phải đầu tư cho công tác xét xử, công tác thi hành án dân sự và tiết kiệm chi phí của xã hội. Theo Báo cáo của TANDTC, kết quả tổng kết thí điểm cho thấy, việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã giảm khoảng 80% chi phí so với mức chi để xét xử một vụ việc theo thủ tục sơ thẩm. Vì đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới nên cần có thời gian để đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả và cần khuyến khích người dân lựa chọn, do đó trước mắt chưa quy định thu phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án là phù hợp [2].
5. Trách nhiệm của Tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại (Điều 7)
Đối với hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại có trách nhiệm: (1) Tổ chức thực hiện hòa giải vụ việc dân sự, đối thoại khiếu kiện hành chính; (2) Quản lý, hỗ trợ, hướng dẫn Hòa giải viên thực hiện hòa giải, đối thoại; (3) Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đề xuất khen thưởng, kỷ luật đối với Hòa giải viên; (4) Bố trí địa điểm, trang thiết bị, điều kiện đảm bảo cho công tác hòa giải, đối thoại; (5) Công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành; (6) Báo cáo về công tác hòa giải, đối thoại theo quy định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; (7) Lưu trữ hồ sơ, kết quả hòa giải, đối thoại; (8) Phân công Thẩm phán làm công tác hòa giải, đối thoại theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao; (9) Xem xét, thụ lý vụ việc ngay sau khi hòa giải không thành, đối thoại không thành theo quy định của pháp luật tố tụng; (10) Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan.
6. Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại (Điều 8)
Các bên tham gia hòa giải, đối thoại có quyền sau đây: (1) Đồng ý hoặc từ chối tham gia hòa giải, đối thoại; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải, đối thoại; (2) Yêu cầu Hòa giải viên, Thẩm phán giữ bí mật những thông tin do mình cung cấp; (3) Bày tỏ ý chí, đề xuất giải pháp, phương án giải quyết tranh chấp, khiếu kiện; thống nhất về nội dung hòa giải, đối thoại; (4) Lựa chọn, đề nghị thay đổi Hòa giải viên; (5) Yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành; (6) Yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện các nội dung đã hòa giải thành, đối thoại thành; (7) Đề nghị với người có thẩm quyền xem xét lại Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Các bên tham gia hòa giải, đối thoại có nghĩa vụ sau đây: (1) Tuân thủ pháp luật; (2) Tham gia hòa giải, đối thoại với tinh thần thiện chí, hợp tác để thúc đẩy quá trình hòa giải, đối thoại đạt kết quả tích cực; trình bày chính xác tình tiết, nội dung của vụ việc và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc theo yêu cầu của Hòa giải viên; (3) Chịu trách nhiệm về tính xác thực của các tài liệu, chứng cứ cung cấp trong quá trình hòa giải, đối thoại; nếu tài liệu, chứng cứ cung cấp là giả mạo thì kết quả hòa giải, đối thoại bị vô hiệu; trường hợp gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; (4) Trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác theo quy định của pháp luật tham gia phiên hòa giải, đối thoại; (5) Tôn trọng Hòa giải viên và các bên có liên quan; thực hiện các yêu cầu của Hòa giải viên theo quy định của Luật này; (6) Chấp hành quy chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án; (7) Thực hiện các nội dung đã hòa giải thành, đối thoại thành.
Ngoài những quyền, nghĩa vụ nêu trên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại có các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này.
7. Hòa giải viên (Chương II)
Hòa giải viên được quy định tại Chương II, gồm các nội dung: tiêu chuẩn Hòa giải viên (Điều 9); bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Hòa giải viên (Điều 10); miễn nhiệm Hòa giải viên (Điều 11); quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên (Điều 12); thay đổi Hòa giải viên (Điều 13); khen thưởng, kỷ luật Hòa giải viên (Điều 14).
Quy định tại Chương này nhằm tạo cơ chế pháp lý thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, kinh nghiệm và trách nhiệm trong xã hội (như Kiểm sát viên, Thẩm phán đã nghỉ hưu, Luật sư, Luật gia giàu kinh nghiệm) tham gia tiến hành hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Tuy nhiên, không làm phát sinh thêm bộ máy tổ chức thuộc Tòa án; không tăng biên chế Tòa án.
Về tiêu chuẩn bổ nhiệm Hòa giải viên (Điều 9), theo dự thảo Luật quy định thì ngoài những đối tượng là những người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu (Thẩm phán, Kiểm sát viên…) thì những người là Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét bổ nhiệm làm Hòa giải viên.
Theo Điều 1 dự thảo Luật thì đối tượng hòa giải, đối thoại thường là những vụ việc có tính chất chuyên ngành sâu, phức tạp, đòi hỏi Hòa giải viên phải am hiểu pháp luật nội dung, pháp luật tố tụng và có kinh nghiệm trong công tác pháp luật. Thực tiễn thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố vừa qua cho thấy, hầu hết đội ngũ Hòa giải viên là các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Thanh tra viên đã nghỉ hưu, các luật sư, chuyên gia có nhiều năm làm công tác pháp luật nên đã thực hiện tốt nhiêm vụ của Hòa giải viên và giải quyết hiệu quả các tranh chấp. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đạt cao vừa qua (78,08%) và đến nay chưa có vụ việc nào các đương sự đề nghị xem xét lại.
Vì vậy, chúng tôi thấy rằng, để bảo đảm chất lượng hòa giải, đối thoại và đặc biệt là bảo đảm quyền lợi của các bên tham gia hòa giải, các quy định về Hòa giải viên của dự thảo Luật là phù hợp [3].
8. Trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải, đối thoại (Chương III)
Trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại quy định và công nhận kết quả hòa giải đối thoại được quy định tại Chương III của Dự thảo Luật theo hướng linh hoạt, nhanh gọn, hiệu quả, bảo đảm thuận lợi cho các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại tại Tòa án; bảo đảm hiệu lực và hiệu quả thi hành kết quả hòa giải, đối thoại.
Theo dự thảo Luật, trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải, đối thoại bao gồm các quy định: trình tự nhận, phân công, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án (Điều 15); thời hạn hòa giải, đối thoại (Điều 16); chuẩn bị hòa giải, đối thoại (Điều 17); phương thức hòa giải, đối thoại (Điều 18); trách nhiệm của Hòa giải viên khi tiến hành hòa giải, đối thoại (Điều 19); ấn định thời gian, địa điểm phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại (Điều 20); thành phần phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại (Điều 21); trình tự, thủ tục phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại (Điều 22); hoãn phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại (Điều 23); biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại (Điều 24); quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành (Điều 25); chấm dứt hòa giải, đối thoại (Điều 26); xử lý hòa giải, đối thoại không thành, không tiến hành hòa giải, đối thoại được (Điều 27).
Về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án được quy định tại Điều 25 dự thảo Luật
Hòa giải, đối thoại trong dự thảo Luật có tính chất đặc thù và có nhiều điểm khác so với các cơ chế hòa giải ngoài tố tụng được quy định tại các luật hiện hành. Do đó, thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phải nhanh gọn hơn để tạo thuận lợi cho các bên.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 dự thảo Luật thì hết thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại mà không có bên nào thay đổi ý kiến, Thẩm phán đã ký xác nhận vào biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành khi có đủ các điều kiện quy định. Các điều kiện đó là: (1) Các bên tham gia hòa giải, đối thoại có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; (2) Các bên tham gia hòa giải, đối thoại là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận, thống nhất. Trường hợp nội dung thỏa thuận, thống nhất liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý; (3) Nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Các điều kiện này được dự thảo khá chặt chẽ nhằm bảo đảm quyền lợi cho các bên tham gia hòa giải đối thoại.
Dự thảo Luật cũng quy định Thẩm phán không ra quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành khi không có đủ các điều kiện nêu trên; trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu không rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu thì thực hiện theo quy định về xử lý hòa giải, đối thoại không thành, không tiến hành hòa giải, đối thoại được.
Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án được gửi cho người tham gia hòa giải, đối thoại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án ra quyết định. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Để bảo đảm hiệu lực thi hành, dự thảo Luật quy định quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.
Đồng thời, để xử lý những vi phạm có thể xảy ra, dự thảo luật quy định quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nếu có căn cứ cho rằng nội dung các bên thỏa thuận, thống nhất là do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, trốn tránh nghĩa vụ đối với Nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và trình tự, thủ tục xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
1.2.3. Báo cáo Thẩm tra dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 2177/BC-UBTP14 ngày 16/10/2019 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận