Quốc hội sẽ xem xét, quyết nghị về tổ chức phiên tòa trực tuyến

Chiều 21/9, UBTVQH đã cho ý kiến về đề nghị của TANDTC về tổ chức phiên toà trực tuyến. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận sẽ trình Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này tại Kỳ họp thứ Hai tới để Quốc hội xem xét, quyết nghị.

Nhu cầu, xu hướng tất yếu

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ trình bày Tờ trình của TANDTC cho biết, hiện nay, các đạo luật về tố tụng tư pháp đã có một số quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến, tạo cơ sở bước đầu cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. TANDTC đã triển khai nhiều hoạt động nhằm từng bước xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án số, tiến tới xây dựng và vận hành Tòa án thông minh.

Nhất là trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố phải áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội, hoạt động xét xử của Tòa án cũng bị ảnh hưởng. Điều này đòi hỏi phải sớm có giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả, đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định.

Vì vậy, tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định; phù hợp với thực tiễn; đảm bảo tư pháp không chậm trễ; tiết kiệm chi phí xã hội.

 

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ - Ảnh: Qh.vn

Bên cạnh đó, cam kết của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Chánh án các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Hội đồng Chánh án khu vực ASEAN, đến năm 2025 Việt Nam phải hoàn thành việc xây dựng và tổ chức vận hành Tòa án điện tử. Hiện nay, đa số Tòa án các nước khu vực ASEAN đã thực hiện việc xây dựng Tòa án điện tử  và tổ chức xét xử trực tuyến.

"Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định; phù hợp với thực tiễn; đảm bảo tư pháp không chậm trễ; tiết kiệm chi phí xã hội. Bên cạnh đó, tổ chức phiên tòa trực tuyến còn là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án số, tiến tới xây dựng Tòa án thông minh", Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ nói.

Phiên tòa trực tuyến sẽ được tổ chức để xét xử vụ án theo trình tự luật định có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác không nhất thiết phải có mặt tập trung tại một phòng xử án nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi và tham gia mọi diễn biến của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể và vào cùng một thời điểm.

Phiên tòa trực tuyến tuân thủ trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định của BLTTHS, BLTTDS, Luật Tố tụng hành chính và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của bị cáo, đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Bên cạnh đó, phạm vi áp dụng phiên tòa trực tuyến gồm các vụ án hình sự, hành chính, dân sự và trước mắt, các vụ án không phức tạp về chứng cứ và nghĩa vụ chứng minh; Xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; Có sự đồng thuận của các chủ thể tham gia.

Về các điểm cầu của phiên tòa trực tuyến gồm điểm cầu trung tâm và điểm cầu thành phần. Trong đó, điểm cầu trung tâm được tổ chức tại trụ sở Tòa án hoặc địa điểm do Tòa án lựa chọn. Phòng xử án tại điểm cầu trung tâm được tổ chức theo quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28.7.2017 của Chánh án TAND tối cao quy định về Phòng xử án và bảo đảm các yêu cầu về trang thiết bị công nghệ hỗ trợ tổ chức phiên tòa trực tuyến. Thành phần tham gia tại điểm cầu này gồm những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng khác.

Thẩm quyền

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ý kiến của Thường trực Ủy ban Tư pháp, tán thành chủ trương tổ chức phiên tòa trực tuyến; cho rằng, đề xuất của TANDTC phù hợp với quan điểm, chủ trương Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án.

 

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: Qh.vn

Về thẩm quyền cho phép tổ chức phiên tòa trực tuyến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành với đề xuất của TANDTC. Theo đó, thống nhất về chủ trương tổ chức phiên tòa trực tuyến như đề nghị của TANDTC; giao TANDTC chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, VKSNDTC và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng văn bản về tổ chức phiên tòa trực tuyến, trên cơ sở ý kiến tham gia của các bộ, ngành trung ương, Chánh án TANDTC ban hành văn bản về tổ chức phiên tòa trực tuyến, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật; giao TANDTC chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, VKSNDTC và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện văn bản về tổ chức phiên tòa trực tuyến, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật. Sau 3 năm, kể từ ngày văn bản về tổ chức phiên tòa trực tuyến có hiệc lực thi hành, TANDTC có trách nhiệm tổng kết thực tiễn thi hành và báo cáo UBTVQH xem xét.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, để bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý, nội dung cho phép TANDTC tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội (tại Kỳ họp thứ 2, tháng 10/2021).

Về thẩm quyền, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, phiên tòa trực tuyến là một xu thế chung của thế giới, nhiều nước đã áp dụng. Với Việt Nam, dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng khiến nhiều vụ án chưa thể đưa ra xét xử, từ đó thúc đẩy tiến trình thực hiện xét xử trực tuyến.

Ban Cán sự Đảng TANDTC đã báo cáo Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về chủ trương tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử và giải quyết các vụ án bằng phương thức trực tuyến.

Tại phiên họp thứ 13, ngày 26/8 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận đồng ý với đề xuất và giao cho TANDTC chủ trì xây dựng hướng dẫn tổ chức xét xử trực tuyến, báo cáo UBTVQH cho phép triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhất trí với đề xuất của TANDTC song để bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý thì cần báo cáo vấn đề này ra Quốc hội. Có cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, BLTTHS vẫn chưa quy định về tòa án trực tuyến, do đó, quy trình, quy chế tiến hành phiên tòa án trực tuyến cần được đưa ra Quốc hội thảo luận và quyết định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng “Dục tốc bất đạt” nên kết luận sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai tới để Quốc hội xem xét, quyết nghị trong Nghị quyết chung của Kỳ họp.

 

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu

KIM DUNG