Quốc hội thảo luận sôi nổi về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Ngày 26/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đây là một dự án luật mới, điều chỉnh quan hệ pháp luật mới tác động nhiều mặt đến các quan hệ xã hội nên đã nhận được sự quan tâm lớn của cử tri và của các vị đại biểu Quốc hội, nên các ý kiến thảo luận rất phong phú, sôi nổi.

Đa số ý kiến đồng tình về sự cần thiết ban hành Luật

Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) phát biểu ý kiến về sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho rằng: Thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã chỉ rõ khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài, Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó. Thời gian qua, Tòa án tối cao đã chỉ đạo thí điểm và sơ kết 16 tỉnh và kết quả là 78,08%, điều đó khẳng định tính ưu việt của cơ chế này, góp phần hạn chế các tranh chấp cần phải đưa ra xét xử, nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân.

Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được các bên tự nguyện thi hành và tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan. Như vậy, nếu hòa giải, đối thoại tốt sẽ là giải pháp giúp cho khối lượng công việc càng nặng nề của Tòa án trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp. Đồng thời, thu hút nguồn lực ngoài xã hội có chất lượng, kinh nghiệm tham gia vào công tác hòa giải, đối thoại, khắc phục những vướng mắc, bất cập cơ chế hòa giải, đối thoại hiện nay. Do đó, tôi tán thành việc xây dựng và ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng

Đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) cho rằng: Quá trình chuẩn bị chặt chẽ của Tòa án nhân dân tối cao trong quá trình xây dựng hồ sơ dự án luật cùng với kết quả tích cực qua tổng kết việc thí điểm đổi mới công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã khẳng định ưu điểm của cơ chế mới này. “Tôi thống nhất với quan điểm về sự cần thiết ban hành luật”.

Trong các quan hệ xã hội như quan hệ giữa công dân với nhà nước, quan hệ giữa công dân với tổ chức, quan hệ giữa công dân với công dân và các quan hệ xã hội khác đều chứa đựng những tranh chấp, mâu thuẫn. Để xử lý các tranh chấp đó do mâu thuẫn đó, pháp luật đã có những quy định để xử lý. Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phân tích: Tuy nhiên, không phải xã hội lúc nào cũng đòi hỏi phải xử lý bằng các quy định pháp lý mà còn nhu cầu đòi hỏi hòa giải, đối thoại với cách thức linh hoạt, thân thiện, chia sẻ, cảm thông, hiểu biết lẫn nhau. Hòa giải, đối thoại có tác dụng to lớn trong việc hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp. Bởi vậy, xây dựng và hoàn thiện các quy định cho hoạt động hòa giải, đối thoại là yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, tôi tán thành với việc xây dựng ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án với các cơ sở, lý do như Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao. Tôi đánh giá cao dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Hòa giải áp dụng cho các vấn đề dân sự, đối thoại, áp dụng cho các vấn đề khiếu kiện hành chính.

Cũng có đại biểu còn băn khoăn về sự cần thiết ban hành Luật nàu, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nói: Pháp luật hiện hành đã có các thiết chế về hòa giải, đối thoại tại Tòa án như trong tố tụng về dân sự, hành chính, hòa giải ngoài Tòa án, ngoài tố tụng như Luật Thương mại, lao động, đất đai hòa giải có cơ sở. “Vì vậy, tôi đề nghị hết sức cân nhắc về sự cần thiết của dự án luật này” – đại biểu nói và phân tích: Thực tiễn cho thấy, đối với những tranh chấp phức tạp phát sinh trong thời gian dài đã qua nhiều hình thức hòa giải, tư vấn rồi mới đến khởi kiện, khiếu kiện ra Tòa án và giai đoạn hòa giải, đối thoại, tiền tố tụng tại Tòa án đã trở thành nhiêu khê, kéo dài vụ án tranh chấp phiền hà, tốn kém thời gian, tiền bạc, chi phí của các bên. Nhiều người e ngại nếu ta quy định không chặt chẽ thì đây là lý do kéo dài thời gian “vô phúc đáo tụng đình” của người dân khi có việc liên quan tới Tòa án, làm giảm khả năng hòa giải. Trong quy định của pháp luật tố tụng, nếu được Tòa án các cấp quan tâm thực hiện đầy đủ là bảo đảm cho việc hòa giải.
“Trong trường hợp dự án luật này được Quốc hội thông qua, tôi tha thiết đề nghị cần phải xem xét thật kỹ về tính minh bạch của các quy định về tiêu chí, điều kiện để tiến hành giai đoạn hòa giải, đối thoại tại Tòa án” – đại biểu chốt lại.

Tranh luận lại ý kiến này, đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) nói: Đại biểu Nguyễn Tạo còn băn khoăn cho rằng thông qua hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì sẽ kéo dài thời gian. Nghị quyết số 48 và 49 của Bộ Chính trị đã quy định tăng cường thiết chế hòa giải, hoàn thiện pháp luật về giải quyết các tranh chấp kinh tế thông qua trọng tài hòa giải phù hợp với tập quán thương mại quốc tế, nên Nhà nước phải thành lập nhiều thiết chế hòa giải để cho người dân lựa chọn. Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một thiết chế có nhiều tính ưu việt, như các đại biểu đã phân tích. “Sử dụng nguồn nhân lực cao hòa giải được các vụ tranh chấp lớn và phức tạp, chi phí thấp, rút ngắn thời gian, hàn gắn tình làng nghĩa xóm, giảm bớt các mâu thuẫn và ổn định xã hội. Đây là một thủ tục rút gọn nên không kéo dài thời gian, mong đại biểu an tâm”.

Đánh giá cao ngành Tòa án đã tiếp thu nghiêm túc ý kiến của nhiều đại biểu, từ đó đề xuất những giải pháp có tính căn cơ thông qua việc trình dự án luật này để giải quyết nhanh chóng, dứt điểm các tranh chấp dân sự hành chính và đây cũng chính là cách làm của các nước có nền tư pháp tiến bộ trên thế giới hiện nay – Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nói: Các nước đang đi theo hướng đưa vụ việc tranh chấp ra Tòa xét xử chỉ là sự lựa chọn cuối cùng của các bên đương sự. Do đó, đã tập trung hoàn thiện thiết chế hòa giải tại Tòa án để khuyến khích các bên lựa chọn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy

Khác với phương thức xét xử tại Tòa án bị ràng buộc bởi nguyên tắc hiến định là nguyên tắc xét xử công khai, báo chí và mọi người đều có quyền tham dự thì hòa giải được tiến hành trong một môi trường riêng, chỉ có sự tham gia của các bên liên quan. Và điều này đã giúp cho các bên yên tâm tin tưởng ngồi lại với nhau để giải quyết các tranh chấp bất đồng, thậm chí là có thể nói hết những uẩn khúc, những nguyên nhân sâu xa dẫn tới mâu thuẫn và tính ưu việt này không phải khi nào cũng có được ở các phiên tòa công khai, nhất là trong các vụ án ly hôn, các vụ án kinh doanh thương mại. Chúng ta có thể thấy rất rõ điều này khi theo dõi phiên tòa xét xử vụ án ly hôn của vợ chồng ông Vua cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ vừa qua, mọi mâu thuẫn trong quá trình hôn nhân cũng như những tình tiết cụ thể của vụ án đã được hàng chục tờ báo cập nhật và đưa tin hàng ngày và chắc rằng đây là điều mà những người trong cuộc không hề mong muốn.

Nếu được các bên đồng ý thì hòa giải viên còn có thể mời cả những người có uy tín trong dòng họ, bạn bè tin cậy của các bên cùng tham gia hòa giải để phân tích phải, trái, thiệt hơn giúp các bên cân nhắc suy nghĩ thấu đáo trước khi quyết định và thí điểm vừa qua thì nhiều hòa giải viên đã sử dụng hiệu quả cách làm này. Kết quả là nhiều vụ các bên đã từ bỏ ý định ly hôn và quay trở lại đoàn tụ, nhiều vụ vay mượn trong nhân dân, mâu thuẫn trong làm ăn kinh tế đã được giảng hòa và tìm ra được những giải pháp phù hợp nhất mà cả hai bên cùng chấp nhận. Trong khi đó, với phương thức xét xử tại Tòa án, việc mời những người nêu trên tham gia là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Bản án có thể bị hủy để xét xử lại, bởi vì Tòa án chỉ được phép mời những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Vai trò của Thẩm phán và Tòa án

Các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận nhiều nội dung cụ thể trong dự thảo Luật. Đại biểu Hoàng Văn Hùng góp ý về thành phần tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại Điều 21, hoãn phiên họp Điều 23 và biên bản ghi nhận hòa giải, đối thoại thành Điều 24.

Việc quy định như dự thảo luật cần được xem xét, cân nhắc vì hoạt động hòa giải đối thoại ngoài tố tụng không phải là hoạt động tư pháp. Tuy nhiên Thẩm phán là người có chức danh tư pháp nên các hoạt động này của Thẩm phán là hoạt động tư pháp nhưng trong dự thảo luật lại chưa có các quy định liên quan đến vai trò của Viện kiểm sát nhân dân. Vì Viện kiểm sát nhân dân có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, hơn nữa còn liên quan đến tố tụng khi xem xét theo các thủ tục như giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Theo quy định của dự thảo luật, Thẩm phán sẽ phải dành nhiều thời gian tham gia vào quá trình hòa giải, đối thoại, thậm chí phải hoãn phiên họp khi thẩm phán vắng mặt nên đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc các quy định này. Vì khi thực hiện thủ tục quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo Điều 25, Thẩm phán phải xem xét, đánh giá hồ sơ đảm bảo vụ việc thực hiện theo đúng quy định pháp luật thì mới ra quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại. Trong trường hợp không đủ điều kiện thì không ra quyết định công nhận và thực hiện theo Điều 27 là chuyển thụ lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và tố tụng hành chính.

Hơn nữa, đội ngũ hòa giải viên là những người có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh, uy tín, năng lực, trình độ theo quy định tại Điều 9 mới được bổ nhiệm. Họ có quyền và nghĩa vụ theo luật định trong việc hòa giải, đối thoại. Việc quy định như dự thảo luật sẽ dẫn tới quá tải công việc cho đội ngũ Thẩm phán Tòa án các cấp, trong khi hiện nay có nơi thẩm phán phải giải quyết số lượng vụ việc gấp 4 lần số định biên, đồng thời không đạt được mục tiêu mà Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là khắc phục một phần tình trạng thiếu nguồn nhân lực tại tòa.

Bày tỏ băn khoăn, đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) nói: Thực tiễn cho thấy các tòa án hiện nay đang trong tình trạng quá tải, số lượng vụ án, vụ việc phải giải quyết hàng năm tăng lên rất nhiều. Việc dự thảo luật quy định trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án phải có sự tham gia của Thẩm phán như việc quản lý, hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của hòa giải viên, đối thoại viên, ghi nhận công nhận hòa giải thành, đối thoại thành, báo cáo về công tác hòa giải, đối thoại, có thể làm gia tăng thêm khối lượng công việc của Tòa án các cấp với áp lực vì yêu cầu tăng biên chế trong các tòa án. Vì vậy, cần xem xét, nghiên cứu thận trọng để tránh sự chồng chéo với các mô hình hòa giải, đối thoại đã có, đồng thời không làm cho hoạt động của Tòa án thêm nặng nề, quá tải.

Đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) bàn về trách nhiệm và mối quan hệ giữa Tòa án, thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải, đối thoại và hòa giải viên. Ban soạn thảo cũng đã dự kiến Điều 25 dự thảo luật quy định thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành theo hướng nhanh, gọn, có hiệu lực thi hành ngay, tạo thuận lợi cho các bên tham gia hòa giải, đối thoại. Đặc biệt, khi so sánh với thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án quy định tại Chương XXXIII của Bộ luật Tố tụng dân sự quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính theo quy định tại khoản 4, khoản 6 Điều 25 dự thảo luật. Để tương xứng giá trị pháp lý của kết quả hòa giải, đối thoại dự thảo luật quy định thiết chế hòa giải viên có nhiều yêu cầu buộc phải tuân thủ.

“Để thiết chế hòa giải viên tuân thủ thỏa đáng các yêu cầu đặt ra như đã nêu về trách nhiệm cũng như tính công minh, theo tôi, bên cạnh sự tự tu dưỡng của hòa giải viên, sự theo dõi, đánh giá của các bên liên quan cần có thêm quy định ràng buộc trách nhiệm trong dự thảo luật này” – đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Hồng Phong

Đại biểu Phạm Thành Tâm (Hậu Giang) bàn về trách nhiệm của Chánh án, Thẩm phán được phân công tham gia hòa giải, đối thoại cho rằng: Dự thảo luật quy định trách nhiệm của Tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại, nhưng trách nhiệm của Chánh án, Thẩm phán được phân công tham gia hòa giải, đối thoại chưa có điều luật quy định cụ thể. Vấn đề trách nhiệm của Chánh án, Thẩm phán được phân công chỉ xuất hiện trong phần trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải, đối thoại. Đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét bổ sung điều luật quy định trách nhiệm của Chánh án, Thẩm phán được phân công tham gia hòa giải đối thoại để làm căn cứ pháp lý thực hiện khi triển khai thực hiện.

Kinh phí

Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) bàn về kinh phí hòa giải và đối thoại tại Tòa án. Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu hai loại ý kiến về vấn đề này. Đại biểu tán thành với loại ý kiến thứ nhất vì cơ chế này có nhiều ưu điểm giúp giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện, do đó sẽ hạn chế số lượng lớn các vụ việc phải đưa ra Tòa án xét xử cũng như là giúp tiết kiệm được khoản kinh phí lớn mà hàng năm ngân sách nhà nước phải đầu tư cho công tác xét xử thi hành án dân sự và tiết kiệm được chi phí của xã hội. Vì vậy, để khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng cơ chế này trong thời gian trước mắt nhà nước chưa thu loại phí này và sau một thời gian thực hiện sẽ tiến hành tổng kết và xem xét để nếu cần thiết ta sẽ sửa đổi quy định về sau.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên

Thứ tư, về kinh phí cho công tác này tại Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý, trong đó có quy định tới 14 nhóm đối tượng đã được miễn dịch vụ tư vấn pháp lý, trợ giúp pháp lý thì trong dự thảo luật này quy định miễn phí hoàn toàn cho các đối tượng tham gia hòa giải. Nếu đương sự thuộc các nhóm đối tượng yếu thế là hộ nghèo, gia đình chính sách, trẻ em đã được hỗ trợ miễn phí của nhà nước, còn các đương sự khác không thuộc diện yếu thế khi tham gia hòa giải chỉ cần bỏ ra từ 200.000 đồng cũng đã đủ giải quyết được các vấn đề có khi là lợi cho các bên hàng chục tỷ đồng nhưng nhà nước lại bỏ tiền ra để thực hiện hòa giải cho các đương sự này là điều bất hợp lý. Từ việc bảo đảm kinh phí nếu có thì chỉ nên hỗ trợ trong việc tổ chức hoạt động tổng kết thực tiễn kinh nghiệm, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kiến nghị xây dựng luật và các trường hợp đặc biệt khác, không nên làm miễn phí cho những đối tượng là tổ chức thương mại. Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, coi hòa giải ngoài tố tụng là một dịch vụ pháp lý nhưng không phải là hoạt động nghề nghiệp luật sư và có một dự thảo để bảo đảm địa vị pháp lý, có những nguyên tắc trong việc thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn và vừa bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng: Ý nghĩa của hòa giải, đối thoại là hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt trong quan hệ xã hội, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đại đoàn kết trong nhân dân. Bởi thế, chúng ta hết sức khuyến khích các bên tranh chấp thực hiện hòa giải, đối thoại. Mặt khác, theo báo cáo, tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã đạt tỷ lệ khá cao. Nhưng tỷ lệ vừa rồi bình quân khoảng 70 đến 80%, giảm được khoảng 80% chi phí so với mức chi phí để xét xử một vụ việc theo trình tự tố tụng. “Do vậy, tôi cho rằng chưa nên đặt vấn đề thu phí hòa giải, đối thoại. Dự thảo chú thích đã tiếp cận theo hướng này và tôi tán thành với cách tiếp cận này của dự thảo” – đại biểu chốt lại.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (TP Hà Nội) nói: Dự thảo quy định: “Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm chi phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp theo quy định của pháp luật”. Quy định này thể hiện tính ưu việt của chế độ, của chính sách nhà nước, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong việc giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng trong xã hội và tính nhân văn của pháp luật Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính

Có thể nói, phương thức hòa giải, đối thoại không còn xa lạ trong việc giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện. Tuy nhiên, đối thoại tại Tòa án là một cơ chế mới, có thời gian để phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong xã hội về tính hiệu quả để luật sớm đi vào cuộc sống và thu hút sự tham gia của đông đảo các cá nhân, cơ quan tổ chức. Trước mắt sự lựa chọn phương án chưa quy định việc thu phí hòa giải, đối thoại là phù hợp.

Hiện tại còn tồn tại nhiều quan điểm cho rằng cần thu phí hòa giải, đối thoại với một số trường hợp: Một, pháp nhân nộp đơn khởi kiện tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và hai, cá nhân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp thương mại. Theo đại biểu, cần cân nhắc thật kỹ vấn đề này, bởi các lý do như sau:

Thứ nhất, việc áp dụng đối với 2 trường hợp như thế này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các cá nhân, cơ quan, tổ chức khi phát sinh tranh chấp và việc giải quyết tranh chấp.

Thứ hai, hiện tại trong Luật Phí và lệ phí năm 2015 và Nghị quyết số 326 của Quốc hội ngày 30/12/1016 chưa có quy định về trình tự, thủ tục thu phí, mức hòa giải, đối thoại tại Tòa án nên nếu có quyết định việc thu phí như vậy sẽ dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung luật và nghị quyết này.

Thứ ba, trong trường hợp không hòa giải thành. Hồ sơ khởi kiện được chuyển tòa án thụ lý, giải quyết theo thủ tục thông thường. Khi đó, người khởi kiện nộp một khoản tạm ứng, án phí. Như vậy, phí chồng phí. Người khởi kiện phải nộp phí nhiều lần. Cách làm như vậy, không khuyến khích được cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia hòa giải.

Thứ tư, theo kết quả tổng kết thí điểm, việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã giảm 80% chi phí so với mức chi phí xét xử một vụ việc theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm chưa kể đến công sức đi lại của đương sự trong vụ án.

Nếu vụ án đó bị kháng cáo, kháng nghị để xét xử theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc thi hành án. Xét tổng thể, cho dù nhà nước phải chi trả mức chi phí vẫn thấp hơn rất nhiều so với việc phải đưa ra xét xử tại các cấp. Chi phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động xét xử, xét giảm, hòa giải, đối thoại, góp phần giảm bớt khối lượng vụ việc tại Tòa án.
Như vậy, quy định của nhà nước có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án từ ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí khác theo quy định pháp luật là phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay.

Giải mã ba vấn đề

Đại biểu Mai Bộ

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đề cập tới Điều 15, 18 và Điều 24 của dự thảo luật. Đối với Điều 15 về trình tự nhận, phân công xử lý đơn yêu cầu khởi kiện tại Tòa án. Đại biểu đề nghị giải mã 3 vấn đề:

Một, cần xử lý về mặt kỹ thuật lập pháp của khoản 2 điều này giúp bảo đảm hai mục đích. Mục đích thứ nhất, bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự người khởi kiện theo quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 8 Luật Tố tụng hành chính. Mục đích thứ hai, góp phần bảo đảm lôgic với các khoản 2, 3, 4 Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự và các khoản 2, 3, 4, Điều 121 Luật Tố tụng hành chính.

Hai, tại điểm a, khoản 4 dùng cụm từ “thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án”, theo đại biểu là chưa chính xác mà phải dùng từ “thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu khiếu kiện” mới chính xác. Bởi lẽ, nếu quy định nội dung tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án chúng ta sẽ thiếu, chưa đề cập đến quan hệ giữa người nộp đơn với Tòa án giải quyết tranh chấp.

Ba, tại khoản 5 dùng cụm từ “nếu một trong các bên không đồng ý hòa giải, đối thoại thì thông báo ý kiến của mình cho Tòa án biết”. Như vậy, trường hợp cả hai bên không đồng ý luật sẽ xử lý thế nào? Chính vì vậy, đại biểu đề nghị sửa lại theo hướng nếu bên nào không đồng ý thì thông báo ý kiến của mình cho Tòa án.

Tại khoản 2 Điều 18 quy định “việc hòa giải, đối thoại có thể được tiến hành ngoài trụ sở Tòa án và bên lựa chọn địa điểm phải chịu chi phí”. Tôi đề nghị nghiên cứu để nội dung này phù hợp với tên của luật là Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và không làm phát sinh chi phí cho các đương sự.

Tại điểm g khoản 1 Điều 24 quy định, biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại có chữ ký xác nhận của thẩm phán tham gia phiên họp, ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại nhưng lại không quy định việc đóng dấu của Tòa án để tăng tính pháp lý cho kết quả hòa giải, đối thoại. Do vậy, tôi đề nghị bổ sung quy định kèm theo với chữ ký xác nhận này sẽ có đóng dấu của Tòa án, Thẩm phán nơi công tác để tăng tính pháp lý.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói: Trong tiêu chuẩn, các thẩm phán, kiểm sát viên, người giữ chức danh tư pháp thì có thể được bổ nhiệm làm hòa giải viên. Còn các luật sư lại phải có 10 năm trở lên, có lẽ chúng ta phải cân nhắc điều này. Đại biểu nói: “Các Thẩm phán chuyên xử về mặt hình sự, các điều tra viên thì làm sao có trình độ hòa giải bằng các luật sư được, 5 năm đi làm luật sư, người ta phải khẩn cầu, nghiên cứu, người ta phải thuyết phục chắc chắn là phải hơn các điều tra viên, chắc chắn là phải hơn các thẩm phán mà coi như anh chỉ chuyên hình sự thì tôi báo cáo với đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là tôi đi làm luật sư, tôi đã phải cố gắng chỗ này rồi nên tôi biết. Các thẩm phán về mặt hình sự còn nói với tôi rằng dần dần cảm giác như là mình sử dụng quyền lực nhiều quá, rất ảnh hưởng đến công tác của họ. Tôi đề nghị cân nhắc lại chỗ này”.

Hòa giải trước khi thụ lý quy định tại Điều 1, hòa giải viên không thuộc biên chế của Tòa án này tại Điều 2 mà lại quy định Tòa án được phân công hòa giải viên và chi phối các hoạt động này chỗ này chúng ta cũng phải cân nhắc. Nếu chúng ta hòa giải thì chúng ta không được sử dụng quyền lực của Nhà nước vào chỗ này. “Đặc biệt tôi rất đồng tình với quan điểm của đạo luật này là không được sử dụng kết quả hòa giải đưa vào quá trình xét xử. Khi chúng tôi tham khảo vấn đề này ở Úc thì các thẩm phán đã phụ trách hòa giải không bao giờ được ngồi vào các ghế xét xử. Người ta nói là ông đã đội mũ hòa giải lên đầu thì không bao giờ được đội cái mũ thẩm phán xét xử nữa. Đấy là nguyên tắc bởi vì anh sẽ tạo thêm định kiến trong quá trình xét xử, thiếu công bằng. Chỗ này thì chúng ta phải hết sức lưu ý về các thủ tục, chúng ta lại biến quá trình hòa giải thành quá trình tố tụng thì lại là một vấn đề” – đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lưu ý.

KIM DUNG