Quốc hội thông qua Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết giải quyết tranh chấp theo EVIPA

Ngày 18/6, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội thông qua Nghị quyết về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam- EU và các nước thành viên EU.

Sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với 95,03% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1, Nghị quyết này quy định việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết chung thẩm về nghĩa vụ tài chính do cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư ban hành (sau đây gọi là Phán quyết) theo quy định tại Mục B Chương 3 của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu được ký ngày 30 tháng 6 năm 2019 tại Hà Nội, Việt Nam (sau đây gọi là Hiệp định).

Về công nhận và cho thi hành Phán quyết tại Điều 2, Phán quyết được ban hành trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc trong một thời gian dài hơn theo quyết định của Ủy ban thành lập theo Điều 4.1 của Hiệp định đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được coi như phán quyết của Trọng tài nước ngoài. Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài phù hợp với Công ước về công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài, làm tại New York, ngày 10 tháng 6 năm 1958 để xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận Phán quyết đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phán quyết được ban hành sau thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người phải thi hành Phán quyết có tài sản ra quyết định công nhận, cho thi hành Phán quyết trên lãnh thổ Việt Nam khi người được thi hành Phán quyết có đơn yêu cầu.

 

Các đại biểu ấn nút biểu quyết – Ảnh: QH.VN

Kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, Phán quyết được ban hành đối với bị đơn là Liên minh Châu Âu hoặc nước thành viên Liên minh Châu Âu được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người phải thi hành Phán quyết có tài sản ra quyết định công nhận, cho thi hành Phán quyết trên lãnh thổ Việt Nam khi người được thi hành Phán quyết có đơn yêu cầu.

Phán quyết theo quy định tại Điều này được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.

Về tổ chức thực hiện tại Điều 3, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành khoản 2 và khoản 3 Điều 2 của Nghị quyết này. Bộ Ngoại giao thông báo kịp thời cho Tòa án nhân dân tối cao thời điểm kết thúc thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết này.

Về hiệu lực thi hành tại Điều 4, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày Hiệp định có hiệu lực.

Khi thảo luận về dự thảo Nghị quyết này 10 ngày trước, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp. HCM) nói: “Tôi tán thành với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Phán quyết EVIPA”.  Theo đại biểu, mặc dù Việt Nam đã tham gia Công ước ước New York năm 1958 (về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài) từ năm 1995 nhưng thực tế đã gặp nhiều khó khăn khiến cả tổ chức trọng tài lẫn doanh nghiệp đều than phiền. Vì vậy, khi Nghị quyết được thông qua thì phải coi phán quyết chung thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp như bản án của tòa án dân sự được có hiệu lực thi hành và các bên có liên quan có nghĩa vụ thực hiện theo đúng quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất, TANDTC nên thành lập một bộ phận chuyên trách tập hợp những chuyên gia pháp lý giỏi trong và ngoài tòa án để nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện Công ước ước New York năm 1958 để từ đó rút ra kinh nghiệm trong việc thi hành các phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp nước ngoài khi thực hiện Phán quyết EVIPA.

CẢNH DINH