Quy định mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, sửa đổi, bổ sung năm 2025

(TCTA) - Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, sửa đổi, bổ sung năm 2025, có nhiều nội dung mới liên quan đến tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2025 tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy, thẩm quyền của Tòa án và các vấn đề liên quan để phù hợp với chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành trung ương Đảng.

Tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi, bổ sung quy định về mô hình tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân theo hướng: (1) Kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp huyện; (2) Tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân theo 03 cấp: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực; (3) Không tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt về Phá sản, Sở hữu trí tuệ, Hành chính như một cấp Tòa án mà tổ chức thành các tòa chuyên trách về Phá sản, Sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; (4) Thành lập Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế.

Như vậy, tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân gồm: Tòa án nhân dân tối cao, 34 Tòa án nhân dân cấp tỉnh (trong đó có 11 Tòa án nhân dân cấp tỉnh không thực hiện sắp xếp; 23 Tòa án nhân dân cấp tỉnh được thành lập sau sắp xếp), 355 Tòa án nhân dân khu vực trên cơ sở cơ cấu lại 693 Tòa án nhân dân cấp huyện; Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế và các Tòa án quân sự.

Điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Tòa án nhân dân

Tòa án nhân dân tối cao

Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao được sửa đổi, bổ theo hướng: (1) Bổ sung nhiệm vụ phúc thẩm các vụ án hình sự mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị; (2) Thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh; (3) Giao Thẩm phán Tòa án nhân dân tại Tòa án nhân dân tối cao nhiệm vụ xét xử các vụ án, vụ việc, trả lời đơn đề nghị, văn bản yêu cầu, kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo phân công của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Về cơ cấu tổ chức: thành lập 03 Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao (đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh).

Tăng số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao từ 13 đến 17 người lên thành từ 23 đến 27 người để đảm bảo đủ nguồn nhân lực giải quyết kịp thời, chất lượng đối với khối lượng công việc giám đốc thẩm, tái thẩm tăng thêm từ Tòa án nhân dân cấp cao chuyển về.

Tòa án nhân dân cấp tỉnh

Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp tỉnh được sửa đổi, bổ sung theo hướng: (1) Bổ sung nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực; (2) Thực hiện nhiệm vụ phúc thẩm vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị; (3) Thực hiện nhiệm vụ sơ thẩm vụ án hình sự về các tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 20 năm tù, tù chung thân, tử hình và những vụ án khác theo quy định của luật; (4) Chuyển nhiệm vụ sơ thẩm các vụ án hình sự về các tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đến 20 năm tù; vụ án hành chính; vụ án, vụ việc dân sự và các vụ việc khác cho Tòa án nhân dân khu vực, trừ vụ việc về yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc; (5) Giao cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh thẩm quyền giải quyết đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc.

- Về cơ cấu tổ chức: Tòa án nhân dân cấp tỉnh gồm: Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh; các Tòa chuyên trách (Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, Tòa Gia đình và người chưa thành niên); bộ máy giúp việc.

Tòa án nhân dân khu vực

Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân khu vực được sửa đổi, bổ sung theo hướng: (1) Xét xử theo thủ tục sơ thẩm các vụ án hình sự về các tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đến 20 năm tù; (2) Xét xử theo thủ tục sơ thẩm tất cả các vụ án hành chính, vụ án, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trừ các vụ việc giải quyết đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc; (3) Giao thẩm quyền giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm các vụ việc phá sản, sở hữu trí tuệ cho Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

Về cơ cấu tổ chức: Tòa án nhân dân khu vực gồm: các Tòa chuyên trách (Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính, Tòa Gia đình và người chưa thành niên; Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực); bộ máy giúp việc.

Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế

Nhiệm vụ, quyền hạn, trình tự, thủ tục tố tụng giải quyết tranh chấp; tiếng nói, chữ viết dùng trong tố tụng, việc áp dụng pháp luật tại Tòa án chuyên biệt; Thẩm phán giải quyết tranh chấp và các nội dung khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án chuyên biệt do Quốc hội quy định.

Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo hướng bổ sung trường hợp người đang là Thẩm phán Tòa án nhân dân và có từ đủ 05 năm trở lên làm Vụ trưởng Vụ chuyên môn nghiệp vụ tại Tòa án nhân dân tối cao thì được xem xét bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận, nhưng số lượng không quá 10% tổng số Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Thành phần Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia

Sửa đổi, bổ sung thành phần của Hội đồng gồm 01 thủ trưởng đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao là Thẩm phán Tòa án nhân dân, 01 Chánh tòa Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, 01 Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ định.

Việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân

Sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ bầu Hội thẩm nhân dân theo hướng: (1) Tòa án nhân dân cấp tỉnh đề xuất nhu cầu về số lượng, cơ cấu thành phần Hội thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân khu vực đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh lựa chọn và giới thiệu người đủ tiêu chuẩn để Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bầu Hội thẩm nhân dân; (2) Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân.

QUANG PHÚC

Trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội - nguồn ảnh: Internet.