Quy định mới về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp
Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (thay thế cho Nghị định 42) có hiệu lực từ ngày 2/5 sắp tới, với những quy định cụ thẻ, chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi người tham gia cũng như người tiêu dùng, ngăn chặn những hành vi lợi dụng bán hàng đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Thực trạng phức tạp
Từ năm 1998 đến nay ở Việt Nam đã có lúc có trên 90 doanh nghiệp đăng ký bán hàng đa cấp. Trong quá trình hoạt động, nhiều doanh nghiệp bị rút đăng ký kinh doanh nên tính đến 24/4//2018 chỉ còn 35 doanh nghiệp đang hoạt động với các loại hàng hóa chủ yếu là thực phẩm chức năng (51,27%), mỹ phẩm (31,65%), ngoài ra còn có các sản phẩm đồ gia dụng, quần áo, thiết bị khác.
Bên cạnh những ưu điểm về hình thức kinh doanh đa cấp như hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động… Thực trạng hoạt động đa cấp hiện nay rất phức tạp. Ông Đỗ Văn Nguyện – Phó chủ tịch hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bến Tre từng phản ánh trong một hội thảo, cho rằng các vấn đề bán hàng đa cấp gây nên nhiều hệ lụy cho người tiêu dùng và cả người tham gia hệ thống. Thông qua các vụ khiếu nại điển hình, ông kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước bổ sung những quy định quản lý về đăng ký kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn và công bố về tác dụng sản phẩm khi đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trên địa phương tỉnh. Các cơ quan chức năng khi phát hiện vi phạm của doanh nghiệp cần công khai và cảnh báo công khai, thường xuyên kiểm tra xử lý để ngăn chặn kịp thời bàn hàng đa cấp bất chính.
Dư luận đã từng biết đến những vụ kinh doanh đa cấp biến thành trục lợi, lừa đảo tiền của người tham gia đa cấp như: Công ty CP Thương mại Dịch vụ Hoàng Long Việt, (Vĩnh Long); Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Con đường Việt (Hà Nội); Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam ( Hà Nội); Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy ( Hà Nội và Tp HCM)… Phức tạp nhất là là Công ty CP Liên kết sản xuất – Thương mại Việt Nam – Liên kết Việt (Hà Nội) với thủ đoạn tinh vi, mượn danh nghĩa cả tướng lĩnh, cán bộ cao cấp để quảng bá, tạo niềm tin cho khách hàng. Ngày 17/12/2015 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 7 lãnh đạo và Tổng đại lý của Công ty. Số nạn nhân trong vụ án đã lên tới khoảng 60.000 người tại 27 tỉnh, thành phố. Người bị lừa ít nhất là 8,5 triệu đồng, người nhiều nhất lên tới 6 tỉ đồng; tổng số tiền bị Liên kết Việt chiếm đoạt là 1.900 tỷ đồng.
Qua nghiên cứu của Nguyễn Văn Vinh (Tạp chí KHGD CSND số 83 (tháng 11/2016) thì hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh đa cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người bị hại trong thời gian qua nổi lên những thủ đoạn sau: Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp… không ký hợp đồng với người tham gia bán hàng đa cấp nên khi người tham gia muốn kiện đòi lại tiền, đương nhiên họ sẽ không có bằng chứng; Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người thứ cấp khác tham gia bán hàng đa cấp; Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính chất, công dụng của hàng hóa hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; Lôi kéo, quảng cáo hình thức kinh doanh “đầu tư tài chính”, một hình thức kinh doanh đa cấp theo dạng mua tiền ảo; Không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, hoặc đăng ký nhưng khi hoạt động không đúng với nội dung đăng ký, sau đó lôi kéo khách hàng thu lợi bất chính…
Tạo hành lang pháp lý chặt chẽ
Trước sự phát triển ngày càng đa dạng của ngành hàng này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để thay thế cho Nghị định 42.
Một trong những điểm nổi bật của Nghị định mới chính là những hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Những quy định ở Điều 5, Chương I đã được đưa ra chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp đa cấp chân chính, cụ thể như sau:
Những hàng hóa sau không được kinh doanh theo phương thức đa cấp gồm: Hàng hóa là thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và các loại hóa chất nguy hiểm; b) Sản phẩm nội dung thông tin số.
Nghị định cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây: a) Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; b) Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; c) Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó; d) Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng; đ) Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; e) Cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của doanh nghiệp; g) Duy trì nhiều hơn một hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, vị trí kinh doanh đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp; h) Thực hiện khuyến mại sử dụng mạng lưới gồm nhiều cấp, nhiều nhánh mà trong đó người tham gia chương trình khuyến mại có nhiều hơn một vị trí, mã số hoặc các hình thức tương đương khác; i) Tổ chức các hoạt động trung gian thương mại theo quy định của pháp luật thương mại nhằm phục vụ cho việc duy trì, mở rộng và phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp; k) Tiếp nhận hoặc chấp nhận đơn hoặc bất kỳ hình thức văn bản nào khác của người tham gia bán hàng đa cấp, trong đó, người tham gia bán hàng đa cấp tuyên bố từ bỏ một phần hoặc toàn bộ các quyền của mình theo quy định của Nghị định này hoặc cho phép doanh nghiệp không phải thực hiện nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định này; l) Kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với đối tượng không được phép theo quy định tại Điều 4 Nghị định này; m) Không sử dụng hệ thống quản lý người tham gia bán hàng đa cấp đã đăng ký với cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp để quản lý người tham gia bán hàng đa cấp; n) Mua bán hoặc chuyển giao mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp khác, trừ trường hợp mua lại, hợp nhất hoặc sáp nhập doanh nghiệp.
Cấm người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây: a) Hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; b) Cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính năng, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp; c) Tổ chức hội thảo, hội nghị, đào tạo về kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được doanh nghiệp bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản; d) Lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình đang tham gia; đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội, nghề nghiệp để khuyến khích, yêu cầu, lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp; e) Thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nơi doanh nghiệp chưa được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.
Cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp, tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của mình hoặc của tổ chức, cá nhân khác khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Cấm cá nhân tham gia vào hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Về đăng kí kinh doanh đa cấp, bên cạnh những nội dung trước đó, Giấy chứng nhận đăng ký Hoạt động bán hàng đa cấp phải cung cấp phạm vi hàng hóa được phép kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Về quản lý Người tham gia bán hàng đa cấp, ở Điều 32 về Đào tạo cơ bản cho người tham gia Bán hàng đa cấp Nghị định bổ sung thêm quy định: Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm đánh giá mức độ hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản của người tham gia bán hàng đa cấp và xác nhận bằng văn bản về việc hoàn thành nội dung và thời lượng chương trình đào tạo cơ bản của người tham gia bán hàng đa cấp; lưu trữ các tài liệu liên quan đến hoạt động đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp, bao gồm thời gian, cách thức, địa điểm (nếu có) và kết quả đào tạo.
Nghị định còn quy định Bộ Công Thương cấp xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp cho những người đạt kết quả trong kỳ kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp.
Điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, Nghị định quy định tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải đáp ứng các điều kiện sau: a) Là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; b) Có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên; c)Thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên, cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không bao gồm tổ chức hoặc cá nhân từng giữ một trong các chức vụ nêu trên tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và Nghị định này; d) Ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Nghị định này; đ) Có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định của Nghị định này; e) Có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp; g) Có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.
Như vậy, Nghị đinh 40/2018/NĐ-CP đã quy định tăng mức ký quỹ của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp lên mức không được thấp hơn 10 tỷ đồng (tương đương với 5% vốn điều lệ) . Như vậy mức ký quỹ đã tăng gấp đôi so với trước kia không được thấp hơn 5 tỷ đồng (tương đương 5% vốn điều lệ) được quy định trong Nghị định 42/2014/NĐ-CP.
Tiền ký quỹ là khoản tiền đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp với người tham gia bán hàng đa cấp và Nhà nước trong trường hợp khi doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấm dứt hoạt động. Như vậy, có thể thấy việc tăng định mức ký quỹ lên gấp đôi (không thấp hơn 10 tỷ đồng) đã phần nào gia tăng được sự cam kết của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đối với người tham gia bán hàng và cơ quan quản lý trong hoạt động kinh doanh của mình.
Bên cạnh các quy định chặt chẽ nhằm ngăn ngừa những doanh nghiệp kinh doanh gian dối, lừa đảo Nghị định quy định trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, gia hạn, bổ sung… thuận lợi, nhanh chóng hơn cho những doanh nghiệp chân chính.
Nghị định cũng quy định rõ quản lý bán hàng đa cấp tại địa phương. Trong đó, đáng chú ý là hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp phải làm thủ tục thông báo về nội dung, tài liệu trình bày tại hội thảo, báo cáo viên, số lượng người tham gia dự kiến… gửi về Sở Công Thương ít nhất 15 ngày làm việc trước ngày dự kiến thực hiện.
Về điều kiện đối với người tham gia bán hàng đa cấp, đáng chú ý là những đối tượng sau đây không được bán hàng đa cấp gồm: Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc có tiền án về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả, sản xuất, buôn bán hàng cấm, quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản, tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp; Người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp trừ trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật; Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
1 Bình luận
Trần Đức Học
10:19 05/12.2024Trả lời