Quy định mới về ủy thác thi hành án dân sự để tăng cường thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát

Sáng 24/1/2022, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc công bố Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật đầu tư công; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Đầu tư; Luật Nhà ở; Luật Đấu thầu; Luật Điện lực; Luật Doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì buổi họp báo.

Ngày 11/ 1/ 2022 tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa 15 đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật đầu tư công; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Đầu tư; Luật Nhà ở; Luật Đấu thầu; Luật Điện lực; Luật Doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Việc xây dựng và ban hành Luật này nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh Covid-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Trả lời câu hỏi của các nhà báo về việc Quốc hội sửa đổi nhiều Luật có nội dung khác nhau trong một Luật như lần này dựa trên cơ sở nào; có tiếp tục áp dụng phương thức này trong các kỳ họp sau hay không; có tính đến tham nhũng chính sách hay không…

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết: Luật Ban hành văn bản quy pháp pháp luật năm 2015 có quy định có thể sửa nhiều Luật trong một Luật với những vấn đề có tính cấp bách, nội dung cụ thể, đã nhận thấy rõ bất cập. Nguyên tắc là chỉ sửa những vướng mắc lớn, có mâu thuẫn, chồng chéo. Luật cũng sửa đổi các Luật có điều chỉnh các quan hệ xã hội gần với nhau. Tuy nhiên, sử dụng kỹ thuật lập pháp này cũng khá phức tạp, nên hạn chế sử dụng.

Luật này đã chuẩn bị kỹ, đã trình UBTVQH từ tháng 6/2021, trên cơ sở đã đánh giá tác động và dự thảo quy định chi tiết, chặt chẽ nên không có trục lợi chính sách.

Liên quan đến Luật Thi hành án dân sự, đại diện Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho biết, dù gần đây việc thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát có tăng nhưng trung bình cũng chỉ thu hồi được 10%, một trong những lý do là tài sản của người phải thi hành án ở nhiều địa phương, việc thi hành lần lượt từng tài sản mất nhiều thời gian, nảy sinh phức tạp, Luật đã sửa đổi điểm nghẽn này, bằng cách ủy thác thi hành án từng phần, tài sản ở địa phương nào thì cơ quan thi hành án dân sự ở đó thi hành, chắc chắn sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn.

Trước đó, chủ trì buổi họp báo đã giới thiệu nội dung cụ thể của Luật vừa được công bố.

Về Luật Đầu tư công, sửa đổi bổ sung điểm b,c và d khoản 4 Điều 17; bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 17 và sửa đổi. bổ sung khoản 8 Điều 25, khoản 4 Điều 82, khoản 1 Điều 83 Luật Đầu tư công theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà đầu tư nước ngoài quyết định phê duyệt dự án, hồ sơ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan tổ chức mình quản lý.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sửa đổi bổ sung điểm b khoản 2 Điều 12 theo hướng quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương do Bộ, cơ quan trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn vay ODA và các vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; phân quyền quyết định chủ trương đầu tư trong bộ trưởng người đứng đầu cơ quan trung ương cơ quan khác; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

 Luật đầu tư được sửa đổi bổ sung điểm g và bổ sung điểm g1 và sau điểm g khoản 1 Điều 31 để thực hiện phân quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu đô thị. Theo đó Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp nhận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: Dự án đầu tư có quy mô sử dụng từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người khi trở lên; Dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa không phân biệt quy mô đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ 1 của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; thuộc phạm vi khu vực bảo vệ 2 của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới.

Sửa đổi, bổ sung điểm b và bổ sung điểm b1 vào sau điểm b khoản 1 Điều 32 để phân quyền cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 300 ha và và quy mô dân số dưới 50.000 người; Dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa, không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu bảo vệ hay của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt trừ di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới; Dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử (được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị) của đô thị loại đặc biệt.

Đồng thời bổ sung điểm g vào khoản 3 Điều 33 quy định về nội dung thẩm định đề nghị Chấp thuận chủ trương đầu tư gồm “Đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa”.

Sửa đổi bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở theo hướng quy định về hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây mà việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phù hợp với quy định với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp thuộc diện nhà đất Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật: Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; Có quyền sử dụng đất ở và đất khác không phải là đất ở, đáp ứng điều kiện cho hép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.

Đồng thời để bảo đảm tính minh bạch, chặt chẽ, không thất thoát ngân sách nhà nước, Luật bổ sung quy định, sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai.

Về Luật Đấu thầu, nhằm bảo đảm tính thống nhất thúc đẩy giải ngân đưa dự án hoàn thành đúng thời hạn, đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ xây lắp các dự án ODA, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Luật đã sửa đổi bổ sung điểm c khoản 1 Điều 34 và bổ sung Điều 33a để quy định các hoạt động thực hiện trước đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, theo hướng việc lập trình duyệt thẩm định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Luật Điện lực sửa đổi bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 4 để quy định: Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng; Nhà nước độc quyền trong các hoạt động điều độ hệ thống điện quốc gia; xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; Vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng.

Đồng thời bổ sung điểm d1 và sau điểm d của khoản 10 Điều 40 quy định quyền của đơn vị truyền tải điện là được đấu nối vào lưới điện truyền tải cho các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng, khi đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật;  bổ sung điểm h1 vào sau điểm h khoản 2 Điều 40 quy định nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện là bảo đảm quyền đấu nối của các tổ chức cá nhân hoạt động điện lực vào lưới điện truyền tải, do mình đầu tư xây dựng; trường hợp từ chối đấu nối thì thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Về Luật Doanh nghiệp, sửa đổi bổ sung Điều 49 và điều 50 theo hướng thay cụm từ “thành viên Hội đồng thành viên” thành “thành viên công ty” để đảm bảo thống nhất với các quy định liên quan của luật này. Sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 60 và khoản 2 Điều 118 quy định trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản thì biên bản này có hiệu lực nếu được tất cả các thành viên của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị đã tham dự đồng ý thông qua.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt bổ sung điểm i khoản 41 Điều 7 về biểu thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng, giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt so với mức hiện hành trong 5 năm đầu kể từ khi Luật Sửa đổi bổ sung một số điều có hiệu lực thi hành; kể từ năm thứ 6, điều chỉnh tăng mức thuế suất đối với xe ô tô điện chạy pin, áp dụng đối với cả xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung Điều 55, 56, 57 theo hướng làm rõ hơn trường hợp “ủy thác thi hành án từng phần” (điểm b khoản 1 Điều 55) trên cơ sở luật hóa các nội dung trước đây giao Chính phủ quy định chi tiết; đồng thời bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản (khoản 2 Điều 5, khoản 2 Điều 57).

Đối với cơ chế ủy thác xử lý tài sản, Luật quy định rõ căn cứ xử lý tài sản, cụ thể: Trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc tuyên xử lý tài sản để bảo đảm thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn, đồng thời có thể ủy thác xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản.

Luật còn quy định cụ thể trình tự thủ tục thực hiện ủy thác xử lý tài sản Luật.

THÁI VŨ