Quy định về miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo các điều ước quốc tế và một số khuyến nghị cho Việt Nam
Miễn hợp pháp hóa lãnh sự là việc một loại giấy tờ cụ thể được miễn bước xác nhận lãnh sự của cơ quan ngoại giao có thẩm quyền của nước sử dụng, từ đó, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính và thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia. Bài viết phân tích quy định về miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo các điều ước quốc tế và đề xuất một số khuyến nghị cho Việt Nam.
Đặt vấn đề
Trong xu thế toàn cầu hóa, các giấy tờ, tài liệu được yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự (HPHLS) ngày càng gia tăng về số lượng và phức tạp về tính chất. Các loại giấy tờ, tài liệu này được quy định khác nhau ở mỗi quốc gia, vì HPHLS là một thủ tục hành chính. Quy định về HPHLS thể hiện chủ quyền quốc gia đối với giấy tờ, tài liệu của nước ngoài. Tuy nhiên, việc quy định quá nghiêm ngặt về thủ tục HPHLS đã gây ra sự cản trở cho sự phát triển của các quan hệ xã hội giữa người dân, doanh nghiệp tại các quốc gia trên thế giới, do vậy, các điều ước quốc tế (ĐUQT) đa phương hoặc song phương được ra đời với mục đích đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua việc miễn HPHLS đối với một số loại giấy tờ, tài liệu. Bài viết sẽ phân tích một số ĐUQT về miễn HPHLS và đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam trong việc ký kết, gia nhập các ĐUQT về vấn đề này.
1. Quy định về miễn hợp pháp hóa lãnh sự trong các điều ước quốc tế
ĐUQT đa phương được các quốc gia ký kết liên quan đến miễn HPHLS là Công ước La Hay ngày 05/10/1961 về việc miễn hợp pháp hóa đối với giấy tờ công của nước ngoài (Công ước Apostille[1]). Công ước này được các quốc gia ký kết với mong muốn xóa bỏ yêu cầu hợp pháp hóa ngoại giao hoặc lãnh sự đối với giấy tờ công của nước ngoài. Theo đó, các loại giấy tờ công được giao dịch ở các quốc gia sẽ được miễn HPHLS gồm giấy tờ được lập bởi cơ quan hoặc viên chức có mối liên hệ với Tòa án hoặc cơ quan tài phán quốc gia, bao gồm các giấy tờ được lập bởi công tố viên, Thư ký Tòa án, hoặc thừa phát lại; giấy tờ hành chính; văn bản công chứng; chứng nhận chính thức trên giấy tờ được ký với tư cách cá nhân như: chứng nhận chính thức ghi nhận việc đăng ký một giấy tờ hoặc ghi nhận một sự việc đã diễn ra vào một ngày nhất định và chứng nhận chính thức hoặc công chứng chữ ký.
Tuy nhiên, việc miễn HPHLS không áp dụng đối với giấy tờ được lập bởi viên chức ngoại giao hoặc viên chức lãnh sự; giấy tờ hành chính liên quan trực tiếp đến hoạt động thương mại hoặc hải quan[2]. Công ước này quy định rõ các nước ký kết có trách nhiệm miễn hợp pháp hóa đối với giấy tờ thuộc đối tượng áp dụng của Công ước này và phải xuất trình trên lãnh thổ của nước mình, đồng thời, phải thực hiện các biện pháp cần thiết để tránh việc viên chức ngoại giao hoặc viên chức lãnh sự của mình tiến hành hợp pháp hóa đối với những trường hợp được miễn hợp pháp hóa theo Công ước này[3]. Lợi ích của việc gia nhập Công ước Apostille là giúp các quốc gia thành viên rút ngắn quy trình HPHLS giấy tờ, tài liệu, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng giấy tờ công của nước họ tại các nước thành viên thuộc Công ước này và ngược lại; từ đó, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các giao dịch dân sự, thương mại, lao động và đầu tư giữa các nước nằm trong Công ước. Tuy nhiên, cho tới nay, Việt Nam vẫn chưa là thành viên của Công ước này.
Trong phạm vi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam đã ký kết nhiều ĐUQT song phương với các quốc gia trong khu vực về vấn đề HPHLS, trong đó, nội dung chính được đề cập trong các văn kiện này là quy định về các loại giấy tờ được miễn HPHLS. Có thể chia làm các nhóm như sau:
Một là, các giấy tờ, tài liệu dùng trong mục đích tương trợ tư pháp về dân sự.
Các giấy tờ, tài liệu được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự của mỗi quốc gia sẽ được miễn HPHLS. Các giấy tờ được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia có ký kết ĐUQT với Việt Nam sẽ được miễn HPHLS trong trường hợp những giấy tờ được ký kết và đóng dấu chính thức bởi các cơ quan có thẩm quyền của các bên. Chẳng hạn, nếu các giấy tờ, tài liệu được ban hành và được chuyển qua các kênh liên lạc tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Cam-pu-chia thì sẽ được miễn thủ tục HPHLS[4].
Hai là, các giấy tờ, tài liệu dùng trong mục đích tương trợ tư pháp về hình sự.
Đối với những giấy tờ phục vụ mục đích tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và các nước này, thì các loại giấy tờ này có thể được miễn HPHLS. Chẳng hạn, tại Điều 19 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Indonesia có quy định rằng, các giấy tờ và tài liệu được chuyển giao để thực hiện Hiệp định này sẽ được miễn mọi thủ tục hợp pháp hóa. Tuy nhiên, trên những giấy tờ, tài liệu này cần phải có chữ ký và con dấu chính thức của nhà chức trách có thẩm quyền. Theo đó, các giấy tờ, tài liệu được chuyển giao với mục đích tương trợ tư pháp về hình sự của Hiệp định sẽ được miễn thủ tục HPHLS khi sử dụng ở vùng lãnh thổ của hai quốc gia Việt Nam và Indonesia, thông qua các cơ quan trung ương được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền của hai bên.
Các loại giấy tờ được miễn HPHLS theo Hiệp định này cũng có thể được tống đạt đến các cơ quan có thẩm quyền của nước mình trên lãnh thổ của bên ký kết kia một cách trực tiếp và không áp dụng biện pháp cưỡng chế. Sự tống đạt này phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại.
Ba là, các giấy tờ, tài liệu được sử dụng cho mục đích tương trợ tư pháp về dân sự, thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động và hình sự.
Các giấy tờ, tài liệu được ban hành bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các bên có tham gia ký kết ĐUQT với Việt Nam về dân sự, thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động, hình sự thì sẽ được miễn HPHLS. Nhiều quốc gia thừa nhận miễn HPHLS cho mục đích này khi ký kết ĐUQT với Việt Nam. Chẳng hạn, đối với các giấy tờ, tài liệu dùng để tương trợ tư pháp về dân sự, hôn nhân và gia đình, hình sự, Việt Nam cũng có ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Lào[5] về việc miễn HPHLS các giấy tờ, tài liệu này.
Bốn là, các giấy tờ thuộc thẩm quyền của viên chức lãnh sự do các cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Theo Hiệp định lãnh sự giữa Việt Nam và Cam-pu-chia, Lào[6], các giấy tờ thuộc thẩm quyền của viên chức lãnh sự do cơ quan đại diện của nước này tại nước kia cấp sẽ được miễn HPHLS. Ngoài ra có những giấy tờ được sử dụng cho các mục đích khác, chẳng hạn, giấy tờ sử dụng để đăng ký khai sinh, giải quyết các việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài, khai tử cho người nước ngoài cư trú ổn định tại khu vực biên giới (Cam-pu-chia, Lào, Trung Quốc)[7] do các quốc gia này có chung đường biên giới với Việt Nam.
Có thể thấy, thủ tục HPHLS cũng được miễn theo các ĐUQT song phương mà Việt Nam là thành viên không qua xác nhận. Các loại giấy tờ, tài liệu được sử dụng với sáu mục đích cơ bản như trên sẽ không cần phải thông qua thủ tục HPHLS, mà có thể được sử dụng trực tiếp tại quốc gia thành viên. Trong trường hợp có nghi ngờ xác đáng về chữ ký, tư cách của người ký, hoặc nhận dạng của con dấu hoặc con tem, thì cơ quan của nước ký kết yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết kia xác minh tính xác thực của giấy tờ. Việc xác minh chỉ được áp dụng trong trường hợp có lý do rõ ràng.
2. Một số khuyến nghị cho Việt Nam về việc gia nhập các điều ước quốc tế về miễn hợp pháp hóa lãnh sự
Thứ nhất, xem xét gia nhập Công ước Apostille.
Việc gia nhập Công ước Apostille sẽ giúp rút ngắn thủ tục HPHLS, hạn chế tình trạng giả mạo các giấy tờ công của nước ngoài, tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí và công sức của các cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng giấy tờ công của Việt Nam tại nước ngoài. Mục đích của Công ước là nhằm miễn hợp pháp hóa và tạo thuận lợi cho việc sử dụng giấy tờ công sử dụng ở nước ngoài[8]. Các giấy tờ, tài liệu sẽ không cần phải thông qua thủ tục HPHLS mà chỉ cần được cấp chứng nhận Apostille thì sẽ được sử dụng trực tiếp tại quốc gia tiếp nhận[9]. Vì vậy, áp dụng Công ước Apostille giúp làm đơn giản hóa thủ tục HPHLS cho các chủ thể có nhu cầu sử dụng các giấy tờ, tài liệu ở nước ngoài. Sử dụng chương trình điện tử Apostille cũng là một trong những biện pháp hiệu quả phát hiện giấy tờ giả mạo.
Qua quá trình nghiên cứu mục đích, phạm vi áp dụng và nội dung của Công ước Apostille, tác giả cho rằng, Việt Nam cần gia nhập Công ước Apostille với những lý do sau đây:
Một là, việc gia nhập Công ước Apostille giúp rút ngắn thủ tục HPHLS giấy tờ, tài liệu nước ngoài so với hiện nay. Việc triển khai Công ước Apostille và sự trợ giúp của Chương trình cấp Apostille điện tử sẽ mang lại rất nhiều thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam khi thực hiện HPHLS. Triển khai Công ước Apostille là khuyến khích tin học hóa việc cấp, quản lý và xác thực các chứng nhận Apostille. Thủ tục HPHLS theo Công ước Apostille được thực hiện đơn giản chỉ với một bước[10] là cơ quan có thẩm quyền của quốc gia xuất xứ chỉ cần cấp Apostille là giấy tờ này có đủ điều kiện để được xuất trình tại quốc gia tiếp nhận.
Hai là, việc gia nhập Công ước Apostille là cần thiết, khi Việt Nam cũng là thành viên của Công ước La Hay ngày 29/5/1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế (Công ước Bảo vệ trẻ em) - là một trong ba công ước trong Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong đó, Công ước Bảo vệ trẻ em lại không có yêu cầu về việc xóa bỏ HPHLS như hai công ước còn lại. Do đó, Công ước Apostille có tiềm năng rất lớn trong việc điều chỉnh và tạo thuận lợi cho hoạt động của Công ước Bảo vệ trẻ em. Trên thực tế, khối lượng lớn các giấy tờ công được trao đổi giữa các quốc gia ban hành và quốc gia tiếp nhận trong các thủ tục nhận con nuôi quốc tế được thực hiện theo Công ước Bảo vệ trẻ em ngày càng phát triển về số lượng. Ủy ban đặc biệt của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế khuyến khích các quốc gia thành viên của Công ước Bảo vệ trẻ em tham gia Công ước Apostille[11]. Do đó, việc gia nhập Công ước Apostille là cần thiết trong bối cảnh hiện tại.
Ba là, trong khi các ĐUQT mà Việt Nam đã tham gia quy định về hình thức miễn hợp pháp hóa không qua xác nhận, thì việc gia nhập Công ước Apostille sẽ góp phần hạn chế đến mức tối đa tình trạng giả mạo văn bản của Việt Nam. Bởi lẽ, tình trạng giả mạo các văn bản nhà nước của Việt Nam đã khiến các cơ quan có thẩm quyền của một số nước nghi ngờ và có thể không xem xét đối với các giấy tờ được ban hành tại Việt Nam[12]. Theo đó, không những quyền lợi của cá nhân, cơ quan, tổ chức Việt Nam mà uy tín của Nhà nước ta cũng bị ảnh hưởng. Tham gia Công ước, Việt Nam sẽ thực hiện HPHLS thông qua cấp Apostille bằng chương trình điện tử Apostille, góp phần kiểm duyệt tình trạng giả mạo các giấy tờ, tài liệu yêu cầu HPHLS.
Bốn là, việc gia nhập Công ước Apostille sẽ giúp thống nhất pháp luật về HPHLS với nhiều quốc gia trên thế giới. Với tính chất là một văn bản thống nhất luật, Công ước Apostille đã thống nhất hóa được nhiều mâu thuẫn giữa các hệ thống pháp luật khác nhau trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết rút gọn thủ tục HPHLS để các quy trình được thực hiện một cách nhanh chóng hơn. Những lợi ích này càng được nhấn mạnh khi mà hầu hết các cường quốc trên thế giới đều gia nhập Công ước Apostille, trong đó có nhiều quốc gia có các nhà đầu tư lớn, cũng như phát sinh nhiều quan hệ có yếu tố nước ngoài với Việt Nam, cụ thể: EU, Hoa Kỳ, Ca-na-đa, Úc, Anh… Các chủ thể của các quốc gia này đã áp dụng và làm quen với việc cấp Apostille, nên khi cần thực hiện thủ tục này tại Việt Nam cũng sẽ yên tâm hơn sau khi Việt Nam gia nhập Công ước này.
Năm là, việc gia nhập Công ước Apostille sẽ đánh dấu cột mốc mới trong quá trình tham gia vào các ĐUQT đa phương, tăng cường mức hội nhập của Việt Nam. Công ước Apostille là một trong những ĐUQT đa phương có ảnh hưởng đến toàn cầu. Gia nhập Công ước Apostille giúp tăng cường mức độ của Việt Nam tham gia vào các ĐUQT đa phương, tăng cường mức độ hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Sáu là, việc gia nhập Công ước Apostille giúp Việt Nam hoàn thiện pháp luật về HPHLS. Khi Việt Nam gia nhập Công ước Apostille, các điều khoản của Công ước Apostille sẽ trở thành các quy phạm của pháp luật Việt Nam áp dụng cho thủ tục HPHLS phục vụ các giao dịch, quan hệ giữa các bên trong quan hệ có yếu tố nước ngoài. Đây là cách thức hiệu quả và ít tốn kém để hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong thủ tục HPHLS và tác động tích cực tới việc hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp với các quốc gia trên thế giới.
Bảy là, việc gia nhập Công ước Apostille giúp cho các hoạt động tố tụng của Tòa án diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn, nhất là các vụ việc có yếu tố nước ngoài. Quy trình HPHLS thường tốn nhiều thời gian và công sức, do phải qua nhiều cơ quan chức năng tại cả hai quốc gia. Việc miễn hợp pháp hóa giúp rút ngắn thời gian, giảm bớt gánh nặng hành chính và tăng cường hiệu quả trong việc xử lý các vụ việc có yếu tố nước ngoài. Khi các quốc gia đã thỏa thuận hoặc cam kết về miễn HPHLS, các tài liệu, chứng từ được sử dụng trong hoạt động xét xử của Tòa án sẽ có tính pháp lý cao hơn, bảo đảm minh bạch và chính xác. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các vụ việc có yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều. Miễn HPHLS giúp cho việc xác minh, sử dụng các tài liệu từ nước ngoài trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn, từ đó, hỗ trợ tốt hơn cho quá trình giải quyết các tranh chấp quốc tế. Miễn HPHLS đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả, tính minh bạch và pháp lý của các hoạt động xét xử tại Tòa án. Nó không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn tăng cường hợp tác tư pháp quốc tế, hỗ trợ cho việc giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài một cách hiệu quả và công bằng. Việc áp dụng quy định này đòi hỏi sự hợp tác và cam kết chặt chẽ giữa các quốc gia, góp phần xây dựng một hệ thống tư pháp toàn cầu minh bạch và hiệu quả.
Hiện tại, trong khối ASEAN đã có bốn quốc gia là thành viên của Công ước Apositille, bao gồm: Brunei, Philippines, Singapore và Indonesia. Theo đó, Việt Nam có thể dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia thành viên trên để chuẩn bị tốt cho việc gia nhập Công ước Apostille, cụ thể:
Philippines là thành viên của Công ước Apostille từ ngày 14/5/2019. Trước khi gia nhập Công ước Apostille, các dấu chứng nhận/HPHLS trên giấy tờ của Philippines chỉ có thời hạn 05 năm, nhưng sau khi Công ước Apostille có hiệu lực, Philippines không còn áp dụng thời hạn này. Tại Philippines, Bộ Ngoại giao cấp dấu Apostille, dấu Apostille điện tử sẽ kèm theo một mã QR, chỉ cần scan và thông tin về dấu Apostille được cấp sẽ hiển thị đầy đủ. Chữ ký điện tử là yếu tố quan trọng, cần thiết để vận hành hệ thống eAPP này. Cổng thông tin của Chính phủ cũng là nơi thư điện tử chính thức được sử dụng để nộp các yêu cầu và xác minh về tính xác thực của giấy tờ. Cơ quan có thẩm quyền của Philippines đã tổ chức xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ làm việc trực tiếp: chương trình đào tạo cấp chứng chỉ cho người thực hiện việc cấp dấu Apostille, cung cấp thông tin, các cuộc họp phối hợp, làm việc với các cơ quan thi hành pháp luật để hạn chế lừa đảo, giấy tờ giả và tội phạm mạng, làm việc với các tổ chức thanh toán trực tuyến. Tại Philippines, mức phí hợp lý dưới 02 đô la cho một dấu Apostille.
Tại Singapore, Công ước Apostille có hiệu lực tại quốc gia này từ ngày 16/9/2021. Bộ Pháp luật Singapore đã chuẩn bị trong 05 năm và ngay trong giai đoạn này đã quan tâm đến việc số hóa. Quá trình này đòi hỏi sửa đổi quy định pháp luật trong nước, tìm kiếm các công nghệ thích hợp, làm việc với giới học thuật và luật sư, công chứng viên, học tập kinh nghiệm của nước ngoài, đặc biệt là các nước thuộc hệ thống thông luật (common law) như Anh, Hồng Kông (Trung Quốc), Úc, Niu Di-lân và thu thập ý kiến của các chủ thể có liên quan. Các phát triển trong công nghệ thông tin cũng được ứng dụng trong việc cấp dấu Apostille. Việc cấp dấu Apostille cần được thực hiện thông qua luật sư và công chứng viên. Việc cấp dấu Apostille áp dụng một quy trình duy nhất cho tất cả các nước, kể cả các nước không phải thành viên Công ước Apostille, để không phải cập nhật các nước thành viên Công ước. eAPP cũng được triển khai tại Singapore, công nghệ chuỗi khối blockchain áp dụng với việc xác thực một số văn bản như các chứng chỉ học thuật.
Hiện nay, các quốc gia ASEAN chưa tham gia một ĐUQT hoặc cùng nhau xây dựng một ĐUQT nào về miễn HPHLS. Số lượng các quy phạm pháp luật trong các ĐUQT cần được phát triển bằng cách khẩn trương, nhanh chóng đàm phán ký kết, tham gia các ĐUQT về miễn HPHLS nhằm tạo hành lang pháp lý cho thủ tục HPHLS. Việc xúc tiến ký kết, tham gia các ĐUQT mới, phải kết hợp với việc thực hiện tốt các ĐUQT mà Việt Nam đã ký kết, tham gia, nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam và các quốc gia ASEAN trên trường quốc tế. Vì vậy, cần có khung pháp lý chung về miễn HPHLS giấy tờ, tài liệu của quốc gia thành viên ASEAN để thủ tục HPHLS rườm rà, phức tạp không làm hạn chế quyền và lợi ích của các bên.
Thứ ba, cần đẩy mạnh và tăng cường các thủ tục trực tuyến và số hóa thủ tục miễn HPHLS.
Thủ tục HPHLS theo cách thức truyền thống đã tỏ ra lỗi thời trước những thay đổi của thời đại công nghệ 4.0, cũng như bộc lộ nhiều hạn chế nhất định khi có những sự kiện khách quan ngoài ý muốn xảy ra như dịch bệnh Covid-19… Những trở ngại về thủ tục HPHLS gây ra khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào thị trường Việt Nam, hoặc làm cản trở việc xác lập, thực hiện, thay đổi hay chấm dứt các quan hệ của cá nhân, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cần phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, duy trì hệ thống quản lý chất lượng, từng bước nâng cao hiệu quả thực hiện HPHLS trực tuyến, giúp quy trình tối ưu theo hướng số hóa và công nghệ cao. Do đó, thủ tục miễn HPHLS cần được thực hiện thông qua dấu xác nhận điện tử một cách linh hoạt và hiệu quả, nhằm rút ngắn thời gian giải quyết, đồng thời, tạo thuận lợi cho chủ thể yêu cầu miễn HPHLS.
Thứ tư, cần nâng cao năng lực áp dụng pháp luật cho các chủ thể có thẩm quyền.
Loại giấy tờ, tài liệu được miễn HPHLS đã được quy định cụ thể trong các ĐUQT mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, từ những thực trạng đã phân tích, có thể thấy, các chủ thể vẫn gặp nhiều khó khăn đối với các loại giấy tờ, tài liệu này. Điều này xuất phát từ lý do một số chủ thể có thẩm quyền HPHLS còn hạn chế về năng lực nhận thức và áp dụng pháp luật. Do đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thường xuyên mở các lớp tập huấn, đào tạo chuyên sâu về HPHLS và các trường hợp miễn HPHLS theo các ĐUQT mà Việt Nam là thành viên, hoặc theo nguyên tắc có đi có lại, để nâng cao khả năng áp dụng pháp luật của các chủ thể có thẩm quyền, phải bảo đảm được tất cả cán bộ, công chức đều hiểu đúng nội dung quy định của pháp luật trước khi áp dụng trong thực tiễn, tránh trường hợp áp dụng không đúng quy định của pháp luật, hoặc có hành vi lạm quyền gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp,… có thể phối hợp cùng nhau để tổ chức các hội thảo quốc tế với sự tham gia của các cán bộ, chuyên gia trong và ngoài nước, nhằm cập nhật những cải tiến về thủ tục HPHLS, cũng như các trường hợp miễn HPHLS cho các cán bộ và cơ quan có thẩm quyền HPHLS tại Việt Nam.
Kết luận
Thông thường, HPHLS là một quá trình gồm nhiều bước, trong đó, các giấy tờ, tài liệu phải được xác nhận bởi các cơ quan chức năng của quốc gia nơi chúng được phát hành và sau đó, phải được hợp pháp hóa bởi đại sứ quán hoặc lãnh sự quán của quốc gia mà giấy tờ sẽ được sử dụng. Quá trình này có thể tốn nhiều thời gian và chi phí. Do vậy, việc miễn HPHLS giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các cá nhân và tổ chức khi họ cần sử dụng các giấy tờ, tài liệu của mình tại nước ngoài. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng trong trường hợp hai quốc gia có thỏa thuận hoặc là thành viên của các công ước quốc tế về miễn HPHLS như Công ước Apostille. Trên cơ sở phân tích các ĐUQT về miễn HPHLS, bài viết đưa ra khuyến nghị về việc Việt Nam nên cân nhắc gia nhập Công ước Apostille bởi nhiều lợi ích mà nó mang lại, đồng thời, cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết về mặt nhân sự, kỹ thuật để thực thi hiệu quả các quy định về miễn HPHLS.
Nguồn Tạp chí TAND số 19 năm 2024.
Tài liệu tham khảo
1. Công ước La Hay ngày 05/10/1961 về việc miễn hợp pháp hóa đối với giấy tờ công của nước ngoài (Công ước Apostille).
2. Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Cam-pu-chia.
3. Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Lào.
4. Hiệp định lãnh sự giữa Việt Nam và Cam-pu-chia.
5. Hiệp định lãnh sự giữa Việt Nam và Lào.
6. Nguyễn Hồng Bắc, Công ước La Hay năm 1961 về miễn hợp pháp hóa tài liệu công nước ngoài và sự cần thiết gia nhập của Việt Nam, Tạp chí Luật học, số 5, năm 2017.
7. Hague Conference on Private International Law, How to join and implement the Hague Apostille Convention - Brief Implementation Guide, Permanent Bureau, 2006.
8. Hague Conference on Private International Law, Conclusions and Recommendations of the Special Commission on the practical operation of the Hague Apostille, Service, Evidence and Access to Justice Conventions, Permanent Bureau, 2009.
9. Hague Conference on Private International Law, Conclusions and Recommendations of the Special Commission on the Practical Operation of the Apostille Convention, Permanent Bureau, 2012.
10. Hague Conference on Private International Law, Sổ tay hoạt động thực tiễn của Công ước Apostille, Nxb. Lao động, năm 2014.
11. T. David Hoyle, Seal of Disapproval: International Implications of South Carolina's Notary Statute, 3 S.C. J. Int'l L. & Bus. 1, Bluebook 20th ed., 2006.
[1] Apostille là một danh từ bắt nguồn từ động từ tiếng Pháp apostiller, có nghĩa là phần ghi thêm bên lề của một văn bản viết tay hoặc ở cuối một văn bản.
[2] Điều 1 Công ước Apostille năm 1961.
[3] Điều 2, Điều 9 Công ước Apostille năm 1961.
[6] Điều 41 Hiệp định lãnh sự giữa Việt Nam và Cam-pu-chia; Điều 36 Hiệp định lãnh sự giữa Việt Nam và Lào.
[7] Khoản 4 Điều 2 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.
[8] Hague Conference on Private International Law, How to join and implement the Hague Apostille Convention - Brief Implementation Guide, Permanent Bureau, 2006, tr.18.
[9] Hague Conference on Private International Law, Sổ tay hoạt động thực tiễn của Công ước Apostille, Nxb. Lao động, 2014, tr.29.
[10] T. David Hoyle, Seal of Disapproval: International Implications of South Carolina's Notary Statute, 3 S.C. J. Int'l L. & Bus. 1, Bluebook 20th ed., 2006, tr.5.
[11] Tham khảo tại Hague Conference on Private International Law, Conclusions and Recommendations of the Special Commission on the Practical Operation of the Apostille Convention, Permanent Bureau, 2012, tr.3; Hague Conference on Private International Law, Conclusions and Recommendations of the Special Commission on the practical operation of the Hague Apostille, Service, Evidence and Access to Justice Conventions, Permanent Bureau, 2009, tr.11.
[12] Nguyễn Hồng Bắc, Công ước La Hay năm 1961 về miễn hợp pháp hóa tài liệu công nước ngoài và sự cần thiết gia nhập của Việt Nam, Tạp chí Luật học, số 5, năm 2017, tr.19.
Ảnh minh họa. Ảnh: TL
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Ngày Xuân, Cột cờ Lũng Cú cảnh đẹp mê hoặc lòng người
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Xuân mới, cơ hội mới, khí thế mới!
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
Bình luận