Quy định về thủ tục rút gọn và thực tiễn tại áp dụng tại Tòa án cấp huyện

BLTTDS năm 2015 quy định thủ tục rút gọn là thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết vụ án dân sự có đủ điều kiện với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật. Trong phạm vi bài viết này, Tác giả xin đề cập đến những quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục rút gọn trong giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục sơ thẩm và thực tiễn giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn tại Tòa án cấp huyện:

         1. MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC RÚT GỌN

  Về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn

        Theo quy định tại khoản 1 Điều 317 BLTTDS, Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau đây:

[1] Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;

[2] Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;

[3] Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.

        Đây là quy định hoàn tòa mới của BLTTDS năm 2015. Các vụ án dân sự nếu có đủ điều kiện như trên này thì Tòa án có quyền áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường. Qua đó, việc giải quyết vụ án sẽ nhanh chóng hơn nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật.

        Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Quốc Hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

[1] Trong hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho bên nhận bảo đảm hoặc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền xử lý tài sản bảo đảm;

[2] Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật;

[3] Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự giải trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.

         Thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục rút gọn

        Đối với vụ án dân sự giải quyết theo thủ tục thông thường, thời hạn chuẩn bị giải quyết là 04 tháng, kề từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án dân sự có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng (Xem khoản 1 Điều 203 BLTTDS năm 2015).

        Theo quy định tại khoản 1 Điều 318 BLTTDS năm 2015, thời hạn chuẩn bị xét xử là 01 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý vụ án theo thủ tục rút gọn. Điểm khác biệt so với việc giải quyết vụ án theo thủ tục thông thường là thủ tục rút gọn không có quy dịnh về gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử.

        Theo quy định tại khoản 3 Điều 317 của BLTTDS năm 2015, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án phải ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường, cụ thể là:

[1] Phát sinh tình tiết mới mà các đương sự không thống nhất do đó cần phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc cần phải tiến hành giám định;

[2] Cần phải định giá, thẩm định giá tài sản tranh chấp mà các đương sự không thống nhất về giá;

[3] Cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

[4] Phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

[5] Phát sinh yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập;

[6] Phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.

         Trường hợp chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính lại kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.

 Quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn

        So với việc giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục thông thường thì giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn cũng có nhiều điểm khác biệt. Nếu như theo thủ tục thông thường thời hạn mở phiên tòa là 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng thì đối với thủ tục rút gọn thời hạn mở phiên tòa là 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn tại phiên tòa do 01 Thẩm phán giải quyết. Quy định này cũng khác so với giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục thông thường.

        Nếu như theo thủ tục thông thường thì đương sự không có quyền khiếu nại, viện kiểm sát không có quyền kiến nghị đối với quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án thì theo thủ tục rút gọn trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn, đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị về quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn, Chánh án Tòa án phải ra một trong các quyết định sau đây: [1] Giữ nguyên quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn; [2] Hủy quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn và chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án Tòa án là quyết định cuối cùng và phải được gửi ngay cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp (Điều 319 BLTTDS năm 2015).

   Phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn

        Theo quy định tại Điều 320 của BLTTDS năm 2015 thì có sự khác biệt giữa thủ tục rút gọn và thụ tục thông thường. Đó là:

        Thủ tục giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn sẽ không tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải riêng mà Thẩm phán tiến hành hòa giải, công khai chứng cứ ngay sau khi khai mạc phiên tòa, trừ các trường hợp không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được theo quy định của BLTTDS năm 2015. Trường hợp đương sự thỏa thuận được với nhau về toàn bộ các vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Thẩm phán kết thúc phiên tòa, sau 7 ngày kể từ ngày phiên tòa kết thúc ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự. Trường hợp đương sự không thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Thẩm phán tiến hành xét xử theo thủ tục chung.

        Trường hợp tại phiên tòa mà phát sinh tình tiết mới như: [1] Phát sinh tình tiết mới mà các đương sự không thống nhất do đó cần phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc cần phải tiến hành giám định; [2] Cần phải định giá, thẩm định giá tài sản tranh chấp mà các đương sự không thống nhất về giá; [3] Cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; [4] Phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;[5] Phát sinh yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập; [6] Phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Thẩm phán xem xét, ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Trong trường hợp này, thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.

         Tạm ứng án phí và án phí

        Theo quy định tại khoản 4 Điều 7 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án (Nghị quyết 326) thì mức tạm ứng án phí trong vụ án dân sự giải quyết theo thủ tục rút gọn bằng 50% mức tạm ứng án phí theo thủ tục thông thường quy định tại Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326, trừ các trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.

        Về án phí trong vụ án dân sự, án phí giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn bằng 50% mức án phí theo thủ tục thông thường quy định tại Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326, trừ các trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí. Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn thì các đương sự phải chịu 50% án phí giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn, tức là bằng 25% án phí giải quyết vụ án theo thủ tục thông thường.

     2. THỰC TIỄN GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ THEO THỦ TỤC RÚT GỌN TẠI TÒA ÁN CẤP HUYỆN.

             Thực tiễn áp dụng

        Mặc dù BLTTDS năm 2015 đã có quy định về việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn và thực tiễn có nhiều vụ án điều kiện giải quyết theo thủ tục rút gọn nhưng phần lớn các Thẩm phán chọn giải quyết vụ án theo thủ tục thông thường và rất ít vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn. Tác giả xin nêu một vài trường hợp có thể giải quyết theo thủ tục rút gọn như:

[1] Vụ án tranh chấp về tiền hụi: Thực tiễn cho thấy đa số các vụ án tranh chấp về tiền hụi đều được Tòa án hòa giải thành ngay lần hòa giải đầu tiên.

[2] Vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản mà bị đơn đã ký biên nhận nợ rõ ràng hoặc tranh chấp đã được hòa giải ở cơ sở, bị đơn thừa nhận nợ nhưng không trả nợ như cam kết. Đối với những vụ án như thế này thì Thẩm phán thường hòa giải thành ngay từ lần hòa giải lần đầu.

        Lý do Thẩm phán hòa giải thành các vụ án nêu trên là vì bị đơn phần lớn là thừa nhận nợ và đồng ý trả nợ theo yêu cầu khởi kiện của bị đơn. Những vụ án này, Tòa án không cần phải thu thập thêm tài liệu, chứng cứ gì khác. Rõ ràng đối chiếu với quy định tại Điều 317 của BLTTDS thì các vụ án này đã đủ điều kiện giải quyết theo thủ tục rút gọn. Khi giải quyết vụ án đương  sự được giảm 50% án phí so với án phí giải quyết vụ án theo thủ tục thông thường.

         Qua nghiên cứu, tác giả cho rằng, sở dĩ Thẩm phán lựa chọn giải quyết vụ án nêu trên theo thủ tục thông thường mà không chọn giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn là vì những lý do sau:

      Thứ nhất: Thời hạn giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn nhanh hơn, có ít thời gian chuẩn bị phiên tòa hơn so với thời hạn giải quyết theo thủ tục thông thường 

      Thứ hai: Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

         Đề xuất 

        BLTTDS chỉ quy định về điều kiện để Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn và quy định chuyển vụ án từ thủ tục rút gọn sang giải quyết theo thủ tục thông thường, mà không đưa ra quy định cụ thể về việc khi vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn Thẩm phán có bắt buộc phải thụ lý vụ án theo thủ tục rút gọn hay không. 

      Giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng, sẽ rất tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và đương sự. Do đó, việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn nên được áp dụng rộng rãi hơn và cần được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn nhất quán, cụ thể.

 

 Dương Tấn Thanh - Thẩm phán TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh