Quy hoạch đường hay cố tình xé nát đất của dân?

Lý giải "đường cong mềm mại" của con đường quy hoạch, một lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị thị xã Ninh Hòa cho biết vì phía trước là đồi núi, nếu đi thẳng thì khối lượng thực hiện công trình rất lớn nên phải chuyển hướng ra quốc lộ. Tuy nhiên, một con đường khác lại sẵn sàng đi thẳng vào dãy đồi núi mà không sợ khối lượng công trình đồ sộ. Và cả hai con đường này có điểm chung là xé nát đất của một người dân.

“Đường cong mềm mại” vì phải tránh núi

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Trị, ông Nguyễn Thành sử dụng gần 26.000m2 đất mặt tiền Quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Ninh Hòa (nay là P.Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa). Năm 2007, khoảng hơn 2/3 diện tích đất này bị thu hồi để xây dựng Trường Trung cấp nghề Ninh Hòa. Gia đình bà Trị được nhà nước đền bù hơn 5.000m2 đất, phần còn lại (mặt tiền Quốc lộ 1A) bà không được đền bù vì chính quyền địa phương xác định là đất bà khai hoang, lấn chiếm mà không sử dụng (Tạp chí TAND sẽ thông tin chi tiết ở bài sau).

Đối với khoảng 1/3 diện tích đất còn lại (gần 8.000m2), bà Trị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sử dụng ổn định. Cho đến hiện tại, phần đất này do em gái bà đứng tên.

Từ khi huyện Ninh Hòa phát triển thành thị xã Ninh Hòa, khu đất có diện tích lớn trên địa bàn, đặc biệt là mặt tiền Quốc lộ 1A trở thành hiếm hoi. Đó là lý do vì sao khu đất của gia đình bà Trị được nhiều người hỏi mua hoặc gợi ý hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên, những người hỏi mua họ trả cái giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường, người đề nghị hợp tác kinh doanh thì lại muốn chia lợi nhuận 70-30 (gia đình bà Trị được hưởng 30%).

Sau khi khước từ mọi lời đề nghị, khu đất của gia đình bà Trị lọt ngay vào quy hoạch. Và một khu đất vuông vứt, đẹp đẽ bị quy hoạch xé nát thành 5 phần lởm chởm. Bạn đọc có thể xem những phần được tô đỏ trong hình sẽ hình dung ra vì thật khó để có thể sử dụng ngôn ngữ miêu tả cho những chởm đất như thế này.

 

Khu đất của gia đình bà Trị được viền vàng, và những phần bôi đỏ chính là việc xé nát đất dân khi quy hoạch đường

Khu đất của gia đình bà Trị được viền vàng, và vị trí được bôi màu đỏ chính là chởm đất bị xé ra khi quy hoạch đường

Đối với chởm đất lớn nhất lại được thị xã Ninh Hòa tiếp tục quy hoạch để xây dựng cơ sở giáo dục đào tạo. PV Tạp chí Tòa án đã liên hệ với Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề thị xã Ninh Hòa, trả lời qua điện thoại, vị Hiệu trưởng này khẳng định trường không có đề án mở rộng vì diện tích hiện tại đã đủ sử dụng.

Trước đó, ngay khi Trường Trung cấp nghề đưa vào hoạt động, vì diện tích còn dư thừa nên đã để cho một công ty may mượn tạm một khu vực đất để mở xưởng may hoạt động cũng như hỗ trợ sinh viên học tập. Như vậy, có thể khẳng định Trường Trung cấp nghề chắc chắn không có nhu cầu mở rộng diện tích, có chăng chỉ là nhu cầu của một vài cá nhân nào đó (không thuộc Trường Trung cấp nghề) muốn khu đất này lọt vào quy hoạch.

Theo xác minh của PV Tạp chí Tòa án, con đường quy hoạch và xé nát khu đất của dân nói trên được đặt tên là đường số 7, với điểm đầu là Công an thị xã Ninh Hòa và điểm cuối là Quốc lộ 1A. Ngay tại điểm cuối cũng là điểm dốc của đèo, theo quy chuẩn quốc gia những nơi như thế không được mở lối mở hoặc ngã tư. Thế nhưng, theo đề án quy hoạch nơi đây sẽ được mở ngã tư!

Trả lời PV , một lãnh đạo phòng Quản lý đô thị thị xã Ninh Hòa cho rằng việc xây dựng đề án quy hoạch được các ban, ngành nghiên cứu kỹ lưỡng và nó phù hợp với điều kiện địa hình, tiêu chuẩn.

 

Với lý do khối lượng đào đấp công trình lớn nên con đường không thể đi thẳng (như đường kẻ song song màu đỏ) mà phải bẻ cong ra điểm dốc (khu vực khoanh đỏ) trên Quốc lộ 1A.

Đối với việc vì sao không mở đường thẳng lên ngã 3 phía trên mà lại có “đường cong mềm mại” như thế, vị lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị cho rằng do phía trước là đồi núi, khối lượng đào đấp công trình sẽ rất lớn nên không thể để con đường đi thẳng được. Và vị lãnh đạo này vẫn sử dụng câu trả lời cũ: “Phù hợp với địa hình và đảm bảo thông số kỹ thuật”!

Cái sau đá cái trước!

Ở một khu đất thứ 2 cũng thuộc địa bàn thị xã Ninh Hòa và cũng thuộc quyền quản lý sử dụng của gia đình bà Nguyễn Thị Trị đã minh chứng cho câu trả lời “phù hợp với địa hình và đảm bảo thông số kỹ thuật” của vị lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị là hài hước.

Theo đó, khu đất này cũng “được “ quy hoạch đường xé thành 2 "chởm". Và con đường quy hoạch này cũng xuất hiện sau khi gia đình bà Trị khước từ những đề nghị mua bán với giá rẻ mạt.

Khu đất của gia đình bà Trị được viền màu vàng. Phần bôi đỏ là hình dạng của khu đất sau khi "được" quy hoạch đường. Theo hướng con đường thì phần bôi màu xanh chính là đồi núi chắn phía sau

Hài hước nhất ở đây chính là con đường đâm thẳng vào dãy núi phía sau mà những người đã vẽ ra nó có thể đã không tính toán đến cái gọi là “phù hợp với địa hình, khối lượng đào đấp công trình”. Và con đường này chỉ cách con đường song song với nó chỉ khoảng 50m.

Trả lời tính khả thi của con đường quy hoạch này, vị lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị thị xã Ninh Hòa cho rằng việc lập quy hoạch, địa phương thuê 1 công ty tư vấn thiết kế để làm. “Tôi sẽ đề nghị họ (công ty tư vấn thiết kế - PV) thông tin các thông số kỹ thuật và sẽ thông tin lại anh sau khi xong bầu cử” – vị lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị cho biết.

Hiện tại, đồ án quy hoạch 1/5000 (có những con đường như đã nói ở trên) đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt từ năm 2019. Tuy nhiên, ở tầm quản lý vĩ mô, lãnh đạo UBND tỉnh rất khó để nhận ra những bất hợp lý, những vấn đề chưa phù hợp. Vì ngay khi nó tồn tại, không những ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà nước.

Bởi lẽ, chi phí để khảo sát, nghiên cứu, thiết kế ... cho những quy hoạch tổng thể như thế được chi từ ngân sách nhà nước. Và khi nó không phù hợp, không khả thi thì những chi phí ấy vô tình trở thành lãng phí.

Bên cạnh đó, cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân để tạo được tính đồng thuận cao trong dân. Hướng tới phát triển giao thông đô thị, kinh tế xã hội phồn vinh, thịnh vượng.

 

 

THẾ MỸ - VƯƠNG PHƯƠNG