Quyền của bên cầm giữ tài sản theo pháp luật Việt Nam và một số quốc gia

Trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ phân tích quyền của bên cầm giữ theo pháp luật Việt Nam và một số quốc gia, từ đó chỉ ra một số hạn chế và đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Biện pháp bảo đảm cầm giữ tài sản được quy định trong Bộ luật Dân sự (BLDS) vẫn còn tương đối đơn giản và có thiên hướng tập trung bảo vệ quyền lợi của bên có nghĩa vụ và các bên thứ ba khác, trong khi quyền của bên cầm giữ tài sản chưa thực sự được chú trọng.

1. Biện pháp cầm giữ tài sản và đặc điểm

Trước đây, BLDS 2005 xem cầm giữ tài sản như là quyền của một bên trong hợp đồng song vụ[1], theo đó đây là việc bên có quyền đang chiếm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được cầm giữ tài sản khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng theo thỏa thuận. Như vậy, quan hệ cầm giữ tài sản có thể hiểu như một điều khoản trong hợp đồng cụ thể mà BLDS dự liệu, chứ không phải là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ[2].

Đến BLDS 2015, cầm giữ tài sản trở thành là một trong những biện pháp bảo đảm nghĩa vụ chính thức, thay vì như một quyền trong hợp đồng như trước đây. Việc công nhận cầm giữ tài sản là một biện pháp bảo đảm mang lại nhiều ý nghĩa như tránh được sự lạm dụng quyền cầm giữ, đồng thời giải quyết các vấn đề có liên quan khác như cưỡng chế thực hiện biện pháp bảo đảm này hoặc thứ tự ưu tiên trong tương quan với các chủ nợ khác[3].

Về phần BLDS 2015, cầm giữ tài sản được tiếp cận dưới dạng một cơ chế bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng cách gây sức ép thông qua hành vi cầm giữ tài sản đối với bên có nghĩa vụ nhằm buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ. Cụ thể, cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ (Điều 346). Biện pháp này được xác lập dựa trên quyền tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ giao tài sản mà trước đó được người có nghĩa vụ giao tài sản chiếm hữu hợp pháp cho đến khi bên có nghĩa vụ đối kháng liên quan đến tài sản đó thực hiện nghĩa vụ về phần mình[4].

So với các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ đối vật khác, cầm giữ tài sản này có một số đặc điểm tương đối đặc trưng sau:

Thứ nhất, biện pháp bảo đảm được xác lập khi nghĩa vụ đã bị vi phạm. Các biện pháp bảo đảm như cầm cố, thế chấp tài sản hầu hết được sinh ra nhằm mục đích để hạn chế và khắc phục nghĩa vụ trong trường hợp có sự vi phạm. Chính vì vậy, bản chất của các biện pháp này đều mang tính dự phòng và được xác lập trước khi có sự vi phạm nghĩa vụ. Tuy nhiên, đối với cầm giữ tài sản, thời điểm xác lập lại tương đối đặc biệt – khi đã có sự vi phạm nghĩa vụ. Cụ thể, cầm giữ tài sản được phát sinh từ thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Như vậy, biện pháp cầm giữ tài sản được xác lập sau khi có sự vi phạm nghĩa vụ.

Thứ hai, không cần sự thỏa thuận giữa các bên khi xác lập. Xuất phát từ cơ chế thực hiện việc bảo đảm - một bên chiếm lấy tài sản đang là đối tượng của hợp đồng song vụ để tạo sức ép cho bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ chính. Vì vậy, việc thỏa thuận trong trường hợp này là không cần thiết. Chính đặc điểm này mà nhiều ý kiến xếp cầm giữ tài sản vào các biện pháp bảo đảm phát sinh theo pháp luật.

Thứ ba, bên có quyền cầm giữ không được xử lý tài sản bảo đảm. Xét dưới góc độ BLDS, biện pháp cầm giữ tài sản hiện nay không tạo cho bên cầm giữ quyền xử lý tài sản bảo đảm như các biện pháp bảo đảm khác. Đồng thời, cũng không cho bên cầm giữ quyền ưu tiên khi tài sản được xử lý[5]. Đặc điểm này dễ thấy trong pháp luật của nhiều quốc gia như Anh, Pháp hay Nhật Bản và Việt Nam cũng tiếp cận theo hướng tương tự.

Về tổng quan, biện pháp cầm giữ hiện nay được quy định dường như tương đối đơn giản và chưa dự liệu được hết các vấn đề pháp lý phát sinh do quan hệ cầm giữ này mang lại[6]. Đặc biệt, nhiều quyền của bên cầm giữ tài sản được quy định trong BLDS hiện nay dường như có phần hạn chế hơn so với các quy định trước đây cũng như là pháp luật một số quốc gia. Điều này vô hình trung dẫn đến rủi ro cho bên cầm giữ dường như rất lớn so với các biện pháp bảo đảm khác.

2. Cơ chế xử lý tài sản bảo đảm

Cần khẳng định nội hàm của biện pháp cầm giữ tài sản hiện nay không bao gồm quyền xử lý tài sản bảo đảm. Theo BLDS, các quyền mà bên cầm giữ tài sản được trao bao gồm quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thanh toán chi phí cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ và quyền được khai thác tài sản cầm giữ để thu hoa lợi, lợi tức nếu được bên có nghĩa vụ đồng ý. Như vậy, nội hàm của quyền của bên cầm giữ theo Điều 348 của BLDS không bao gồm quyền cho phép bên cầm giữ xử lý tài sản đang là đối tượng của biện pháp cầm giữ. Để giải thích điều này, có ý kiến giải thích rằng “mục đích của biện pháp cầm giữ không phải là để hướng tới xử lý tài sản bảo đảm để bảo vệ cho bên có quyền, do đó việc xử lý tài sản bảo đảm không đặt ra trong quan hệ cầm giữ.”[7] Có lẽ vì vậy mà pháp luật lại không có quy định liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm như các biện pháp khác[8].

Bên cạnh đó, bên cầm giữ phải có nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn đối với tài sản cầm giữ. Quy định này tạo thêm nghĩa vụ cho bên cầm giữ, bởi nếu việc cầm giữ tài sản kéo dài có thể phát sinh nhiều chi phí trong việc bảo quản, giữ gìn. Mặt khác, việc bảo quản tài sản sẽ khiến cho nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ ngày càng lớn, khó tránh khỏi việc bên có nghĩa vụ bị đẩy vào tình trạng nghiêm trọng hơn khi không thể thực hiện nghĩa vụ. Pháp luật cũng không quy định thời gian tối đa để bên có nghĩa vụ đến hạn phải thực hiện nghĩa vụ hay bao lâu thì bên cầm giữ có thể thực hiện quyền xử lý tài sản để tự bảo vệ mình.

Thực tế, cầm giữ tài sản theo các luật chuyên ngành, chẳng hạn Luật Thương mại lại có nhiều quy định để giải quyết vấn đề này. Chẳng hạn, theo Điều 239 Luật Thương mại, bên cầm giữ được quyền định đoạt tài sản cầm giữ trong trường hợp hàng hoá có dấu hiệu bị hư hỏng, cụ thể: “thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có quyền định đoạt hàng hóa ngay khi có bất kỳ khoản nợ đến hạn nào của khách hàng. Trước khi định đoạt hàng hoá, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải thông báo ngay cho khách hàng biết về việc định đoạt hàng hoá đó. Mọi chi phí cầm giữ, định đoạt hàng hóa do khách hàng chịu”. Như vậy, rõ ràng pháp luật chuyên ngành có những quy định điều chỉnh về quyền xử lý tài sản cầm giữ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp này. Song, BLDS dường như lại thiếu sót các trường hợp như trên. Đặc biệt hơn, đối với các tài sản cầm giữ là hàng hóa chỉ sử dụng trong hạn ngắn, dễ biến chất theo thời gian (như nông sản, hải sản hay thực phẩm,…) việc không trao quyền cho bên có quyền cầm giữ vô tình dẫn đến bế tắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm trên thực tế.

Khi so sánh, dễ thấy pháp luật Trung Quốc có nhiều điểm tương đối đặc biệt và có phần nâng cao vị thế của bên cầm giữ. BLDS trao cho bên có quyền cầm giữ cho phép xử lý tài sản cầm giữ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Cụ thể, người có quyền lưu trí (quyền cầm giữ) và người có nghĩa vụ phải thỏa thuận về kỳ hạn thực hiện trái vụ sau khi lưu trí tài sản; nếu không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì người có quyền lưu trí phải cho người mang trái vụ kỳ hạn 60 ngày trở lên để thực hiện trái vụ, trừ động sản không dễ bảo quản như đồ tươi sống dễ hỏng (Điều 453). Đồng thời, các ứng xử pháp lý khi tài sản cầm giữ được xử lý tương đối phù hợp theo tinh thần của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Theo đó, quá thời hạn nêu trên, các bên có thể thỏa thuận để quy thành tiền, hoặc có thể ưu tiên nhận đền bù đối với khoản bán đấu giá, bán lấy tiền mặt của tài sản lưu trí. Đồng thời nếu quy ra tiền mặt hay bán tài sản thì phải tham chiếu giá thị trường[9].

Từ kinh nghiệm của pháp luật Trung Quốc, thiết nghĩ pháp luật Việt Nam cần sớm bổ sung thêm quy định về thời hạn để các bên thỏa thuận về việc thực hiện nghĩa vụ sau khi tài sản bị cầm giữ. Quá thời hạn trên, cần đưa ra các ứng xử của bên cầm giữ để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ (như quyền bán tài sản, hay được thu hoa lợi, lợi tức từ tài sản mà không cần sự đồng ý của bên bảo đảm,...). Đồng thời, cân nhắc bổ sung thêm quyền bán tài sản cầm giữ trong trường hợp hàng hóa cầm giữ là những hàng hóa dễ thiệt hại nếu không kịp thời xử lý.

3. Quyền thu giữ hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm giữ

Dưới góc độ kinh tế, tài sản bảo đảm một khi bị hạn chế đưa vào khai thác sẽ ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đối với các bên trong quan hệ bảo đảm, mà còn của toàn xã hội. Quyền khai thác đối với tài sản cầm giữ hiện nay gặp nhiều hạn chế đáng kể. Pháp luật hiện nay trao quyền cho bên cầm giữ theo hướng được khai thác tài sản cầm giữ để thu hoa lợi, lợi tức nếu được bên có nghĩa vụ đồng ý. Để làm rõ hơn, Nghị định 21/2021/NĐ-CP hướng dẫn về biện pháp bảo đảm cũng quy định bổ sung thêm - Tài sản cầm giữ phát sinh hoa lợi không phải là kết quả của việc khai thác tài sản cầm giữ thì bên cầm giữ phải giao lại hoa lợi này cho bên có nghĩa vụ (Điều 48).

Đáng bàn là bản chất của cầm giữ tài sản là một biện pháp phát sinh theo luật định, nếu đòi hỏi việc đạt được sự “đồng ý” của bên có tài sản bị cầm giữ liên quan đến việc khai thác tài sản để thu hoa lợi, lợi tức thì vô hình trung, quyền này sẽ rất khó để thực thi trên thực tế. Nếu so với quy định trước đây tại BLDS 2005, thì cách tiếp cận có phần tiến bộ hơn - bên cầm giữ có quyền thu hoa lợi từ tài sản cầm giữ và được dùng để bù trừ nghĩa vụ (Điều 416 khoản 2). Thực tế, quy định này được xem là sẽ giúp bên cầm giữ bù đắp các chi phí phát sinh từ việc cầm giữ, nhất là đối với các tài sản lớn (cần kho, bãi,…) và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán nợ của bên có nghĩa vụ.

Khi so sánh, cách tiếp cận hiện nay trong BLDS đã hạn chế quyền này một cách đáng kể. Theo đó, chỉ cần bên có nghĩa vụ không đồng ý, quyền này dường như chỉ mang tính chất tượng trưng hơn là thực sự hữu ích cho bên cầm giữ. Điều này khiến cho việc cầm giữ dường như không hẳn là một biện pháp bảo đảm nghĩa vụ theo đúng nghĩa. Bởi lẽ, nếu bên cầm giữ không có quyền khai thác tài sản hoặc nhận ưu tiên thanh toán từ tài sản đó để thỏa mãn quyền lợi của mình khi nghĩa vụ không được thực hiện, thì đây chỉ là một biện pháp khắc phục do vi phạm hợp đồng của một bên. Có lẽ từ khiếm khuyết này mà khi nói về sự bảo đảm của biện pháp này, một ý kiến đã nhận xét rằng trong cầm giữ tài sản, bên có quyền đã từ thế “chủ động” lại rơi vào thế “bị động” nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ để lấy lại tài sản[10].

Khác với cách tiếp cận của pháp luật Việt Nam, pháp luật nhiều quốc gia tiếp cận theo hướng trao cho bên cầm giữ các quyền này, mà không cần sự đồng ý của bên có nghĩa vụ. Điển hình theo BLDS Nhật Bản, Điều 297 Đoạn 1 có quy định người có quyền cầm giữ có thể thu các hoa lợi, lợi tức từ tài sản và giữ lại để đáp ứng yêu cầu của chính người đó trước những người có nghĩa vụ khác. Như vậy, người nắm giữ tài sản có quyền hưởng hoa lợi lợi tức đối với tài sản và dùng nó để trừ vào nghĩa vụ (trước những chủ nợ khác). Tương tự, BLDS Trung Quốc có quy định rằng, người có quyền lưu trí có nghĩa vụ bảo quản thích đáng tài sản lưu trí; nếu vì bảo quản không tốt khiến cho tài sản lưu trí bị hư hại, mất đi thì phải chịu trách nhiệm bồi thường. Đồng thời, người có quyền lưu trí có quyền thu lợi tức sinh ra của tài sản lưu trí. Lợi tức sinh ra được quy định ở khoản trên trước tiên cần phải dùng để bù đắp cho chi phí thu lợi tức sinh ra (Điều 452).

Như vậy, từ kinh nghiệm của Nhật Bản và Trung Quốc, sẽ phù hợp hơn nếu pháp luật Việt Nam trao cho bên cầm giữ quyền được thu giữ hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm giữ để bù đắp vào các chi phí sinh ra lợi tức, sau đó đến nghĩa vụ chính được bảo đảm.

4. Tính ưu tiên của quyền cầm giữ tài sản

Biện pháp bảo đảm nghĩa vụ một khi phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba sẽ mang lại hai lợi ích cho bên nhận bảo đảm, bao gồm quyền ưu tiên thanh toán và quyền truy đòi đối với tài sản bảo đảm[11]. Đối với cầm giữ tài sản, hiệu lực đối kháng với người thứ ba sẽ phát sinh kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản[12]. Tuy nhiên, điều này dường như không mang lại nhiều ý nghĩa cho bên cầm giữ trong cầm giữ tài sản, bởi do bên cầm giữ không được pháp luật trao quyền xử lý tài sản. Bên cạnh đó, hiệu lực đối kháng phát sinh từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản, do vậy, một khi tài sản bảo đảm vì lý do nào đó mà thoát khỏi sự kiểm soát và chiếm giữ của bên cầm giữ, quyền truy đòi cũng không còn ý nghĩa cho bên cầm giữ. Vì thế mà quyền cầm giữ tài sản được xem là một quyền khá hạn chế so với các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ khác.

Pháp luật một số quốc gia giành quyền ưu tiên cho bên cầm giữ, thậm chí trước cả các bên nhận bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng. Chẳng hạn, theo BLDS Trung Quốc, khi quyền lưu trí (cầm giữ), quyền thế chấp và chất quyền được thiết lập cùng lúc, lúc này người có quyền lưu trí được ưu tiên nhận đền bù (Điều 456 BLDS). Cách tiếp cận của này mang lại nhiều lợi thế cho bên cầm giữ, bởi nếu bên cầm giữ tài sản không được quyền ưu tiên khi xử lý tài sản bảo đảm, d dẫn đến nhiều tiêu cực phát sinh. Giả dụ một bên dùng tài sản đã được thế chấp đã đăng ký để đi sửa chữa, bảo dưỡng. Trường hợp này, việc sửa chữa làm nâng cấp giá trị của tài sản hơn so với ban đầu. Song bên có quyền cầm giữ trong trường hợp này lại không được ưu tiên xử lý so với các chủ nợ khác như bên nhận bảo đảm như bên thế chấp tài sản, dẫn đến quyền của bên cầm giữ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và như hệ quả tất yếu, bên cầm giữ sẽ tìm mọi cách để ngăn việc xử lý tài sản bảo đảm nếu phần nghĩa vụ của mình đã được thực hiện xong.

Nhìn lại, trước đây pháp luật Việt Nam cũng có cách tiếp cận tương tự như trên tại Văn bản hợp nhất 8019 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về giao dịch bảo đảm. Theo đó, trong trường hợp tài sản thế chấp đang bị cầm giữ theo quy định tại Điều 416 BLDS thì bên cầm giữ có trách nhiệm giao tài sản mà mình đang cầm giữ cho bên nhận thế chấp để xử lý theo quy định của pháp luật sau khi bên nhận thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ đã hoàn thành nghĩa vụ đối với bên cầm giữ[13]. Như vậy, pháp luật trước đây đã thừa nhận vai trò bảo đảm nghĩa vụ của cầm giữ tài sản, thậm chí còn cao hơn cả thế chấp. Thiết nghĩ hướng tiếp cận trước đây là phù hợp với bản chất của vật quyền bảo đảm pháp định[14] và vì vậy, việc bỏ quy định này dường như chưa thực sự hợp lý trong việc bảo vệ quyền lợi của bên cầm giữ.

Quyền truy đòi không có nhiều ý nghĩa trong biện pháp cầm giữ tài sản. Trước hết, bên cầm giữ phải cạnh tranh với các chủ nợ có bảo đảm khác trong việc dành quyền ưu tiên thanh toán. Một mặt, nếu bên cầm giữ không giao tài sản bảo đảm thì rất khó để có thể xử lý trong trường hợp này, và ngược lại nếu bên cầm giữ giao ra tài sản bảo đảm, bên cầm giữ làm mất đi hiệu lực đối kháng, do đó, việc ưu tiên thanh toán vẫn xếp sau các chủ nợ đã đăng ký khác. Điều này dẫn đến thế khó cho bên cầm giữ và các quy định về hiệu lực đối kháng cũng không mang lại nhiều ý nghĩa[15]. Vì vậy, thiết nghĩ sẽ hợp lý nếu pháp luật trao cho bên cầm giữ quyền ưu tiên xử lý cao hơn các bên bảo đảm khác, từ đó, sẽ giúp nâng cao tính bảo đảm trong biện pháp bảo đảm cầm giữ tài sản.

 


[1] Cầm giữ tài sản được quy định tại Điều 416 BLDS 2005, quy định này nằm trong phần Thực hiện hợp đồng dân sự.

[2] Phan Thị Hồng, Cầm giữ tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo pháp luật Việt Nam, Tạp chí Tòa án điện tử, xem tại: https://tapchitoaan.vn/cam-giu-tai-san-de-bao-dam-thuc-hien-nghia-vu-theo-phap-luat-viet-nam8841.html, truy cập ngày 12/7/2023.

[3] Xem Lê Vũ Nam (Chủ biên), Giáo trình Pháp luật về Bảo đảm nghĩa vụ, NXB. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, năm 2021, tr.223.

[4] Lê Vũ Nam (Chủ biên), tlđd, tr. 225.

[5] Xem Nguyễn Ngọc Điện, Pháp luật Cộng hòa Pháp về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ liên quan đến động sản: Quyền cầm giữ và bảo lưu quyền sở hữu và giá trị tham khảo cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp điện tử, xem tại: http://lapphap.vn/Pages/TinTuc/211386/Phap-luat-Cong-hoa-Phap-ve-bao-dam-thuc-hien-nghia-vu-lien-quan-den-dong-san--quyen-cam-giu--bao-luu-quyen-so-huu-va-gia-tri-tham-khao-cho-Viet-Nam.html, truy cập ngày 12/7/2023.

[6] Xem thêm Nguyễn Ngọc Điện, tlđd.

[7] Phan Thị Hồng, Cầm giữ tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo pháp luật Việt Nam, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, xem https://tapchitoaan.vn/cam-giu-tai-san-de-bao-dam-thuc-hien-nghia-vu-theo-phap-luat-viet-nam8841.html, ngày 7/7/2023.

[8] Một cách giải thích khác, bản chất của việc bên cầm giữ không thể chuyển giao hay sử dụng tài sản khi không có sự đồng ý của bên kia là do bản chất của cầm giữ tài sản chỉ là quyền tạm thời ngừng giao tài sản để thực hiện cầm giữ, do vậy bên cầm giữ phải có nghĩa vụ giữ gìn, bảo quản, không thay đổi tình trạng tài sản. Xem Lê Vũ Nam (2021), tlđd, tr.228-229.

[9] Tham khảo Bản dịch Bộ luật Dân sự Trung Quốc, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2021.

[10] Hoàng Đình Dũng, Cầm giữ tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Tạp chí Luật sư Việt Nam điện tử, xem tại: https://lsvn.vn/cam-giu-tai-san-theo-quy-dinh-cua-bo-luat-dan-su-2015.html, truy cập ngày 10/7/2023.

[11] Điều 297 khoản 2 BLDS 2015.

[12] Điều 347 khoản 2 BLDS 2015.

[13] Xem Điều 21 Văn bản hợp nhất số 8019/VBHN-BTP của Bộ Tư pháp ngày 10/12/2013.

[14] Hồ Quang Huy, Nhận diện khía cạnh pháp lý của biện pháp bảo lưu quyền sở hữu, cầm giữ tài sản trong BLDS năm 2015, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, xem tại: https://www.tapchitoaan.vn/nhan-dien-khia-canh-phap-ly-cua-bien-phap-bao-luu-quyen-so-huu-cam-giu-tai-san-trong-blds-nam-2015, truy cập ngày 10/7/2023.

[15] Điều 47 Nghị định 21 có quy định trường hợp cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan yêu cầu bên cầm giữ giao tài sản cầm giữ để giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật thì việc giao tài sản cầm giữ trong trường hợp này không phải là căn cứ chấm dứt cầm giữ.

ThS. LIÊN ĐĂNG PHƯỚC HẢI - NCS.ThS. MAI HOÀNG PHƯỚC (Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)