Quyền và nghĩa vụ định đoạt của cha mẹ đối với tài sản của con khi ly hôn - Thực trạng và kiến nghị

Cha, mẹ không chỉ có nghĩa vụ và quyền về nhân thân mà còn có nghĩa vụ và quyền về tài sản riêng của con chưa thành niên. Nghĩa vụ và quyền về tài sản của con không thay đổi khi cha mẹ ly hôn. Có nghĩa là khi cha mẹ sống chung có những nghĩa vụ và quyền gì thì khi ly hôn họ vẫn có nghĩa vụ và quyền đó mặc dù một trong hai người không phải là người trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, trên thực tiễn, việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ định đoạt của cha mẹ đối với tài sản của con khi cha mẹ ly hôn đã gặp một số bất cập, khó khăn.

1. Quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ định đoạt của cha mẹ đối với tài sản của con khi cha mẹ ly hôn

1.1. Tài sản của người con khi quản lý, sử dụng không thể tránh những trường hợp bị mất mát, hư hỏng. Khi đó, chi phí cho việc sửa chữa tài sản đó cần được thanh toán từ tài sản riêng của con. Trao quyền định đoạt cho cha mẹ là để cha mẹ có thể thanh toán hoặc sửa chữa tài sản. Ngoài ra, cha mẹ cũng được quyền định đoạt tài sản của con để bồi thường thiệt hại do con gây ra hay để đáp ứng cho nhu cầu cần thiết của con vì con chưa đủ trưởng thành để đưa ra những quyết định đúng đắn.

1.2. Điều 77 Luật HNGĐ 2014 có quy định cha mẹ có quyền định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên trong hai trường hợp:

Trường hợp thứ nhất, con dưới 15 tuổi thì cha mẹ quản lý tài sản riêng của con có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên phải xem xét nguyện vọng của con. Theo đó, chỉ cha mẹ quản lý tài sản của con thì mới được quyền định đoạt tài sản của con. Theo quy định tại Điều 76 Luật HNGĐ 2014 thì cha mẹ là người quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi. Cha mẹ cũng có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Cha mẹ không được quản lý tài sản của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ hoặc trong trường hợp người tặng cho tài sản hoặc để lại di sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Trường hợp thứ hai, con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, con được quyền định đoạt tài sản riêng, nếu tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ. Khi người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ thì người giám hộ có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ[1].

Trường hợp ngoại lệ, khi cha hoặc mẹ mất năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con thì quyền quản lý tài sản riêng của con thuộc về người còn lại và người này có quyền định đoạt tài sản riêng của con mà không cần có ý kiến của người kia.

1.3. Theo khoản 14 Điều 3 Luật HNGĐ 2014, khi ly hôn thì quan hệ vợ chồng sẽ chấm dứt theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Bên cạnh đó, ly hôn còn làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ và con sau ly hôn cũng như quyền tài sản của hai vợ chồng. Pháp luật Hôn nhân và gia đình không quy định cha mẹ khi ly hôn phải chia tài sản cho con cái. Việc tặng cho tài sản hay không tặng cho tài sản cho con hoàn toàn phụ thuộc quyền quyết định của cha, mẹ. Để tặng cho tài sản cho con thì cha, mẹ có thể thỏa thuận về việc tặng cho thông qua giao dịch tặng cho. Đối với giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử sụng, tài sản đưa vào kinh doanh thì người con có đầy đủ năng lực hành vi dân sự có thể tự mình đứng ra lập và ký hợp đồng tặng cho với cha mẹ. Còn với người con chưa thành niên thì thủ tục có phức tạp hơn cần có người đại diện tham gia vào giao dịch. Nếu cha mẹ lập hợp đồng tặng cho thì cha mẹ sẽ vừa đứng bên tặng cho vừa đứng bên nhận tặng cho với tư cách là người đại diện. Như vậy là vi phạm pháp luật vì người đại diện không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác[2]. Để giải quyết vướng mắc trên thì các tổ chức công chứng có thể hướng dẫn các bên lập văn bản (giấy) cam kết tặng cho con. Cách làm này không trái với quy định của pháp luật đồng thời đảm bảo được quyền lợi của cha mẹ và con. Sau khi lập văn bản cam kết tặng cho con thì cha mẹ tiến hành thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho con. Khi thỏa thuận việc tặng cho tài sản cho con, cha mẹ phải thỏa thuận người đại diện cho con. Đối với những vụ án tranh chấp hôn nhân gia đình có đương sự yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận tặng cho tài sản chung của vợ chồng cho con, thì chỉ khi vợ chồng thống nhất hết toàn bộ nội dung vụ án thì Tòa án lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành hoặc biên bản hòa giải thành. Sau thời gian 07 ngày, nếu các đương sự không có ý kiến thay đổi nội dung thỏa thuận thì Tòa án ra quyết định công nhận sự tự nguyên ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự hoặc quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Trường hợp vợ chồng không thống nhất được toàn bộ nội dung vụ án hoặc có một phần không thống nhất thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử.

1.4. Lưu ý: Đối với trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất, thì trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên người con, đồng thời sẽ ghi tên người đại diện của con là cha mẹ, có trường hợp là một bên cha hoặc mẹ theo thỏa thuận. Khi người con đủ 18 tuổi thì có thể đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai làm thủ tục đính chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bỏ phần đại diện).

Luật HNGĐ quy định cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên[3]. Về mặt pháp lý, nghĩa vụ và quyền đại diện cho con không thay đổi khi cha mẹ ly hôn. Nhưng khi quan hệ vợ chồng đã rạn nứt, mâu thuẫn sâu sắc, quan điểm khác biệt thường thì cha mẹ không muốn liên quan, gắn kết, không muốn cùng đứng ra làm người đại diện cho con. Khi làm thủ tục xác lập quyền sở hữu cho con đối với những tài sản cần phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì có trường hợp chỉ có một bên cha hoặc mẹ đứng tên người đại diện. Dẫn đến khi định đoạt tài sản của con chưa thành niên thì chỉ có cha hoặc mẹ là đại diện theo pháp luật của con, được ghi nhận trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, mới là người có quyền định đoạt tài sản. Việc định đoạt không có ý kiến của người cha hoặc mẹ còn lại nên ảnh hưởng đến quyền lợi của người này và của cả người con. Tác giả xin đưa ra một ví dụ để làm rõ thêm về vấn đề này:

2. Thực tiễn áp dụng pháp luật

2.1. Bà Nguyễn Huyền Loan đã ly hôn với chồng, có Quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn của Tòa án. Quyết định của Tòa án công nhận các thỏa thuận sau: Vợ chồng bà Loan thỏa thuận căn nhà là tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn không chia mà đem tặng cho người con chưa thành niên của họ; vợ chồng thỏa thuận giao con cho bà Loan trực tiếp nuôi dưỡng. Căn cứ quyết định công nhận việc thuận tình ly hôn của Tòa án, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đã đăng ký biến động quyền sử dụng đất từ tên chủ sử dụng đất là vợ chồng bà Loan (hoặc bà Loan) sang tên bà Loan với tư cách là người đại diện theo pháp luật của chủ sử dụng đất là người con chưa thành niên (dưới 18 tuổi). Như vậy, chủ sử dụng đất là con bà Loan, do bà Loan đứng tên trên giấy chứng nhận với tư cách là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên. Sau đó, bà Trịnh Minh Lam (tỉnh Sơn La) mua căn nhà có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở đứng tên bà Nguyễn Huyền Loan. Nhưng theo Quyết định công nhận việc thuận tình ly hôn của TAND huyện thì căn nhà thuộc quyền sử dụng, sở hữu của con bà Loan (mới 10 tuổi)[4].

2.2. Từ ví dụ trên, ban đầu căn nhà là tài sản chung của hai vợ chồng bà Nguyễn Huyền Loan, sau đó, vợ chồng bà thỏa thuận để căn nhà này cho người con 10 tuổi, bà Loan là người đại diện theo pháp luật. Với tư cách là người đại diện theo pháp luật của người con 10 tuổi bà Huyền Loan đã chuyển nhượng quyền sử dụng căn nhà cho bà Trịnh Minh Lam mà không cần có văn bản ý kiến của chồng bà. Nếu giao dịch này xuất phát từ lợi ích của người con và có xem xét nguyện vọng của người con thì hoàn toàn phù hợp, không có vấn đề gì tranh cãi. Nhưng nếu giao dịch này phát sinh tuy có ý kiến nguyện vọng của người con đồng ý chuyển nhượng căn nhà nhưng không vì lợi ích của người con chưa thành niên thì giao dịch này không hợp pháp. Việc xem xét nguyện vọng của người con đủ 09 tuổi không mang yếu tố quyết định mà chỉ mang tính chất tham khảo. Vì trẻ em đủ 09 tuổi không thể nhận thức đầy đủ để quyết định đúng đắn những tài sản thuộc về mình, đặc biệt là đối với những tài sản có giá trị lớn như quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, xe, số tiền lớn…

2.3. Trong trường hợp con đủ 15 tuổi, Luật HNGĐ 2014 đã quy định rõ việc định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ (không phân biệt cha mẹ có đang quản lý tài sản của con hay không), nên tác giả không đề cập. Tác giả nghiên cứu trường hợp con dưới 15 tuổi, cha mẹ quản lý tài sản của con được quyền định đoạt tài sản của con. Luật HNGĐ 2014 và BLDS 2015 không cho biết trường hợp cha mẹ đã ly hôn và chỉ có người cha hoặc mẹ được quyền đại diện và quản lý tài sản của con dưới 15 tuổi thì khi định đoạt tài sản của con có bắt buộc phải có sự thỏa thuận của cả cha mẹ hay không. Luật không quy định rõ nên mới có trường hợp người mẹ đã đứng ra định đoạt tài sản riêng của con khi không cần có ý kiến của người cha như ví dụ nêu trên.

2.4. Theo tác giả, mặc dù sau khi ly hôn cha mẹ có thỏa thuận chỉ một bên cha hoặc mẹ được quyền quản lý tài sản của con đã được ghi nhận trong văn bản thỏa thuận hoặc bản án, quyết định của Tòa án thì việc định đoạt tài sản trong trường hợp thứ nhất phải có ý kiến của cha hoặc mẹ đang quản lý tài sản của con và cả cha hoặc mẹ không quản lý tài sản của con, trừ những giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con. Bởi vì, nếu sau khi vợ, chồng đã ly hôn, việc định đoạt những tài sản lớn, có giá trị của con chưa đủ 15 tuổi chỉ được quyết định bởi một người cha hoặc mẹ đang quản lý tài sản của con dễ dẫn đến rủi ro người này định đoạt tài sản không vì lợi ích của con. Vì vậy, khoản 1 Điều 77 Luật HNGĐ 2014 cần được quy định bổ sung theo hướng sau khi cha, mẹ ly hôn, việc định đoạt tài sản của con chưa đủ 15 tuổi phải có sự đồng ý của cha, mẹ (không phân biệt cha, mẹ có đang quản lý tài sản của con hay không). Nếu tài sản cần định đoạt là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì sự đồng ý đó phải thể hiện bằng văn bản.

3. Kiến nghị

Dựa trên các kết quả phân tích ở trên, tác giả kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cần ban hành nghị quyết hướng dẫn quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật HNGĐ 2014 theo hướng:

Trường hợp sau khi ly hôn, chỉ có một người cha hoặc mẹ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, thì khi định đoạt tài sản đó phải có sự đồng ý của người cha hoặc mẹ không quản lý tài sản riêng của con (đối với tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì sự đồng ý phải bằng văn bản), trừ định đoạt tài sản nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con”.

Hướng giải quyết này sẽ hạn chế được việc người đang quản lý tài sản của con lạm dụng quyền của mình để tự định đoạt tài sản của con không vì lợi ích của con mà vì lợi ích của cá nhân họ, nhằm bảo vệ quyền lợi của người con và tránh phát sinh tranh chấp sau này.

 

NGUYỄN THỊ HỒNG NGỌC (TAND thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa)

Tài liệu tham khảo

1. Hiến pháp năm 2013.

2. Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

4. Luật Nuôi con nuôi năm 2015.

5. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

6. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.

7. Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986.

8. Luật Hôn nhân và gia đình (Sắc lệnh số 02/SL) năm 1959.

9. Luật Thi hành án dân sự năm 2008.

10. Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ngày 23/12/2000 về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.

11. Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

12. Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi.

13. Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.

14. Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của TANDTC, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

15. Đỗ Văn Đại, Nguyễn Nhật Thanh, Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Tạp chí TAND, số 05/2015, tr.2.

16. Nguyễn Ngọc Điện (2002), Bình luận khoa học Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam, Nxb. Trẻ.

17. Trần Thế Hệ, Thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi cha mẹ ly hôn còn nhiều bất cập, Tạp chí Luật sư Việt Nam, số 05/2015, tr.36-38.

18. Học viện Tòa án (2015), Kỹ năng xét xử giải quyết vụ án hành chính vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và hôn nhân gia đình (Tài liệu dành cho Hội thẩm nhân dân), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.

19. Ngô Thanh Hương, Quyền con người trong ly hôn theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam”, Tạp chí Kiểm sát, số 11/2016, tr.49-50.

20. Trường Đại học luật thành phố Hồ Chí Minh (2014), Giáo trình luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam (tái bản có sửa đổi, bổ sung), Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam.

21. Lê Văn Đài, Việc chuyển nhượng tài sản của con chưa thành niên, http:// baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Viec-chuyen-nhuong-tai-san-cua-con-chua-thanh-nien/173948.vgp, truy cập ngày 17/7/2024.


[1] Điều 47 và Điều 59 BLDS 2015.

[2] Khoản 3 Điều 141 BLDS 2015.

[3] Khoản 1 Điều 73 Luật HNGĐ.

[4] Lê Văn Đài, Việc chuyển nhượng tài sản của con chưa thành niên, http://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Viec-chuyen-nhuong-tai-san-cua-con-chua-thanh-nien/173948.vgp, truy cập ngày 17/7/2024.

Một phiên toà xử ly hôn - Ảnh: Nguồn Internet.