Quyết định hành chính mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết bị “điều chỉnh, sửa đổi” có phải là căn cứ tái thẩm không?

Sau khi Tòa án ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan hành chính lại ban hành quyết định mới “điều chỉnh, sửa đổi” một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án. Trường hợp “điều chỉnh, sửa đổi” này có được coi là căn cứ để xét lại bản án, quyết định theo thủ tục tái thẩm hay không?

Tính chất của tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó[1]. Khoản 4 Điều 352 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định một trong những căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là: “Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ”.

Tuy nhiên, thực tiễn có trường hợp sau khi Tòa án ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan nhà nước lại ban hành quyết định hành chính mới có nội dung “điều chỉnh, sửa đổi” một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính đã ban hành trước đó mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án. Trường hợp nội dung “điều chỉnh, sửa đổi” này làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án đã ban hành thì có được coi là căn cứ để xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực theo thủ tục tái thẩm hay không? Vấn đề pháp lý nêu trên còn có nhiều quan điểm khác nhau và đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật cụ thể nào cho trường hợp này.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, mặc dù quyết định hành chính mới ban hành không “hủy bỏ” quyết định đã ban hành trước đó, nhưng nội dung “điều chỉnh, sửa đổi” có ý nghĩa thay thế một phần hoặc toàn bộ nội dung của quyết định hành chính đã ban hành trước đó. Nói cách khác, quyết định hành chính đã ban hành trước đó đã bị mất hiệu lực về phần nội dung bị “điều chỉnh, sửa đổi”. Do vậy, nếu những nội dung “điều chỉnh, sửa đổi” này có ý nghĩa làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định của Tòa án thì được coi là căn cứ để xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo thủ tục tái thẩm.

Quan điểm thứ hai cho rằng, khoản 4 Điều 352 BLTTDS năm 2015 chỉ quy định trường hợp quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án bị “hủy bỏ”. Do vậy, trường hợp quyết định hành chính mới ban hành chỉ “điều chỉnh, sửa đổi” quyết định hành chính đã ban hành trước đó thì không được coi là căn cứ để xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục tái thẩm.

Đây cũng là vấn đề pháp lý được đặt ra trong vụ án “Yêu cầu chia tài sản chung và tranh chấp thừa kế” giữa nguyên đơn là cụ Dương Thế X với bị đơn là bà Dương Thị Bích V và 8 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo hồ sơ vụ án, nhà đất tại số 712 đường K, phường L, quận T, Tp Hồ Chí Minh có nguồn gốc do vợ chồng cụ X thuê đất của cụ Trần Văn R và xây dựng nhà năm 1962. Quá trình sử dụng, cụ X đăng ký nhà, đất theo Chỉ thị số 299/TTg ngày 10/5/1980 của Thủ tướng Chính phủ với diện tích đất 1.575m2. Năm 1993, cụ R có đơn yêu cầu gia đình cụ X trả đất. Tại Quyết định số 293/QĐ-UB-NN ngày 26/01/1994, Ủy ban nhân dân Tp Hồ Chí Minh đã bác đơn khiếu nại của cụ R; giao cụ X được tiếp tục sử dụng phần đất 1.457m2.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 188/2009/DS-PT các ngày 02, 03/7/2009, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Tp Hồ Chí Minh đã căn cứ vào Quyết định số 293/QĐ-UB-NN ngày 26/01/1994 nêu trên để xác định toàn bộ nhà đất tại số 712 K là tài sản chung của cụ X, cụ H; từ đó chia tài sản chung và chia thừa kế di sản theo yêu cầu của nguyên đơn. Sau khi có bản án phúc thẩm, ngày 10/10/2014, Ủy ban nhân dân Tp Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 4988/QĐ-UBND điều chỉnh, sửa đổi Quyết định số 293/QĐ-UB-NN ngày 26/01/1994 nêu trên, cụ thể công nhận cho gia đình cụ R được quyền sử dụng 630m2 đất, công nhận cụ X được sử dụng phần đất còn lại 831m2 tại số 712 đường K.

Tại Quyết định tái thẩm số 01/2018/DS-TT ngày 13/3/2018, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã nhận định: “…Quyết định số 4988/QĐ-UBND ngày 10/10/2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang có hiệu lực pháp luật, là tình tiết mới, làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó…. Trên cơ sở đó, Hội đồng Thẩm phán đã chấp nhận Quyết định kháng nghị tái thẩm của Chánh án TANDTC, hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm và bản án dân sự phúc thẩm về vụ án này để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với đường lối xét xử nêu trên của Hội đồng Thẩm phán cũng như quan điểm thứ nhất được đề cập ở trong bài viết này. Nhận định này của Hội đồng Thẩm phán TANDTC tại Quyết định tái thẩm nêu trên có thể được xem là sự bổ khuyết cho quy định của pháp luật về căn cứ để xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo thủ tục tái thẩm. Theo đó, quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án không nhất thiết phải bị “hủy bỏ” mới là căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Trường hợp quyết định của cơ quan nhà nước bị “điều chỉnh, sửa đổi” mà nội dung “điều chỉnh, sửa đổi” đó làm thay đổi căn bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi ra Tòa án ra bản án, quyết định đó thì cũng được coi là căn cứ để xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục tái thẩm.

Trên cơ sở đó, chúng tôi mong muốn đề xuất Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn Quyết định tái thẩm nêu trên là nguồn để phát triển án lệ, cũng như có hướng dẫn cụ thể về nội dung này trong Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLTTHS, BLTTDS, Luật Tố tụng hành chính về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

 

Đường Paster, Quận 1, TpHCM - Ảnh: Thái Vũ

 


[1] Điều 351 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Ths. TRẦN THỊ KIM ANH, Ths. NGUYỄN THỊ THU HỒNG (Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC)