Sách là người bạn đồng hành của nhân loại
Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam. Ngày 23/4 được UNESCO chọn là Ngày Ngày Sách và Bản quyền Thế giới. Đây là những sự kiện thúc đẩy văn hóa đọc, là niềm vui lớn cho những người yêu sách.
Thúc đẩy văn hóa đọc
Theo Quyết định của Thủ tướng, Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm: Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; Tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách; Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Trên thế giới, Ngày Sách Thế giới hoặc Ngày Sách và Bản quyền Thế giới, là một sự kiện hàng năm diễn ra vào ngày 23/4 do UNESCO tổ chức nhằm thúc đẩy việc đọc, xuất bản sách và quyền tác giả.
Đi cùng với sự phát triển của nhân loại sau khi phát minh ra chữ viết, sách là người bạn đồng hành cùng con người từ thế hệ này sang thế hệ khác, không kể Đông hay Tây, Nam hay Bắc.
Đánh giá cao tầm quan trọng của văn hóa đọc, trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Paris (ngày 25/10 – 16/11/1995), UNESCO đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm làm “Ngày sách và bản quyền thế giới”, trong đó nêu rất rõ mục tiêu và các thành phần tham gia ngày tôn vinh những giá trị của sách và sự đóng góp của các tác giả cho sự ra đời của các tác phẩm bất hủ. Ngày này được tổ chức hàng năm tại mỗi quốc gia nhằm bảo đảm cho mọi người khám phá và thỏa mãn sở thích đọc của mình, đồng thời là dịp để tôn vinh những tác giả đã có nhiều đóng góp cho sự tiến bộ văn hóa, văn minh xã hội của nhân loại. Đây cũng là dịp thể hiện sự hợp tác, hợp lực giữa các tác giả, các nhà xuất bản, trường học, các thư viện, các cơ quan Nhà nước, công ty tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tổ chức lễ kỷ niệm về sách và các tác giả.
Ý tưởng về Ngày Sách và Bản quyền Thế giới bắt nguồn từ một phong tục truyền thống rất đẹp ở Catalonia (Tây Ban Nha): Vào ngày 23/4 hàng năm, có rất nhiều hội chợ sách và các lễ hội đường phố được tổ chức, mỗi khách hàng sẽ được tặng một bông hồng kèm theo khi mua một cuốn sách trong ngày hôm đó. Ngày 23/4 còn là ngày mà cả ba đại văn hào của thế giới Cervantes, Shakespeare và Inca Garcilaso de la Vega đều qua đời sau khi để lại cho nhân loại những kiệt tác của mọi thời đại. Ngày này cũng là ngày sinh hoặc ngày giỗ của các tác giả nổi tiếng khác Maurice Druon, K.Laxness, Vladimir Nabokov, Josep Pla and Manuel Mejía Vallejo. Chính vì vậy, UNESCO mong muốn Ngày Sách và Bản quyền Thế giới sẽ là dịp để cả thế giới tôn vinh sách và những người sáng tạo ra chúng - những người đã có những đóng góp không gì thay thế được đối với sự phát triển văn hóa nhân loại; dịp để khuyến khích tất cả mọi người, nhất là giới trẻ, khám phá niềm yêu thích đọc sách, tôn vinh văn hoá đọc.
Hưởng ứng chủ trương của UNESCO, đồng thời để khẳng định những giá trị to lớn của sách báo, trên thế giới đã có trên 150 quốc gia tổ chức kỷ niệm “Ngày sách và bản quyền thế giới” với nhiều hoạt động thiết thực dưới nhiều hình thức và chủ đề phong phú khác nhau, thu hút được nhiều người tham gia, nhất là xây dựng được mối liên hệ mật thiết giữa các thư viện – nhà xuất bản – cơ quan phát hành – và bạn đọc.
Ở nước ta, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam.
Đọc sách ở Việt Nam
Vua Lê Thánh Tông từng chia sẻ công việc hàng ngày của mình rằng: “Trống canh ba còn đọc sách/ Chiêng xế bóng chửa thôi chầu”. Vậy là chiều tối vua còn ở trên triều bàn công việc mà đêm còn thức đến nửa đêm để đọc sách.
Nhà bác học Lê Quý Đôn từng nói: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/ Chẳng bằng kinh sử một vài pho”.
Trong cuốn sách giáo khoa ngày xưa, Trạng nguyên thi viết: “Thiên tử trọng anh hào/ Văn chương giáo nhĩ tào/ Vạn ban giai hạ phẩm/ Duy hữu độc thư cao” – những câu thơ dễ nhớ dễ thuộc này có nghĩa là: Nhà vua coi trọng người hiền tài, hào kiệt/ Văn chương dạy cho bọn ta/ Tất cả các ngành nghề đều thấp kém/ Chỉ có đọc sách mới là cao quí. Đây là cách nói cực đoan, nhưng tính khích lệ tinh thần đọc sách, ham học của học trò rất mạnh mẽ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn…" Đọc sách không chỉ lấp đầy khoảng thời gian rảnh rỗi, nó còn giúp chúng ta có thêm rất nhiều kiến thức mới, phục vụ cho cuộc sống.
Đáng tiếc là hiện nay, Việt Nam chúng ta lại có văn hóa đọc nghèo nàn so với các nước trên thế giới. Các nước như Pháp, Nhật Bản, trung bình mỗi người đọc 20 cuốn sách/năm, người dân Singapore đọc 14 cuốn/năm, người Malaysia đọc 10 cuốn/năm… thì mỗi năm người Việt Nam chỉ đọc trung bình 4 cuốn sách.
Có ý kiến cho rằng “Người Việt Nam chưa có văn hóa đọc”. Tại hội thảo “Người Việt có mê đọc sách” diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh mấy năm trước, đã chỉ ra thực trạng “lười đọc”, “đọc ít” và “đọc theo phong trào”, theo “tâm lý đám đông” của phần nhiều giới trẻ hiện nay. Trong đó văn hóa đọc mới chỉ dừng lại ở việc đọc chủ yếu là tra cứu tài liệu, đọc sách theo thị hiếu đám đông còn thói quen đọc, kỹ năng đọc như thế nào chưa được bạn đọc chú ý và đầu tư. Cụ thể hơn số lượng đọc không đều, có người đọc nhiều và có người đọc ít.
Tình trạng lười đọc sách, trong đó có sách văn học diễn ra ở nhiều thành phần xã hội, ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Với giới trẻ việc đọc sách ngày càng có xu hướng giảm mạnh.
Internet ra đời với tiện ích của nó đã trợ giúp và tạo ra phương thức đọc mới là phương thức đọc hiện đại. Phương thức đọc hiện đại và phương thức đọc truyền thống gắn kết với nhau tạo nên sự kết nối từ sách in đến sách điện tử; từ văn hóa đọc chuyển dịch sang văn hóa nghe nhìn. Ngày nay tình trạng đọc nhanh, đọc ngắn, đọc sách mỏng là một trong những tiêu chí được người đọc trẻ hướng đến và lựa chọn.
Các chuyên gia của Thư viện quốc gia đánh giá rằng: Tại Việt Nam chưa hình thành và xây dựng được chiến lược cụ thể và lâu dài cho việc phát triển văn hóa đọc. Việc phát triển công nghệ thông tin tạo điều kiện tốt cho việc đọc và hình thành các phương thức đọc mới góp phần vào sự phân hóa thị hiếu đọc của công chúng. Việc đọc sách chủ yếu rơi vào các nhóm độc giả là học sinh – sinh viên, nhà nghiên cứu làm việc trong môi trường có liên quan đến sách vở, tri thức, còn nhóm độc giả là những người đi làm ngoài ngành ít có cơ hội đọc sách. Nhóm người đọc ở thành thị chiếm tỷ lệ cao bên cạnh nhóm người đọc ở miền núi và và nông thôn. Khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa ít có thói quen đọc sách, vì điều kiện sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bên cạnh đó, hình thức văn học mạng, sách đọc trên mạng internet chỉ cập nhật ở nơi có internet, hệ thống nhà sách, thư viện phát triển còn ở vùng nông thôn do cơ sở vật chất, hạ tầng, giao thông còn thiếu và yếu nên việc đọc sách và cập nhật những nguồn sách mới hầu như là không đầy đủ. Điều này đã tạo ra sự chênh lệch khá lớn trong đối tượng tiếp nhận, và có sự phân hóa rõ rệt với từng đối tượng đọc sách.
Một sinh hoạt trong Ngày Sách Việt Nam - Ảnh: Nhà sách Liên Việt
Dấu hiệu tích cực
Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, các nhà xuất bản, các nhà sách và các thư viện tổ chức “Sách đường phố” dành cơ hội mua sách giá rẻ có kèm thêm chữ ký của tác giả cho những người say mê đọc sách; là dịp để phân phối những sản phẩm quảng bá ngày đọc sách thế giới do UNESCO thiết kế (poster, cờ, bút đánh dấu, áo T-shirt, bưu thiếp v.vv…), hay tặng những cuốn sách còn trong kho cho các khu dân cư nghèo, các thư viện eo hẹp về tài chính: bệnh viện, nhà tù và cả các trại tị nạn, nhà xã hội... Do đó, Ngày Sách Việt Nam và Ngày sách và Bản quyền Thế giới có ý nghĩa rất thiết thực đối với văn hóa đọc nói riêng và sự phát triển con người Việt Nam nói chung, đưa phong trào đọc sách, báo trở thành thành nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam trong thời kỳ đất nước giao lưu, hội nhập quốc tế.
Có thể nói những năm gần đây, hoạt động cổ vũ, thúc đẩy đọc sách được triển khai bằng nhiều hình thức, khá phong phú, sinh động và thu hút sự quan tâm đáng kể của xã hội, nhất là ở các đô thị lớn và lan tỏa ra nhiều địa phương trong cả nước. Một dấu hiệu đáng mừng khác là rất nhiều tủ sách đã được xây dựng ở những vùng còn thiếu sách, nhất là nông thôn.
Với tinh thần đề cao tầm quan trọng của sách báo và tri thức trong đời sống, sự kiện ngày đọc sách thế giới ở Việt Nam đang trở thành một nét sinh hoạt văn hoá, văn minh của những người yêu mến sách báo cần được duy trì và quảng bá rộng hơn trong xã hội và rất cần sự hỗ trợ, quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng để Văn hóa đọc luôn là nhu cầu không thể thiếu của những công dân văn minh trong thời đại ngày nay.
Bạn hãy đọc sách đi! Và mong sao trong đời bạn sẽ không có ngày nào mà bạn không đọc dù chỉ một trang sách mới.
(C.Pautốpxki)
Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP HCM - Ảnh: Thái Vũ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận