Sáu nhiệm vụ đặt ra cho Tòa án hai cấp tp Hà Nội trong năm 2018

Ngày 12/1, TAND tp Hà Nội tổ chức Hội nghị triển công tác năm 2018. Đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Thành tích đáng biểu dương

Theo báo cáo tại Hội nghị, từ ngày 01/10/2016 đến 30/9/2017, TAND hai cấp tp Hà Nội đã thụ lý 30.777 vụ, tăng 2.029 vụ = 7 % so với năm 2016; đã giải quyết 27.755 vụ, tăng 79 vụ = 0,2 %, đạt tỷ lệ 90,1%, còn lại 3.022 vụ. Số án tạm đình chỉ 899 vụ, án quá hạn 157 vụ. Tổng số án bị hủy là 193 vụ, giảm 29 vụ; tổng số án sửa là 657 vụ, giảm 13 vụ so với năm 2016.

Nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, kinh tế đã được Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử, đáp ứng được yêu cầu chính trị của địa phương, được dư luận đồng tình ủng hộ. Điển hình như vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản” gây thiệt hại cho nhà nước hơn 260 tỷ đồng xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashinlines; vụ Hà Văn Thắm và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản”, “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; vụ án Châu Thị Thu Nga và đồng phạm bị truy tố, xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; vụ Đặng Minh Châu và đồng phạm phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy” (gần 1.200 bánh hêroin; vụ án Nguyễn Tiến Dũng và đồng phạm phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy” (đường dây mua bán ma túy tổng hợp xuyên quốc gia).

TAND hai cấp tp Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an, VKSND các cấp tổ chức xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra việc xét xử oan hoặc bỏ lọt tội phạm; Tiếp tục đẩy mạnh việc tranh tụng tại các phiên tòa. Hình phạt Tòa án áp dụng đối với các bị cáo đảm bảo nghiêm minh, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giảm so với kỳ năm 2016, việc trả hồ sơ đảm bảo đúng quy định của pháp luật, được chấp nhận với tỷ lệ 79,2%.

Biểu dương các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc

Đã tập trung làm tốt công tác hòa giải, công tác đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính.Tòa án hai cấp đã tiến hành hòa giải thành 12.150 vụ, chiếm tỷ lệ 63,8% số án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động đã giải quyết, tăng 1.577 vụ so với năm 2016.

Phát biểu tại Hội nghị Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang  biểu dương những thành tích mà Tòa án hai cấp tp Hà Nội đạt được trong năm qua; đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế  mà  Tòa án hai cấp của thành phố Hà Nội cần thẳng thắn nhìn nhận để tìm ra nguyên nhân và đề ra các giải pháp khắc phục.

Những vấn đề đặt ra trong năm 2018

Phó Chánh án TANTC Lê Hồng Quang nhấn mạnh sáu nội dung đặt ra đối với Tòa án hai cấp Tp Hà Nội.

Thứ nhất, tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tòa án năm 2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã quán triệt các nhiệm vụ mà các Tòa án cần tập trung thực hiện tốt trong năm 2018. Chánh án TANDTC cũng yêu cầu thực hiện 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử theo tinh thần Kết luận số 92/KL-TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đây là những nội dung uan trọng, TAND tp Hà Nội cần tổ chức quán triệt và thực hiện thật tốt.

Thứ hai, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, nhất là các vụ án lớn, trọng điểm, các vụ án tham nhũng; áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản nhà nước. Khắc phục triệt để việc để các vụ án quá hạn luật định do lỗi chủ quan của Tòa án. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xét xử, đảm bảo các phán quyết của Toà án phải đúng pháp luật, thực sự mang lại công lý cho xã hội, kiên quyết không để xảy ra việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm, phấn đấu giảm tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán so với năm 2017. Trong đó, đặc biệt chú ý thực hiện tốt các quy định rất quan trọng của Hiến pháp, đó là: nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc độc lập xét xử và quyền của người bị buộc tội được suy đoán vô tội.

Cần tập trung làm tốt việc tranh tụng tại phiên tòa, bảo đảm sự thật khách quan của vụ án phải được thể hiện và thẩm định đầy đủ thông qua việc tranh tụng.

Thứ ba, tiếp tục triển khai thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân.

Thứ tư, chú trọng công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức và Hội thẩm Tòa án nhân dân; thường xuyên thực hiện việc rút kinh nghiệm công tác xét xử; chủ động tổng hợp các vướng mắc trong thực tiễn xét xử và đề xuất các nội dung đề nghị tập huấn để TANDTC xây dựng nội dung các khóa tập huấn sát với yêu cầu thực tiễn.

Thứ năm, cần tập trung kiện toàn, củng cố bộ máy và đội ngũ cán bộ, Thẩm phán, nhất là đối với Tòa án nhân dân sơ thẩm cấp huyện, vì đây là cấp xét xử đầu tiên, rất quan trọng và mô hình tổ chức có thể có sự thay đổi (có các Tòa chuyên trách, bộ phận hành chính tư pháp, bộ phận theo dõi công tác thi hành án…). Trên cơ sở mô hình Tòa án 4 cấp, cần chủ động xây dựng nhu cầu biên chế của địa phương. Chú trọng công tác đánh giá cán bộ để lựa chọn cán bộ có đủ trình độ, năng lực và bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức phẩm chất tốt, có quan điểm đổi mới và quan điểm quần chúng, hết lòng phụng sự công lý, phục vụ nhân dân để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo của các Tòa án. Làm tốt việc luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ để bồi dưỡng, rèn luyện và thử thách, nhất là đối với cán bộ thuộc diện quy hoạch các chức vụ lãnh đạo.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện phong trào thi đua theo chủ đề xuyên suốt  “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, gắn với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực hiện cuộc vận động “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức Toà án nhân dân các cấp”.

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm công tác nói trên, Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang nói: “ Tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt 04 giải pháp đột phá (1) tiếp tục đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật; (2) đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; (3) tham gia tích cực vào công tác tổng kết thực tiễn xét xử và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, xây dựng và phát triển án lệ; (4) đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tư pháp và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các Tòa án… Đổi mới phong cách lãnh đạo, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; quy trách nhiệm người đứng đầu nơi nào để xảy ra việc cán bộ lãnh đạo, Thẩm phán, Thư ký, công chức Tòa án nhận hối lộ, bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Lê Bắc