Siêu thị và chợ: “Cuộc chiến” thấy trước đoạn kết?

“Cuộc cách mạng siêu thị” (supermarket revolution) ở Việt Nam rút cục có dẫn đến sự lụi tàn của chợ truyền thống trong lòng đô thị, nơi chúng đã tồn tại hàng thế kỷ? Và nếu điều này thực sự xảy ra thì hệ quả sẽ là gì?

Trong ký ức mà thời gian đang phủ dần các dải mờ, bà Cao Thu Hà, một người nay tuổi ngoài 90 đã sống ở đường Cột Cờ (Hà Nội) trước năm 1945 (mang tên đường Điện Biên Phủ kể từ năm 1964), còn nhớ bác bếp của gia đình hay xách làn đi chợ Cửa Nam cách nhà không xa, “một chợ lớn, sầm uất và nhộn nhịp với đủ loại rau trái, quà bánh theo mùa, đặc biệt có giò lụa, chả quế thơm phức và bánh giò nóng hổi rất ngon”. 

Giáo sư lịch sử kinh tế Đặng Phong cũng từng lưu ý chúng ta về vị thế của chợ Cửa Nam, chợ thuộc nhóm Thăng Long bát thị “Trong Lịch triều hiến chương loại chí, ở chương ‘Quốc dụng chí’, tức phần nói về thuế, Phan Huy Chú viết: 

‘Năm thứ tám (tức 1727) định lệ thuế chợ… Chợ Cửa Nam: Thuế theo lệ cũ là 310 quan 8 tiền và 100 tấm da trâu’.

Để có thể hình dung lượng giá trị của mức thuế kể trên, có thể quy nó ra vàng bạc. Khoảng năm 1740, một lạng bạc giá hai quan. Mức thuế này (phần trả bằng tiền) tương đương 155 lạng bạc”.

Chợ Cửa Nam thời Pháp thuộc.

Có lẽ, những “thương hải, tang điền” thời hiện đại dưới cái tên “xã hội hóa”, “cổ phần hóa” khiến thế hệ ngày nay không thể hình dung ra nổi một ngôi chợ như thế trong hình ảnh một trung tâm thương mại cửa kính 13 tầng nổi, 4 tầng hầm. Nếu đi lướt qua nơi này, người ta sẽ thấy nó chẳng khác gì những tòa cao ốc hiện đại mọc lên nhan nhản ở Hà Nội. Không ai có thể nghĩ chợ Cửa Nam, một trong những chợ lớn lừng lẫy ở thành Thăng Long giờ lại phải ngậm ngùi nép mình dưới tầng hầm tòa cao ốc. 

Không riêng chợ Cửa Nam, Hà Nội còn chứng kiến sự chuyển đổi tương tự ở một số ngôi chợ lớn như chợ Hàng Da, chợ Mơ, chợ 19/12… Liệu có phải đó là bằng chứng cho sự lấn át hiển nhiên của siêu thị trước chợ truyền thống? hay đó là dự báo cho sự chấm hết tất yếu của một phương thức bán lẻ truyền thống trong không gian đô thị hiện đại? 

Và một câu hỏi buộc chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn: nếu không còn chợ, chúng ta sẽ mất hay được, và khi đó, ai sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất? 

“Cuộc cách mạng siêu thị”của tay chơi mới

GS. kinh tế Thomas Reardon (ĐH bang Michigan, Mỹ), một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về sự chuyển dịch của chuỗi giá trị thực phẩm, đã gọi sự xuất hiện của siêu thị ở các quốc gia đang phát triển, bắt đầu từ đầu những năm 1990 và tiếp tục diễn ra hiện nay, là “cuộc cách mạng siêu thị” (supermarket revolution), “cuộc cách mạng dịch vụ thực phẩm” (food service revolution). Cuộc cách mạng này liên quan đến sự gia tăng một cách nhanh chóng của bán lẻ hiện đại trong lĩnh vực bán lẻ thực phẩm, thay thế chợ truyền thống và tiệm tạp hóa. Theo nhận định của ông, “cuộc cách mạng siêu thị” xuất hiện ở Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và Nga thuộc làn sóng thứ ba của thế giới, diễn ra vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. 

 

Số lượng người đi siêu thị và tần suất đi siêu thị của họ ngày một gia tăng theo thời gian. Nguồn: Saigontimes

Siêu thị là một phần tất yếu của quá trình hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Sự tự do hóa nền kinh tế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống thực phẩm và góp phần tạo ra những mô hình mới bổ sung vào hệ thống bán lẻ, bên cạnh mô hình truyền thống, để phát triển thị trường. Tuy nhiên, cũng giống như sự bắt rễ của y học hiện đại của phương Tây trong lòng các xã hội thuộc địa, “cuộc cách mạng siêu thị” ở mỗi quốc gia khác nhau đều mang những nét khác biệt.  Nghiên cứu sinh Nguyễn Minh Quốc, Nhóm nghiên cứu Chính sách Môi trường – ĐH Wageningen (Hà Lan), lưu ý, quá trình siêu thị hóa bắt đầu từ những năm 1930 ở Mỹ và bắt đầu lan qua châu Âu từ những năm 1950, “đều diễn ra trong bối cảnh công nghiệp hóa, tức là song song với quá trình tập trung sản xuất và các công ty tư nhân đầu tư vào hệ thống thực phẩm, dẫn đến việc thâu tóm cả về sản xuất lẫn phân phối. Trong khi đó, ở Việt Nam, sự tập trung hóa trong sản xuất chậm hơn rất nhiều”.

Việt Nam, “tay chơi mới” (newcomer) như cách gọi của GS. Reardon, theo dòng trào lưu siêu thị hóa muộn hơn nhiều quốc gia khác, không chỉ vì quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa của mình diễn ra cũng chậm còn vì phụ thuộc vào những điều kiện khác. Chuỗi giá trị thực phẩm, dù là rau củ hay gia cầm, gia súc, đều có rất nhiều thành tố tham gia, từ người sản xuất đến những tay cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi, thuốc trừ sâu, phân bón, thuốc men…; họ và sản phẩm của họ được kết nối với thị trường qua các thương lái trung gian, kho vận (logistics), nhà máy chế biến và hệ thống bán lẻ, kể cả truyền thống lẫn hiện đại… Chuỗi giá trị ấy tồn tại trong một không gian rộng lớn của quy luật thị trường, vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, khí hậu… và hơn nữa, sự điều phối của các nhà quản lý thông qua cơ chế, chính sách. Những đặc điểm riêng có của Việt Nam khiến “cuộc cách mạng siêu thị” có một màu sắc biệt lập. “Quá trình này cũng liên quan đến việc tích tụ đất đai. Trong hệ thống thực phẩm của mình có sự tồn tại rất lớn của những người sản xuất nhỏ lẻ, nó cũng dẫn đến tình trạng là hệ thống chợ truyền thống cũng được duy trì để phù hợp với hệ thống sản xuất nhỏ lẻ đó”, Nguyễn Minh Quốc nói.

Thực hành đi chợ hằng ngày dần trở nên không thích hợp với nhiều gia đình lao động trẻ trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và kinh tế thị trường.

Các siêu thị, theo thời gian, đã bắt đầu chi phối hệ thống bán lẻ hiện đại ở Việt Nam. Nếu vào năm 2001, toàn quốc có 70 siêu thị – 32 ở Hà Nội và 38 ở TP.HCM – thì vào năm 2019, theo số liệu từ Bộ Tài chính, trên cả nước có khoảng 800 siêu thị, trung tâm mua sắm và 150 trung tâm thương mại, bên cạnh gần 9.000 khu chợ (75% là chợ nông thôn, 0,97% là chợ đầu mối) và 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ. Sức hấp dẫn của một chốn mua bán thuận lợi, hiện đại, sạch sẽ, hàng hóa dồi dào và được sắp xếp một cách bắt mắt đem lại cảm giác thoải mái cho những người tiêu dùng trẻ, sẵn sàng đón nhận cái mới. Trong một khảo sát vào năm 2015 ở thành phố Cần Thơ, 68,9% người được hỏi, ở lứa tuổi 18-30, cho biết chọn siêu thị khi cần mua thực phẩm trong khi số người chọn chợ chỉ chiếm 17,4%, và số người đi siêu thị trên một lần/tháng chiếm 87,9%. 

Nhưng đây không chỉ là thói quen mới có của một nhóm dân cư trong một thành phố nhỏ, người tiêu dùng Việt ở khắp mọi miền đang tới chợ ít hơn trước khi tần suất mua sắm trung bình 18,86 lần mỗi tháng, theo báo cáo năm 2017 của Công ty Điều tra thị trường Nielsen Việt Nam. Để dễ hình dung về sự lựa chọn này, chúng ta biết là vào năm 2010, tức sau khoảng một thập kỷ siêu thị xuất hiện ở Việt Nam, tần suất đi chợ mỗi tháng vẫn còn cao hơn với 25,17 lần. Vào thời điểm công bố báo cáo này, ông Gaurang Kotak, trưởng bộ phận nghiên cứu hành vi người tiêu dùng của Nielsen Việt Nam, còn lý giải vì sao người tiêu dùng Việt Nam lại có sự lựa chọn này, đó là quỹ thời gian của ngày càng hạn hẹp do áp lực công việc cùng với các nguyên nhân khác như tình trạng kẹt xe, nơi làm việc xa chỗ ở… Thực hành đi chợ hằng ngày dần trở nên không thích hợp với nhiều gia đình lao động trẻ trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và kinh tế thị trường.

Bên cạnh các lý do này, còn có một vấn đề khác thúc đẩy người tiêu dùng đô thị đến với siêu thị: mối lo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Có một nghịch lý là khi nguồn cung thực phẩm còn thiếu thốn, hàng hóa chưa được thông thương nhiều, người ta chỉ quan tâm đến “ăn chắc, mặc bền” nhưng khi thị trường dồi dào từ rau cỏ, cá mú, thịt thà đến đặc sản vùng miền thì mối lo về an toàn thực phẩm (ATTP) lại trở nên cấp thiết. Nghiên cứu năm 2015 của TS. Sigrid Wertheim-Heck từ Nhóm nghiên cứu Chính sách Môi trường, ĐH Wageningen cho thấy, an toàn thực phẩm là nguyên do chính khiến 85% người được hỏi đến siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi, đặc biệt khi phần lớn thực phẩm tươi ở siêu thị được chứng nhận an toàn thực phẩm. Dù thị phần thực phẩm tươi của siêu thị vẫn còn nhỏ so với chợ truyền thống, số người tìm đến siêu thị và các hệ thống bán lẻ hiện đại ngày một gia tăng trước nỗi lo về rủi ro ATTP. Nghiên cứu của Hà Thanh Mai vào năm 2021 cho thấy hơn 1/3 số người được khảo sát ở Hà Nội đã mua sắm thực phẩm tại siêu thị, và tỷ lệ này có thể tăng lên tới gần 50% đối với những người đặc biệt lo ngại về nguy cơ ATTP. Vấn đề an toàn thực phẩm ở xã hội phương Tây có thể dẫn đến phản ứng của nhiều khách hàng là từ chối thực phẩm chế biến nhưng điều ở Việt Nam lại diễn ra ngược lại, “con ngựa thành Troy” này lại đưa siêu thị vào vị trí vững chắc hơn trong hệ thống bán lẻ thực phẩm.  

 

Chợ Cửa Nam sau khi được hiện đại hóa. Ảnh: Mỹ Hạnh

Quá trình siêu thị hóa ở Việt Nam, dẫu được coi là chậm chạp, nhưng lại nhận được sự thúc đẩy đáng kể của nhà quản lý khi coi đây là công cụ quan trọng của hiện đại hóa hệ thống thực phẩm. Các nhà nghiên cứu ĐH Wageningen nhận xét, chính sách hiện đại hóa hệ thống bán lẻ ở Việt Nam được đặt trên hai trụ cột: một là xiết chặt các quy định về chợ, nâng cấp cải tiến chợ, chuyển đổi chợ thành siêu thị và hai là mở rộng các hình thức bán lẻ hiện đại thông qua việc phát triển các siêu thị trong các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại, và chuỗi các cửa hàng tiện lợi.

Tất cả cho chúng ta thấy một “cuộc chiến” không cân sức giữa siêu thị, đầy bóng bẩy và cuốn hút của lối sống hiện đại, và chợ, vẫn được coi là trì trệ, thiếu vệ sinh, thiếu đổi mới của nếp sống cũ. Liệu nó có dẫn đến sự xóa sổ tất yếu của chợ trong không gian đô thị? ai sẽ chịu tác động, nếu điều đó xảy ra?

Một lát cắt hệ thống bán lẻ truyền thống

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta phải quay trở về hệ thống bán lẻ thực phẩm truyền thống, một mạng lưới giao thương chằng chịt nội vùng và liên vùng, trong đó điểm cuối là các khu chợ ở nhiều quy mô khác nhau (làng, xã, huyện, thành thị…), được mở theo những tần suất khác nhau (theo ngày, theo phiên…), buôn bán nhiều loại thực phẩm khác nhau (rau quả, thịt thà, lúa gạo…), còn điểm đầu là các hộ nông dân nhỏ ở khắp mọi vùng quê. 

Dẫu hàng thế kỷ đã trôi qua các mái chợ, và bối cảnh đô thị có nhiều thay đổi thì nhiều đặc trưng quan trọng vẫn còn giữ lại được trong các khu chợ, từ những người tham gia mạng lưới đến địa điểm buôn bán, cách thức giao tiếp… Từ quá khứ cho đến nay, nguồn cung thực phẩm rau quả, thịt thà cho các mái chợ vẫn chủ yếu là từ những hộ sản xuất nhỏ lẻ. “Phần lớn thịt lợn cho người Việt Nam mình tiêu thụ hằng ngày vẫn chủ yếu do các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ sản xuất… Hộ chăn nuôi nhỏ chưa bao giờ đóng vai trò nhỏ hơn”, TS. Nguyễn Việt Hùng (ILRI) từng trả lời Tia Sáng

 

Một góc chợ sáng ở Hội An, Quảng Nam

Không chỉ có vậy, những người tham gia mạng lưới giao thương từ nông thôn đến thành thị, từ chợ đầu mối đến chợ dân sinh, phần lớn vẫn là nông dân, những người hoặc thời gian canh tác, trồng trọt chỉ chiếm một khoảng thời gian nhất định trong năm hoặc không đủ đất đai canh tác do tình trạng đồng bằng châu thổ ngày một “đất chật, người đông”, quá trình đô thị hóa nhanh chóng mặt… Theo GS. Nguyễn Văn Chính (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN), “Những huyện có mức ruộng đất bình quân đầu người thấp nhất thường có số người đến tìm việc ở Hà Nội nhiều nhất… Mật độ dân số cao, tỷ lệ ruộng đất bình quân thấp và tình trạng dư thừa lao động nông nghiệp là những nguyên nhân căn bản đẩy người nông dân rời làng kiếm việc làm ở khu vực phi nông nghiệp…”. 

Cùng với việc mở rộng đô thị hóa, nhiều người nông dân cũng bắt đầu vận chuyển sản phẩm từ chính khu vườn và cánh đồng của họ, trực tiếp đi lên chợ ở thành phố để kiếm thêm thu nhập. Sự duy trì và thích ứng của nông hộ nhỏ góp phần tạo nên sự “bền vững” của hệ thống bán lẻ truyền thống. Số khác góp mặt trong danh sách những người buôn bán ở chợ đô thị, ngoại trừ số ít chợ nhà giàu, còn là người có thu nhập thấp, do không có nhiều vốn liếng đầu tư đã coi việc chạy chợ, có khi chỉ là gánh rau, thùng đựng đậu phụ…, là kế sinh nhai, đắp đổi qua ngày. 

Bên cạnh nguồn cung cấp cho chợ truyền thống không có nhiều biến đổi, hạ tầng và điều kiện vận hành của chợ cũng không có quá nhiều đổi thay theo thời gian. Trong khi những người “anh em họ” là các hệ thống bán lẻ hiện đại, từ siêu thị, trung tâm thương mại đến chuỗi cửa hàng tiện lợi đều đáp ứng được những tiêu chuẩn về diện tích, điều kiện vệ sinh, điện nước, phòng chống cháy nổ, nơi trông giữ xe… thì các mái chợ, ngay cả ở hai đô thị lớn nhất Việt Nam như Hà Nội và TP.HCM, vẫn ở cảnh chật chội, ẩm thấp, nhếch nhác, bẩn thỉu, đặc biệt trong mùa mưa, mùa nồm. Có thể nói thêm rằng, những người nông dân trong thành phố và dân nghèo thành thị buôn bán không chỉ trong khu vực chợ được định danh chính thức mà còn ở muôn vàn điểm phi chính thức, ngay tên gọi như chợ đuổi, chợ tạm, chợ cóc, chợ chồm hổm… đã cho thấy sự tạm bợ, phấp phỏng và thường bị gắn liền với các cụm từ “mất mỹ quan đô thị”, “mất trật tự, an toàn giao thông”.

Vậy khách hàng của chợ là ai? “Những người bán lẻ ở chợ và bán ở ven đường là điểm chung cấp chính cho người tiêu dùng nghèo”, khá nhiều công bố của các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế đã giúp chúng ta định hình được những người thường lui tới chợ dân sinh và các chợ tạm, chợ cóc thay vì siêu thị. Nhìn chung, đó là những người lớn tuổi vừa có thói quen tiết kiệm, vừa muốn duy trì mối quan hệ thân tình với những người bán quen thuộc; dân nghèo thành thị phải co kéo cân đối thu nhập – nhu cầu dinh dưỡng hằng tháng, không đủ điều kiện tới siêu thị thường xuyên; những người có thu nhập thấp nhưng vẫn muốn duy trì lối sống lành mạnh với nhiều rau xanh, hoa quả, cá tươi, không sử dụng thực phẩm chế biến sẵn…  

Những người nông dân trong thành phố và dân nghèo thành thị buôn bán không chỉ trong khu vực chợ được định danh chính thức mà còn ở muôn vàn điểm phi chính thức, ngay tên gọi như chợ đuổi, chợ tạm, chợ cóc, chợ chồm hổm… đã cho thấy sự tạm bợ, phấp phỏng và thường bị gắn liền với các cụm từ “mất mỹ quan đô thị”, “mất trật tự, an toàn giao thông”.

Trong một nghiên cứu thực hiện ở phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vào năm 2004, thời điểm siêu thị mới xuất hiện ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu CIRAD, Pháp, cho biết, các hộ nghèo thường lý giải vì sao không đến siêu thị “Siêu thị ư? Không. Chúng tôi chưa bao giờ đi. Chúng tôi quá nghèo!”, “Với mức lương của mình, tôi không thể mua gì ở siêu thị. Tôi biết rau ở đó an toàn nhưng đắt gấp đôi ngoài chợ. Nếu giá trong siêu thị giảm thì ai cũng có thể mua ở đó”, “Tôi làm ở một công xưởng giày da. Thời gian làm việc kéo dài, thi thoảng từ 14 đến 15 tiếng. Tôi thường mua rau ở ngoài đường gần nhà”… 

Gần 15 năm sau, dù mức sống của người dân đô thị đã được cải thiện nhưng với người thu nhập thấp thì chợ vẫn là nơi chốn quen thuộc để mua đồ tươi mà vẫn hợp túi tiền. Trong một nghiên cứu thực hiện vào năm 2018, các nhà nghiên cứu Wageningen đã nhận được những câu trả lời “Thi thoảng tôi tới siêu thị để mua dầu ăn, bánh kẹo thôi. Tôi vẫn mua đồ tươi sẵn có ngoài chợ. Tại sao tôi phải ăn đồ được bảo quản và chế biến từ siêu thị?”, “Nếu chính phủ muốn đóng cửa chợ, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của những người ở đây, cụ thể là người bán ở chợ, như mẹ tôi, sẽ bị ảnh hưởng. Các gia đình sẽ sống khó khăn khi không thể tiếp tục buôn bán”, “Cần phải tạo điều kiện cho người nông dân bán được hàng và người già vẫn có thể mua được thực phẩm tốt, ví dụ người về hưu mua một mớ rau ngoài chợ có 5.000 đồng nhưng nếu đến siêu thị thì có thể phải trả gấp đôi, làm sao mà họ có thể chấp nhận được? Chúng ta phải quan tâm đến những người bán và mua phụ thuộc vào chợ chứ”. 

Vậy nếu thực thi chính sách hiện đại hóa chuỗi bán lẻ thực phẩm theo cách chuyển đổi chợ thành siêu thị, điều gì sẽ xảy ra? “Điều đó sẽ có hai mặt, một mặt thúc đẩy chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn hơn, hiện đại hơn nhưng mặt khác, nếu chỉ tập trung mở rộng chuỗi bán lẻ hiện đại thì sẽ dẫn đến việc quá phụ thuộc vào một hệ thống duy nhất. Lúc đó, sẽ rủi ro rất nhiều bởi nông hộ nhỏ và người thu nhập thấp bị gạt ra ngoài lề”, nghiên cứu sinh Nguyễn Minh Quốc nói.  

Có cách nào vẹn cả đôi đường?

Đi tìm một giải pháp bền vững

Trong tự nhiên, một hệ sinh thái sẽ phục hồi nhanh hơn sau một biến cố môi trường nếu có sự đa dạng loài; trong toán học, một nền tảng toán học phong phú mà ngày nay chúng ta được thừa hưởng, từ đó có thể giúp chúng ta hiểu hơn về thế giới, dựa trên sự đóng góp của nhiều nền văn hóa khác nhau: chữ số không của người Ấn Độ, hệ nhị thập phân của người Maya, hệ lục thập phân của người Babylon… Trong lĩnh vực bán lẻ thực phẩm cũng vậy, một hệ thống càng đa dạng mô hình cung ứng, phân phối sẽ càng tạo nhiều cơ hội tiếp cận thực phẩm có giá cả phù hợp hơn, lành mạnh hơn, chất lượng hơn… cho người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi, hoàn cảnh sống, khu vực sống khác nhau. Mặt khác, sự đa dạng hóa các mô hình bán lẻ giúp đảm bảo quyền lợi của người sản xuất nhỏ, đồng thời góp phần giải quyết bài toán dư thừa lao động nông thôn…

Nhưng đạt được điều đó, bằng cách nào? Dường như chợ đang chới với trước sức tiến không thể đảo ngược của siêu thị, khi tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng ở các đô thị Việt Nam có điều kiện chọn lựa không chỉ siêu thị mà cả các cửa hàng tiện lợi mọc lên như nấm hầu khắp mọi đường phố. Ở các quốc gia “cuộc cách mạng siêu thị” đến trước Việt Nam, tình thế cũng không hẳn tươi sáng khi hệ thống bán lẻ hiện đại nằm trong tay của một vài công ty đa quốc gia hùng mạnh, ví dụ như Wal-Mart đã xây dựng được cả một đế chế với 5.266 cửa hàng, siêu thị, 800.000 nhân công ở 23 quốc gia ngoài Mỹ. “Phần lớn hiện nay ở phương Tây và Mỹ Latin, hệ thống siêu thị nắm rất lớn từ 60 đến 70% với việc tiêu thụ thực phẩm tươi, có thể lên đến 90%, 95% so với những nguồn thực phẩm đóng gói. Sự tập trung quá mức vào siêu thị ở khu vực Mỹ Latin đã dẫn đến chuỗi cung cấp, đất đai thuộc về một số nhỏ, điều đó không tốt cho một nền kinh tế hay quốc gia phát triển nông nghiệp”, Nguyễn Minh Quốc cho biết. 

Cựu Thống đốc bang California Jerry Brown từng thừa nhận về vai trò của chợ trong một xã hội mà những Wal-Mart đang lấn át “Chợ truyền thống là bước nữa để mang đến cho con người nhiều quyền hơn trong cuộc sống của chính họ và để đem đến một lối thoát khác cho sản phẩm hữu cơ. Điều này quan trọng bởi việc sản xuất và phân phối thực phẩm ngày một bị những cấu trúc tài chính, cấu trúc doanh nghiệp lớn kiểm soát và độc quyền”. 

Việc duy trì mái chợ không chỉ là giải pháp cải thiện an toàn thực phẩm, chính sách thực phẩm mà còn thuộc về chính sách xã hội của một thành phố, một quốc gia để tránh dẫn đến sự phân loại hai chuỗi cung cấp thực phẩm: một là chuỗi cung cấp tiêu chuẩn thấp cho người nghèo, không có lựa chọn nào khác trước sản phẩm được bán ở các nơi không chính thức, từ mảnh vườn của những nông hộ không có khả năng gia tăng thu nhập; hai là chuỗi cung cấp đạt tiêu chuẩn cao, chỉ được bán ở các siêu thị dành cho những người tiêu dùng thu nhập cao và có quyền quyết định sản phẩm tiêu dùng. 

Dẫu chợ có thể sẽ không nhanh chóng biến mất, ít nhất vài chục năm nữa như nhận định của các nhà nghiên cứu nhưng sự teo tóp thấy trước của nó trong lòng đô thị khiến người ta không khỏi ngậm ngùi, “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”. Số phận của chợ, giờ nằm trong các kịch bản dự đoán tương lai. “Có những kịch bản khác nhau, nếu xét kịch bản cực đoan nhất là chợ truyền thống có thể bị thay thế, biến mất hoàn toàn, còn kịch bản ôn hòa hơn thì sẽ có những mô hình đa dạng, có thể hợp tác với nhau. Mức độ chia sẻ thị trường có thể là siêu thị chiếm tầm 90%, các bên còn lại 10%, hoặc siêu thị 80%, chợ 20%, có kịch bản giữa 60%-40%”, Nguyễn Minh Quốc nói. “Khi hệ thống bán lẻ hiện đại nhảy vào thị trường thì đương nhiên nó cũng kích thích sự thay đổi của cả hệ thống bán lẻ truyền thống. Không sớm thì muộn thì sẽ có những thay đổi nhất định để phù hợp với tình hình kinh tế, thói quen tiêu dùng mới…”.

Nhưng những nông hộ nhỏ sẽ thay đổi như thế nào? liệu họ có thể tự nâng cấp chính mình để chen chân vào chuỗi cung cấp thực phẩm cho bán lẻ hiện đại? GS. Reardon từng lưu ý, các nhà bán lẻ hiện đại thường thích các nhà sản xuất quy mô trung bình và lớn hơn các nhà cung cấp nhỏ bởi vì chi phí giao dịch và giá thành thấp, có năng lực cung cấp sản phẩm đa dạng, đóng gói bắt mắt, đáp ứng yêu cầu cần thiết về hóa đơn giá trị gia tăng, khả năng chịu trách nhiệm pháp lý và phát triển nhãn hàng. Hơn nữa, các nhà sản xuất lớn thường hiện đại hóa hệ thống phân phối, trung tâm phân phối và kho vận của mình. Những tiêu chuẩn ngày càng cao thì tốt cho người tiêu dùng nhưng lại đặt ra thách thức với các nhà cung cấp là người sản xuất nhỏ, ngắn vốn như các nông hộ nhỏ. 

Rõ ràng, hiện đại hóa hệ thống bán lẻ truyền thống, từ nhà cung cấp là các nông hộ đến nền tảng giao dịch là mái chợ, là một câu chuyện phức tạp, không thể ngày một ngày hai. Dĩ nhiên ở đây, hiện đại hóa và tiêu chuẩn hóa sẽ phải bắt đầu từ các nông hộ nhỏ. “Tôi thấy duy nhất con đường là phải có các tổ chức của người sản xuất như các tổ hợp tác, các hợp tác xã kiểu mới, hoặc sau này là các trang trại quy mô lớn, thì mới đảm bảo được điều kiện duy trì tiêu chuẩn, chứng nhận sản phẩm”, Nguyễn Minh Quốc nói, đồng thời chỉ ra phong trào hợp tác xã mới bắt đầu từ năm 2012 đến nay đã bắt đầu tạo ra sự thay đổi. “Thông thường, nông hộ nhỏ không muốn nhiêu khê, phụ thuộc vào người khác trong khi chỉ cần tự sản xuất là có thể bán cho thương lái. Nhưng nếu việc hợp tác kiểu mới diễn ra trong một hai thế hệ nữa, thì những người sản xuất nhỏ sẽ đảm bảo được chất lượng sản phẩm và có tiếng nói hơn trên thị trường”.

Sự đổi mới của các nông hộ nhỏ cần chính sách khuyến khích của nhà nước bởi họ vẫn bị ràng buộc trong “những thất bại thị trường đặc trưng” (idiosyncratic market failures). Bất chấp sự tồn tại của tín dụng ngân hàng, thông tin thị trường, bảo hiểm…, họ lại thường khó tiếp cận được nó. Có ai đó từng nói “tài sản chung nhất của nông dân là nghèo đói”, quả thật là họ bị giới hạn trong những thứ liên quan đến nghèo đói như chất lượng giáo dục, cơ sở hạ tầng cũng như thủy lợi, khả năng ứng phó thiên tai, kỹ thuật canh tác mới… GS. Reardon cho rằng, chính sách hỗ trợ của nhà nước có thể sẽ là tạo ra các nền tảng “mang các loại thị trường/chợ đến với người nông dân”, qua đó cung cấp những cơ sở hạ tầng, dịch vụ còn khuyết thiếu (hỗ trợ kỹ thuật, chế biến/đóng gói, tín dụng, bảo hiểm…) để họ có thể cạnh tranh. 

Do hệ thống bán lẻ truyền thống của Việt Nam thường bị phân mảnh nên con đường đến với tiêu chuẩn hóa sản phẩm và đảm bảo quyền lợi của nông hộ nhỏ gặp khó khăn. “Tồn tại sự phân mảnh này là do mình cũng không có cơ chế quản lý như kiểm tra chéo một cách hiệu quả. Hiện nay, việc quản lý an toàn thực phẩm dựa rất nhiều vào quản lý của chính quyền nhưng chính quyền không thể nào quản lý hết được. Rõ ràng, cần phải có sự tham gia của các bên, kể cả người đại diện của nhà sản xuất, phân phối, và người tiêu dùng”, Nguyễn Minh Quốc phân tích. 

Theo quan sát của anh, chính sách nâng cao hệ thống phân phối, hiện đại hóa chợ truyền thống đã được triển khai từ 15 năm qua nhưng hiệu quả thu về rất hạn chế bởi chưa có sự gắn kết giữa các bên. “Tôi nghĩ rằng, cần có chính sách tổng thể hơn và một mô hình cụ thể để áp dụng. Sự tham gia của các tổ chức xã hội vào chuỗi giá trị sẽ tạo mô hình hợp lý, làm giảm gánh nặng của nhà nước trong quản lý chất lượng thực phẩm. Khi đó, chính quyền có thể thực thi chặt chẽ các quy định về giết mổ tập trung, và hơn nữa, quản lý chợ theo cách nâng cấp, cải tạo chợ để tạo điều kiện thuận lợi, vệ sinh cho người bán, người mua và xây dựng các tiêu chuẩn về an toàn bắt buộc chứ không phải theo cách ‘siêu thị hóa chợ’”.  

Ở một cái nhìn rộng hơn, việc duy trì mái chợ không chỉ là giải pháp cải thiện an toàn thực phẩm, chính sách thực phẩm mà còn thuộc về chính sách xã hội của một thành phố, một quốc gia để tránh dẫn đến sự phân loại hai chuỗi cung cấp thực phẩm: một là chuỗi cung cấp tiêu chuẩn thấp cho người nghèo, không có lựa chọn nào khác trước sản phẩm được bán ở các nơi không chính thức, từ mảnh vườn của những nông hộ không có khả năng gia tăng thu nhập; hai là chuỗi cung cấp đạt tiêu chuẩn cao, chỉ được bán ở các siêu thị dành cho những người tiêu dùng thu nhập cao và có quyền quyết định sản phẩm tiêu dùng. 

Vì vậy, mái chợ, khi được vận hành một cách hiệu quả, có thể là nơi để người nghèo đô thị đạt ước mơ dinh dưỡng của mình. Trong một cuộc trả lời các nhà nghiên cứu về điều quan trọng nhất mà họ muốn cải thiện về thực phẩm, 37% nói đến chất lượng, 56% nghĩ đến chế độ ăn đa dạng hơn, 20% là chế độ ăn quy củ hơn (trong đó 72% nhấn mạnh vào “đồ ăn ngon hơn” và 37% ‘‘thực phẩm an toàn hơn”).

Phải chăng đó cũng là một lý do để chợ tồn tại?□

Các quầy rau ở một ngôi chợ trong thành phố Huế

Theo Tiasang.vn

——

Tài liệu tham khảo:

Đặng Phong (2010). “Chuyện Thăng Long – Hà Nội qua một đường phố”. NXB Tri thức

Nguyễn Văn Chính (2021). “Di cư, đói nghèo và phát triển”. NXB Khoa học xã hội. 

Reardon, T., Timmer, C. P., & Minten, B. (2012). Supermarket revolution in Asia and emerging development strategies to include small farmers. Proceedings of the National Academy of Sciences, 109(31), 12332-12337. 

Figuié, M., & Moustier, P. (2009). Market appeal in an emerging economy: Supermarkets and poor consumers in Vietnam. Food Policy, 34(2), 210-217.

Ha, T. M., Shakur, S., & Pham Do, K. H. (2021). Food risk in consumers’ eye and their consumption responses: evidence from Hanoi survey. Journal of Asian Business and Economic Studies, 28(2), 86-100. 

Wertheim-Heck, S. C., & Raneri, J. E. (2020). Food policy and the unruliness of consumption: An intergenerational social practice approach to uncover transforming food consumption in modernizing Hanoi, Vietnam. Global Food Security, 26, 100418. 

Wertheim-Heck, S., Raneri, J. E., & Oosterveer, P. (2019). Food safety and nutrition for low-income urbanites: exploring a social justice dilemma in consumption policy. Environment and Urbanization, 31(2), 397-420. .

Moustier, P., Figue, M., Dao The Anh, Phan Thi Giac Tam, Vu Trong Binh & Nguyen Thi Tan Loc (2007). The participation of the poor in supermarket-driven chains in Vietnam. Presented at Seminar of 106th European Association of Agricultural Economists, Montpellier, France. 

THANH NHÀN