Sở Công thương TP Hà Nội - Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Sông Lô
CÔNG TÁC QUẢN LÝ, ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Thời gian qua, việc quản lý cụm công nghiệp (CCN) đã được quy định thống nhất, từ công tác quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý hoạt động.
Bên cạnh đó, mặc dù hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho các CCN chưa nhiều, nhưng bước đầu đã góp phần tích cực hỗ trợ các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn để đầu tư xây dựng hạ tầng CCN cũng như phát triển sản xuất kinh doanh; góp phần thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Thành phố theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo Báo cáo của Sở Công Thương, tại Hà Nội, giá trị sản xuất tại các CCN chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất công nghiệp của Thành phố, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho người lao động; di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các khu dân cư tập trung. Phát triển các CCN tạo tiền đề cho việc phát triển đô thị, dịch vụ của Thành phố với tốc độ cao trong thời gian qua.
Khu công nghiệp tập trung Sài Đồng A
Nhận thức được việc hình thành các CCN để tạo mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tạo điều kiện xử lý ô nhiễm môi trường là một yêu cầu cấp thiết, thời gian qua Thành phố Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo và giải pháp cụ thể, tổ chức họp giao ban định kỳ hàng quý với các Sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và chủ đầu tư CCN; các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ đã tích cực, phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện và chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Theo đó, công tác quản lý và phát triển CCN trên địa bàn đạt kết quả tốt.
Cụ thể, Sở Công Thương đã hoàn thiện và trình UBND Thành phố phê duyệt Quy hoạch phát triển CCN Thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030 tại Quyết định số 1292/QĐ-UBND ngày 14/3/2018 với 159 CCN, tổng diện tích là 3.204,31ha; Lập danh mục 68 CCN để kêu gọi đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Từ năm 2018 đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu trình UBND Thành phố quyết định thành lập 43 CCN (trong đó thành lập mới 31 CCN mới, 12 CCN giai đoạn 2) với tổng diện tích 753,3ha, tổng vốn đầu tư khoảng 16.150 tỷ đồng. Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện thẩm định thành lập mới 16 CCN, bổ sung 05 CCN vào quy hoạch phát triển CCN.
Để chuẩn bị xây dựng, tích hợp phương án phát triển CCN thành phố vào Quy hoạch Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở Công Thương đã phối hợp với các Sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển CCN theo Quy hoạch phát triển CCN Thành phố Hà nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030; đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch những CCN không còn phù hợp, bổ sung quy hoạch mới những CCN theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh vị trí, quy mô các CCN trong đó ưu tiên mở rộng các CCN hiện có, gắn với làng nghề; các CCN quy hoạch mới, mở rộng cần đảm bảo đủ diện tích để xây dựng đồng bộ hạ tầng, phát triển CCN theo hướng văn minh, hiện đại.
Sở Công Thương cũng đã phối hợp với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Quy chế quản lý CCN trên địa bàn thành phố Hà Nội để thiết lập mối quan hệ chặt chẽ và phân công trách nhiệm giữa các Sở, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với CCN; đảm bảo sự thống nhất tránh chồng chéo nhiệm vụ, không làm giảm vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền và không cản trở công việc của mỗi cơ quan và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong CCN.
Hiện tại, Hà Nội tăng cường công tác quản lý 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với 3.864 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh, thu hút hơn 60.000 lao động, nộp ngân sách bình quân hàng năm khoảng 1.100 tỷ đồng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đề xuất phương án chuyển đổi mô hình quản lý CCN từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện sang Doanh nghiệp; thẩm định trình UBND thành phố phê duyệt giá dịch vụ dùng chung trong CCN; Hướng dẫn các chủ đầu tư CCN xây dựng, phê duyệt Quy chế quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích trong CCN; thực hiện nghiêm túc và đầy đủ chế độ báo cáo; cập nhật và duy trì phần mền quản lý CCN…
Mặc dù đạt được những kết quả không nhỏ nhưng công tác quản lý, phát triển CCN vẫn gặp phải không ít những khó khăn, vướng mắc:
Về công tác bảo vệ môi trường, các chủ đầu tư chưa đầu tư hệ thống thu gom, bãi tập kết, phân loại, xử lý chất thải thông thường, chất thải nguy hại. Nhiều CCN không bố trí quỹ đất để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, có CCN có quỹ đất nhưng không đầu tư xây dựng.
Về xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các CCN trên địa bàn chủ yếu mang đặc thù là CCN làng nghề, xen lẫn với khu dân cư, có diện tích nhỏ, khó đầu tư xây dựng…
Về công tác PCCC, các CCN phần lớn không được trang bị hệ thống, thiết bị, phương tiện PCCC theo tiêu chuẩn hoặc nếu có thì không đầy đủ hoặc không phù hợp.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, với vai trò là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về CCN trên địa bàn Thành phố, Sở Công Thương sẽ thực hiện các nhiệm vụ sau:
Một là, chủ trì, phối hợp với sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã; các Chủ đầu tư CCN tổ chức triển khai thực hiện các nội dung quản lý, phát triển CCN, đôn đốc các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan thực hiện theo đúng quy định và yêu cầu chỉ đạo của Thành phố; tổng hợp, báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định.
Hai là, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức xây dựng, trình UBND Thành phố ban hành đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách phát triển CCN trên địa bàn Thành phố, gồm: Quy chế quản lý CCN; Giá dịch vụ chung trong các CCN; Cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất tại các làng nghề vào đầu tư sản xuất kinh doanh trong các CCN; Mô hình quản lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động đối với các CCN do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư; Chương trình đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu HTKT bên trong hàng rào và bên ngoài hàng rào các CCN.
Ba là, tổ chức rà soát Quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn Thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; lập Phương án phát triển CCN để tích hợp vào Quy hoạch thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bốn là, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư; tổ chức thẩm định, thành lập mới các CCN theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Năm là, chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành, địa phương đôn đốc, hướng dẫn đảm bảo công tác quản lý, khởi công, đầu tư hạ tầng kỹ thuật… đảm bảo đúng tiến độ theo chỉ đạo của UBND Thành phố.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận