TANDCC và VKSNDCC tại Hà Nội tổ chức sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp

Ngày 16/10/2018, tại trụ sở TANDCC tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa TANDCCtại Hà Nội và VKSNDCC tại Hà Nội. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Phạm Văn Hà, Chánh án TANDCC tại Hà Nội, ông Nguyễn Quang Thành, Viện trưởng VKSNDCC tại Hà Nội; lãnh đạo và các Thẩm phán cao cấp, Kiểm sát viên cao cấp, Thẩm tra viên, Kiểm sát viên và cán bộ, công chức của hai cơ quan.

Kết quả phối hợp rất tích cực

Hai năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa TANDCC tại Hà Nội và VKSNDTC tại Hà Nội được tính từ ngày 01/9/2016 đến ngày 31/8/2018. Đó cũng là thời điểm hai cơ quan triển khai và thực hiện công tác với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, trong bối cảnh nhiều Bộ luật, Luật, Nghị quyết mới được ban hành, đội ngũ cán bộ, Thẩm phán, Kiểm sát viên còn thiếu thốn. Trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ cải cách tư pháp mà Nghị quyết số 49-NQ/TW đã đề ra và triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa; thực hiện việc công khai bản án, quyết định của Tòa án… cả hai cơ quan đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ riêng của mình vì mục đích chung cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Toàn cảnh Hội nghị

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo hai ngành đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, điều hành các đơn vị nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ, hoạt động có hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành; thường xuyên trao đổi những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ; theo dõi chặt chẽ các vụ án có quan điểm khác nhau để phối hợp và có hướng chỉ đạo kịp thời nên tỷ lệ giải quyết các loại án đã được nâng lên rõ rệt, quan điểm giải quyết vụ án  đúng pháp luật và có sự thống nhất cao giữa hai ngành.Kết quả cụ thể như sau:

Về công tác thụ lí, giải quyết án phúc thẩm án hình sự

Trong hai năm qua, VKSNDCC tại Hà Nội và TANDCC tại Hà Nội đã thụ lý, giao nhận hồ sơ đối với 2807 vụ, 5017 bị cáo (có 342 vụ/608 bị cáo do VKS kháng nghị). Đã giải quyết 2386 vụ/ 4136 bị cáo (đạt 85% số vụ thụ lý). Trong tổng số lượng vụ án đã xét xử 1657 vụ/3330 bị cáo thì có 306 vụ, 542 bị cáo do VKS kháng nghị. VKSNDCC Hà Nội kháng nghị 18 vụ/ 41 bị cáo, TANDCC Hà Nội đã chấp nhận 13 vụ/25 bị cáo. (đạt tỷ lệ 72,22% số vụ; 60,97% số bị cáo).

Công tác phối hợp trong trong việc tổ chức phiên tòa xét xử các vụ án lớn, phức tạp, án do Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng theo dõi đã được lãnh đạo hai ngành chú trọng phối hợp họp bàn, góp phần giải quyết nhanh, gọn, đúng pháp luật, nghiêm minh, điển hình như: Vụ án Phạm Thị Bích Lương và các bị cáo khác phạm tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng”; Vụ án Lê Hòa Bình và các bị cáo khác phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Vụ án Hà Văn Thắm và các bị cáo khác phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; Vụ án Đinh La Thăng và các bị cáo khác phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; vụ án Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác phạm tội “Tham ô tài sản”; vụ án Phạm Văn Trội và các bị cáo khác phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”… được lãnh đạo hai ngành cấp trên đánh giá cao và dư luận xã hội quan tâm, đồng tình, ủng hộ

Ông Ngô Hồng Phúc, Chánh tòa Lao động TANDCC tại Hà Nội phát biểu tại Hội nghị

Trong thụ lý, giải quyết phúc thẩm các vụ, việc dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại

Tổng thụ lý, giao nhận hồ sơ đối với 1283 vụ, việc (có 87 vụ do VKS kháng nghị). Đã giải quyết: 852 vụ (đạt 66,40% số thụ lý). Xét xử 703 vụ. Trong đó có 53 vụ do VKS kháng nghị, cụ thể: VC1 kháng nghị 13 vụ, TA chấp nhận 9 vụ (69,23%)

Thực hiện chỉ thị của Chánh án TANDTC, TANDCC tại Hà Nội đã khuyến khích việc giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải; tập trung làm tốt công tác đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật; cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án.

Công tác giao nhận hồ sơ vụ án có sự phối hợp đồng bộ, đảm bảo kịp thời, đúng thời hạn, trong kỳ không để xảy ra mất tài liệu, hồ sơ.

Việc lên lịch xét xử các vụ án bước đầu Văn phòng của hai ngành đã có trao đổi thông tin để phối tạo thuận lợi cho việc phân công Kiểm sát viên và phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và người tiến hành tố tụng khác.

Công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đã được lãnh đạo hai ngành quan tâm chỉ đạo phối hợp tổ chức cho cán bộ tham dự và trao đổi, rút kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng, kỹ năng thẩm vấn của đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát viên.

Về thụ lí, giải quyết án giám đốc thẩm, tái thẩm

Đối với các trường hợp phát sinh tài liệu trong quá trình thụ lý, giải quyết án phúc thẩm, GĐT, TT, cơ bản đã được các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giải quyết trao đổi, cung cấp cho nhau, tạo thuận lợi trong việc nghiên cứu, giải quyết án.

Trong việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, gần đây văn phòng của hai ngành đã có một số hoạt động phối hợp, rà soát hồ sơ chính rút để giải quyết đơn GĐT, TT.

Thụ lý, giải quyết án giám đốc thẩm, tái thẩm hình sự

Trong kỳ, hai ngành đã thụ lý, giao nhận hồ sơ đối với 476 vụ, 1411 bị cáo (VKS kháng nghị  93 vụ/ 190 bị cáo; Tòa án kháng nghị 383 vụ/1221 bị cáo).

Đã giải quyết  450 vụ, 1337 bị cáo (đạt 94,53% số thụ lý), đã xét xử 445 vụ/1331 bị cáo, trong đó VKS kháng nghị 81 vụ/176 bị cáo, TA chấp nhận 77 vụ/170 bị cáo (95,06% số vụ; 96,04% số bị cáo).

Trong thụ lý, giải quyết án giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ, việc dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại…

Hai ngành đã thụ lý, giao nhận hồ sơ đối với 604 vụ, việc (VKS kháng nghị  184 vụ; Tòa án kháng nghị 420 vụ).

Đã giải quyết 528 vụ (đạt 87,41%). Trong đó, VKS kháng nghị 152 vụ, TA chấp nhận 125 vụ (đạt tỷ lệ  82,23%).

Bà Trần Thị Thu Hiền, Chánh Tòa Gia đình và người chưa thành niên – TANDCC tại Hà Nội phát biểu tại Hội nghị

Những khó khăn vướng mắc

Tuy đạt được những kết quả trên, nhưng hai bên cũng thẳng thắn thừa nhận vẫn còn những tồn tại, khó khăn, vướng mắc. Đó là những khó khăn trong việc kiểm đếm, giao nhận hồ sơ dối với những hồ sơ dày, nhiều bút lục đặc biệt là các vụ án lớn, có những vụ gần 100 nghìn bút lục;  Một số khó khăn, vướng mắc trong quy định của pháp luật qui định về thời hạn chuyển hồ sơ vụ án, về thẩm quyền ra lệnh tạm giam gây khó khăn trong quá trình giao nhận hồ sơ giữa hai bên.

Đa số Thẩm phán, Kiểm sát viên luôn trong tình trạng quá tải nên việc rút hồ sơ lên để giải quyết đơn theo thủ tục GĐT, TT còn bị chậm…

Tại Hội nghị, hai bên đã thảo luận, bàn bạc và đưa ra các phương hướng giải quyết

Phương hướng, biện pháp nhằm phối hợp tốt hơn

Phối hợp tốt hơn nữa để đảm bảo tuyệt đối an toàn trong giao, nhận hồ sơ. VKS có giải pháp đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu án và trả hồ sơ kịp thời cho TA. Đối với các vụ án nhiều bút lục, VKS cần có cơ chế phân công Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ và photo tài liệu tại TA, giảm thủ tục giao nhận, vận chuyển hồ sơ.

Thực hiện đầy đủ có hiệu quả quy định của Thông tư số số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC, đẩy nhanh tiến độ việc giải quyết đơn GĐT, TT khi có hồ sơ, phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành trong việc chuyển hồ sơ vụ án để giải quyết đơn GĐT, TT

Tăng cường trách nhiệm của hai ngành trong việc chuyển các văn bản hành chính, văn bản tố tụng, các tài liệu phát sinh trước khi mở phiên tòa, cần thường xuyên cung cấp, trao đổi thông tin cho nhau về tình hình, kết quả giải quyết án, giải quyết đơn.

Rà soát và bàn biện pháp đẩy nhanh việc giải quyết các vụ án GĐT, TT tồn đọng kéo dài, đối với các vụ án bị cáo tại ngoại cố tình trì hoãn không có mặt theo giấy triệu tập thì cần thiết phải bắt tạm giam để đảm bảo việc xét xử…, TA có cơ chế về việc gửi giấy triệu tập bằng hình thức bảo đảm để hạn chế việc hoãn phiên tòa do đương sự, bị cáo không xác định đã được triệu tập hợp lệ chưa. Đối với việc giải quyết các vụ án phức tạp, dư luận quan tâm, cần tăng cường họp liên ngành để có quan điểm giải quyết đúng đắn.

Đối với những vụ án cần điều tra, xác minh bổ sung, Thẩm phán, Kiểm sát viên sau khi có văn bản yêu cầu xác minh và khi có kết quả xác minh, cần thông báo cho nhau biết và thông báo cho bộ phận tham mưu để theo dõi, tránh tình trạng hồ sơ để quá lâu nhưng không có văn bản xác minh hoặc không kịp thời đôn đốc việc xác minh, điều tra bổ sung hoặc lên lịch xét xử khi chưa có kết quả.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm

 

Hội nghị sơ kết giữa TANDCC tại Hà Nội và VKSND cấp cao tại Hà Nội đã kết thúc tốt đẹp. Hai bên đã thống nhất được các nội dung chủ yếu nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của mỗi bên, nâng cao trách nhiệm chung với tinh thần “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”. Hai ngành cũng xác định, định kỳ 6 tháng/lần họp bàn các biện pháp phối hợp thực hiện quy chế, nếu có vướng mắc bất cập hoặc thấy cần bổ sung nội dung mới trong Quy chế phối hợp thì cần xem xét sửa đổi cho phù hợp.

Bài XUÂN BÁCH, ảnh HÙNG LAN