Sơ kết quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh và Toà án Nhân dân tỉnh Lạng Sơn trong công tác giải quyết các vụ án hành chính dân sự năm 2023
Sáng 10/11, UBND tỉnh phối hợp với Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết quy chế phối hợp trong công tác giải quyết các vụ án hành chính, dân sự năm 2023. Các đồng chí: Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Chu Lệ Hường, Bí thư BCS Đảng- Chánh án TAND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu phát biểu tại hội nghị
Ngày 15/9/2018, UBND tỉnh và TAND tỉnh ký kết Quy chế phối hợp số 01/QCPH-UBND-TAND trong công tác giải quyết các vụ án hành chính, dân sự. Thời gian qua, lãnh đạo UBND tỉnh và TAND tỉnh đã chỉ đạo sát sao các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp góp phần đẩy nhanh tiến độ và chất lượng giải quyết các vụ án hành chính, dân sự trên địa bàn tỉnh.
Công tác phối hợp giữa UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện và TAND hai cấp trong tỉnh được thực hiện thường xuyên, nền nếp. Việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, văn bản trả lời, tham gia tố tụng hoặc cử người tham gia tố tụng của UBND các cấp, cử người tham gia xem xét, thẩm định tại chỗ, thực hiện giám định tư pháp… đều được thực hiện kịp thời, nhanh chóng.
Từ ngày 1/12/2022 đến ngày 30/9/2023, TAND hai cấp giải quyết 23/26 vụ án hành chính, đạt tỉ lệ 88,5%; còn 3 vụ đang tạm đình chỉ giải quyết, trong đó có 21/26 vụ khởi kiện quyết định hành chính của UBND, Chủ tịch UBND các cấp, các quyết định hành chính bị khiếu kiện chủ yếu trong lĩnh vực quản lý đất đai. TAND hai cấp thụ lý, giải quyết 1.835/1.856 vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, đạt tỉ lệ 98,9%, còn 21 vụ đang giải quyết. UBND, Chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp tham gia tố tụng 21 vụ án hành chính và 271 vụ án dân sự.
Chánh án TAND tỉnh phát biểu tại hội nghị
Trong đó, UBND tỉnh và cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã cung cấp thông tin, tài liệu cho tòa án đối với 328 vụ, việc; UBND cấp xã đã trực tiếp tống đạt trên 1.000 lượt văn bản tố tụng theo yêu cầu của TAND cho các đương sự…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận, trao đổi các nội dung liên quan đến quy chế phối hợp như: Công tác cung cấp tài liệu, chứng cứ cho TAND; thành phần tham gia thẩm định tại chỗ; tống đạt các văn bản tố tụng cho đương sự ở cấp cơ sở; ủy quyền tham gia tố tụng tại phiên tòa; các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa UBND và TAND cùng cấp trong giải quyết các vụ án hành chính, các vụ án dân sự…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chánh án TAND tỉnh đã làm rõ thêm một số kết quả đã đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy chế phối hợp. Đồng chí nhấn mạnh: Số vụ việc dân sự, hành chính mà TAND hai cấp thụ lý, giải quyết ngày càng gia tăng, phức tạp, đồng thời nhiều vụ án các đương sự không hợp tác, gây khó khăn, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Do đó, đồng chí mong muốn trong thời gian tới UBND và TAND tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp để việc giải quyết vụ án bảo đảm thời gian và đúng quy định của pháp luật.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong thời gian tới, hai bên tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nội dung phối hợp theo quy chế; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong các tầng lớp Nhân dân, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở và tăng cường chuyển đổi số trong công tác quản lý Nhà nước, xét xử.
Chánh án TAND huyện Chi Lăng phát biểu tham luận tại hội nghị
Đối với các cơ quan hành chính từ tỉnh đến cơ sở, đồng chí yêu cầu cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong cung cấp tài liệu cho TAND đảm bảo kịp thời, đầy đủ, chất lượng; phân công đầu mối phụ trách theo dõi việc thực hiện quy chế và cần quan tâm hơn tới công tác tống đạt văn bản tố tụng theo yêu cầu của TAND cho các đương sự. Sau mỗi phiên tòa, các cơ quan hành chính các cấp cần rút kinh nghiệm, khắc phục ngay những thiếu xót, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước.
Đồng chí cũng quán triệt trong năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải tham gia tố tụng ít nhất từ 2 vụ án hành chính, dân sự trở lên khi UBND, Chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn thuộc UBND là đương sự trong vụ án và đề nghị người được ủy quyền tham gia tố tụng không được vắng mặt tại phiên tòa.
Đối với TAND hai cấp, đồng chí mong muốn các đơn vị khắc phục những khó khăn, chủ động trao đổi thông tin khi thụ lý các vụ án có UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, cấp huyện tham gia tố tụng hoặc các vụ án cần thu thập, tài liệu chứng cứ từ UBND; đồng thời, tổ chức tốt công tác hòa giải, đối thoại để giải quyết các vụ án dân sự, hành chính đạt hiệu quả.
nguồn "Báo Lạng Sơn Điện Tử"
Bài liên quan
-
Thừa Thiên Huế: TAND và VKSND cấp huyện, thị xã ký kết quy chế phối hợp
-
Dự thảo Quy chế phối hợp giữa TANDTC và Bộ Quốc phòng trong quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức
-
TAND tỉnh Lạng Sơn tập huấn công tác bảo vệ bí mật Nhà nước và an ninh mạng năm 2024
-
Hà Giang: Tòa án và Viện kiểm sát ký kết Quy chế phối hợp
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận