Sự kiện trường Ahart và bức thư cầu cứu “chị Thảo” được đáp lại bằng sự vô vị!

Mặc dù tháng 4/2014 trường Ahart hết hạn giấy phép và Cục hàng không Việt Nam đã gửi văn bản thông báo đến tất cả các hãng hàng không nhưng Công ty CP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) vẫn “quyết tâm” đưa học viên đến Ahart học. Từ sự “quyết tâm” đó đã khiến cho nhiều học viên mất trắng hơn 32.500 USD (gần 800 triệu đồng).

Như đã thông tin ở bài trước, tính từ thời điểm tháng 4 đến ngày 7/11/2014, cũng giống như nhiều học viên khác, ông Huỳnh Phú Tài đã bỏ tiền túi đóng cho Vietjet Air và trường Ahart tổng số tiền 37.000 USD. Trong đó có 4.000 USD Vietjet Air thu “phí quản lý” và khoảng 500 USD là tiền vé máy bay. Số còn lại khoảng 32.500 USD trường Ahart thu là học phí và phí sinh hoạt.

Trường Ahart Aviation Services, Inc (gọi tắt Aharttrụ sở số 186 Airway Blvd., Livermore, CA 9455, Hoa Kỳ) là đơn vị đào tạo được ấn định trong thông báo tuyển học viên phi công của Vietjet Air (đầu năm 2014). Trường này được Cục hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận phê chuẩn số 05-2013/ATO. Tuy nhiên, giấy chứng nhận này chỉ có thời hạn đến ngày 30/4/2014 và không được Cục hàng không Việt Nam gia hạn.

 Tóm tắt sự kiện Ahart

Trước sự lo lắng của các học viên do thông tin trên, trong email thông báo nộp học phí, Vietjet Air đã trấn an học viên bằng việc khẳng định “Ahart đang hoàn thành các thủ tục gia hạn giấy phép với CAAV để tiếp tục được gia hạn giấy phép trước ngày 30/4/2014”.

Trong mail, Vietjet Air cũng cho biết rằng “có thỏa thuận trước với Ahart nên từ tháng 2/2014 trường này không tiếp nhận thêm học viên để chuẩn bị tốt nhất điều kiện cơ sở vật chất để đón tiếp nhóm học viên của Vietjet Air. Ahart muốn hợp tác lâu dài cùng Vietjet Air trong lĩnh vực đào tạo phi công cơ bản do đó nhóm học viên của Vietjet sẽ có có được điều kiện dịch vụ tốt nhất”.

Và có thể vì sự hợp tác lâu dài này nên bất chấp Cục hàng không Việt Nam không tiếp tục gia hạn Giấy chứng nhận phê chuẩn (cũng không cấp mới), Vietjet Air vẫn đưa học viên đến trường Ahart học làm phi công. Theo thông tin ông Huỳnh Phú Tài cung cấp, ông và các học viên khác bay sang Mỹ để học ở Ahart theo chỉ định của Vietjet Air từ ngày 28/5/2014 (thời điểm sau khi Cục hàng không Việt Nam đã không gia hạn giấy chứng nhận phê chuẩn/cấp mới).

Tuy nhiên trước đó (ngày 23/5/2014), mỗi học viên phải đóng cho Ahart 21.500 USD (bao gồm học phí và tiền nhà ở) bằng phương thức chuyển khoản và số tài khoản do Vietjet Air cung cấp.

Đến ngày 1/6/2014, nhóm học viên tiếp tục phát hiện Ahart có nhiều bất ổn. Bà Judith Shezifi – người được Vietjet Air giới thiệu là Hiệu trưởng trường Ahart thực chất chỉ là người đóng thế. Sau khi trở lại Mỹ, bà này không điều hành công việc tại Ahart, nắm hoạt động chính là một người có tên N.Đ.Minh. Nhóm học viên cũng báo cáo vụ việc về cho Vietjet Air và được hãng hàng không này tiếp tục trấn an: “Cầm hợp đồng, không lo”.

Ngày 27/9/2014, chính quyền hạt Livermore dán giấy thông báo trường Ahart bị rút giấy phép của Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA). Trước đó (vào ngày 9/9/2014) Cục hàng không Việt Nam cũng tiếp tục có công văn về việc khẳng định Cục này sẽ không chấp thuận bất cứ kết quả huấn luyện nào của các học viên tốt nghiệp tại Ahart. Và đương nhiên, công văn này được gửi tới tất cả các hãng hàng không, trong đó có Vietjet Air.

Sự việc Ahart đã rõ ràng, thế nhưng một người được cho là Thành viên HĐQT  của Vietjet Air (ông C.V.Cường) vẫn “vận động” nhóm học viên tiếp tục tôn trọng hợp đồng bằng việc đóng tiếp học phí.

Tin tưởng lời của ông C.V.Cường trong buổi tiếp xúc, ngày 29/9/2014 nhóm học viên tiếp tục đóng học phí 9.000 USD/người. Nhưng chỉ 16 ngày sau (ngày 15/10/2014) Ahart chính thức ngừng các hoạt động dạy và học, niêm phong cửa ra vào, giải thể nhân viên. Lúc này, ông N.D.Minh (cháu của người trực tiếp đánh giá năng lực của Ahart) bỏ trốn.

Trong thời gian chờ Vietjet Air xử lý vấn đề ở trường Ahart, nhóm học viên phải đóng tiếp 2.000 USD phí sinh hoạt. “Nếu không đóng thì tôi và nhiều anh em khác sẽ bị tống ra đường, lúc đó chẳng biết phải sống sao?” ông Huỳnh Phú Tài cho biết.

Công văn của Cục hàng không Việt Nam khẳng định không chấp nhận bất cứ kết quả huấn luyện nào của Ahart

Ông Tài cũng cho biết thêm, chuỗi ngày làm việc với những người trực tiếp quản lý dự án “Cadet 01 VietjetAir” đi vào bế tắc. Những người này chủ yếu muốn kiểm soát thông tin, chỉ đạo liên lạc với thông tin hạn chế, không cho học viên lộ tin ra ngoài, kể cả với người thân trong gia đình.

“Nhận thấy thật sự bất ổn, tiền mất hàng ngày do nhu cầu ăn ở vốn rất đắt đỏ ở Livermore nhưng sự việc vẫn không được giải quyết, tôi cùng 9 học viên khác đã cầu cứu vượt cấp lên thẳng chị Thảo – CEO Vietjet Air (Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – PV). Tuy nhiên, chị Thảo không trả lời email mà một người khác trả lời bằng cách trấn an”, ông Tài cho biết.

“Sau đó chú Phúc (một lãnh đạo của Vietjet Air) tiếp tục gọi điện thoại (qua Viber) để trấn an tôi và nhóm học viên. Chú yêu cầu chúng tôi bình tĩnh và tuyệt đối hạn chế để lọt thông tin ra ngoài. Tất cả sự việc chờ Ban lãnh đạo Vietjet Air giải quyết!”, ông Huỳnh Phú Tài thông tin việc đáp lại bức thư cầu cứu vượt cấp của ông và nhóm học viên gửi CEO Vietjet Air.

Những cá nhân quản lý dự án “Cadet 01 VietjetAir” và những người trong sự kiện Ahart có mối quan hệ như thế nào với Vietjet Air? Ông Tài và nhóm học viên đã nhận được gì sau bức thư cầu cứu CEO Vietjet Air? Số tiền 32.500 USD mất oan được xử lý như thế nào? Số tiền 4.000 USD Vietjet Air thu phí quản lý học viên có được trả lại hay không? Tạp chí Tòa án nhân dân sẽ tiếp tục thông tin trong những bài tiếp theo.

 

 

 

 

THẾ MỸ - VƯƠNG PHƯƠNG