Sự thay đổi về quyền từ chối nhận di sản trong quy định của pháp luật dân sự Việt Nam

Bài viết này phân tích về sự phát triển của quy định từ chối nhận di sản từ năm 1990 đến nay và nêu lên điểm thay đổi về thủ tục từ chối nhận di sản theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

1. Quyền khước từ di sản theo Pháp lệnh Thừa kế năm 1990

Ngày 30/8/1990, Pháp lệnh Thừa kế được ban hành, theo Pháp lệnh này, quyền từ chối nhận di sản được mang tên gọi là khước từ quyền hưởng di sản. Theo đó, người thừa kế có thể khước từ quyền hưởng di sản, trừ trường hợp việc khước từ đó nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ của bản thân về tài sản. Người thừa kế có thể nhường quyền hưởng di sản cho người thừa kế khác (Điều 31 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990). Quyền từ chối nhận di sản theo quy định ở thời điểm này có những đặc điểm như sau:

Thứ nhất, theo quy định của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990, quyền khước từ quyền hưởng di sản của người thừa kế được ghi nhận cụ thể và là nền tảng kế thừa cho quyền từ chối nhận di sản ở các Bộ luật Dân sự sau này

Trong thời kỳ pháp luật phong kiến, thì quyền từ chối nhận di sản hầu như không được ghi nhận. Mọi quyền, nghĩa vụ tài sản từ cá nhân chết để lại cho người thừa kế theo nguyên tắc “phụ trái tử hoàn”, tức là cha nợ thì con phải trả, dù đó là khối tài sản có hay tài sản nợ thì con cháu cũng phải gánh chịu để thực hiện thay cho người chết và hầu như không có giới hạn trong phạm vi di sản, có nghĩa là họ phải gánh chịu nghĩa vụ từ người chết bằng chính tài sản của bản thân. Pháp luật phong kiến (Luật Hồng Đức, Luật Gia Long) chỉ ghi nhận việc bị tước quyền hưởng di sản do vi phạm hoặc bị truất quyền hưởng di sản theo ý chí của người để lại di sản thể hiện trong di chúc mà không hề có sự tồn tại của quyền từ chối nhận di sản[1].

Đến giai đoạn thời kỳ Pháp thuộc, thì tư tưởng của các quy định thời kỳ phong kiến vẫn còn ảnh hưởng nhất định. Con cháu của người chết, vợ hay chồng của người chết bắt buộc phải nhận di sản và bắt buộc phải lấy tài sản riêng của mình mà trang trải các khoản nợ của người chết, không có ngoại lệ nào (Điều 316, Điều 376 Dân luật Bắc kỳ ).

Điều 10 Sắc lệnh số 97/SL ngày 22/5/1950 không coi việc nhận di sản thừa kế là một nghĩa vụ mà quy định con cháu hoặc vợ chồng của người chết cũng không bắt buộc phải thừa kế người ấy. Khi nhận thừa kế thì các chủ nợ của người chết cũng không có quyền đòi nợ quá số di sản để lại. Quy định này chính là nền tảng đầu tiên ghi nhận về từ chối nhận di sản và nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại trong phạm vi di sản được hưởng trong pháp luật sau này.

Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 ghi nhận quyền từ chối nhận di sản một cách khá hoàn thiện về sự tồn tại quyền, điều kiện và thể thức từ chối chính là nền tảng vững chắc cho các bộ luật sau này hoàn thiện ghi nhận quyền từ chối nhận di sản của người thừa kế.

Thứ hai, việc khước từ quyền hưởng di sản còn chưa được phân biệt rõ ràng với việc nhận quyền hưởng di sản sau đó tặng cho kỷ phần lại cho người thừa kế khác

Khoản 1 Điều 31 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 quy định: “Người thừa kế có thể nhường quyền hưởng di sản cho người thừa kế khác”. Có thể thấy, Pháp lệnh này chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa việc từ chối nhận di sản và việc đồng ý nhận nhưng nhưởng quyền hoặc nhường phần kỷ phần lại cho người khác. Bởi vì, việc nhường kỷ phần cũng được ghi nhận trong cùng một điều với khước từ quyền hưởng di sản. Khước từ quyền hưởng di sản lẽ ra phải được hiểu đúng bản chất của nó, rằng sau khi quyết định và thực hiện quyền này, người thừa kế ban đầu đã không còn quyền định đoạt đối với phần di sản bị khước từ hưởng. Nếu muốn nhường kỷ phần, tặng cho kỷ phần lại cho người thừa kế khác, bắt buộc người thừa kế phải thực hiện việc thừa kế di sản – trở thành người có quyền đối với phần được tặng, được nhường lại.

Thứ ba, khước từ quyền hưởng di sản là một quyền có hạn chế, thực hiện quyền khước từ không được ảnh hưởng lợi ích của người khác

Người thừa kế có thể khước từ quyền hưởng di sản, trừ trường hợp việc khước từ đó nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ của bản thân về tài sản. Đây là giới hạn hợp lý dựa trên nguyên tắc công bằng và bình đẳng về quyền dân sự của các chủ thể. Khi đó, chủ thể bất kỳ thực hiện quyền của mình nhưng không được xâm hại đến lợi ích của chủ thể khác, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

Thứ tư, thủ tục khước từ quyền hưởng di sản phải thông báo việc khước từ cho người thừa kế khác, Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan công chứng nơi mở thừa kế, song hình thức khước từ chưa có sự quy định cụ thể.

Việc khước từ phải thông báo cho người thừa kế khác, Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan công chứng nơi mở thừa kế. Như vậy, ở giai đoạn này, khước từ quyền hưởng di sản muốn có hiệu lực phải thông báo cho người thừa kế khác và thực hiện việc công chức hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân nơi mở thừa kế. Việc công chứng hoặc chứng thực được coi là bắt buộc để việc khước từ có hiệu lực. Bên cạnh đó, thời hạn khước từ quyền hưởng di sản là sáu tháng, kể từ ngày người thừa kế biết thời điểm mở thừa kế. Thời hạn sáu tháng được tính kể từ ngày “biết thời điểm mở thừa kế” mà không phải sáu tháng kể từ thời điểm mở thừa kế. Như vậy, thời hạn này phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người thừa kế, rằng khi đó người thừa kế có biết về thời điểm mở thừa kế. Có nghĩa là, khi người thừa kế còn chưa biết hoặc không biết thì thời hạn sáu tháng này chưa được tính đến.

2. Quyền từ chối nhận di sản theo Bộ luật Dân sự năm 1995 và Bộ luật Dân sự năm 2005

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995 và Bộ luật Dân sự năm 2005, quyền hưởng di sản của người thừa kế là quyền đương nhiên. Khi muốn từ chối nhận di sản thì người thừa kế thể hiện cụ thể, không thể suy đoán việc từ chối này. Cụ thể, người thừa kế từ chối nhận di sản phải biểu lộ ý chí không nhận di sản này bằng văn bản, có sự thông báo đến những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, công chứng nhà nước hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản. Đến đây, hình thức của việc từ chối nhận di sản đã được quy định rõ phải thể hiện bằng văn bản và việc công chứng, chứng thực vẫn là quy định bắt buộc về thủ tục, về phần chủ thể phải được thông báo đến có sự bổ sung về người phân chia di sản so với Pháp lệnh Thừa kế năm 1990.
Trong quá trình thi hành Bộ luật Dân sự năm 1995, nhiều ý kiến cho rằng, không cần thiết phải quy định thời hạn từ chối nhận di sản. Nếu di sản chưa được chia thì người thừa kế có thể từ chối nhận di sản ở bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, để ổn định các quan hệ tài sản liên quan đến di sản thừa kế, các ý kiến khác lại cho rằng vẫn cần thiết quy định thời hạn từ chối nhận di sản thừa kế. Theo quan điểm này, thì thời hạn sáu tháng kể từ khi người để lại di sản mất đi là đủ để người thừa kế có thể xác định mình có nhận di sản thừa kế hay không. Vì vậy, Bộ luật Dân sự năm 1995 và Bộ luật Dân sự năm 2005 vẫn giữ nguyên quy định việc từ chối nhận di sản phải được bày tỏ trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế, hết thời hạn sáu tháng kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu người thừa kế không có văn bản từ chối hưởng di sản thì được coi là đồng ý nhận di sản thừa kế[2].

Đối với hạn chế của quyền từ chối nhận di sản, cả Bộ luật Dân sự năm 1995 và Bộ luật Dân sự năm 2005 đều nêu rõ: “… Trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác” như ở tinh thần của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990, nhưng với câu chữ rõ ràng hơn.
Về từ chối nhận di sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liên với đất thì nội dung văn bản từ chối phải thể hiện rõ các nội dung như: (i) Họ, tên người từ chối hưởng di sản thừa kế; (ii) Là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của ai, đã mất vào ngày, tháng, năm nào; (iii) Tài sản mà người từ chối di sản thừa kế được hưởng; (iv) Thể hiện quan điểm tự nguyện từ chối hưởng di sản thừa kế[3].

3. Từ chối hưởng di sản theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015

Trên cơ sở kế thừa các quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995 và Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác”.
Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền từ chối nhận di sản của người thừa kế có những điểm khác biệt nổi bật như sau:

Thứ nhất, việc từ chối phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết. Như vậy, chủ thể cần phải được gửi văn bản từ chối nhận di sản từ người thừa kế có sự bổ sung về người quản lý di sản. Sự bổ sung này là cần thiết và phù hợp, thuận tiện cho việc quản lý và phân chia di sản, để những người này biết mà thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình cho phù hợp. Ngoài ra, Bộ luật Dân sự năm 2015 không còn quy định việc công chứng, chứng thực văn bản từ chối nhận di sản như một thủ tục bắt buộc làm ảnh hưởng đến hiệu lực của văn bản từ chối. Theo tác giả, việc loại bỏ quy định bắt buộc này là cần thiết để mở rộng việc thực hiện quyền của người thừa kế và phù hợp với xu thế coi việc công chứng, chứng thực như một dạng dịch vụ công. Như vậy, từ ngày 01/01/2017 người thừa kế từ chối nhận di sản chỉ cần lập thành văn bản và gửi đến những chủ thể theo quy định thì văn bản từ chối nhận di sản ấy đã hợp pháp mà không cần phải đi công chứng hoặc chứng thực.

Thứ hai, việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản. Bộ luật Dân sự năm 2015 không còn hạn chế quyền từ chối nhận di sản trong thời hạn sáu tháng kể từ thời điểm biết được thời điểm mở thừa kế hay từ thời điểm mở thừa kế như các văn bản quy phạm pháp luật trước đây.
Mặc dù không nói cụ thể về thời điểm bắt đầu phát sinh quyền từ chối nhận di sản, nhưng theo nguyên tắc suy lý thì quyền từ chối nhận di sản là một quyền của người thừa kế và thời điểm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người thừa kế được Điều 614 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rõ là kể từ thời điểm mở thừa kế. Các quyền, nghĩa vụ này đã bao gồm cả quyền từ chối nhận di sản. Hay nói cách khác, quyền từ chối nhận di sản không thể thực hiện khi người có tài sản chưa chết. Nguyên tắc về thời điểm bắt đầu tính thời hạn này cũng đã tồn tại trong thực tiễn xét xử trước đây. Quy định tại Điều 614 Bộ luật Dân sự năm 2015 chính là sự ghi nhận chính thức của luật về thời điểm phát sinh quyền từ chối nhận di sản thừa kế của người thừa kế.

Sự tiến bộ của quy định về thời hạn từ chối nhận di sản là không còn bị hạn chế trong thời gian khá ngắn, chỉ có sáu tháng từ thời điểm mở thừa kế, bởi trên thực tế, nhiều người thừa kế đang trong thời gian “tang gia bối rối”, họ không có đủ thời gian và tâm trí để quyết định vấn đề về tài sản, trong khi đó thời hạn theo luật quy định lại trôi qua và cuối cùng họ không thực hiện được quyền từ chối trên thực tế. Với cách quy định này, thời hạn từ chối có thể thay đổi theo từng trường hợp thừa kế, bởi thời hạn này phụ thuộc vào thời điểm phân chia di sản, mà thời điểm phân chia di sản thường do những người thừa kế thỏa thuận xác định mà hạn mức cuối cùng để yêu cầu phân chia di sản đối với động sản là 10 năm, đối với bất động sản là 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Tuy nhiên, người thừa kế vẫn có thể tiến hành phân chia ngay cả sau thời hạn luật định này khi họ đã thực hiện văn bản đồng thuận phân chia di sản và thỏa thuận sẽ tiến hành phân chia sau này. Có thể thấy rằng, quyền từ chối nhận di sản của người thừa kế được đảm bảo thực hiện trên thực tế rất mở rộng so với các văn bản, các Bộ luật Dân sự trước đây.

Trên đây là một số phân tích và quan điểm đánh giá của tác giả về quy định từ chối nhận di sản của người thừa kế. Hy vọng rằng, bài viết sẽ giúp cho độc giả có thể xác định được cách thức xác lập một văn bản từ chối nhận di sản hợp pháp và có hiệu lực pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của mình khi thực hiện việc từ chối nhận di sản trên thực tế.

Theo http://tcdcpl.moj.gov.vn

[1]. Viện Sử học Việt Nam (2016), Điều 506 Luật Hồng Đức, Nxb. Chính trị quốc gia.
[2]. Viện Khoa học pháp lý (2013), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2005 (tập III), Nxb. Chính trị Quốc gia, tr. 37.
[3]. Mẫu số 30, Mẫu số 60 của Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản, thực hiện quyền của người sử dụng đất.

ThS. NGUYỄN THỊ ANH THƯ (Khoa Kinh tế - Luật, Đại học Trà Vinh)