Tài sản bất minh cho đóng thuế để tránh oan sai
CAO LOAN - Ngày 11/4, UBTVQH đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Dự kiến dự thảo này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp giữa năm. Trong đó, nội dung được thảo luận nhiều nhất là xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Đây là quy định rất đột phá về xử lý tài sản thu nhập không trung thực hoặc chưa được giải trình hợp lý và đã được các đại biểu góp ý để hoàn thiện.
Chính phủ chọn phương án thu thuế
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trên cơ sở ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng việc xử lý tài sản, thu nhập chênh lệch do kê khai tài sản không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý có liên quan đến quyền sở hữu tài sản của người kê khai và vợ/chồng, con chưa thành niên của người kê khai.
Việc áp dụng các biện pháp xử lý trực tiếp đối với tài sản, thu nhập là một vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến quyền công dân, quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Trường hợp áp dụng thì cũng cần phải sửa rất nhiều các đạo luật có liên quan mới được Quốc hội thông qua như BLHS, BLTTHS, BLTTDS.
Vì vậy, Chính phủ đề xuất quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm và người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về việc hình thành tài sản, thu nhập theo 2 phương án.
Cụ thể, dự thảo đã bổ sung Điều 59 quy định về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm, theo 2 phương án.
Phương án 1: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân.
Đồng thời, dự thảo Luật Sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (bổ sung Điều 18a và điểm g khoản 2 Điều 23), quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập chịu thuế do vi phạm quy định của Luật Phòng chống tham nhũng (Điều 123 của dự thảo luật).
Phương án 2: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.
Đối với cả hai phương án, dự thảo luật đều quy định người bị thu thuế hoặc bị xử phạt hành chính có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện tại tòa án hành chính về kết luận xác minh tài sản, thu nhập.
Việc thu thuế hay xử phạt hành chính đều không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu các cơ quan có thẩm quyền chứng minh tài sản đó do phạm tội mà có.
Tuy nhiên, trong hai phương án trên, Chính phủ lựa chọn phương án 1, vì cho rằng phương án này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam hiện nay.
Trả lời báo chí, ông Đinh Văn Minh, Viện trưởng VKHTT nói: Theo tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, số lượng phải thu từ các bản án là khoảng 60.000 tỷ đồng, ta chỉ thu được 4.000 tỷ. Còn nhiều vụ thất thoát hàng nghìn tỷ nhưng cơ quan chức năng không chứng minh được nó chui vào túi ai; nhiều vụ chỉ quy kết được tội Cố ý làm trái, không phải nhóm tội tham nhũng và mức xử phạt cũng thấp hơn nhiều. Chính vì thực trạng hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng thấp như vậy nên chúng tôi mới đề xuất áp dụng các biện pháp linh hoạt. Đặc biệt, với những tài sản chưa rõ nguồn gốc thì phải có cách làm sao thu được càng nhiều càng tốt. Với tài sản hỗn hợp, một phần do tham nhũng, một phần do họ làm ra…, để tránh oan sai thì việc đề xuất thu thuế 45% là hợp lý.
Cân nhắc kỹ, thận trọng
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga cho biết đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được Hiến định, nên việc xử lý theo phương án nào cần được cân nhắc rất kỹ, thận trọng để vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân, vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng.
Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho rằng, đặc điểm xã hội Việt Nam là người dân có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình; tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau (ngoài thu nhập từ lương thì nhiều người còn làm thêm để tăng thu nhập dưới nhiều hình thức) và Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn; chưa quy định đánh thuế đối với tài sản… Riêng đối với tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc thì đến nay pháp luật vẫn chưa có quy định xử lý, trong khi không loại trừ một số tài sản này có thể có nguồn gốc từ tham nhũng, từ vi phạm pháp luật nhưng Nhà nước chưa chứng minh được. Do đó, việc bổ sung quy định xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này là cần thiết.
Trong bối cảnh đó, việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp. Về mặt pháp lý không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu bằng biện pháp hình sự theo hướng “suy đoán có tội”.
Mặt khác, nếu coi đó là tài sản của nhà nước để tiến hành xác lập quyền sở hữu nhà nước theo thủ tục tố tụng dân sự về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu thì vừa không phù hợp với quy định của BLDS.
Bà Lê Thị Nga nói: “Lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý tài sản đó nên cần phải tiến hành thận trọng, có bước đi phù hợp. Cần quy định cụ thể tiêu chí làm căn cứ để xác định trường hợp nào được coi là “không giải trình được một cách hợp lý” để tránh tùy tiện, thiếu thống nhất trong áp dụng pháp luật”, và cần hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp.
Về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không kê khai; tài sản, thu nhập biến động mà không được giải trình một cách hợp lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng nhấn mạnh cần làm rõ thế nào là giải trình “một cách hợp lý”; nếu chỉ để chung chung như vậy sẽ không bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn. Mặt khác, việc giải trình cũng phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam, bởi lẽ, trên thế giới, việc giải trình khác nước ta vì mọi giao dịch đều là giao dịch điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…
Ông Định cũng cho rằng không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu bằng biện pháp hình sự theo hướng “suy đoán có tội”, mà phải suy đoán “vô tội”. Đại biểu nhất trí với phương án do Chính phủ trình nhưng không tán thành với mức 45% mà đề xuất nên để mức cụ thể cho Luật thuế thu nhập cá nhân tính trên cơ sở mức thu nhập.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cũng phân vân về vấn đề: “Cách thức kiểm soát thu nhập của họ thế nào? Ai có trách nhiệm, nghĩa vụ chứng minh tài sản, thu nhập ấy là sở hữu chính đáng của cán bộ công chức? Cơ quan kiểm tra hay là chính chủ sở hữu”?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm VPQH, nói thẳng: “Cán bộ ta không phải là nghèo nhưng kê khai lại rất nghèo”, nên cần xây dựng quy định theo hướng phòng hơn chống, để phải làm sao cán bộ có muốn tham nhũng cũng không được.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận