Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù theo quy định của BLHS năm 2015 – Một số vướng mắc và kiến nghị
Bài viết này phân tích quy định về tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và đưa ra kiến nghị hoàn thiện cụ thể.
1. Quy định về tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù trong BLHS năm 2015
Điều 68 BLHS năm 2015 quy định về tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù như sau:
“1. Người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật này, thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
2. Thời gian tạm đình chỉ không được tính vào thời gian chấp hành hình phạt tù”.
Điều luật không nêu khái niệm như thế nào là tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù mà chỉ nêu các trường hợp có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Đồng thời, điều luật cũng quy định rõ thời gian tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù không được tính vào thời gian chấp hành hình phạt tù, đây là quy định phù hợp cả về lý luận và thực tiễn.
Theo quy định của Điều luật này thì có thể hiểu, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là việc người phạm tội đang chấp hành hình phạt tù tại các cơ sở giam giữ, nhưng vì một trong những lý do được liệt kê tại Điều 67 BLHS năm 2015 mà người phạm tội có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù trong một thời gian nhất định. Đây là chế định thể hiện chính sách nhân đạo và khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Phù hợp với xu thế xây dựng pháp luật của các quốc gia tiến bộ trên thế giới.
Ngày 10/6/2024, Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐTP); trong đó, tại Điều 8 của Nghị quyết hướng dẫn cụ thể về tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù quy định tại Điều 68 của BLHS như sau:
“1. Người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự và có nơi cư trú rõ ràng thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
2. Thời gian tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự.
Đối với người đang chấp hành hình phạt tù bị bệnh nặng thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù một lần hoặc nhiều lần cho đến khi sức khỏe hồi phục.
Đối với người đang chấp hành hình phạt tù là lao động duy nhất trong gia đình hoặc do nhu cầu công vụ thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù một lần hoặc nhiều lần, nhưng tổng số thời gian được tạm đình chỉ tối đa là 01 năm”.
Có thể thấy, quy định tại Điều 8 Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn chi tiết quy định tại Điều 68 BLHS năm 2015, trong đó làm rõ về điều kiện và thời gian được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Tuy nhiên, nghiên cứu quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng thì thấy, quy định về tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần tiếp tục được nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện.
2. Một số hạn chế, bất cập và kiến nghị hoàn thiện
2.1. Vướng mắc về xác định tình trạng sức khỏe được hồi phục
Điều 68 BLHS năm 2015 quy định, người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 thì có thể được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù. Điểm a khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015 quy định trường hợp: “Bị bệnh nặng” thì được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cho đến khi sức khỏe được hồi phục.
Tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐTP phần giải thích từ ngữ quy định: “Bị bệnh nặng” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 67 của BLHS là trường hợp người bị xử phạt tù đang bị bệnh hiểm nghèo hướng dẫn tại khoản 4 Điều này hoặc đang bị bệnh khác tới mức không thể chấp hành hình phạt và nếu phải chấp hành hình phạt sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ.
Tuy nhiên, điều khoản này cũng chỉ đưa ra giải thích, làm rõ nội hàm của cụm từ “bị bệnh nặng”, còn việc xác định thế nào là “sức khỏe được phục hồi” thì lại chưa được giải thích, hướng dẫn áp dụng cụ thể, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.
Nghiên cứu quy định của pháp luật có liên quan thì thấy, quy định pháp lý về tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù gồm BLTTHS năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cũng không có quy định xác định cụ thể thế nào là “sức khỏe được phục hồi”.
Có thể thấy, thời gian tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là vấn đề hết sức quan trọng, khác với các trường hợp khác quy định thời gian tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cụ thể là 01 năm thì quy định mốc thời gian là cho đến khi sức khỏe của người chấp hành án phạt tù được phục hồi là quy định mang tính chung chung, định tính. Do vậy, việc đánh giá tình trạng sức khỏe được phục hồi để xác định người chấp hành án phạt tù tiếp tục chấp hành án phạt tù hay tiếp tục được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chủ thể có thẩm quyền, do vậy, việc áp dụng trên thực tế là thiếu thống nhất.
Đồng thời, đối với trường hợp được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cũng còn có điểm chưa thống nhất. Cụ thể, nghiên cứu, so sánh quy định tại Điều 7 và Điều 8 Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐTP thì thấy, tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết này có quy định mở rộng trong trường hợp người bị xử phạt tù thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015 nhưng không đáp ứng một trong các điều kiện hướng dẫn tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này được hoãn chấp hành hình phạt tù nhưng phải gắn với hoàn cảnh đặc biệt và phải xem xét thận trọng, chặt chẽ.
Ví dụ: Nguyễn Thị B bị xử phạt 04 năm tù về tội cố ý gây thương tích, không có nơi cư trú rõ ràng, đang nuôi con 12 tháng tuổi nhưng con bị mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị trong bệnh viện mà không có người chăm sóc thì Tòa án có thể xem xét cho Nguyễn Thị B được hoãn chấp hành hình phạt tù.
Tác giả cho rằng, quy định mở rộng này là hoàn toàn phù hợp, tuy nhiên, đây là quy định hướng dẫn nội dung tại Điều 67 BLHS năm 2015, còn Điều 8 Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 68 BLHS năm 2015 lại không có nội dung này, cũng không có quy định nào dẫn chiếu đến việc áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP. Có thể thấy, quy định tại khoản 1 Điều 68 viện dẫn quy định tại khoản 1 Điều 67 về các trường hợp có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, tuy nhiên, khi ban hành Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định tại hai điều luật này, nội dung hướng dẫn áp dụng lại bộc lộ điểm hạn chế nêu trên, gây vướng mắc trong quá trình áp dụng.
Để khắc phục tồn tại, hạn chế này, tác giả kiến nghị, trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền gồm TANDTC, Bộ Công an, VKSNDTC, Bộ Y tế cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể việc xác định “sức khỏe được phục hồi” làm căn cứ áp dụng thống nhất đối với trường hợp tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Đồng thời, trong thời gian tới, trong các buổi Hội nghị trực tuyến của hệ thống Tòa án thì cần quán triệt việc xác định trường hợp mở rộng tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐTP cũng được áp dụng đối với trường hợp tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong thực tiễn.
2.2. Về điều kiện để xem xét tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù
Một là, Điều 68 BLHS năm 2015 quy định về các trường hợp có thể được tạm chấp hành hình phạt tù và các trường hợp này được viện dẫn cụ thể tại Điều 67 BLHS năm 2015. Để áp dụng thống nhất quy định tại Điều 68 BLHS năm 2015 trong thực tiễn, khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 03/2024 quy định điều kiện để xem xét cho tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, bao gồm hai điều kiện sau:
Thứ nhất, người đang chấp hành hình phạt tù thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015[1];
Thứ hai, có nơi cư trú rõ ràng.
Như vậy, người đang chấp hành hình phạt tù mà có hai điều kiện này thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Tuy nhiên, tác giả cho rằng quy định này là chưa thực sự đầy đủ, cần bổ sung thêm điều kiện khác để bảo đảm quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù của Tòa án là chính xác, khách quan, phù hợp, bảo đảm yêu cầu đấu tranh với tội phạm. Cụ thể:
Nghiên cứu quy định của pháp luật thì thấy, Tòa án quyết định việc tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với người bị kết án dựa trên các điều 67, 68 BLHS năm 2015; Điều 44 BLTTHS năm 2015; các điều 24, 25 36, 37 Luật Thi hành án hình sự năm 2019. Khi xác định điều kiện để tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, tác giả cho rằng còn cần căn cứ vào tình hình an ninh, chính trị - trật tự an toàn xã hội của địa phương. Bởi lẽ, việc cho tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù không phải là việc đương nhiên đối với các trường hợp được liệt kê tại Điều 67 BLHS năm 2015, mà phụ thuộc vào các điều kiện cụ thể tương ứng tính chất từng vụ án như tác giả nêu và phân tích ở trên. Khi người phạm tội bị tuyên buộc chấp hành hình phạt tù, đây là hình phạt nhằm cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội một thời gian, để bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Hình phạt tù là hình phạt khá nghiêm khắc trong hệ thống hình phạt của pháp luật hình sự Việt Nam.
Do vậy, khi quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù ngoài hai điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐTP, tác giả kiến nghị, trong thời gian tới, khi sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 03/2024/NĐ-HĐTP cần bổ sung thêm điều kiện căn cứ vào tình hình an ninh, chính trị - trật tự an toàn xã hội của địa phương để bảo đảm tính phù hợp với đặc thù của tội phạm và phù hợp với đặc thù của mỗi địa phương.
Hai là, điều kiện đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi
Theo quy định tại khoản 1 Điều 68, khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015 thì có 04 trường hợp có thể được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, gồm:
- Bị bệnh nặng;
- Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
- Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
- Người bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ.
Trong các trường hợp trên, tác giả thấy quy định về điều kiện tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 03/2024/NĐ-HĐTP nếu áp dụng đối với trường hợp phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi là chưa thực sự phù hợp. Theo đó, chỉ với hai điều kiện quy định tại Điều 8 Nghị quyết số 03/2024/NĐ-HĐTP để xác định có cho tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đối với trường hợp này là chưa đầy đủ. Bởi lẽ, đối với trường hợp phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, nếu thỏa mãn các điều kiệ luật định thì Tòa án xem xét ra quyết định cho hoãn chấp hành hình phạt tù quy định tại Điều 67 BLHS năm 2015 theo luật định. Còn đối với những trường hợp phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi mà vẫn buộc phải chấp hành án phạt tù thì chỉ có thể được xem xét cho tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù khi xuất hiện những điều kiện đặc biệt chứ không thể chỉ áp dụng 02 điều kiện tại Điều 8 Nghị quyết số 03/2024/NĐ-HĐTP như tác giả vừa phân tích ở trên được.
Do vậy, tác giả kiến nghị, trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn với các điều kiện bổ sung đối với trường hợp này, theo đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định thêm điều kiện khác, ví dụ để bảo đảm việc sinh con hoặc chăm sóc sức khỏe cho đứa trẻ mà theo yêu cầu của cơ sở y tế thì cần đưa họ ra khỏi cơ sở giam giữ một thời gian… Việc quy định bổ sung thêm điều kiện trong trường hợp này nhằm bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật, tránh việc tùy tiện, chủ quan, áp dụng thiếu thống nhất trong thực tiễn.
3. Kết luận
Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là quy định văn minh, nhân văn được ghi nhận khá sớm trong pháp luật hình sự nước ta; trải qua các lần bổ sung, hoàn thiện BLHS thì quy định này dần được hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và thực tiễn thi hành cho thấy vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập cần tiếp tục được hoàn thiện. Với việc đóng góp một số ý kiến nêu trên, tác giả mong muốn quy định về tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù sẽ sớm được hoàn thiện để việc áp dụng quy định này trong thực tế hiệu quả hơn.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.
2. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
3. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
4. Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
[1] Khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015 quy định: “1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:
a) Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;
b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;
c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
d) Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm”.
Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh xét xử sơ thẩm vụ án hình sự Lừa đảo chiếm đoạt tài sản- Ảnh: Phạm Văn Triết
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nguyễn Văn B có phạm tội “tàng trữ trái phép súng săn không”?
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Những điểm mới về chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất tại Luật BHXH năm 2024
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Thừa Thiên – Huế: Buôn lậu gỗ, cựu cán bộ kiểm lâm lĩnh án tù
Bình luận