TAND Cấp cao tại Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2022
Ngày 15/1/2022, TAND Cấp cao tại Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2022.
Tham dự và chủ trì Hội nghị có ông Nguyễn Văn Tiến, Uỷ viên Ban Cán sự đảng, Bí thư Đảng uỷ, Phó Chánh án TANDTC. Cùng dự Hội nghị có ông Nguyễn Xuân Tĩnh, Bí thư Đảng uỷ, Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội và tập thể lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TANDCC tại Hà Nội, lãnh đạo VKSNDCC, đại diện các đơn vị thuộc TANDTC, TANDCC tại Hà Nội.
Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Quốc hội khóa XV; Tòa án các cấp nói chung và TANDCC tại Hà Nội, thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 lần thứ tư bùng phát với sự xuất hiện của biến chủng có tốc độ lây lan nhanh, phức tạp, khó lường đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải quyết, xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền. Tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp; hoạt động với phương thức thủ đoạn tinh vi, manh động; đặc biệt là các tội phạm ma túy, tội phạm liên quan đến băng nhóm xã hội đen…; các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động và các khiếu kiện hành chính có xu hướng gia tăng về số lượng và có tính chất phức tạp. TANDCC tại Hà Nội vừa phải làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ, việc nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các chỉ tiêu, yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội, tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, vừa phải thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, tạm hoãn giải quyết, xét xử các loại vụ, việc để thực hiện phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19.
Toàn cảnh Hội nghị
Trước tình hình lãnh đạo còn thiếu (mới được bổ sung vào cuối năm), số lượng Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký còn thiếu so với chỉ tiêu được giao, trong đó còn có một số công chức chưa đáp ứng được nhu cầu công việc, kinh phí được cấp để đảm bảo cho hoạt động của đơn vị còn hạn chế. Tuy nhiên được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC; cùng với sự cố gắng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức nên các nhiệm vụ trọng tâm công tác của TANDCC tại Hà Nội được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng vào thành tích chung của hệ thống Tòa án.
Kết quả hoạt động
Từ ngày 01/10/2020 đến ngày 30/9/2021, TANDCC tại Hà Nội phải giải quyết 3.203 vụ; trong đó thụ lý mới 2.088 vụ án các loại, số vụ án cũ còn lại của năm 2020 chuyển sang 1.115 vụ; đã giải quyết, xét xử được 1.737 vụ việc; còn lại 1.466 vụ, việc đang tiếp tục giải quyết. Đạt tỷ lệ 54,2% (trong đó xét xử 950 vụ án hình sự; 185 vụ án dân sự, 556 vụ án hành chính, 25 vụ án kinh doanh thương mại, 17 vụ án hôn nhân & gia đình, 04 vụ án lao động). Kết quả cụ thể như sau:
Công tác xét xử các vụ án hình sự: Tổng số vụ án hình sự phải giải quyết là 1.436 vụ; đã giải quyết, xét xử 950 vụ; đạt tỷ 66,2% (trong đó: đình chỉ xét xử phúc thẩm 387 vụ; xét xử 563 vụ), còn lại 486 vụ đang tiếp tục giải quyết.
Việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Việc tranh tụng tại phiên tòa được chú trọng theo hướng thực chất, hiệu quả, đảm bảo thời gian tranh tụng, tôn trọng và đảm bảo cho các bên tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ và trình bày hết các ý kiến của mình; công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật để các vụ án được đưa ra xét xử kịp thời; hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội. Việc xem xét, quyết định áp dụng hình phạt khác không phải là hình phạt tù đảm bảo có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, các vụ án kinh tế, tham nhũng được dư luận quan tâm, các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo được TANDCC tại Hà Nội xét xử đúng kế hoạch; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng; giải quyết kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu chính trị, đạt hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ; áp dụng hình phạt nghiêm khắc tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; chú trọng áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi tài sản về cho Nhà nước; làm tốt công tác ý thức chấp hành pháp luật và vận động người phạm tội tự nguyện nộp lại tài sản chiếm đoạt. Cụ thể như: Vụ án Lê Đình Công và các bị cáo khác phạm tội “Giết người” và tội “Chống người thi hành công vụ”; Vụ án Nguyễn Nhật Cảm và các bị cáo khác phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; Vụ án vụ án Nguyễn Thị Kim Anh phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; Vụ án Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác phạm tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”; Vụ án Nguyễn Hữu Khiêm cùng đồng phạm phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Vụ án Phạm Xuân Tiến, Nguyễn Tiến Dũng phạm tội “Nhận hối lộ” xảy ra tại Công an huyện Thanh Trì; Vụ án Đinh Văn Dũng cùng đồng phạm phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trong vụ án liên quan đến Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam…
Công tác giải quyết, xét xử các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động: Năm 2021, tổng số phải giải quyết 609 vụ, việc (trong đó thụ lý mới 282 vụ, việc; số vụ việc của năm 2020 chuyển sang là 327 vụ, việc); đã giải quyết, xét xử 231 vụ, việc; còn lại 326 vụ án đang trong quá trình giải quyết theo quy định, cụ thể: Án Dân sự: Tổng số phải giải quyết: 488 vụ, đã giải quyết 185 vụ; còn lại 303 vụ, đạt tỷ lệ 37,9%; Án Kinh doanh thương mại: Tổng số phải giải quyết: 70 vụ, đã giải quyết 25 vụ; còn lại 45 vụ, đạt tỷ lệ 35,7%; Án Hôn nhân gia đình: Tổng số phải giải quyết: 47 vụ, đã giải quyết 17 vụ; còn lại 30 vụ, đạt tỷ lệ 36,2%; Án Lao động: Tổng số phải giải quyết: 04 vụ, đã giải quyết 04 vụ, đạt tỷ lệ 100%.
Trong công tác giải quyết, xét xử các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động: TANDCC tại Hà Nội đã quán triệt đến Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký thực hiện đúng qui định của Bộ luật TTDS năm 2015, từng bước khắc phục có hiệu quả việc để quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật; làm tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ về cung cấp chứng cứ; đồng thời, chủ động xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng, tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm giải quyết tốt vụ án, chú trọng việc hòa giải giữa các đương sự nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời, góp phần củng cố mối đoàn kết trong nhân dân.
Công tác giải quyết các vụ án hành chính: Tổng số phải giải quyết 1.158 vụ (trong đó thụ lý mới 805 vụ; số vụ án còn lại của năm 2020 chuyển sang là 353 vụ); đã giải quyết, xét xử 556 vụ, còn lại 698 vụ; đạt tỷ lệ 48,0%.
Trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, TANDCC tại Hà Nội đã chủ động phân công các Thẩm phán nghiên cứu, lên lịch xét xử; thông báo cho các Thẩm phán có các vụ án có cùng người bị kiện, có nội dung tương tự để nắm đường lối, tham khảo các bản án đã ban hành để nhanh chóng giải quyết vụ án; chú trọng cách thức tống đạt để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, đảm bảo việc xét xử đạt hiệu quả cao; tăng cường tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện, phân tích những sai sót của cơ quan hành chính Nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước để họ tự sửa đổi, hủy bỏ quyết định hành chính; nhiều vụ án sau khi đối thoại, các bên đã thống nhất cách thức giải quyết và người khởi kiện đã rút đơn khởi kiện. Bên cạnh đó chủ động trong việc xác minh, thu thập chứng cứ cần thiết nhằm đảm bảo giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến đánh giá cao TANDCC tại Hà Nội trong năm vừa qua đã xét xử, giải quyết thành công được nhiều vụ án tham nhũng kinh tế quan trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương chỉ đạo. Công tác Giám đốc thẩm được giải quyết ở mức tương đối cao.
Uỷ viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến phát biểu tại Hội nghị
Theo Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến, TANDCC tại Hà Nội lần đầu tiên tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm chuyên môn, đây là hoạt động thiết thực, từ đó trao đổi kinh nghiệm, rút ra được những sai sót để khắc phục vì nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là nâng cao chất lượng và chỉ tiêu xét xử.
Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến đề nghị lãnh đạo TANDCC tại Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp quán triệt các ý kiến chỉ thị của Chánh án TANDTC tại hội nghị triển khai công tác năm 2022. Đồng thời yêu cầu cần có lịch trình làm việc cụ thể về xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, đòi hỏi cả tập thể phải có trách nhiệm cao, thực hiện các giải pháp đã đề ra một cách có hiệu quả. Tiếp tục tăng cường thực sự tranh tụng trong xét xử, chú trọng trong xây dựng án lệ, tăng cường xét xử trực tuyến, công khai bản án, sử dụng phần mềm trợ lý ảo, tăng cường phối hợp giữa thẩm phán và kiểm sát viên giảm thiểu hoãn phiên toà không cần thiết, đảm bảo chất lượng xét xử,…
Phó Chánh án chia sẻ khó khăn với các thẩm phán phúc thẩm vì số lượng án nhiều, nhưng yêu cầu vẫn phải cố gắng hơn nữa, mong muốn TANDCC tại Hà Nội tiếp tục phấn đấu đạt các chỉ tiêu được giao, đảm bảo chất lượng.
Công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Năm 2021, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tiếp nhận 7.107 đơn các loại; đã tiến hành phân loại 100% đơn; trong đó: Đơn không thuộc thẩm quyền hoặc trùng lặp 5.264 đơn; đơn thuộc thẩm quyền và đã thụ lý để xem xét giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm 1.843 đơn. Tổng số đơn giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền giải quyết năm 2021 là 2.490 đơn (trong đó thụ lý mới là 1.843 đơn, số đơn của năm 2020 chuyển sang là 647 đơn), đã giải quyết 1.813 đơn, còn lại 677 đơn chuyển sang năm 2022 đang xem xét giải quyết theo quy định; đạt tỷ lệ 72,8%. Kết quả cụ thể: Quyết định kháng nghị: 133 vụ, thông báo trả lời đơn: 1.389 vụ, xử lý khác: 291 vụ, việc.
Công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết đơn giám đốc thẩm năm 2021 có sự chuyển biến tích cực; số đơn đến đã được xử lý, phân loại kịp thời, không để tình trạng đơn tồn đọng.
Công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.
Trong tổng số 255 vụ thụ lý để xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (bao gồm 20 vụ từ năm 2020 chuyển sang và 235 vụ có kháng nghị thụ lý mới) thì các thành viên Ủy ban Thẩm phán xét xử được 234 vụ (trong đó có 93 vụ do VKSNDCC tại Hà Nội kháng nghị), đạt tỷ lệ 91,8%; còn lại 21 vụ chuyển sang năm 2022 đang tiếp tục giải quyết .
Năm 2021, tỷ lệ giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm đạt 72,8%, vượt 12,8% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đạt tỷ lệ 91,8%. Đây là thành tích rất đáng được ghi nhận của TANDCC tại Hà Nội.
Chất lượng xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm: Trong năm 2021, TANDCC tại Hà Nội có 33 vụ án bị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy, sửa theo thủ tục giám đốc thẩm; chiếm tỷ lệ 0,83%. Trong số các vụ án bị hủy, sửa nêu trên có 02 vụ án do Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm.
Việc công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân: Từ ngày 01/10/2020 đến 30/9/2021, TANDCC tại Hà Nội đã công khai được 1.138 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trên Cổng thông tin điện tử Tòa án.
Chánh án TANDCC tại Hà Nội Nguyễn Xuân Tĩnh phát biểu tại Hội nghị
Chánh án TANDCC tại Hà Nội Nguyễn Xuân Tĩnh cho biết năm 2021, TANDCC tại Hà Nội triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị, kinh tế, xã hội có nhiều biến động phức tạp, khó lường, chịu tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19. Được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao; cùng với sự cố gắng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức nên các nhiệm vụ trọng tâm công tác của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng vào thành tích chung của hệ thống Tòa án.
Năm 2021, TANDCC tại Hà Nội phát động 02 đợt thi đua với chủ đề “Công chức, người lao động TANDCC tại Hà Nội hăng say thi đua lập thành tích chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác năm 2021” và “Công chức, người lao động TANDCC tại Hà Nội đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phấn đấu thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2021”.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các loại án phúc thẩm, TANDCC tại Hà Nội đã tổ chức đợt phát động 02 đợt thi đua ngắn hạn với chủ đề “TANDCC tại Hà Nội đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử án phúc thẩm lập thành tích chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.
Kết quả công tác Thi đua - Khen thưởng:
- Đối với tập thể: 15 đơn vị được tặng danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”; 12 đơn vị được tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”; 06 đơn vị được tặng “Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao”.
- Đối với cá nhân: 01 cá nhân được khen thưởng “Huân chương Lao động hạng Nhì”; 01 cá nhân được tặng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”; 08 cá nhân được tặng “Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao”; 03 cá nhân được tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua Tòa án nhân dân”; 26 cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”; 134 cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”; 85 cá nhân được tặng “Giấy khen của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội”.
Tại Hội nghị, Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến đã trao tặng bằng khen đối với một số cá nhân được khen thưởng.
Một số hạn chế, thiếu sót, nguyên nhân và giải pháp khắc phục
Báo cáo cũng nêu rõ những hạn chế, thiếu sót; cụ thể như sau: Tỷ lệ giải quyết, xét xử phúc thẩm các loại vụ, việc chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Một số vi phạm trong quá trình giải quyết các vụ án chưa được khắc phục triệt để như: Một số bản án, quyết định bị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy do lỗi chủ quan của Thẩm phán; một số bản án, quyết định tuyên không rõ, vẫn có sai sót về số liệu, thông tin người tham gia tố tụng nên phải đính chính, giải thích. Một số Thẩm phán ban hành bản án và công khai bản án trên cổng thông tin đện tử còn chậm.
Tỷ lệ hoãn phiên tòa còn nhiều, một số vụ án còn để tồn đọng, kéo dài. Việc tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện phương tiện làm việc cho công chức, người lao động còn hạn chế do nguồn kinh phí được cấp rất hạn hẹp nên việc đầu tư chưa đồng bộ.
Nguyên nhân được xác định là do năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid - 19 tái bùng phát trở lại với diễn biến phức tạp, khó lường; Đây là nguyên nhân chính dẫn đến lý do hoãn phiên tòa nhiều nên tỷ lệ xét xử phúc thẩm chưa cao, chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Số lượng các loại vụ án phải giải quyết có giảm nhưng tính chất các tranh chấp ngày càng đa dạng và phức tạp, trong khi biên chế công chức không tăng; số lượng Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký còn thiếu nhiều, chưa đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tỷ lệ hoãn phiên tòa chưa giảm, vì nhiều lý do luật định. Tuy nhiên còn một số vụ án hoãn do lỗi chủ quan của Thẩm phán.
Biên chế Thẩm phán còn thiếu so với chỉ tiêu được giao, trong khi số lượng án phải giải quyết nhiều, trình độ của Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký và một số công chức khác còn chưa đồng đều; một số Thẩm phán có tư tưởng chọn những việc dễ để làm trước; bên cạnh đó còn có một số đồng chí lãnh đạo đơn vị chưa sát sao trong công tác quản lý; đây là một trong những nguyên nhân của một số vụ án phức tạp bị để lâu, kéo dài.
Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2022
Các nhiệm vụ trọng tâm công tác trong năm 2022 của Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội được xác định là:
1. Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp.
2. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử; phấn đấu đạt chỉ tiêu, yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội cũng như các Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch của Ban cán sự Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2022.
3. Triển khai và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, Quyết định về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
4. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và trong hoạt động quản lý, điều hành; tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp.
5. Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xét xử các vụ án, vụ việc.
6. Xây dựng kế hoạch cụ thể hóa phong trào thi đua “Vì công lý” bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình của đơn vị. Tăng cường công tác sơ kết, tổng kết phong trào thi đua và đổi mới mạnh mẽ việc biểu dương, khen thưởng, chú trọng khen thưởng các tập thể, công chức và người lao động trực tiếp; vinh danh, nhân rộng điển hình tiên tiến.
7. Đẩy mạnh các phong trào thi đua theo chủ đề xuyên suốt “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”; tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
8. Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về hoạt động của Tòa án nhằm góp phần xây dựng nhận thức chung và tạo sự đồng thuận trong xã hội, từ đó củng cố uy tín, niềm tin của nhân dân đối với Tòa án.
9. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử để kịp thời báo cáo Tòa án nhân dân tối cao những vấn đề vướng mắc; tích cực đề xuất và tham gia xây dựng, áp dụng án lệ; tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật thông qua việc đóng góp ý kiến, xây dựng các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; tăng cường trao đổi, rút kinh nghiệm với các Tòa án trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án.
10. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ; tiếp tục cải tiến phương thức quản lý theo hướng phân công, phân cấp hợp lý, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, của từng bộ phận, từng cá nhân trong cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trong hoạt động công vụ;
11. Trong phạm vi kinh phí được cấp, tiếp tục đẩy mạnh việc trang thiết bị làm việc cho đội ngũ công chức, người lao động.
Đồng chí Nguyễn Xuân Tình, Bí thư Đảng uỷ, Chánh án TANDCC tại Hà Nội trân trọng cảm ơn và tiếp thu các ý kiến chia sẻ, chỉ đạo của Uỷ viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến. Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của BCS đảng, lãnh đạo TANDTC để TANDCC tại Hà Nội hoàn thành được các chỉ tiêu được giao.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận