TAND Hà Tĩnh: Tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên
Ngày 29/1, TAND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Chủ trì Hội nghị có ông Trần Đình Gia, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; bà Phan Thị Nguyệt Thu, Đại biểu Quốc hội, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh.
Tham dự Hội nghị có Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, cùng Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị: Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội Luật gia, Đoàn luật sư.
Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh Phan Thị Nguyệt Thu phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, Chánh án Phan Thị Nguyệt Thu nhấn mạnh tầm quan trọng trong công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới, sự cần thiết phải ban hành Luật Tư pháp của người chưa thành niên tại Việt Nam. TANDTC thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan soạn thảo dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Theo đó, Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Hiến pháp về lĩnh vực giáo dục và bảo vệ trẻ em; giải quyết được những hạn chế, bất cập trong hệ thống pháp luật về tư pháp người chưa thành niên; phù hợp với kinh nghiệm quốc tế là xây dựng một đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên.
Phó Chánh án Bùi Văn Lam phát biểu
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Đình Gia, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, việc ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ liên quan đến rất nhiều Luật hiện hành như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự đã có một số quy định đối với người chưa thành niên. Cho nên, việc ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên cần phải đảm bảo tính thống nhất trong áp dụng pháp luật đối với người chưa thành niên.
Tham luận tại Hội nghị, đa số các đại biểu đều đồng tình với sự cần thiết về xây dựng Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Các đại biểu cũng đã phát biểu ý kiến đóng góp thêm một số nội dung cơ bản để xây dựng Luật này.
Tuy nhiên, còn có một số ý kiến nhìn nhận ở góc độ khác như: khi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thì người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự. Trường hợp, người chưa thành niên bị áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng nhẹ hơn mà không hiệu quả thì sẽ chuyển sang áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng để nhằm mục đích cải tạo họ. Hoặc những trường hợp người chưa thành niên phạm tội có tính chất nghiêm trọng thì việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng vừa bảo đảm tính nhân văn, vừa bảo đảm mục đích cải tạo họ mà không phải quay lại quy trình, thủ tục tố tụng hình sự phức tạp.
Giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành, theo đó cả ba cơ quan là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đều có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng theo từng giai đoạn tố tụng.
Kết luận Hội nghị, ông Trần Đình Gia đã nói lời cảm ơn các đại biểu về tham dự Hội nghị, đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu trong việc góp ý xây dựng Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, ý kiến của các đại biểu sẽ được TAND tỉnh Hà Tĩnh tổng hợp báo cáo TANDTC lựa chọn, để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận