Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chứng kiến lễ ký kết Nghị quyết liên tịch giữa hai Ban cán sự đảng TANDTC và VKSNDTC
Ngày 11/5/2023, trong chương trình thăm và làm việc với Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSNDTC, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chứng kiến lễ ký kết Nghị quyết liên tịch về Tăng cường công tác phối hợp giữa Ban cán sự đảng VKSNDTC và Ban cán sự đảng TANDTC.
Nghị quyết số 01 về tăng cường công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa Ban cán sự đảng VKSNDTC và Ban cán sự đảng TANDTC được ký kết ngày 22/3/2016. Sau 6 năm thực hiện, Hội nghị sơ kết 6 năm thực hiện Nghị quyết số 01 tổ chức ngày 25/6/2022 đã đánh giá nhiều kết quả nổi bật như: Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm cơ bản được thực hiện kịp thời; công tác truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng phức tạp do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Nghị quyết số 01 vẫn còn một số hạn chế nhất định, một số nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới. Do vậy, Ban cán sự đảng Ban cán sự đảng VKSNDTC và Ban cán sự đảng TANDTC đã thống nhất xây dựng và ký kết Nghị quyết liên tịch mới để sửa đổi, bổ sung và khắc phục các hạn chế nhằm tăng cường công tác phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa hai cơ quan, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC và ông Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSNDTC đã ký kết Nghị quyết liên tịch về tăng cường công tác phối hợp giữa Ban cán sự đảng TANDTC và Ban cán sự đảng VKSNDTC.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chứng kiến lễ ký kết Nghị quyết liên tịch về tăng cường công tác phối hợp giữa Ban cán sự đảng TANDTC và Ban cán sự đảng VKSNDTC
Mục tiêu của Nghị quyết liên tịch là tăng cường công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận về cải cách tư pháp của Đảng, Hiến pháp, pháp luật nhằm xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Cùng với đó, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa TAND và VKSND các cấp nhằm thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức TAND, VKSND, nhất là các chức danh như Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Điều tra viên đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Nghị quyết nêu rõ, việc phối hợp hoạt động được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan. Cùng với đó, việc phối hợp phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, đúng quy định của pháp luật và quy định của Đảng.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên làm việc với Ban Cán sự đảng, lãnh đạo VKSNDTC, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng yêu cầu ngành phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo và các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, đấu tranh với các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Nhấn mạnh, quyền lực trong hoạt động tư pháp là rất lớn, tác động trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân, đến số phận và sinh mệnh của mỗi con người, đến danh dự mỗi cơ quan, tổ chức, Chủ tịch nước đề nghị ngành Kiểm sát nắm vững và thực hiện đúng chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp; không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả công tác này, nhất là phát huy vai trò cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát, bảo đảm cơ quan này thực sự là một trong những thiết chế quan trọng kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp, vừa răn đe, vừa cảnh báo, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ tư pháp. Việc thực hiện tốt kiểm sát hoạt động tư pháp cũng chính là góp phần kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, trong hoạt động tư pháp nói chung và quyền quyết định việc buộc tội của Viện Kiểm sát nói riêng.
Bài liên quan
-
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Quốc Đoàn thăm, chúc Tết Ất Tỵ nguyên lãnh đạo TANDTC
-
Vụ Công tác phía Nam TANDTC triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025
-
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí: Công tác ngành Tòa án năm sau phải tốt hơn năm trước
-
Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chánh án TANDTC về tổ chức bộ máy các cục, vụ, cơ quan báo chí Toà án nhân dân tối cao.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận