Tăng cường phòng chống tác hại bia rượu, minh bạch trong xử phạt hành chính trong giao thông
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị về Tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Người dân được ghi hình, ghi âm CSGT làm nhiệm vụ.
Kiên quyết xử lý nghiêm minh, không nể nang
Theo Chỉ thị của Thủ tướng, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định số 100), thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã đồng loạt triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng người đã sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, cùng với đó là sự vào cuộc mạnh mẽ, hiệu quả của các cơ quan truyền thông; nhờ đó, tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đã có chuyển biến rất tích cực, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng lên, tai nạn giao thông đã giảm nhiều, đặc biệt là nhận được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của nhân dân cả nước; điều đó cho thấy những quy định của pháp luật hiện hành phù hợp với thực tiễn, đi vào cuộc sống và thể hiện tính răn đe, giáo dục, tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen, dần hình thành văn hoá sử dụng rượu, bia lành mạnh, đặc biệt là giảm thiểu tai nạn giao thông do vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, cũng như các hành vi vi phạm khác.
Để phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 100 trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và các năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Nghị định số 100 với các hình thức đa dạng, phong phú đến mọi tầng lớp nhân dân; đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn của các quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và tính phòng ngừa, cảnh báo giúp nâng cao nhận thức và giảm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về TTATGT tại Nghị định số 100; tổ chức cuộc vận động sâu rộng trong cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng thực hiện “Đã uống rượu, bia – không lái xe”, trong đó cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu gương hành động.
Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT theo quy định tại Nghị định số 100; đặc biệt là trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Canh Tý và các Lễ hội Xuân, duy trì thực hiện nghiêm trong suốt năm 2020; lưu ý xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và các hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm minh, không nể nang (không có vùng cấm) đối với các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ công tác tuần tra, xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân điển hình; phê bình, kỷ luật các tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy định; tuyệt đối không can thiệp hoặc để xảy ra can thiệp làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm, dẫn đến các hành vi tiêu cực trong thực thi công vụ.
Người dân ghi âm, ghi hình CSGT
Liên quan đến xử phạt vi phạm giao thông, kể từ 15/1/2020, Thông tư số 67/2019/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có hiệu lực thi hành.
Thông tư quy định những việc Nhân dân tham gia ý kiến về hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bao gồm: Tham gia ý kiến về chủ trương, biện pháp và sáng kiến góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Tham gia ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với các văn bản phải lấy ý kiến của Nhân dân theo quy định pháp luật); Tham gia ý kiến về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân khi làm nhiệm vụ; đề nghị biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt; kiến nghị, phản ánh các trường hợp cán bộ, chiến sỹ thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định của pháp luật khi làm nhiệm vụ.
Hình thức Nhân dân tham gia ý kiến gồm: Thông qua đơn, thư gửi cơ quan Công an; Thông qua điện thoại, hòm thư góp ý; Thông qua Cổng thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của cơ quan Công an; Thông qua các cuộc họp tại địa bàn cư trú (gồm: Tổ dân phố, bản, làng, thôn, xóm); nơi làm việc, học tập; Thông qua các cuộc điều tra xã hội học; Thông qua hoạt động tiếp công dân của cơ quan Công an.
Thông tư cũng quy định trách nhiệm của Nhân dân tham gia vào hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông: Tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; Tham gia cấp cứu và bảo vệ tài sản của người bị nạn, bảo vệ hiện trường trong các vụ tai nạn giao thông; Phát hiện, ngăn chặn, tố cáo những trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông…
Quy định mới về những việc Nhân dân giám sát Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bao gồm: Giám sát việc thi hành các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Việc chấp hành quy định của Bộ Công an về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ; Việc Nhân dân giám sát Công an nhân dân phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ.
Hình thức giám sát của Nhân dân: Thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ; Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.
Việc giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ; Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Quy định về việc người dân được giám sát hoạt động của CSGT thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp là một thay đổi rất quan trọng, được dư luận đánh giá cao, đây sẽ là yếu tố ngăn ngừa tiêu cực trong việc xử phạt vi phạm giao thông hiện nay.
CSGT hướng dẫn khách nước ngoài lạc lối giữa TP HCM – Ảnh: LÊ THOA (PLO)
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận