Tăng cường tiêm chủng và triển khai hoạt động chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng

Tính đến chiều ngày 22/2/2022, Việt Nam tiêm chạm mốc 192 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương tăng cường vận động người dân tiêm vaccine, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót.

Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện việc tiêm vaccine phòng COVID-19 và chịu trách nhiệm về tình hình sử dụng vaccine tại địa phương, đảm bảo không để vaccine hết hạn phải hủy bỏ.

Trước đó, Bộ Y tế có văn bản khẩn gửi các tỉnh, thành phố về việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân vaccine phòng COVID-19.

Tại văn bản này, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh thành, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai quyết liệt chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân theo kế hoạch đã được Bộ Y tế ban hành, bảo đảm tất cả những người từ 12 tuổi tiêm đủ liều cơ bản, người từ 18 tuổi được tiêm mũi 3 khi đến lịch. Đặc biệt, các địa phương rà soát tiêm chủng cho người đến và trước khi đi đến nơi khác, người lao động quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán mà chưa được tiêm đủ liều, đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Chỉ đạo các Sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ ngành y tế trong công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu bao phủ vaccine trong Quý 1 năm 2022, góp phần kiểm soát dịch bệnh.

Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến 14g30 ngày 22/2 cho biết cả nước đã tiêm gần 192 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó ngày 21/2, cả nước tiêm 621.116 liều vaccine.

Số vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên tính đến ngày 21/2 là 174.706.656 liều, trong đó mũi 1: 70.774.494 liều; Mũi 2: 68.631.897 liều; Mũi bổ sung: 13.400.975 liều và Mũi 3: 21.899.290 liều;

Đến nay 59/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 trên 90%; chỉ còn 4/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90%.

Đến nay 59/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 trên 90%; 4/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90% gồm Thanh Hóa, Cao Bằng, Sơn La và Bình Dương.

Số vaccine phòng COVD-19 đã tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.932.997 liều, trong đó mũi 1: 8.700.946 liều; Mũi 2: 8.232.051 liều.

Đến nay 51/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 9/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 80-dưới 90% gồm Bắc Cạn, Hà Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa, Gia Lai, T P HCM, Cần Thơ, Đồng Tháp; Chỉ còn 3/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 dưới 80% là Điện Biên, Đắk Lắk và Bình Dương.

Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương triển khai bảo đảm tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, tăng cường vận động người dân tiêm vaccine, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát và tổ chức tiêm liều cơ bản và liều bổ sung cho người trên 50 tuổi, người có bệnh nền đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở.

Sau khi đã tiêm đủ liều cơ bản thì triển khai tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại theo thứ tự ưu tiên; Bộ Y tế đang chủ động tiếp cận trước các nguồn vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi (trước mắt là vaccine Pfizer theo đa số quốc gia trên thế giới) và tiêm ngay theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn. Tổ chức tiêm chủng tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển.

Đồng thời Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở y tế nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ điều trị COVID-19, dự phòng cơ số thuốc kháng virus, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19, vật tư y tế cần thiết… tại các trạm y tế phường, xã, trạm y tế lưu động nhằm đáp ứng nhu cầu tự điều trị COVID-19 tại nhà của người dân và giảm tải cho các cơ sở y tế, bệnh viện tuyến trên. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn hỗ trợ người dân tự điều trị tại nhà.

Nâng cao năng lực thu dung, điều trị; giảm tối đa các trường hợp tử vong; chủ động, sẵn sàng các các biện pháp phòng, chống dịch theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn nhằm phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; tăng cường theo dõi, giám sát sức khỏe người nhiễm virus để kịp thời liên hệ với cơ sở y tế ngay khi có nhu cầu.

Phân bổ đủ thuốc kháng virus để phục vụ công tác điều trị người bệnh COVID-19. Khuyến khích thành lập các mô hình đội tình nguyện; huy động sự tham gia của các tổ chức tôn giáo, tình nguyện viên… để tổ chức triển khai hoạt động chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng; về cơ bản chuyển điều trị tại cộng đồng.

 

MINH KHÔI