Tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện cho huyện vùng xa
Bảo hiểm xã hội là sự đảm bảo thay thế bù đắp một phần thu nhập của người lao động, khi có những chuyện xảy ra mà người lao động không lường trước được, như bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, hay tai nạn, hết tuổi lao động… Để thu hút thêm nhiều người dân tham gia BHXH tự nguyện, ngành BHXH tiếp tục chỉ đạo BHXH các tỉnh, huyện, đẩy mạnh tuyên truyền về tính ưu việt của BHXH tự nguyện, trong đó có những giải pháp phù hợp với đối tượng lao động tự do, lao động ở các làng nghề và người dân khu vực nông thôn. Tiếp tục phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tổ chức đối thoại, trao đổi, tư vấn với người dân.
Nhằm nâng cao hơn nữa tính nhân văn của chính sách này, hướng tới mục tiêu có 50% dân số tham gia BHXH vào năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 134/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHXH về BHXH tự nguyện có hiệu lực từ ngày 12-5-2018 quy định chính sách hỗ trợ hộ nghèo khi tham gia BHXH tự nguyện. Cụ thể, các hộ chuẩn nghèo khu vực nông thôn được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm theo mức: 30% đối với người có hộ khẩu hộ nghèo, 25% đối với hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác. Tạo điều kiện để người dân tìm hiểu rõ về tính ưu việt của BHXH tự nguyện, BHXH các địa phương đã tổ chức những buổi tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những đối tượng có nhu cầu và có nguồn thu nhập nhất định để khai thác hiệu quả. Đồng thời, giao trực tiếp cho các đại lý đến từng nơi vận động, theo hình thức “đến từng nhà, rà từng đối tượng”, tư vấn, giải thích cặn kẽ, giúp cho mỗi người dân hiểu và tích cực tham gia BHXH tự nguyện.
Hiểu được ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh tuyên truyền tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động tự do tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nhờ đó, tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện tại các huyện thành phố ngày càng gia tăng, tại huyện M’Đrắk còn tiết kiệm nguồn chi ngân sách địa phương để hỗ trợ lực lượng công an viên và thôn đội trưởng trên địa bàn xã Ea M’Đoal tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Từ đó đẩy mạnh việc tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện của người dân tại địa phương này.
Được xã hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách địa phương, tháng 5 này anh Hoàng Văn Thế, thôn đội trưởng thôn 7, xã Ea M’Đoal đã chính thức tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Anh Thế cho biết: “Mức phụ cấp chỉ vỏn vẹn 860.000 đồng/tháng cộng với thu nhập của nhà nông không mấy dư giả nên thời gian qua tôi chưa có điều kiện tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mới đây xã có quyết định hỗ trợ một phần kinh phí cho lực lượng công an viên và thôn đội trưởng của các thôn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tôi đã tự tin tham gia loại hình bảo hiểm này. Sự quan tâm của chính quyền địa phương giúp tôi yên tâm gắn bó và có trách nhiệm hơn với công việc của mình”.
Theo ông Chu Minh Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea M’Đoal, trên thực tế, hằng tháng công an viên và thôn đội trưởng không được hưởng bất kỳ chế độ an sinh xã hội nào khác ngoài khoản phụ cấp ít ỏi, trong khi họ là lực lượng nòng cốt giữ gìn trật tự trị an ở các khu dân cư, tham gia các hoạt động tuần tra canh gác, đấu tranh phòng chống tội phạm nên có rủi ro cao. Vì thế, sau khi có sự tham mưu của bộ phận tài chính, lãnh đạo xã đã họp bàn và thống nhất hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho lực lượng này từ nguồn tiết kiệm chi, mặc dù địa phương là xã nghèo, mức thu ngân sách không đáng kể. Việc hỗ trợ này được xem như sự động viên để lực lượng công an viên và thôn đội trưởng hoàn thành nhiệm vụ; giúp họ có nguồn thu nhập ổn định về sau từ lương hưu hằng tháng. Từ mức chi thường xuyên được giao mỗi năm là 300 triệu đồng, xã dự kiến tiết kiệm một số khoản chi để trích khoảng 20 triệu đồng thực hiện việc hỗ trợ đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho 16 công an viên và 10 thôn đội trưởng trên địa bàn.
Các địa phương đẩy mạnh hoạt động tư vấn trực tiếp để người dân hiểu rõ về ý nghĩa của bảo hiểm xã hội tự nguyện mang lại. Qua những đợt tuyên truyền tập trung cùng với sự nỗ lực hết mình của cán bộ bảo hiểm xã hội, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại các huyện tăng lên rõ rệt. Điều đó càng thể hiện vai trò, tính nhân văn sâu sắc của bảo hiểm xã hội trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn dân. Cùng với việc hỗ trợ kinh phí đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Uỷ ban nhân dân xã Ea M’Đoal còn phối hợp với bảo hiểm xã hội huyện M’Đrắk tổ chức Hội nghị tuyên truyền ngay tại Uỷ ban nhân dân xã để cung cấp thông tin và giải đáp thắc mắc cho người dân về Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Ông Trần Đình Sơn cán bộ xã- Người đã có thâm niên làm đại lý thu Bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế xã Ea M’Đoal , chia sẻ, để chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện có tính hấp dẫn, hướng tới mục tiêu thực hiện Bảo hiểm xã hội toàn dân, chúng tôi luôn đẩy mạnh tuyên truyền, nói rõ quyền lợi khi tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện để người dân hiểu được rằng bây giờ mình tích cóp một khoản tiền nhỏ mỗi tháng đến khi lớn tuổi sẽ được hưởng chế độ lương hưu hằng tháng, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Đồng thời, tham gia BHXH, người dân cũng sẽ được hưởng thêm nhiều quyền lợi, nhất là sẽ được cấp BHYT sau khi xã ra khỏi danh sách xã vùng 3 theo Chương trình 135″.
Cách tuyên truyền “Mưa dầm thấm lâu”, đúng và trúng của các đại lý thu Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn xã đã thu hút nhiều người dân địa phương tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, toàn xã đã vận động được trên 30 người dân không thuộc các đối tượng được hỗ trợ tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, nâng tổng số người tham gia trên địa bàn đến thời điểm này là 90 người.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận