Tăng thẩm quyền và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ
Tại Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23-4-2024, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã ký ban hành quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Người từng dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1)
Tăng thẩm quyền của người đứng đầu
Quy định số 142-QĐ/TW đã quy định phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện thí điểm về công tác cán bộ, gồm: Giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của người đứng đầu; bầu bổ sung ủy viên ban thường vụ cấp ủy cùng cấp; bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng cấp dưới trực tiếp thuộc thẩm quyền quản lý.
Quy định này được thực hiện thí điểm đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị từ cấp huyện trở lên. Đối với Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương có quy định riêng.
Theo Quy định số 142, căn cứ chủ trương của cấp có thẩm quyền, tại bước 1 của quy trình nhân sự theo Điều 21, Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18-8-2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, người đứng đầu được giới thiệu nhân sự như sau: Trường hợp nhân sự từ nguồn tại chỗ, người đứng đầu căn cứ số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ và danh sách nhân sự trong quy hoạch lựa chọn, giới thiệu 1 nhân sự cho 1 chức danh để cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét đưa vào danh sách, tiến hành các bước tiếp theo.
Trường hợp nhân sự từ nguồn ở nơi khác, người đứng đầu căn cứ số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ giới thiệu 1 nhân sự cho 1 chức danh để cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét tiến hành quy trình nhân sự.
Tại Điều 4, Quy định số 142-QĐ/TW nêu rõ, khi khuyết số lượng ủy viên ban thường vụ thì người đứng đầu căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, đề án công tác nhân sự đại hội, danh sách quy hoạch để lựa chọn, giới thiệu nhân sự cho tập thể ban thường vụ xem xét, trình ban chấp hành giới thiệu bổ sung ủy viên ban thường vụ; nếu nhân sự được ban chấp hành thống nhất giới thiệu, ban thường vụ trình xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi tiến hành bầu cử.
Điều 5 quy định, người đứng đầu được quyền xem xét bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng của tổ chức, cơ quan, đơn vị ở cấp hành chính do mình trực tiếp quản lý theo quy định, như sau:
Căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu, nhiệm vụ, sau khi trao đổi, thống nhất ý kiến với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, người đứng đầu quyết định bổ nhiệm cán bộ.
Khi có căn cứ xem xét miễn nhiệm cán bộ theo quy định thì trong thời hạn 15 ngày làm việc, người đứng đầu ban hành quyết định miễn nhiệm cán bộ và gửi văn bản đến cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ.
Trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu
Quy định số 142-QĐ/TW nhấn mạnh về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Theo đó, tại Điều 6 người đứng đầu bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác của nhân sự do mình giới thiệu; thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ, quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Người đứng đầu chịu trách nhiệm về quyết định của mình kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu trong các trường hợp sau: Giới thiệu cán bộ để bầu cử, bổ nhiệm thiếu công tâm, khách quan, không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác.
Miễn nhiệm cán bộ không bảo đảm căn cứ, thủ tục theo quy định. Việc xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong trường hợp vi phạm quy định này được thực hiện theo quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng và các quy định có liên quan.
Tại Điều 7 của Quy định số 142-QĐ/TW nêu rõ, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu quy định tại Điều 1 có trách nhiệm thực hiện Quy định này. Thời gian thực hiện thí điểm là 5 năm kể từ khi ban hành Quy định.
Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá kết quả việc thực hiện Quy định này và báo cáo Bộ Chính trị.
(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tập 5, tr.309, 280.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận