Tạp chí Tòa án nhân dân số 12 năm 2023

Tạp chí Tòa án nhân dân số 12, kỳ II tháng 6 năm 2023 xuất bản ngày 25 tháng 6 năm 2023. Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 09 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 12 năm 2023, cụ thể như sau:

Bài viết “Bảo quản và bảo vệ chứng cứ trong tố tụng hành chính” của tác giả Nguyễn Sơn Lâm và Lý Thường Đông phân tích quy định của pháp luật về bảo quản và bảo vệ chứng cứ trong tố tụng hành chính, đồng thời chỉ ra những điểm bất cập trong quy định của pháp luật, từ đó đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện.

Bài viết “Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu theo điểm D khoản 1 Điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam” của tác giả Nguyễn Ngọc Sơn phân tích những nội dung liên quan đến trường hợp chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu nếu không được chủ sở hữu hoặc chủ thể được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong khoảng thời gian liên tục, đồng thời, đề xuất hướng hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

Bài viết “Một số ý kiến về tội loạn luân theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015” của tác giả Phan Thị Phương Hiền bàn về dấu hiệu pháp lý của tội loạn luân được quy định tại Điều 184 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trên cơ sở phân tích dấu hiệu pháp lý của tội phạm này cùng sự so sánh với các tội phạm khác trong Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định hành vi khách quan là hành vi giao cấu, tác giả đưa ra một số hạn chế trong quy định về tội loạn luân và kiến nghị hoàn thiện.

Bài viết “Thực trạng xử lý vi phạm hành chính hiện nay” của tác giả Hoàng Khánh Hòa tập trung phân tích về thực trạng xử lý vi phạm hành chính hiện nay ở nước ta, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Trong bài viết “Biện pháp bảo đảm bằng tín chấp theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 - một số tồn tại, hạn chế và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Hoàng Thị Thủy cho rằng: quy định về tín chấp với vai trò là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong Bộ luật Dân sự năm 2015 mang tính kế thừa, nhưng cũng đã được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn. Đây được xem là công cụ để bảo đảm quyền lợi cho chủ thể quyền trong quan hệ dân sự, nhất là nhóm chủ thể là cá nhân, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; bảo đảm thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Nhà nước trong hỗ trợ phát triển kinh tế đối với nhóm chủ thể này. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định về tín chấp vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được tiếp tục nghiên cứu, khắc phục. Bài viết phân tích quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về biện pháp tín chấp, chỉ ra một số tồn tại, hạn chế; từ đó đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về nội dung này.

Bài viết “Bàn về một số căn cứ xác định giao dịch dân sự vô hiệu và kiến nghị hoàn thiện” của tác giả Đỗ Lê Ngọc Huyền phân tích, đánh giá quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cầm của luật, trái đạo đức xã hội và giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức. Trên cơ sở đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng tại Tòa án nhân dân, bài viết kiến nghị sửa đổi quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, góp phần hoàn thiện pháp luật dân sự.

Bài viết “Hoàn thiện quy định về tội “trộm cắp tài sản” của Bộ luật Hình sự năm 2015” của tác giả Nguyễn Thị Thúy Loan có viết: “Trong các tội xâm phạm sở hữu thì tội trộm cắp tài sản xảy ra khá phổ biến, gây nguy hại lớn đến các quan hệ sở hữu, trật tự an toàn xã hội. Những năm gần đây, tội trộm cắp tài sản đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng với tính chất, hậu quả ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn xã hội”. Bài viết phân tích khái quát Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 và đưa ra một số quan điểm để bàn luận và đề xuất một số giải pháp kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự.

Trong chuyên mục Trao đổi ý kiến, Tạp chí TAND giới thiệu đến bạn đọc bài viết “Về bài viết: “Xét xử Mai Văn H và Nguyễn Văn P như thế nào là phù hợp?”. Đây là bài viết tổng hợp quan điểm của một số tác giả về việc giải quyết tình huống cụ thể được đăng ở Tạp chí Tòa án nhân dân số 12/2022.

Bài viết “Pháp luật điều chỉnh hợp đồng thông minh của một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam” của tác giả Xa Kiều Oanh và Nguyễn Văn Dương nêu nhận định: “Cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển của Internet là nguyên nhân tất yếu dẫn đến sự hình thành các giao dịch hiện đại tồn tại và phát triển song song với các giao dịch truyền thống. Sự xuất hiện của các loại hình giao dịch mới này đòi hỏi hệ thống pháp luật của các quốc gia trên thế giới cần phải có sự thích ứng và thay đổi để kịp thời điều chỉnh những vấn đề mới này. Blockchain là một trong những công nghệ điển hình đang phát triển và được sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp và chính phủ trên phạm vi toàn cầu. Để có thể thực hiện được các giao dịch trên nền tảng Blockchain thì hợp đồng thông minh (smart contract) đóng một vai trò quan trọng và trung tâm trong nền tảng này. Tuy nhiên, hợp đồng thông minh là một vấn đề còn tương đối mới và tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Do đó, việc điều chỉnh của các quốc gia trên thế giới về hợp đồng thông minh có nhiều điểm khác nhau”. Bài viết nghiên cứu tổng quan về khái niệm, đặc điểm của Blockchain và hợp đồng thông minh; nghiên cứu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật một số quốc gia về hợp đồng thông minh, từ đó đưa ra gợi mở, kiến nghị về pháp luật điều chỉnh hợp đồng thông minh tại Việt Nam.

Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 12, kỳ II tháng 6 năm 2023.

 

* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

* Trên Tạp chí in (bắt đầu số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kế thêm mã QR trong trang mục lục, giúp bạn đọc dễ dàng truy cập các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng máy ảnh của điện thoại thông minh.

BTK