Tạp chí Tòa án nhân dân số 16 năm 2021
Tạp chí Tòa án nhân dân số 16 năm 2021 xuất bản ngày 25 tháng 8 năm 2021. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 09 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học.
Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:
Trong bài viết: “Vấn đề lợi ích của người thứ ba ngay tình trong giao dịch nhằm trốn tránh nghĩa vụ” , tác giả Lê Vũ Nam - Tống Hào Kiệt nêu nhận định: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chỉ đạo tích cực để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, trong đó đặc biệt là về pháp luật dân sự. Mặc dù việc điều chỉnh giao dịch dân sự đã được quy định từ Bộ luật Dân sự năm 1995, kế thừa và phát triển trong Bộ luật Dân sự năm 2005 và bổ sung để hoàn thiện trong Bộ luật Dân sự năm 2015, nhưng hiện nay trong xã hội đang phát sinh nhiều giao dịch dân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ làm cho quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể có quyền không được bảo đảm trong thực tế. Nhiều trường hợp sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật, người phải thi hành án về dân sự “tẩu tán tài sản” nên việc thi hành án rất khó khăn, thậm chí có rất nhiều người theo bản án thì được thi hành rất nhiều tài sản, nhưng kết quả không được thi hành được với lý do người phải thi hành án không còn tài sản. Tuy nhiên, nếu đứng về góc độ bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi tham gia vào các giao dịch nhằm trốn tránh nghĩa vụ thì hậu quả pháp lý tuyên bố vô hiệu đối với giao dịch này sẽ làm ảnh hưởng đến lợi ích của bên ngay tình, thiện chí. Trong nội dung bài viết này, các tác giả tập trung phân tích các quy định của pháp luật dân sự về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi tham gia các giao dịch nhằm trốn tránh nghĩa vụ bị vô hiệu; thực tiễn áp dụng các quy định này và những vướng mắc, hạn chế; từ đó tác giả đưa ra một số đề xuất, kiến nghị cụ thể.
Với bài viết: “Một số ý kiến về việc xử lý hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước - thực trạng và hướng hoàn thiện”, tác giả Nguyễn Chí Công - Nguyễn Việt Dũng cho rằng: Thời gian qua, pháp luật về phòng, chống tham nhũng cơ bản đã được hoàn thiện. Nhiều đạo luật về phòng, chống tham nhũng đã được Quốc hội ban hành, như: Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,… các đạo luật này đã thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về phòng chống tham nhũng giai đoạn mới. Đặc biệt, Luật Phòng chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định mở rộng hành vi tham nhũng ra cả khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, quy định này mới chỉ áp dụng đối với một số đối tượng. Thực tiễn xét xử các tội phạm tham nhũng tại các Tòa án cho thấy, việc thi hành các quy định này còn tồn tại một số hạn chế. Trong bài viết này, tác giả phân tích quy định của pháp luật về hành vi tham nhũng trong khu vực tư và thực trạng công tác phát hiện, xử lý hành vi này trên thực tế, khó khăn vướng mắc và giải pháp khắc phục (dưới góc nhìn của cơ quan xét xử).
Trong bài viết: “Vướng mắc trong việc áp dụng luật thi hành án dân sự - nhìn từ thực tiễn thi hành các bản án, quyết định liên quan đến tổ chức tín dụng”, tác giả Ngô Quang Vinh cho rằng: Luật Thi hành án Dân sự năm 2008 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009. Sau một thời gian đi vào cuộc sống, Luật Thi hành án dân sự đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập nên ngày 25/11/2014 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự số 64/2014/QH13 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015).
Có thể thấy, Luật Thi hành án dân sự đã có những đóng góp tích cực cho quá trình thi hành án dân sự. Qua hơn 6 năm được triển khai, áp dụng trong thực tiễn, công tác Thi hành án dân sự đã có những chuyển biến tích cực, không ngừng nâng cao hiệu quả thi hành các bản án, quyết định dân sự. Bên cạnh các thành tựu mà Luật Thi hành án dân sự năm 2014 mang lại thì việc áp dụng trong thực tiễn vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập cần tiếp tục được nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích một số quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản liên quan, từ đó chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình áp dụng và đưa ra các kiến nghị hoàn thiện cụ thể.
Với bài viết: “ Một số vướng mắc về việc ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị kết án”, tác giả Đào Thị Đào nêu quan điểm: Luật Thi hành án hình sự năm 2019 có hiệu lực áp dụng từ 01/01/2020, trong đó có quy định về việc người bị kết án treo, bị phạt cải tạo không giam giữ, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, không được xuất cảnh trong thời gian thử thách, trong thời gian chấp hành hình phạt. Tuy nhiên, việc ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị kết án phải bằng quyết định riêng hay trong cùng quyết định thi hành án, quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, thời điểm ban hành và có bắt buộc phải ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh không đang là những vướng mắc trên thực tế, rất cần có hướng dẫn.
Pháp luật không quy định rõ hình thức, thời điểm và tính bắt buộc phải ban hành quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án. Để nguyên tắc “bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án” được thực thi triệt để, đồng thời, giảm thủ tục hành chính, theo quan điểm của tác giả, thì cần sửa đổi, bổ sung các quy định tại Luật Thhi hành án hình sự và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam theo hướng cơ quan, người có thẩm quyền khi ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, quyết định thi hành án treo, quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ sẽ đưa việc quyết định tạm hoãn xuất cảnh vào trong nội dung quyết định này, mà không ra hai quyết định riêng biệt. Nội dung bài viết sẽ làm sáng tỏ những luận điểm mà tác giả nêu ở trên.
Trong bài viết: “Nguyên tắc kiểm soát quyền lực nhà nướctheo Hiến pháp năm 2013”, tác giả Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng: Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (đã được bổ sung và phát triển năm 2011), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã sửa đổi, bổ sung nguyên tắc “kiểm soát quyền lực” trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ta. Cụ thể “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Đây vừa là quan điểm, vừa là nguyên tắc chỉ đạo công cuộc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước trong thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới cả về kinh tế và chính trị. Có thể nói, đây chính là nguyên tắc cơ bản chỉ đạo quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp là hai mặt của một vấn đề; đó chính là, làm thế nào để xây dựng quyền lực thống nhất không có sự phân quyền nhưng vẫn đảm bảo sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Với việc phân tích, lập luận, đánh giá các quy định của pháp luật có liên quan, nội dung bài viết làm sâu sắc hơn lập luận nêu trên của tác giả.
Với bài viết: “Một số vấn đề cần lưu ý trong áp dụng pháp luật về huỷ việc kết hôn trái pháp luật”, tác giả Đức Thị Hòa nêu nhận định: Tại Việt Nam, quan niệm về kết hôn trái pháp luật ở mỗi thời kỳ có sự khác nhau nhất định. Có thể khẳng định, việc kết hôn trái pháp luật gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của xã hội, tới sự quản lý của Nhà nước về hôn nhân và gia đình. Về góc độ pháp lý, kết hôn trái pháp luật có thể ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi chính đáng của công dân và sự nghiêm minh của pháp luật.
Huỷ việc kết hôn trái pháp luật là một chế tài dân sự đối với hành vi vi phạm điều kiện kết hôn của các chủ thể kết hôn trong quan hệ kết hôn trái pháp luật. “Hủy” có nghĩa là “phá bỏ, làm cho không còn tồn tại hoặc không có giá trị”. Có thể hiểu, hủy việc kết hôn trái pháp luật là việc Tòa án theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tác động tới việc kết hôn trái pháp luật làm cho quan hệ đó không còn tồn tại hoặc không có giá trị pháp lý nữa. Là chế tài nên các bên phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi từ hành vi vi phạm đó, giữa các bên không phát sinh và tồn tại quan hệ vợ chồng. Việc này thể hiện thái độ không thừa nhận của Nhà nước đối với việc nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng nhưng không tuân thủ các quy định về điều kiện kết hôn.
Quan điểm lập pháp của các nước cũng như của Việt Nam khi nghiên cứu, quy định về vấn đề này vẫn có những ngoại lệ nhất định khi xử lý kết hôn trái pháp luật, dựa trên tính chất đặc biệt của quan hệ hôn nhân và gia đình. Vì vậy, ngay cả khi là trái pháp luật thì việc kết hôn đó vẫn có thể được thừa nhận khi thỏa mãn một số điều kiện. Nội dung bài viết tác giả tập trung phân tích một số quy định về hủy kết hôn trái pháp luật, từ đó đưa ra một số lưu ý trong áp dụng quy định về hủy kết hôn trái pháp luật.
Trong bài viết: “Nhận diện tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm-những vấn đề đặt ra đối với hoạt động điều tra, truy tố và xét xử”, tác giả Nguyễn Trung Kiên- Lê Trọng Thắng nêu nhận định: Bảo hiểm là chính sách mà Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng, bởi lẽ, đây là lĩnh vực đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội, hướng đến mục tiêu đảm bảo sự bình đẳng, công bằng và văn minh. Tuy nhiên, thời gian qua, không ít người đã lợi dụng vấn đề này để trục lợi, vi phạm pháp luật, thậm chí, đã có những cá nhân trở thành tội phạm, bởi đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật đến mức bị khởi tố, truy tố, xử lý liên quan đến các chính sách trong lĩnh vực bảo hiểm. Nhận diện rõ tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm, giúp cho các cơ quan bảo vệ pháp luật thực thi được thuận lợi và đảm bảo đúng pháp luật, làm cho chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước đi vào đời sống xã hội, đảm bảo hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân. Nội dung bài viết là những lập luận, phân tích của các tác giả nhằm làm rõ hơn luận điểm nêu trên.
Với bài viết: “Hoàn thiện các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động công chứng”, tác giả Lê Bích Trân nhận định: Vi phạm hành chính diễn ra trong nhiều lĩnh vực, mà công chứng là một lĩnh vực điển hình. Với việc phân tích cụ thể các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động công chứng, tác giả chỉ ra một số vướng mắc, bất cập và đưa ra kiến nghị hoàn thiện đối với nội dung này.
Trong bài viết: “Xác định Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi trọng tài việt nam giải quyết tranh chấp - kinh nghiệm từ pháp luật quốc tế”, tác giả Huỳnh Quang Thuận cho rằng: Thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động trọng tài dưới hình thức hỗ trợ hoặc giám sát là một trong các đặc điểm nổi bật trong hoạt động của Trọng tài thương mại, xuất phát từ việc Trọng tài thương mại là một cơ chế “tư” và thẩm quyền được xác lập dựa trên thỏa thuận của các bên tranh chấp. Trong đó, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án luôn là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm bởi vai trò của các biện pháp này đối với quá trình giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài cũng như quyền lợi của các bên.
Tuy nhiên, khi áp dụng quy định này trong thực tiễn, phát sinh vướng mắc trong trường hợp nếu nơi biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng không nằm trên lãnh thổ Việt Nam thì Tòa án Việt Nam có thẩm quyền áp dụng hay không? Nếu có thì trong trường hợp nào và cách thức/quy trình áp dụng sẽ được thực hiện cụ thể ra sao?
Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích quy định hiện hành, thực tiễn xét xử của Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới về vấn đề này, từ đó đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm nhằm hoàn thiện pháp luật trọng tài thương mại Việt Nam.
Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 16 năm 2021.
*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 xuất bản ngày 25 tháng 10 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 xuất bản ngày 10 tháng 10 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao