Tạp chí Tòa án nhân dân số 16 năm 2023

Tạp chí Tòa án nhân dân số 16, kỳ II tháng 8 năm 2023 xuất bản ngày 25 tháng 8 năm 2023. Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 08 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 16 năm 2023, cụ thể như sau:

Bài viết “Một số vấn đề về đương nhiên công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam” của tác giả Võ Hưng Đạt viết: “Trong tình hình thế giới hiện nay, việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế là xu thế tất yếu. Thông qua các chính sách hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến trong phát triển về kinh tế, chính trị, xã hội. Việc công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài hay việc vợ chồng là người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam đã trở nên phổ biến. Sự xuất hiện những quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài dẫn đến yêu cầu thiết thực rằng, cần phải có các quy định phù hợp để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Với nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng chủ quyền, những bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài chỉ có hiệu lực tại Việt Nam khi được Việt Nam công nhận. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, các bản án, quyết định này sẽ được đương nhiên công nhận tại Việt Nam”. Bài viết tập trung nghiên cứu một số vấn đề về đương nhiên công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam.

Bài viết “Một số nhầm lẫn trong thực tiễn về xác định tư cách bị hại trong tố tụng hình sự” của tác giả Ngô Huỳnh Đức nêu nhận định: “Trong thực tiễn xét xử vụ án hình sự, có một số trường hợp nhầm lẫn về xác định tư cách bị hại với nguyên đơn dân sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đây là những người tham gia tố tụng khác nhau, họ có những quyền lợi và nghĩa vụ khác nhau, nhất là bị hại. Việc xác định đúng tư cách người tham gia tố tụng giúp giải quyết đúng vấn đề bồi thường và hoàn trả trong trường hợp có sự đan xen về trách nhiệm giữa bị hại với nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Bài viết phân tích nhầm lẫn trong một số vụ án cụ thể để giúp xác định chính xác tư cách bị hại trong thực tiễn.

Bài viết “Cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn pháp luật về căn cước công dân giai đoạn hiện nay[A1] của tác giả Trần Nguyễn Hoàng Nhật nêu nhận định: “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân được xây dựng, hoàn thiện, đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng đã tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức hoạt động, quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại”. Bài viết phân tích thực trạng cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn pháp luật về căn cước công dân; từ đó, đề xuất một số vấn đề cần hoàn thiện pháp luật về căn cước công dân trong thời gian tới.

Bài viết “Vấn đề nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế cốt lõi của ILO vào hệ thống pháp luật Việt Nam” của tác giả Xa Kiều Oanh và Nguyễn Văn Dương phân tích tổng quan về các tiêu chuẩn lao động quốc tế cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thực trạng việc nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế cốt lõi vào hệ thống pháp luật lao động Việt Nam. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện việc nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động này của ILO vào hệ thống pháp luật lao động Việt Nam.

Bài viết “Xét xử trực tuyến và các nguyên tắc tố tụng” của tác giả Nguyễn Thị Quỳnh Nga và Nguyễn Huy Hoàng viết: “Những trở ngại khách quan như dịch bệnh, thiên tai… gây gián đoạn hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, trong đó có hoạt động xét xử của Tòa án. Vì vậy, xét xử trực tuyến là giải pháp hiệu quả thay thế việc xét xử trực tiếp tại trụ sở Tòa án. Tại Việt Nam, hoạt động xét xử trực tuyến còn mới, nhưng nằm trong xu hướng chung của các nền tư pháp trên thế giới, do đó, cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc, bài bản về bản chất, đặc điểm, phương pháp của hoạt động xét xử trực tuyến”. Bài viết phân tích một số nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng hình sự, dân sự, hành chính, từ đó, đề xuất một số nội dung liên quan đến xét xử trực tuyến.

Bài viết “Quy định về người làm chứng trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 - một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện” của tác giả Phạm Tiến Dũng viết: “Người làm chứng là một trong các chủ thể tham gia tố tụng được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Người làm chứng là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc. Sự xuất hiện của người làm chứng góp phần làm sáng tỏ sự thật của vụ án dân sự, giúp Tòa án giải quyết vụ án chính xác, khách quan”. Bài viết phân tích quy định pháp luật Việt Nam về người làm chứng trong tố tụng dân sự, chỉ ra một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Trên chuyên mục Trao đổi ý kiến, Tạp chí Tòa án nhân dân đăng tải hai bài viết:

Bài viết “Xác định tội danh của Nguyễn Hữu T” của tác giả Huỳnh Duy Khanh nêu nội dung tình huống và các quan điểm khác nhau về xác định tội danh đối với hành vi phạm tội của Nguyễn Hữu T.

Bài viết “Về bài viết: “Nguyễn Hoàng D phạm tội gì?”” của nhiều tác giả nêu ý kiến của các tác giả trao đổi về bài viết “Nguyễn Hoàng D phạm tội gì” được đăng ở Tạp chí Tòa án nhân dân số 22/2022.

Đây là hai bài viết đưa ra những tình huống pháp lý cụ thể còn nhiều quan điểm giải quyết khác nhau để bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi.

          Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 16, kỳ II tháng 8 năm 2023.

 

* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

* Trên Tạp chí in (bắt đầu số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kế thêm mã QR trong trang mục lục, giúp bạn đọc dễ dàng truy cập các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng máy ảnh của điện thoại thông minh.

BTK