Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2021
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2021 xuất bản ngày 10 tháng 12 năm 2021. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 08 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học.
Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:
Trong bài viết: “Bảo đảm tính độc lập xét xử của Tòa án trong giai đoạn hiện nay” , tác giả Ngô Văn Vịnh nêu nhận định: Tính độc lập của Tòa án đòi hỏi sự khách quan và vô tư của người làm công tác xét xử. Thẩm phán phải là người được tự do thẩm định, đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật mà không bị ảnh hưởng bởi bất cứ một tác động nào. Có hai khía cạnh về tính độc lập của Tòa án là độc lập bên ngoài và độc lập bên trong. Độc lập bên ngoài nghĩa là phải hoàn toàn độc lập với các cá nhân, cơ quan, tổ chức và những tác động khác ảnh hưởng đến tính đúng đắn, khách quan của cá nhân các Thẩm phán. Độc lập bên trong, nghĩa là, Thẩm phán phải độc lập với đồng nghiệp, các thành viên Hội đồng xét xử, với cấp trên và ngay cả trước lợi ích cá nhân của bản thân họ. Sự vô tư của Thẩm phán khi xét xử đòi hỏi Thẩm phán phải có trách nhiệm trước pháp luật và với chính lương tâm của mình. Độc lập, tức là không được tác động đối với việc xét xử của Tòa án, vô tư là yêu cầu Tòa án không bị ảnh hưởng bởi bất cứ tác động nào. Trong bài viết này, tác giả tập trung làm rõ về tính độc lập xét xử của Tòa án trên phương diện lý luận và pháp luật thực định; đồng thời phân tích, làm rõ thực trạng tính độc lập xét xử của Tòa án hiện nay và đưa ra một số giải pháp để nâng cao độc lập xét xử của Tòa án trong thời gian tới.
Với bài viết: “Tội trộm cắp tài sản – một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Nguyễn Trung Kiên cho rằng: Những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường và sự hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thì tình hình tội phạm cũng gia tăng một cách nhanh chóng, với thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, trong đó có tội trộm cắp tài sản. Thực tiễn xét xử cho thấy, tội trộm cắp tài sản là loại tội phạm xảy ra khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước, chiếm tỷ lệ cao so với các loại tội phạm khác. Tội phạm này gây thiệt hại về tài sản, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân.
Trước tình hình diễn biến tội phạm đang ngày càng phức tạp và để đáp ứng hiệu quả trong yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội trộm cắp tài sản trong tình hình mới, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng đối với tội trộm cắp tài sản, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Trong bài viết, tác giả tập trung phân tích quy định về tội trộm cắp tài sản tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, từ đó chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc và đưa ra kiến nghị hoàn thiện cụ thể.
Trong bài viết: “Vấn đề trách nhiệm hình sự đối với người chuẩn bị phạm tội trong đồng phạm”, tác giả Bùi Đức Hứa cho rằng: Đồng phạm là một trường hợp đặc biệt của tội phạm, nhưng cũng giống như các trường hợp khác, trường hợp phạm tội này cũng có những diễn biến cụ thể, trải qua những giai đoạn phạm tội cụ thể như chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, tội phạm hoàn thành. Để xác định giai đoạn phạm tội trong trường hợp tội phạm do một người thực hiện dựa vào đặc điểm hành vi của người phạm tội tương ứng trong từng giai đoạn theo quy định của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, hành vi của những loại người đồng phạm có những đặc điểm khác nhau. Trong đó, chỉ có người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm, còn những người đồng phạm khác đều gián tiếp thực hiện tội phạm. Do đó, việc xác định giai đoạn thực hiện tội phạm của những người đồng phạm khác đều phải căn cứ vào giai đoạn phạm tội của người thực hành, theo nguyên tắc người thực hành thực hiện tội phạm đến đâu, đến giai đoạn nào, thì những người đồng phạm khác phải chịu trách nhiệm hình sự đến đó. Trong bài viết, tác giả phân tích làm rõ về trách nhiệm hình sự đối với người chuẩn bị phạm tội trong đồng phạm.
Với bài viết: “Đặc điểm hình sự của tội phạm tham ô tài sản trong các doanh nghiệp nhà nước”, tác giả Hà Đức Dũng nêu quan điểm: Quá trình xây dựng và phát triển đất nước, các doanh nghiệp nhà nước là một trong những thành tố quan trọng, không thế thiếu, có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển nền kinh.
Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc quản lý, sử dụng tài sản trong nhiều doanh nghiệp nhà nước còn lỏng lẻo, là cơ hội để tội phạm có liên quan đến tài sản công của Nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước nảy sinh với những diễn biến phức tạp. Bài viết nghiên cứu, phân tích đặc điểm hình sự của tội phạm tham ô tài sản trong các doanh nghiệp nhà nước, từ đó đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.
Trong bài viết: “Chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015”, tác giả Ngô Thị Kim Khánh cho rằng: Chuẩn bị xét xử là chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đưa vụ án ra xét xử theo quy định của pháp luật. Chuẩn bị xét xử phúc thẩm là khâu không thể thiếu trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, thông qua hoạt động chuẩn bị xét xử mà Tòa án thực hiện tốt chức năng xét xử, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của con người, của công dân. Chất lượng hoạt động xét xử phúc thẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, một trong những yếu tố đó phải kể đến là hoạt động chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Hoạt động chuẩn bị xét xử có ý nghĩa quan trọng đối với việc đảm bảo chất lượng xét xử tại phiên tòa, đảm bảo chất lượng giải quyết vụ án. Các hoạt động tố tụng được Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tiến hành trong khâu chuẩn bị xét xử bao gồm: thụ lý vụ án, nghiên cứu hồ sơ, xác định thẩm quyền giải quyết, áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, gửi các quyết định tố tụng, xem xét giải quyết các yêu cầu, khiếu nại… Việc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thực hiện tốt công tác chuẩn bị xét xử sẽ đảm bảo cho hoạt động xét xử tại phiên tòa diễn ra thuận lợi, có hiệu quả cao, đảm bảo bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm có căn cứ, hợp pháp, khắc phục kịp thời những vi phạm, sai sót (nếu có) ở những giai đoạn tố tụng trước đó. Còn ngược lại, nếu các hoạt động chuẩn bị xét xử phúc thẩm được thực hiện sơ sài thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng phiên tòa, chất lượng giải quyết vụ án, dẫn đến việc giải quyết vụ án kéo dài, bản án, quyết định của Tòa án có sai sót, vi phạm, xâm phạm đến quyền và lợi ích của chủ thể tham gia tố tụng, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào hoạt động xét xử, ảnh hưởng đến nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định tương đối hoàn thiện về chuẩn bị xét xử phúc thẩm, khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, theo tác giả các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về chuẩn bị xét xử phúc thẩm vẫn còn những hạn chế, bất cập ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết vụ án. Vì vậy, việc nghiên cứu làm sáng tỏ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về chuẩn bị xét xử phuac thẩm, chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quy định của luật, trên cơ sở đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về chế định này là một yêu cầu tất yếu.
Với bài viết: “Một số vấn đề về áp dụng hình phạt tù có thời hạn theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015” , tác giả Vũ Đức Việt nêu nhận định: Hình phạt tù có thời hạn là một trong số các hình phạt chính trong hệ thống hình phạt. Hình phạt này được quy định trong các chế tài đối với cấu thành tội phạm và được áp dụng phổ biến trong quá trình Tòa án xét xử tội phạm. Thực chất, hình phạt tù có thời hạn là việc bắt buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại Trại giam, Trại tạm giam cách ly người phải chấp hành hình phạt khỏi đời sống xã hội trong khoảng thời gian nhất định để giáo dục, cải tạo họ. Trong mỗi cấu thành tội phạm của một tội phạm cụ thể thì mức thấp nhất của hình phạt tù có thời hạn không dưới 03 tháng và mức tối đa không vượt quá 20 năm.
Bài viết phân tích một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng hình phạt tù có thời hạn theo quy của Bộ luật Hình sự năm 2015, trên cơ sở đó đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật có liên quan.
Trong bài viết: “Hoạt động hòa giải thương mại trong xu thế tăng cường phương thức giải quyết tranh chấp thay thế ở nước ta hiện nay”, tác giả Lê Thị Hằng nhận định: Hiện nay, theo quy định của pháp luật, hoạt động hòa giải ở nước ta tồn tại dưới hai hình thức: hòa giải trong tố tụng và hòa giải ngoài tố tụng. Hòa giải trong tố tụng là hoạt động hòa giải được các bên tiến hành tại Tòa án hoặc trọng tài, khi các cơ quan này giải quyết tranh chấp theo đơn khởi kiện của một bên. Hòa giải ngoài tố tụng là hoạt động hòa giải được các bên tiến hành trước khi đưa tranh chấp ra Tòa án hoặc trọng tài. Hòa giải tuy là một thuật ngữ quen thuộc với người dân và doanh nghiệp Việt Nam, nhưng hòa giải thương mại - một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng, lại chưa thực sự phổ biến ở nước ta. Thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại đặt ra yêu cầu đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án, hay còn gọi là phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) và trọng tài, để giảm gánh nặng cho hệ thống Tòa án, tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Bài viết chỉ ra những ưu thế, cơ hội; phân tích, đánh giá những thách thức của hòa giải thương mại, từ đó đề xuất các giải pháp để tiếp tục thúc đẩy, phát triển hoạt động hòa giải thương mại ở nước ta hiện nay.
Với bài viết: “Nguyên tắc “thẩm quyền - thẩm quyền” trong tố tụng trọng tài - nghiên cứu so sánh và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, tác giả Huỳnh Quang Thuận- Ngô Thị Tuyết Thanh cho rằng: Bản chất của Trọng tài là được trao thẩm quyền dựa trên sự thỏa thuận của các bên, do đó, Hội đồng trọng tài chỉ có thể giải quyết một cách hợp pháp các tranh chấp mà các bên đồng ý giải quyết và phải chú ý giữ chừng mực trong phạm vi nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết tranh chấp, không phải lúc nào các bên cũng thống nhất về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài mà trong một số trường hợp, một trong các bên có thể phản đối thẩm quyền khi cho rằng họ không bị ràng buộc bởi thỏa thuận trọng tài vì không ký kết hoặc người ký kết không có thẩm quyền hoặc hình thức của thỏa thuận trọng tài không phải là văn bản, hoặc tranh chấp nằm ngoài phạm vi của thỏa thuận trọng tài hoặc không thể được giải quyết bởi trọng tài… Các phản đối về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài đặt ra câu hỏi về việc ai là người được quyết định đối với các yêu cầu đó – Hội đồng trọng tài hay Tòa án quốc gia.
Bài viết sẽ đi vào tìm hiểu tổng quan về nguyên tắc competence - competence, từ đó nghiên cứu, đánh giá quy định pháp luật trọng tài của một số quốc gia tiêu biểu trên thế giới trong việc ghi nhận nguyên tắc này. Qua đó, tác giả đưa ra nhận xét cho các cách tiếp cận và kiến nghị hoàn thiện cho pháp luật trọng tài thương mại Việt Nam
Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2021.
*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ./.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 xuất bản ngày 25 tháng 10 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 xuất bản ngày 10 tháng 10 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao