Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2023

Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 07 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2023

Trong bài viết “Một số vấn đề về áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp về tài sản tại Tòa án và kiến nghị hoàn thiện pháp luật”, các tác giả Tạ Đình Tuyên - Phạm Thị Hồng Tâm - Nguyễn Thị Hồng Quyên tập trung phân tích ba nội dung liên quan đến áp dụng pháp luật trong giải quyết các tranh chấp về tài sản tại Tòa án, đó là (i) xác định quan hệ pháp luật tranh chấp về tài sản để xác định luật áp dụng; (ii) xác định văn bản quy phạm pháp luật áp dụng giải quyết tranh chấp về tài sản; (iii) vấn đề giải thích áp dụng pháp luật của Tòa án khi giải quyết tranh chấp về tài sản. Trên cơ sở phân tích, đánh giá các nội dung nêu trên, bài viết đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp về tài sản tại Tòa án.

          Bài viết “Một số ý kiến về công tác xét xử vụ án hình sự của Hội thẩm quân nhân tại Tòa án quân sự” của tác giả Đinh Thị Ngọc Bích - Quách Văn Trường viết: “Hội thẩm quân nhân có vị trí đặc biệt và quan trọng trong nền tư pháp nước ta. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật đã nảy sinh những bất cập về vai trò, nhiệm vụ của Hội thẩm quân nhân khi tham gia xét xử vụ án hình sự tại Tòa án quân sự”. Bài viết nghiên cứu quy định của pháp luật và thực tiễn xét xử của Hội thẩm quân nhân; từ đó, đánh giá thực trạng, những bất cập, hạn chế của pháp luật quy định về Hội thẩm quân nhân; đồng thời, đưa ra kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao chất lượng của Hội thẩm quân nhân trong công tác xét xử vụ án hình sự của Tòa án quân sự.

          Trong bài viết “Một số vấn đề cần bàn luận về quyền xác định lại giới tính theo pháp luật dân sự Việt Nam”, tác giả Vũ Khánh Huyền nêu quan điểm: “Quyền xác định lại giới tính của cá nhân lần đầu tiên được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2005, tiếp tục được sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Điều này đã thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng, bảo vệ quyền nhân thân của mỗi cá nhân. Việc ra đời các quy định này được các nhà làm luật, các y, bác sĩ, những người bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính, người có giới tính chưa được định hình chính xác và cộng đồng xã hội đánh giá là một bước phát triển mới đầy tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc trong pháp luật Việt Nam”. Bài viết đi sâu phân tích một số vấn đề cơ bản về quyền xác định lại giới tính, đánh giá các quy định pháp luật có liên quan về quyền xác định lại giới tính, từ đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền xác định lại giới tính tại Việt Nam hiện nay.

          Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận về tư pháp phục hồi và kiến nghị tiếp thu khi xử lý người chưa thành niên phạm tội tại Việt Nam”, tác giả Phạm Phương Thảo viết: “Tư pháp phục hồi mặc dù đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công, nhưng vẫn còn là một khái niệm khá mới tại Việt Nam”. Bài viết tập trung phân tích khái niệm, đặc điểm và mục tiêu của tư pháp phục hồi; đánh giá những quy định của Việt Nam về xử lý người chưa thành niên phạm tội so với những khuyến nghị của Liên hợp quốc; từ đó đề xuất tiếp nhận một số nội dung trong xử lý người chưa thành niên phạm tội tại Việt Nam.       

          Trong bài viết “Siêu liên kết dưới góc độ quyền tác giả”, tác giả Nguyễn Trọng Luận nêu đánh giá: “Siêu liên kết là một yếu tố quan trọng của hệ thống Internet ngày nay, giúp kết nối các tài liệu ở các trang web khác nhau bằng cách cho phép người dùng có thể điều hướng và dễ dàng truy cập vào tác phẩm trên trang web của bên thứ ba. Điều này nảy sinh vấn đề về tính hợp pháp của việc thiết lập và chia sẻ các siêu liên kết dưới góc độ pháp luật về quyền tác giả”. Bài viết sẽ phân tích và làm rõ vấn đề này trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm từ Liên minh châu Âu.                                                     

          Bài viết “Đào tạo Thẩm phán gắn với công tác thi tuyển chức danh Thẩm phán” của tác giả Nguyễn Minh Hằng - Lê Thị Thúy Nga đề cập khái quát về công tác đào tạo Thẩm phán (đào tạo nghiệp vụ xét xử/đào tạo nguồn Thẩm phán), vai trò của việc đào tạo đối với công tác thi tuyển chức danh Thẩm phán tại Việt Nam và đưa ra một số kiến nghị liên quan.

          Bài viết “Quyền sử dụng tự do tác phẩm trong hoạt động sao chép tại thư viện một số trường đại học ở Anh” của tác giả Ngô Nguyễn Cảnh và Nguyễn Thị Thu Uyên viết: “Thư viện đóng vai trò quan trọng trong việc lưu trữ và cung cấp kiến thức. Để giúp người sử dụng tiếp cận tri thức một cách hiệu quả nhất, thư viện được trao quyền sao chép tác phẩm từ các chủ sở hữu quyền tác giả”. Bài viết trình bày về các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sao chép trong các thư viện trường đại học tại Anh. Từ đó, đưa ra kết luận thông qua các quy định này, thư viện trường đại học tại Việt Nam có thể tham khảo và học hỏi kinh nghiệm để hoàn thiện hoạt động chuyên môn. Mặt khác, đây cũng là nguồn tham khảo để hoàn thiện quy định pháp luật về quyền sao chép tại thư viện trường đại học tại Việt Nam trong thời gian tới.

Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 23, kỳ I tháng 12 năm 2023.

* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ. Hoặc đặt mua theo mẫu tại File đính kèm.

Xem tài liệu đính kèm

BTK