Tạp chí Tòa án nhân dân số 8 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 8, kỳ II tháng 4 năm 2024 xuất bản ngày 25 tháng 4 năm 2024.
Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 09 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 8 năm 2024, cụ thể như sau:
Bài viết “Một số vấn đề về quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” của tác giả Nguyễn Trần Bảo Uyên nêu nhận định: “Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ là một trong những biện pháp khẩn cấp tạm thời được ghi nhận trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam, biện pháp này được Tòa án áp dụng nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án. Mặc dù Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về cơ bản đã có những quy định khá cụ thể và chi tiết về chế định biện pháp khẩn cấp tạm thời nói chung và biện pháp “phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” nói riêng, tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các tranh chấp phát sinh cho thấy vẫn còn tồn tại những vướng mắc nhất định trong quá trình áp dụng biện pháp “phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ””. Trong bài viết, tác giả tập trung phân tích, chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành về áp dụng biện pháp “phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ”, từ đó đưa ra một số ý kiến nhằm hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
Bài viết “Về hoạt động phát hiện, thu thập dấu vết điện tử trong điều tra các tội phạm sử dụng mạng xã hội gây án” của tác giả Phạm Văn Toản viết: “Công nghệ thông tin, viễn thông trở thành lĩnh vực mà các đối tượng tập trung khai thác, sử dụng để thực hiện tội phạm, đặc biệt là các mạng xã hội. Ở Việt Nam, số lượng người sử dụng mạng xã hội chiếm tỷ lệ rất lớn, nên các đối tượng đã lợi dụng các nền tảng này để thực hiện các hành vi phạm tội, xâm phạm đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội bằng nhiều thủ đoạn tinh vi”. Trong bài viết, tác giả tập trung trao đổi một số vấn đề trong quá trình phát hiện, thu thập dấu vết điện tử phục vụ quá trình điều tra, giải quyết các vụ việc tội phạm sử dụng mạng xã hội gây án.
Trong bài viết “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm có sử dụng công nghệ cao trong tình hình mới”, tác giả Nguyễn Tấn Thương cho rằng: “Trong thời gian qua, tình hình tội phạm có sử dụng công nghệ cao lợi dụng thành tựu của khoa học công nghệ, mạng viễn thông, Internet, trí tuệ nhân tạo để thực hiện tội phạm diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, gây bất an trong quần chúng nhân dân. Thực trạng trên đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có giải pháp tổng thể để nâng cao hiệu quả phòng, chống loại tội phạm này trong tình hình mới”. Bài viết này, tác giả tập trung khái quát một số vấn đề cơ bản về tội phạm có sử dụng công nghệ cao và chính sách phòng, chống của nước ta; nêu ra một số thuận lợi, khó khăn, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống loại tội phạm này trong tình hình mới.
Bài viết “Định giá tài sản góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên - nhìn từ góc độ lý luận” của tác giả Nguyễn Thị Kim Thoa - Nguyễn Thị Vân Anh viết: “Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam. Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá”. Trong bài viết, các tác giả tập trung phân tích khái quát về định giá tài sản góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chỉ ra một số bất cập liên quan; từ đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh của các nhà đầu tư và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước ở Việt Nam.
Bài viết “Một số vấn đề về tội tham ô tài sản quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015” của tác giả Hồ Nguyễn Quân nêu đánh giá: “Thực tiễn cho thấy, tham ô tài sản không chỉ làm suy yếu bộ máy nhà nước, làm thất thoát tài sản của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, mà còn làm xói mòn niềm tin của Nhân dân đối với bộ máy công quyền. Do vậy, việc nghiên cứu và hoàn thiện các quy định của pháp luật về tội tham ô tài sản là điều hết sức cần thiết, nhằm giải quyết các vụ án tham nhũng một cách triệt để, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm”. Bài viết này, tác giả tập trung phân tích về tội tham ô tài sản được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015; từ đó chỉ ra những vướng mắc, bất cập và kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Bài viết “Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” của Phạm Minh Đô nêu nhận định: “Dâm ô là một trong các loại tội phạm xâm hại tình dục nổi trội được quy định trong pháp luật hình sự Việt Nam. Lần đầu tiên tội danh này được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009. Qua nghiên cứu, nhận thấy, các nội dung liên quan đến quy định về dâm ô còn mơ hồ, chưa hoàn chỉnh và thống nhất. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình giải quyết vụ án hình sự”. Bài viết này phân tích và đưa ra một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tội dâm ô người dưới 16 tuổi.
Trong chuyên mục Trao đổi ý kiến, tác giả Nguyễn Thanh Huyền với bài viết “Về bài viết: “Các đối tượng phạm tội gì?” nêu quan điểm về việc giải quyết đối với tình huống pháp lý được nêu trong bài viết “Các đối tượng phạm tội gì” của tác giả Đinh Minh Lượng (Tòa án Quân sự khu vực 2 Quân khu 5).
Tác giả Nguyễn Ngọc Kiện - Trần Anh Việt - Lê Bá Trường nêu trong bài viết “Biện pháp ngăn chặn đối với người dưới 18 tuổi theo pháp luật tố tụng hình sự Liên bang Nga và kinh nghiệm cho Việt Nam”: “Hiện nay, vấn đề tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện đang được các quốc gia quan tâm, trong đó có Việt Nam, nhất là về vấn đề áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với loại tội phạm này”. Bài viết này, các tác giả chủ yếu nghiên cứu pháp luật tố tụng hình sự của Liên bang Nga về biện pháp ngăn chặn đối với người dưới 18 tuổi; từ đó rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam về xây dựng hoàn thiện các biện pháp ngăn chặn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Trong bài viết “Luật áp dụng để xác định thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài - kinh nghiệm từ phán quyết của Tòa án Singapore”, tác giả Nguyễn Thị Hồng Trinh viết: “Mặc dù hiện nay pháp luật nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, có xu hướng mở rộng phạm vi các tranh chấp có thể được giải quyết bằng trọng tài thương mại, tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh chấp chưa thể được giải quyết bằng trọng tài theo pháp luật của quốc gia này nhưng có thể được giải quyết theo pháp luật của quốc gia kia, ví dụ như tranh chấp phát sinh ngoài hợp đồng, hoặc tranh chấp về ép buộc cổ đông thiểu số trong công ty. Trong thực tiễn giải quyết ở các quốc gia và cả Việt Nam, Tòa án chỉ áp dụng pháp luật nước mình để xác định thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài. Tại Singapore, Tòa án đã có một cách tiếp cận khác biệt, được thể hiện qua phán quyết của vụ án Anupam Mittal v Westbridge Ventures II Investment Holdings”. Bài viết này, tác giả phân tích quy định của pháp luật Việt Nam về luật áp dụng để xác định thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài. Ngoài ra, để tham khảo kinh nghiệm của Singapore, tác giả còn phân tích cách thức Tòa án Singapore xác định luật áp dụng cho vấn đề này và rút ra khuyến nghị trong quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại quốc tế.
Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 8, kỳ II tháng 4 năm 2024.
* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 xuất bản ngày 25 tháng 10 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 xuất bản ngày 10 tháng 10 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao