Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 6/2019

Tạp chí Tòa án nhân dân số 6 năm 2019 được phát hành ngày 25 /3 /2019. Trong số này, Tạp chí đăng 9 bài viết có chất lượng cao và 1 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

– Trong bài viết “Bảo lãnh – một biện pháp bảo đảm quan trọng và một số lưu ý” của tác giả Duy kiên đăng trong mục Pháp luật – thực tiễn. Khái niệm bảo lãnh đã được quy định rất rõ tại Điều 335 BLDS năm 2015 như sau:

“1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. 

2.Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, khi giải quyết các vụ án dân sự có yếu tố bảo lãnh thì không phải lúc nào cũng có sự nhận thức thống nhất về vấn đề này. Trong bài viết nói trên, tác giả Duy Kiên đã có sự phân tích, lập luận rất rõ ràng, mạch lạc về bảo lãnh theo luật định và bảo lãnh theo thỏa thuận, từ đó tác giả đưa ra những lưu ý khi Tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự có yêu tố bảo lãnh. Đồng thời, bài viết là sự bình luận sâu về nội dung tiểu mục 6 mục 3 Chương XV BLDS 2015 về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, nội hàm các quy định trong tiểu mục này để giúp độc giả nắm bắt tốt hơn các nội dung cơ bản của chế định bảo lãnh.

– Trong bài viết: “Tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng và các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015” của tác giả TS. Phạm Minh Tuyên – Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh và NCS. Đỗ Thị Minh Phượng – Học viện Ngân hàng có nhận định: Ngân hàng là công cụ quan trọng giúp Nhà nước điều hành nền kinh tế, huy động vốn cho các dự án, là trung tâm thanh toán và thực thi chính sách tiền tệ, là nơi tập trung khối lượng tiền, ngoại tệ, các giấy tờ có giá và các tài sản quý. Do đó, tội phạm luôn xác định ngân hàng là mục tiêu, điểm đến để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Hiện nay, chưa có một khái niệm chính thống và cũng chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Do đó, việc nhận diện đúng tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng cũng như các tình tiết liên quan có ý nghĩa rất quan trọng về mặt lý luận cũng như thực tiễn trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm”.

Theo đó, trong bài viết này, hai tác giả đã có sự phân tích khá sâu về thực trạng tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng với việc chỉ ra phương thức, thủ đoạn phạm tội; hậu quả của tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Từ đó, các tác giả đã phân tích cụ thể quy định của BLHS năm 2015 về vi phạm quy định hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng với việc phân tích làm rõ các quy định mới của BLHS 2015 về tội phạm này (Điều 206 BLHS 2015) nhằm giúp cho việc nhận diện và xử lý tội phạm này trong thực tiễn thống nhất và dễ dàng hơn.

– Với bài viết: “Quyền giám sát của Ủy ban tư pháp đối với Tòa án nhân dân”, tác giả Cao Mạnh Linh – Phó Vụ trưởng, Văn phòng Quốc hội đã có sự phân tích, bình luận sâu từ cơ sở hình thành quyền giám sát của Ủy ban Tư pháp đối với Tòa án nhân dân đến đối tượng chịu sự giám sát của Ủy ban Tư pháp, phạm vi, hình thức giám sát của Ủy ban tư pháp đối với Tòa án nhân dân, từ đó nêu ra hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát của Ủy ban Tư pháp đối với Tòa án nhân dân.

Ngoài ra, trong số này còn có các bài viết phân tích, bình luận chuyên sâu về các quy định của BLHS, BLTTHS hiện hành và các bài viết là các quan điểm khác nhau đối với các tình huống cụ thể. Các độc giả quan tâm tới các vấn đề nêu trên xin mời đón đọc ấn phẩm số 6 năm 2019 của Tạp chí Tòa án nhân dân.

BTK