Tạp chí Tòa án nhân dân 70 năm xây dựng và phát triển
Bài viết khái lược về quá trình 70 năm xây dựng và phát triển của Tạp chí Tòa án nhân dân qua từng giai đoạn; một số thành tích của Tạp chí đã được Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao ghi nhận và một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Đặt vấn đề
Báo chí có vai trò quan trọng không thể thay thế trong việc tuyên truyền đường lối chính sách của đảng, báo chí đảm nhiệm hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động, huấn luyện giáo dục và chính người làm báo cũng là chiến sĩ cách mạng và vũ khí sắc bén của họ là cây bút, trang giấy – là tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí. Các giai đoạn lịch sử đã chứng minh về hiệu lực và hiệu quả của báo chí cách mạng Việt Nam khi thực sự trở thành mắt xích của sự nghiệp cách mạng của Đảng. Báo chí của chúng ta đã thực sự bảo vệ chính nghĩa, phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, trong đó Tạp chí Tòa án nhân dân (TAND) cũng giữ vị trí, vai trò và có đóng góp nhất định. Tạp chí TAND đã cùng tiến bước trên chặng đường dài của lịch sử dân tộc, đã luôn đứng vững và phát triển, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự trưởng thành và lớn mạnh của toàn hệ thống Tòa án, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Trải qua 70 năm trưởng thành và phát triển, Tạp chí TAND luôn năng động đổi mới, tìm tòi sáng tạo để nâng cao chất lượng nội dung và hình thức, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Cho đến nay, Tạp chí TAND không chỉ là ấn phẩm cần thiết, bổ ích cho hoạt động nghiệp vụ của cán bộ, Thẩm phán TAND các cấp, mà còn trở thành nguồn tài liệu cần thiết cho các nhà hoạch định chính sách, cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật, các nhà nghiên cứu khoa học Luật, các sinh viên luật đang học tập ở trong và ngoài nước. Đồng thời, Tạp chí TAND còn là diễn đàn để các nhà nghiên cứu lý luận pháp lý, các cán bộ hoạt động thực tiễn tranh luận khoa học, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng công tác, nhằm nâng cao chất lượng xét xử, giúp cho hệ thống Tòa án làm tốt sứ mệnh bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
1. Khái quát quá trình hình thành và phát triển của Tạp chí Tòa án nhân dân
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, 70 năm qua, Tạp chí TAND luôn bám sát thực tiễn xét xử, nhiệm vụ công tác cũng như các mặt hoạt động khác của hệ thống TAND để tuyên truyền, trao đổi đầy đủ, nhanh chóng và cung cấp kịp thời các thông tin cần thiết nhằm đảm bảo tối ưu cho hoạt động xét xử, phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua từng thời kỳ cách mạng.
1.1. Giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1960
Xác định tầm quan trọng của công tác nghiên cứu lý luận, tuyên truyền pháp luật và trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn đường lối xét xử, chỉ sau 09 năm kể từ ngày TAND ra đời, năm 1954, tờ “Nội san Tư pháp” - tiền thân của Tạp chí TAND ngày nay - lần đầu tiên được xuất bản và phát hành trong hệ thống TAND trên cả nước. Thời kỳ này, ngành tư pháp gặp nhiều khó khăn, nên tờ Nội san Tư pháp cũng đối mặt với rất nhiều thách thức: Công việc in ấn còn thô sơ (chủ yếu in roneo), việc lưu hành rất hạn hẹp (chỉ trong nội bộ và giữa những anh em phụ trách các Tòa án). Những số đầu tiên thì 2 tháng ra một số, thậm chí 3 tháng mới ra một số. Mặc dù vậy, về nội dung, Nội san Tư pháp luôn bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Tòa án để tuyên truyền đầy đủ, nhanh chóng, chính xác các chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Trong thời kỳ khó khăn ban đầu, ở mức độ hết sức sơ khai, hạn chế cả con người, về nội dung, hình thức, với quy mô hoạt động nhỏ bé, việc in ấn, phát hành thô sơ, kỳ xuất bản không ổn định. Nội dung chủ yếu của Nội san là thông tin hoạt động xét xử, trao đổi về cách giải quyết các vụ án, phổ biến các văn bản, chỉ thị của TANDTC và thông tin các hoạt động khác của tòa án. Dù vậy, Nội san Tập san đã thu hút khá đông tác giả có trình độ pháp luật cao, có kinh nghiệm công tác Tòa án tham gia viết bài (tiêu biểu là các tác giả Vũ Khiêm, Phùng Văn Tửu, Trần Công Tường, Nguyễn Quý Thái, Nguyễn Trác, Tạ Như Khuê…).
Kết quả công tác giai đoạn này đã thể hiện sự nỗ lực của tờ Tập san trong việc tuyên truyền hoạt động của ngành và bước đầu đạt được những kết quả nhất định: Đáp ứng được yêu cầu do công tác xét xử đặt ra; xây dựng và phát triển rộng khắp phong trào thi đua của hệ thống…qua đó, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị của TAND trong thời kỳ này.
1.2. Giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1990
Bắt đầu từ số 1/1960, tờ Nội san Tư pháp đổi tên thành Tập san Tư pháp; từ số 1/1972, “Tập san Tư pháp” được đổi tên thành “Tập san Tòa án nhân dân”, gắn tên của ấn phẩm với tên và chức năng, nhiệm vụ của TAND trong bộ máy Nhà nước. Số đầu tiên có đăng Thông báo trên Tập san rằng: “Được sự đồng ý của Phủ Thủ tướng, từ tháng 01 năm 1972, “Nội san Tư pháp” đổi tên thành “Tập san Tòa án nhân dân”. Thời điểm đó, Tập san TAND chỉ là một đơn vị cấp phòng trực thuộc Vụ Nghiên cứu pháp luật - TANDTC.
Nhiều đối tác và cộng tác viên, bạn đọc gần xa gửi đến Tạp chí những lời chúc tốt đẹp - Ảnh: Thái Vũ
Thông qua nhiều bài viết, bằng nhiều cách thức khác nhau, Tập san TAND không những phổ biến việc triển khai, mà còn tổng kết việc thực hiện các Nghị quyết quan trọng của Đảng. Trong giai đoạn này, mặc dù Tập san TAND đã có nhiều nỗ lực và từng bước có những phát triển mới hơn so với giai đoạn ban đầu, đã bám sát tình hình thực tế của hệ thống để tuyên truyền, tuy nhiên, tính chuyên môn, chuyên ngành thì vẫn chưa được biểu lộ rõ. Tập san vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Hình thức trình bày chưa đẹp, còn đơn điệu, chuyên mục còn ít, nội dung chưa phong phú…Về số lượng trang in, từ năm 1960-1972 in 31 trang/số, từ số 2/1974 tăng lên 32 trang. Từ năm 1980, Tập san xuất bản 6 số/năm.
1.3. Giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2003
Trước đòi hỏi của công tác tuyên truyền pháp luật, trao đổi, nghiên cứu khoa học xét xử trong tình hình mới, đặc biệt trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhiệm vụ của TAND được mở rộng, bắt đầu từ số 01 năm 1990 (đã được Bộ Văn hóa-Thông tin-Thể thao và Du lịch cấp giấy phép) cho đến nay, với tên gọi chính thức là “Tạp chí Tòa án nhân dân”, các ấn phẩm Tạp chí TAND đã được phát hành rộng rãi trên cả nước. Về kỳ xuất bản và số trang in của một số chưa ổn định: từ năm 1990, Tạp chí xuất bản 12 số/năm; từ sau 1990 đến năm 2001, Tạp chí chỉ có 28 trang in/1 số và từ số 01/2002 đến hết năm 2003, Tạp chí duy trì số lượng trang in của 1 cuốn là 32 trang.
Năm 1990, Tạp chí TAND được nâng lên thành đơn vị cấp Vụ trực thuộc TANDTC và tổ chức theo đúng vị trí, chức năng của một tờ báo ngành, có Tổng biên tập, có tài khoản, con dấu riêng và không còn hoạt động như một đơn vị cấp phòng nữa. Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của mình, về nội dung, tờ Tạp chí TAND đã có sự phân các chuyên mục rõ ràng và khoa học. Nhìn một cách khái quát nhất, giai đoạn này, Tạp chí TAND có những thành tích quan trọng góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển hệ thống TAND. Đánh giá khái quát trong cả chặng đường phát triển, thì năm 1990 thực sự là dấu mốc lịch sử quan trọng cho cả quá trình phát triển mới. Những bước chuyển mình đi lên của Tạp chí cũng bắt đầu chính từ thời điểm lịch sử này.
1.4. Giai đoạn từ năm 2004 đến nay
Trong những năm qua, Tạp chí TAND đã luôn thực hiện nghiêm túc tôn chỉ, mục đích, định hướng tuyên truyền của Đảng và lãnh đạo TAND tối cao. Không chỉ chú trọng về nội dung truyền tải ngày một phong phú, Tạp chí đã quan tâm cải tiến về mặt hình thức. Do đó, hình thức tờ Tạp chí ngày càng đẹp, đầy đủ và hoàn thiện hơn. Hiện nay, Tạp chí TAND bản in hoạt động theo Giấy phép hoạt động báo chí số 219/GP-BTTTT ngày 17/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Tạp chí TAND bản in được Hội đồng giáo sư nhà nước ngành Luật học tính điểm khoa học (0,5 điểm).
Chính thức từ số 01/2004, Tạp chí TAND được tăng kỳ xuất bản lên 02 số/tháng, với số trang tăng lên 48 trang/số. Đặc biệt là, từ số 01/2023, Tạp chí tăng trang từ 48 trang/số lên 64 trang/số.
Bắt đầu từ giai đoạn này, Tạp chí TAND đã có những chuyển biến cơ bản trong sự phát triển, nổi bật nhất là sự đổi mới về nội dung, một số chuyên mục mới được thành lập thời kỳ này (như Bình luận án, Án lệ, Diễn đàn cải cách tư pháp, Xây dựng hệ thống TAND,…
Đội ngũ cộng tác viên được tập hợp đông đảo hơn trước và thành phần cũng mở rộng hơn, bao gồm các Thẩm phán, Thư ký TAND, các chuyên gia pháp lý có học hàm, học vị cao từ các cơ sở đào tạo luật trong cả nước, các Viện nghiên cứu khoa học luật, các luật sư chuyên sâu từng lĩnh vực nhiệt tình cộng tác với Tạp chí TAND.
Để từng bước hội nhập quốc tế, quảng bá “tên tuổi” Tạp chí TAND ra thị trường xuất bản tài liệu tư pháp quốc tế, nhằm nâng tầm vị thế tờ Tạp chí của TAND Việt Nam, năm 2009, Tạp chí TAND đã được tổ chức có thẩm quyền cấp mã số ISSN (International Standard Serial Number) là mã số chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ, được công nhận trên phạm vi toàn thế giới nhằm xác định nhan đề của các xuất bản phẩm nhiều kỳ. Như vậy, Tạp chí TAND đã được quốc tế chính thức thừa nhận và giới thiệu trên quy mô toàn cầu. Đây là một đổi mới quan trọng, đáng ghi nhận trong việc nâng cao vị thế và nội dung của Tạp chí TAND trong giới nghiên cứu, lý luận tư pháp khu vực và thế giới.
Cho đến nay, do áp dụng thành tựu công nghệ số, công tác biên tập, in ấn, phát hành Tạp chí TAND đã được thực hiện một cách chuyên nghiệp và hiện đại hơn. Tạp chí đã xuất bản đều đặn, duy trì ổn định cả số trang và số kỳ xuất bản, ngoài ra còn xuất bản các số đặc biệt (số Tết, chào mừng Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, chào mừng Ngày truyền thống TAND 13/9…) và xuất bản các số chuyên đề và một số cuốn sách chuyên ngành luật. Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của các đối tượng bạn đọc, hệ thống hóa các vấn đề pháp luật mà bạn đọc quan tâm, trong những năm gần đây, Tạp chí TAND còn tổ chức xuất bản các ấn phẩm chuyên đề về một số đề tài pháp lý với loạt bài viết là các công trình nghiên cứu khoa học công phu của các tác giả là những chuyên gia Luật học đầu ngành, các Thẩm phán có kinh nghiệm lâu năm trong công tác xét xử, những tác giả có học hàm, học vị cao. Các ấn phẩm chuyên đề này chứa đựng lượng thông tin, với hàm lượng khoa học pháp lý cao, đa dạng, thực sự hữu ích đối với bạn đọc quan tâm, nghiên cứu. Qua đó, nâng cao chất lượng và uy tín của Tạp chí TAND, thu hút được lượng bài viết khá lớn của các cộng tác viên có học hàm, học vị cao gửi về Tạp chí hàng tháng.
Đặc biệt là, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vào ngày 06/10/2017, Tạp chí TAND điện tử đã chính thức được đưa vào vận hành. Tạp chí TAND điện tử hoạt động theo Giấy phép hoạt động báo chí số 425/GP-BTTTT cấp ngày 07/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành, bắt kịp xu thế báo chí của Tạp chí TAND. Bằng kênh thông tin này, Tạp chí TAND điện tử đã truyền tải, cập nhật đến bạn đọc nhiều bài viết về các vấn đề pháp lý khác nhau, về hệ thống TAND, về quan điểm pháp lý trong giải quyết các tình huống giả định, có ý nghĩa và sức lan tỏa rộng lớn, được nhiều bạn đọc quan tâm và đánh giá cao, số lượng người truy cập ngày một nhiều hơn.
Để góp phần quan trọng và hiệu quả vào việc nâng cao chất lượng Tạp chí TAND, ngày 19/7/2018, Chánh án TANDTC đã ký Quyết định số 1205/QĐ-TCCB thành lập Hội đồng biên tập Tạp chí TAND nhiệm kỳ thứ nhất (2018 - 2023) với thành phần gồm các đồng chí là lãnh đạo và nguyên lãnh đạo TANDTC, Thẩm phán TANDTC và các chuyên gia pháp lý cao cấp, nhằm kịp thời xây dựng kế hoạch, định hướng, chỉ đạo những nội dung cần tuyên truyền hoặc đi sâu nghiên cứu, phân tích trên các số Tạp chí. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, về cơ bản, Hội đồng Biên tập Tạp chí TAND đã hoạt động theo đúng Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng. Với sự quan tâm, giúp đỡ, đồng hành tận tâm và đầy trách nhiệm của các thành viên Hội đồng Biên tập, nên chất lượng các bài viết đăng tải trên Tạp chí TAND ngày càng được nâng cao và Tạp chí TAND tiếp tục được đánh giá là một trong những Tạp chí chuyên ngành về khoa học pháp lý có lịch sử lâu đời nhất hiện nay và luôn được coi là Tạp chí “gối đầu giường”, là “người bạn đồng hành” của rất nhiều chuyên gia, các cán bộ Tòa án, các luật sư, các học giả và cả các sinh viên các trường đại học. Để tiếp tục kiện toàn Hội đồng Biên tập, ngày 23/5/2023, Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định số 172/QĐ-TANDTC, theo đó, Hội đồng Biên tập Tạp chí TAND gồm 16 thành viên, do đồng chí Nguyễn Văn Du - Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng Biên tập đều có học vị tiến sĩ luật học; 7 thành viên có học hàm giáo sư, 5 thành viên là phó giáo sư, bảo đảm hài hòa giữa thành viên làm công tác thực tiễn và thành viên làm công tác giảng dạy, nghiên cứu; bảo đảm hài hòa giữa các chuyên ngành dân sự, hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hình sự.
Bên cạnh đó, Tạp chí đã ban hành và công khai Thể lệ gửi bài đăng trên Tạp chí in và Tạp chí điện tử; Quy trình biên tập, phản biện và duyệt bài của Tạp chí TAND để cộng tác viên, bạn đọc dễ dàng tiếp cận, viết bài theo hướng dẫn. Do đó, cơ cấu bài viết đăng trên Tạp chí ngày càng được hoàn chỉnh hơn so với giai đoạn trước (đã có tóm tắt, từ khóa bằng tiếng Việt và tiếng Anh, bài viết có đầy đủ các phần của một tạp chí khoa học pháp lý).
Hiện nay, Tạp chí TAND đã có đội ngũ cộng tác viên nhiệt tình và đông đảo, luôn đồng hành cùng đơn vị (tiêu biểu qua các thời kỳ có một số tác giả Đặng Quang Phương, Trần Văn Độ, Tưởng Duy Lượng, Nguyễn Như Bích, Nguyễn Sơn, Phạm Quý Tỵ, Trần Ngọc Đường, Phan Hữu Thư, Lê Cảm, Võ Khánh Vinh, Phạm Hồng Hải, Đỗ Văn Chỉnh, Đinh Văn Quế, Khuất Duy Hiệp, Nguyễn Trọng Tỵ, Thái Công Khanh, Nguyễn Quang Lộc, Ngô Cường, Nguyễn Hùng Cường, Vũ Tiến Trí, Chu Minh, Phạm Thanh Bình, Quách Thành Vinh, Mai Bộ, Nguyễn Đức Mai, Phạm Minh Tuyên, Đỗ Đức Hồng Hà, Lê Văn Sua, Nguyễn Hải An, Dương Tuyết Miên, Đỗ Văn Đại, Trịnh Tiến Việt…), đã có nhiều bài viết và đóng góp nhiều ý kiến chân thành, thẳng thắn, góp phần quan trọng trong sự đổi mới và phát triển của Tạp chí TAND.
Có thể khẳng định rằng, Tạp chí TAND còn là nơi rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thử thách bản lĩnh cho các thế hệ cán bộ, lãnh đạo, cung cấp cán bộ nguồn có đạo đức, năng lực cho Đảng và TAND trong nhiều năm qua. Một số cán bộ công tác tại Tạp chí TAND, qua quá trình rèn luyện, phấn đấu đã trưởng thành, đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển Tạp chí TAND nói riêng cũng như hệ thống TAND nói chung. Có thể kể đến như: Tiến sĩ Trịnh Hồng Dương, cố Chánh án TANDTC - Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí TAND. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Tạp chí bước vào một giai đoạn mới, đưa Tạp chí trở thành diễn đàn khoa học pháp lý, khoa học xét xử hàng đầu của hệ thống Tạp chí khối pháp luật, với chất lượng cao; tiếp sau Tổng Biên tập Trịnh Hồng Dương là các Tổng biên tập: Nguyễn Gia Cương, Ngô Cường, Lê Hồng Quang, Lê Phúc Hỷ (phụ trách), Nguyễn Thị Thanh Thủy và nay là Trần Quốc Việt, những người với tâm huyết của mình, kế tiếp nhau đưa Tạp chí phát triển theo đòi hỏi của công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng đất nước trong giai đoạn mới. Đặc biệt là, trong số các đồng chí lãnh đạo qua các thời kỳ của Tạp chí TAND thì đồng chí Lê Hồng Quang là một vị lãnh đạo rất đặc biệt - đồng chí hiện nay là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh An Giang.
Về cơ cấu tổ chức, bộ máy của Tạp chí TAND, hiện nay, theo Quyết định số 918/2015/QĐ-TANDTC ngày 23/6/2015 của Chánh án TANDTC về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của TANDTC, Tạp chí TAND là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, con dấu riêng. Đến nay, cơ cấu tổ chức Tạp chí TAND đã được kiện toàn đầy đủ với các ban chức năng, gồm: Ban Biên tập, Ban Trị sự, Ban Thư ký và Tạp chí TAND điện tử; lãnh đạo gồm Tổng Biên tập và 03 Phó Tổng biên tập; ngoài ra còn có các Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, các nhân viên và người lao động khác.
Với 70 năm xây dựng và trưởng thành, cho đến nay Tạp chí TAND vẫn luôn là diễn đàn nghiên cứu lý luận khoa học pháp lý, trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến hoạt động xét xử, góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho những người làm công tác pháp luật trong và ngoài hệ thống TAND và được giới luật học và xã hội đánh giá là một trong những Tạp chí chuyên ngành luật hàng đầu. Ngoài ra, trong những năm gần đây, Tạp chí TAND còn phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp tích cực triển khai các hoạt động thiện nguyện, thể hiện được trách nhiệm xã hội của Tạp chí.
2. Một số thành tích đã được ghi nhận của Tạp chí Tòa án nhân dân trong chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển
Trong hành trình 70 năm xây dựng và phát triển, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Tạp chí TAND đã có những đóng góp quan trọng vào thành tích chung của hệ thống TAND và sự nghiệp cách mạng của đất nước. Với những nỗ lực, cố gắng không ngừng, liên tục trong nhiều năm liền, Tạp chí TAND đã được công nhận là “Tập thể lao động xuất sắc” và năm 2023 được Chánh án TANDTC tặng “Cờ thi đua TAND”. Ngoài ra, Tạp chí TAND cũng đã nhiều lần nhận được “Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao” do đã có nhiều thành tích trong công tác tuyên truyền và xây dựng hệ thống TAND trong sạch, vững mạnh.
Với những thành tích xuất sắc, nổi bật, tập thể Tạp chí TAND không chỉ được lãnh đạo TANDTC khen thưởng, biểu dương, mà còn được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta ghi nhận, khen thưởng bằng các hình thức khác nhau. Dấu ấn đặc biệt nhất là ngày 30/9/1984, Tập san TAND vinh dự được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Ba”. Trong các năm 2014 và năm 2018, Tạp chí TAND đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng “Bằng khen” vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Với chặng đường lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển, Tạp chí TAND đã từng bước đổi mới và trưởng thành, gặt hái được nhiều thành tích đáng tự hào. Đây là nguồn động lực, cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn thể công chức, viên chức, phóng viên, người lao động Tạp chí TAND tiếp tục nỗ lực, đoàn kết phấn đấu, đóng góp trí tuệ và sức lực trong sự nghiệp xây dựng hệ thống TAND trong sạch, vững mạnh, đưa Tạp chí TAND lên một vị thế, tầm cao mới ngày một bền vững, xứng đáng là một trong những Tạp chí nghiên cứu lý luận pháp lý có uy tín, có chất lượng hàng đầu của đất nước.
3. Một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
Là một đơn vị báo chí trong hệ thống các cơ quan báo chí Việt Nam, nhưng với vai trò là cơ quan thông tin pháp lý và các hoạt động của TANDTC và các Tòa án khác; là diễn đàn khoa học pháp lý, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, lý luận về giải quyết, xét xử các vụ việc, tổ chức, hoạt động của TAND và bình luận án lệ; nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong công tác xây dựng các TAND trong sạch, vững mạnh; xây dựng phong trào thi đua yêu nước trong các TAND… Trong những năm qua, Tạp chí thực sự là diễn đàn khoa học, tham gia đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật; xây dựng thể chế… nên chất lượng công tác tuyên truyền luôn được đẩy mạnh; hiệu quả và chất lượng thông tin cao. Hiệu ứng của công tác tuyên truyền đã lan tỏa đến toàn thể các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong cả nước, góp phần quan trọng trong việc giúp cho mọi người dân trong xã hội có cái nhìn sâu sắc và đầy đủ hơn về những đóng góp quan trọng của TAND đối với công cuộc đổi mới của đất nước nói chung, công cuộc cải cách tư pháp nói riêng.
Thời gian tới, nhiệm vụ cải cách tư pháp của Tòa án sẽ tập trung khẩn trương hơn, cao độ hơn. Vì vậy, Tạp chí TAND cần tiếp tục nỗ lực hết mình để bắt kịp tiến trình chung của toàn hệ thống. Tạp chí cần phát huy nội lực, đẩy mạnh đổi mới công tác tuyên truyền, nghiên cứu, trao đổi. Theo đó, trong thời gian tới, Tạp chí sẽ tập trung để triển khai một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục tập trung nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các nội dung liên quan đến cải cách tư pháp và các hoạt động của hệ thống TAND, trọng tâm là công tác xét xử.
Hai là, tiếp tục phát huy vai trò là diễn đàn trao đổi kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm thực tiễn, tổng kết xét xử, giải đáp nghiệp vụ, giới thiệu các giải pháp hữu ích và các phiên tòa trực tuyến, xậy dựng Tòa án diện tử, phiên tòa rút kinh nghiệm. Thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác, lan tỏa các hoạt động của hệ thống tòa án.
Ba là, đẩy mạnh việc xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên… trách nhiệm, tâm huyết, chuyên nghiệp, nhạy bén, sáng tạo, trung thực để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần tích cực vào kết quả công tác chung của Tòa án nhân dân tối cao.
Kết luận
Gắn liền với quá trình đổi mới và phát triển của hệ thống TAND, 70 năm qua, Tạp chí TAND đã bền bỉ vượt qua nhiều thử thách, khó khăn, từng bước khẳng định vị thế và hiệu quả hoạt động tuyên truyền, nghiên cứu trao đổi pháp luật của mình, góp phần vào thành tích chung của hệ thống TAND và công cuộc đổi mới đất nước mà Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Nhìn lại quá trình 70 năm xây dựng và phát triển của Tạp chí TAND, chúng ta thêm vinh dự, tự hào với những thành tích đã đạt được, quyết tâm khắc phục những mặt còn khiếm khuyết, hạn chế, kịp thời phát huy những mặt mạnh, nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của Tạp chí TAND trong giai đoạn phát triển mới, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của hệ thống TAND trong việc thực hiện sứ mệnh bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ và củng cố Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Tài liệu tham khảo
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
3. Quyết định số 918/2015/QĐ-TANDTC ngày 23/6/2015 của Tòa án nhân dân tối cao về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao.
4. PGS.TS.Nguyễn Hòa Bình, Phát huy truyền thống 65 năm Tạp chí Tòa án nhân dân giữ vững bản sắc, đẩy mạnh hiệu quả công tác nhằm góp phần xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân ngày càng vững mạnh và phát triển, Tạp chí Tòa án nhân dân số 01/2019, năm 2019.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận