Techcombank: Nợ xấu năm 2023 tăng nhanh, ưu tiên cho vay lĩnh vực bất động sản

Dù là đơn vị cho vay lĩnh vực bất động sản lớn nhất ngành ngân hàng, nhưng Techcombank vẫn không ngừng tăng tỉ trọng này. Nợ xấu năm 2023 của Techcombank bằng gấp đôi năm 2022 cũng một phần đến từ nguyên nhân này.

Lợi nhuận sụt giảm sau 10 năm

Năm 2023 là lần đầu tiên Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) sụt giảm lợi nhuận kể từ năm 2013.

Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023 mới công bố của ngân hàng này cho thấy, Techcombank đạt gần 27.700 tỷ đồng thu nhập lãi thuần và hơn 18.000 tỷ đồng lãi sau thuế. Các chỉ tiêu này đều giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Nguyên nhân chính được Techcombank đưa ra là chi phí trả lãi tiền gửi tăng nhanh hơn thu nhập từ cho vay và dự phòng rủi ro cao. Tình trạng này khiến thu nhập chính từ hoạt động tín dụng của Techcombank giảm 9%.

Cụ thể, trong năm 2023, Techcombank cho vay khách hàng đạt hơn 500.000 tỷ đồng, tăng hơn 23%. Trong khi đó, chi phí lãi và các chi phí tương tự tăng đến 100% và đạt hơn 29.000 tỷ đồng. Đồng thời, số dự phòng rủi ro của ngân hàng này đạt hơn 6.100 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, Techcombank đã ghi nhận 1.400 tỷ đồng thu nhập từ các hoạt động khác trong năm 2023, cao gần 4 lần so với năm 2022. Các khoản thu nhập này đến từ kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư và khoản lãi thu được từ việc thanh lý trụ sở cũ tại Hà Nội vào quý I/2023. Tuy nhiên, khoản thu nhập này cũng không giúp Techcombank chặn được đà giảm lợi nhuận trong năm qua.

Ưu tiên cho vay bất động sản, nợ xấu tăng nhanh

Techcombank luôn là ngân hàng dành sự ưu ái lớn cho các doanh nghiệp bất động sản (BĐS). Trong tổng nguồn vốn huy động được từ người dân, Techcombank đem phần lớn đi cho các doanh nghiệp BĐS vay.

Trong năm 2023, Techcombank dành ra gần 177.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp BĐS vay, con số này chiếm hơn 35% tổng dư nợ, cao nhất trong các khoản cho vay. Đang chú ý, dư nợ cho vay BĐS tăng nhanh liên tục. So với năm 2022, Techcombank đã tăng thêm khoảng 68.000 tỷ đồng để cho nhóm BĐS vay.

Số tiền mà Techcombank dùng cho vay BĐS lớn hơn vốn điều lệ của 4 ngân hàng nhà nước.  Theo đó, nó lớn hơn 3 lần vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank – gần 54.000 tỷ đồng), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – hơn 57.000 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – gần 56.000 tỷ đồng). Và lớn hơn 5 lần vốn điều lệ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank – hơn 34.000 tỷ đồng).

Gần nhất, tính trong quý III/2023, Techcombank cũng là đơn vị cho vay BĐS nhiều nhất. Cụ thể, Techcombank đã cho nhóm BĐS vay hơn 160.000 tỷ đồng tính đến cuối quý 3/2023, chiếm gần 35% tổng dư nợ. So với các ngân hàng cho vay BĐS cao theo sau, mới thấy con số này là rất lớn.

Chẳng hạn, đến cuối quý 3/2023, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) dành ra gần 80.000 tỷ đồng để cho nhóm BĐS vay, nhưng cũng chiếm chưa tới 18% tổng dư nợ. Còn Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), dù tăng cho vay BĐS với gần 68.000 tỷ đồng, nhưng cũng chiếm khoảng 16% tổng dư nợ. Gộp cả nỗ lực của hai ngân hàng có tên tuổi này cũng chưa bằng sự ưu ái mà Techcombank dành cho nhóm BĐS.

Cho vay BĐS được xem là thu được lãi cao và nhiều, vì cho vay số lượng lớn. Tuy nhiên, mặt trái là tiềm ẩn rủi ro cao. Hai năm qua, ngành BĐS gần như đóng băng, các doanh nghiệp lớn lao đao vì không bán được hàng và cũng không có tiền trả nợ (ngân hàng và trái phiếu của người dân). Dù vậy, ngay trong năm 2023, Techcombank vẫn đặt cược vào mảng BĐS khi tăng số lượng cho vay, là điều khá khó hiểu.

Trong định hướng phát triển của Đảng (Nghị quyết  số 29-NQ/TW), đến năm 2030, Việt Nam cơ bản là nước công nghiệp và thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á vào năm 20245. Trong khi một số ngân hàng ủng hộ Chính phủ và đi theo định hướng này, thì Techcombank làm ngược lại. Chẳng hạn, dù SHB cho vay BĐS chiếm 16% tổng dư nợ, nhưng cho vay lĩnh vực công nghiệp (Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy..) chiếm gần 30%. Đối với Techcombank, cho vay BĐS là ưu tiên hàng đầu với hơn 35% tổng dư nợ. Trong khi đó, cho vay các lĩnh vực công nghiệp năm 2023 chỉ chiếm khoảng 20% tổng dư nợ.

Có lẽ vì quá ưu ái cho các doanh nghiệp BĐS mà Techcombank phải gánh chịu rủi ro không nhỏ. Đó là nợ xấu trong năm 2023 tăng gấp đôi. Cụ thể, số nợ xấu năm 2023 đạt xấp xỉ 6.000 tỷ đồng, bằng gấp đôi so với năm 2022. Tỉ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ đang ở mức 1,16%, tăng nhanh so với tỉ lệ nợ xấu của năm 2022 là 0,71%.

HOÀNG YẾN