Thạch Quốc Cường không phạm tội với tình tiết “có tính chất chuyên nghiệp”
Sau khi nghiên cứu bài viết “Chỉ cho người khác trộm cắp tài sản có phạm tội không?” của tác giả Võ Văn Như, tôi đồng tình với quan điểm tác giả là Thạch Quốc Cường đồng phạm về tội “Trộm cắp tài sản” nhưng không thuộc trường hợp phạm tội với tình tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp”.
Thứ nhất, Cường đã có lần cùng Tài lén lút chiếm đoạt tài sản, nên đối với lần Cường chỉ cho Tài chiếm đoạt tài sản ngay chính căn nhà mà Cường vừa lén lút chiếm đoạt tài sản xong, Tài quyết định đi thực hiện hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản, thể hiện tiếp nhận ý chí bằng hành động; Cường phải chịu trách nhiệm hình sự vai trò đồng phạm với hành vi của Tài là người thực hành.
Thứ hai, theo quy định tại điểm b tiểu mục 5.1 Nghị quyết số: 01/2006/HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC: ‘‘Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính’’. Như vậy, trong khoảng thời gian từ tháng 4 năm 2020 đến tháng 6 năm 2020 xác định số tiền mà Cường bán được tài sản chiếm đoạt thu về số tiền không lớn so với giá trị chiếm đoạt[1], chỉ trên 7.000.000 đồng so với giá trị trên 40.000.000 đồng, với số tiền này thì Cường không thể làm nguồn sống chính được; dù không có nghề nghiệp hàng ngày nhưng Cường sống bằng nguồn tiền gia đình. Hơn nữa, đối với lần thứ tư, Cường không lấy việc phạm tội làm nghề sinh sống, không hưởng lợi gì về việc Tài chiếm đoạt tài sản, nghĩa là không lấy được kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Mặc dù, đối chiếu với ví dụ tại tiểu mục 5.2 Nghị quyết số: 01/2006/HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC: Ví dụ: B đã bị kết án về tội “trộm cắp tài sản”, nhưng chưa chấp hành hình phạt hoặc sau khi chấp hành xong hình phạt, trong một thời gian, B lại liên tiếp thực hiện bốn vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở lên). Trong trường hợp này, B phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng ba tình tiết tăng nặng là “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”. Thoạt nhìn, Thạch Quốc Cường có dấu hiệu thỏa mãn theo ví dụ này, tuy nhiên theo tôi cần phải thỏa mãn điều kiện tại điểm b tiểu mục 5.1 Nghị quyết này, mà hành vi khách quan của Cường chưa thỏa yếu tố lấy các lần phạm tội làm nguồn sống chính. Nên Cường chỉ phạm tội “Trộm cắp tài sản” mà không thuộc tình tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 173 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trên đây là quan điểm của tôi nêu lên để trao đổi cùng đồng nghiệp.
Tòa án thị xã Bình Long, Bình Phước xét xử vụ trộm cắp tài sản - Ảnh: Mỹ Nương
[1]Tác giả Võ Văn Như cung cấp: Lần thứ nhất: Vào ngày 11 tháng 4 năm 2020, Cường và Tài bán cho ông Ngô Trung Tấn tổng số sắt khoảng 20 cây, với giá mỗi cây sắt từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng, được tổng số tiền là 1.800.000 đồng. Lần thứ hai: Vào tháng 5 năm 2020, Cường bán được49 thùng bia, nước ngọt các loại đem đi bán cho bà Hồ Ngọc Hương với giá mỗi thùng 100.000 đồng, tổng giá trị bán được là 4.900.000 đồng. Lần thứ ba:Vào ngày 23tháng 6 năm 2020, Sau khi lấy được tài sản Cường bán cho bà Mai Thị Lệ 03 cái ghế tựa lưng bằng gỗ mỗi cái giá 100.000 đồng; Bán cho bà Nguyễn Thị Hiệp 02 cái ghế tựa lưng bằng gỗ mỗi cái giá 100.000 đồng; Bán cho ông Huỳnh Văn Thắng 01 cái ghế tựa lưng có khung bằng sắt với giá 80.000 đồng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận