Thẩm quyền của Tòa án huyện nhưng Tòa án tỉnh nên lấy lên để giải quyết
Ngày 13/8/2020, Tạp chí TAND điện tử có đăng bài Thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh hay cấp huyện? Qua theo dõi, nghiên cứu và dựa vào nội dung các bài viết trên, tác giả có một số ý kiến trao đổi như sau
Về thẩm quyền giải quyết vụ án
Trải qua 2 lần xét xử sơ thẩm và 3 lần xét xử phúc thẩm, đều xác định vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND huyện Nhơn Trạch. Sau khi bản án phúc thẩm lần 3 hủy án sơ thẩm, quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm, nguyên đơn bà Lê Thị Mỹ có đơn kiện bổ sung ngày 20/3/2019 yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Đồng Nai cấp cho vợ chồng ông Phong. Đây chính là tình tiết mới phát sinh trong quá trình giải quyết sơ thẩm lần 3. Vấn đề pháp lý đặt ra là “yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” trong trường hợp này có phải là căn cứ để chuyển thẩm quyền hay không?
Quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh nội dung này là Điều 34 BLTTDS 2015, tại khoản 1 khẳng định: “Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết”. Nội hàm điều luật hướng tới là trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án xét thấy quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền là trái pháp luật và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án đang giải quyết, thì Tòa án có quyền hủy mà không phụ thuộc vào việc đương sự có yêu cầu hủy hay không? Đây cũng chính là điểm mới căn bản giữa Điều 34 BLTTDS 2015 so với Điều 32a BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011).
Qua đây, có thể khẳng định nội dung thứ nhất đó là yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của đương sự không phải là căn cứ để chuyển thẩm quyền. Nội dung này hoàn toàn phù hợp và thuyết phục để tránh trường hợp trong thực tiễn tình trạng chuyển thẩm quyền khi đương sự có yêu cầu hủy quyết định cá biệt, gây áp lực lớn trong giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án cấp tỉnh. Khẳng định thêm cho nội dung trên đó là tại Công văn số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 hướng dẫn: “Khi giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức thì Tòa án phải xem xét, đánh giá về tính hợp pháp của quyết định cá biệt đó.
Trường hợp quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và phải hủy quyết định đó mới bảo đảm giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự mà việc hủy quyết định đó không làm thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự thì Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự tiếp tục giải quyết và xem xét hủy quyết định đó.
Trường hợp việc xem xét hủy quyết định đó dẫn đến thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì Tòa án nhân dân cấp huyện đang thụ lý giải quyết vụ việc dân sự phải chuyển vụ việc cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết và xem xét hủy quyết định đó”.
Trở lại nội dung vụ án, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là buộc bị đơn ông Nguyễn Xuân Phong và bà Trần Thị Lan bồi thường cho nguyên đơn giá trị quyền sử dụng 02 ha đất, tính thành tiền là 900.000.000đ. Trong trường hợp này, giả sử Tòa án có chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn bồi thường giá trị quyền sử dụng đất 02 ha đất, tính thành tiền, thì khi đó cũng không cần thiết phải hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bởi quyền và lợi ích của bà Mỹ vẫn được đảm bảo.
Từ phân tích trên, theo quy định của pháp luật, thì trường hợp này thẩm quyền giải quyết vụ án thuộc về TAND huyện Nhơn Trạch. Tuy nhiên, có thể thấy đây là vụ án phức tạp, đã kéo dài hơn 20 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống ổn định, phát triển kinh tế của những chủ thể có liên quan. Thiết nghĩ, trong trường hợp này mặc dù thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện, nhưng TAND tỉnh Đồng Nai nên căn cứ theo khoản 2 Điều 37 BLTTDS để tự mình lấy lên giải quyết nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án được kịp thời, nhanh chóng.
Về quá trình giải quyết vụ án
Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là buộc bị đơn ông Nguyễn Xuân Phong và bà Trần Thị Lan bồi thường cho nguyên đơn giá trị quyền sử dụng 2 ha đất, tính thành tiền là 900.000.000đ. Như vậy, để giải quyết vụ án, cần thu thập xem xét tài liệu, chứng cứ chủ chốt là việc mối quan hệ giữa bà Mỹ với ông Quang trong việc ông Quang chuyển nhượng thửa đất cho vợ chồng ông Phong và bà Lan? Qua nghiên cứu nội dung 2 bài viết đã được đăng, tác giả đặc biệt chú ý đến tình tiết đó là: Văn bản thỏa thuận ngày 19/5/1992 giữa ông Quang và bà Mỹ thỏa thuận với nhau về việc ông Quang bồi thường cho bà Mỹ 5,5 chỉ vàng 24K (đến ngày 02/7/1993 do ông Quang chậm trả nợ nên lại thỏa thuận nâng mức bồi thường lên là 18 chỉ vàng 24K). Vậy vấn đề đặt ra vì sao có văn bản thỏa thuận này, và việc thỏa thuận này có ý nghĩa gì?
Văn bản này có ý nghĩa khẳng định bà Mỹ không có liên quan gì với ông Phong và bà Lan, không liên quan đến thửa đất 2 ha, ngoài ra văn bản này là tài liệu quan trọng khẳng định giá trị pháp lý của việc chuyển nhượng giữa ông Quang với ông Phong và bà Lan. Tuy nhiên, mâu thuẫn phát sinh khi ông Quang bội ước không thực hiện việc bồi thường cho bà Mỹ, dẫn đến việc không đòi được ông Quang nên bà Mỹ chuyển sang đòi ông Phong và bà Lan.
Từ những tài liệu, nội dung có được, tác giả đồng tình với phán quyết của TAND huyện Nhơn Trạch ở lần xét xử sơ thẩm thứ hai khi không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Mỹ, bởi quyền và lợi ích hợp pháp của bà Mỹ bị xâm phạm là do ông Quang chứ không liên quan đến vợ chồng ông Phong và bà Lan, trường hợp này bà Mỹ cần khởi kiện yêu cầu ông Quang thực hiện nghĩa vụ bồi thường mới chính xác. Phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm ở lần xử thứ hai này, theo tác giả là hợp lý, hợp tình, phù hợp với sự thật khách quan của vụ án.
Ngoài ra, tác giả xin trao đổi thêm về quyết định tại bản án phúc thẩm lần 3 số 186/2018/DSPT ngày 09/11/2018 của TAND tỉnh Đồng Nai khi hủy bản án sơ thẩm do đưa thiếu người tham gia tố tụng là Ngân hàng TMCP Á Châu liệu có phù hợp và cần thiết hay không? Theo quan điểm của tác giả thì việc hủy án do vi phạm tố tụng khi đưa thiếu người tham gia tố tụng trong vụ án này là không cần thiết, gây kéo dài vụ án bởi các lý do sau:
Thứ nhất: Quyết định giám đốc thẩm chỉ hủy bản án phúc thẩm lần 02 mà không hủy bản án sơ thẩm. Có thể hiểu đây là hủy về nội dung chứ không đề cập vi phạm thủ tục tố tụng.
Thứ hai: Yêu cầu khởi kiện ở đây là nguyên đơn bà Mỹ yêu cầu bị đơn ông Phong, bà Lan bồi thường giá trị 02ha đất mà ông Quang chuyển nhượng cho ông Phong, bà Lan. Tòa án giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện của nguyên đơn theo đó kết quả có thể là chấp nhận yêu cầu khởi kiện buộc ông Phong, bà Lan bồi thường giá trị 02 ha đất trị giá bằng tiền, hoặc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện. Như vậy, kết quả của bản án không làm thay đổi về quyền sử dụng của ông Phong và bà Lan, do đó không ảnh hưởng đến hợp đồng thế chấp với ngân hàng TMCP Á Châu. Việc Tòa án tỉnh Đồng Nai hủy bản án sơ thẩm với lý do đưa thiếu người tham gia tố tụng là thiếu thuyết phục.
Trên đây là quan điểm của tác giả về 02 nội dung là xác định thẩm quyền, và việc giải quyết về nội dung. Do tài liệu và thông tin tiếp cận có hạn, nên tác giả rất mong nhận được sự bổ sung thông tin, tài liệu và ý kiến trao đổi của quý bạn đọc.
TAND Tp Bến Tre ( Bến Tre) xét xử vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” – Ảnh: Đình Đạt
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận