Thẩm quyền ra quyết định tạm giam đối với phiên tòa rút gọn không có vướng mắc
Qua nghiên cứu bài viết của tác giả Nguyễn Văn Anh đăng trên Tạp chí điện tử ngày 23/9/2020, tôi nhận thấy thẩm quyền ra quyết định tạm giam đối với phiên tòa rút gọn không có gì vướng mắc, vướng mắc do cách hiểu của chúng ta chưa đúng.
Trước hết, tôi không đồng tình với quan điểm thứ nhất : Thẩm phán chủ tọa phiên tòa theo thủ tục rút gọn có thẩm quyền ra quyết định tạm giam bị cáo sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm. Tôi nhất trí cao quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả: Chánh án có thẩm quyền ra quyết định tạm giam bị cáo sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm. Bởi lẽ:
Thứ nhất, Quy định về thẩm quyền của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tại điểm a khoản 2 Điều 45 BLTTHS đã quy định rõ “Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ biện pháp tạm giam”. Nhà làm luật đã quy định cụ thể thẩm quyền Thẩm phán chủ tọa phiên tòa áp dụng biện pháp ngăn chặn, tránh việc áp dụng biện pháp tạm giam tùy tiện của cá nhân có thẩm quyền sẽ xâm hại quyền con người bị can, bị cáo. Khoản 1 Điều 463 và khoản 1 Điều 465 BLTTHS quy định rõ phiên tòa xét xử sơ thẩm, phúc thẩm theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành. Điều luật quy định rõ phiên tòa do một Thẩm phán tiến hành, đó là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm; đương nhiên hiểu rằng Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đó không là Hội đồng xét xử (Hội đồng là tập thể).
Thứ hai: Khoản 1 Điều 459 BLTTHS nêu rõ thẩm quyền thủ tục tạm giữ, tạm giam theo thủ tục rút gọn được thực biện theo quy định của BLTTHS. Thẩm quyền ra quyết định tạm giam quy định tại Điều 113 BLTTHS chỉ có Chánh án, Phó Chánh án, Hội đồng xét xử. Như vậy, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không có thẩm quyền ra quyết định tạm giam.
Mặt khác, tại Điều 278 BLTTHS thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế trừ biện pháp tạm giam thuộc thẩm quyền Chánh án, Phó Chánh án. Nhà làm luật quy định rất rõ thẩm quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam thuộc Chánh án, Phó Chánh án.
Thứ ba: Khoản 1 Điều 329 BLTTHS quy định trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà bị xử phạt nhưng xét thấy cần tiếp tục tạm giam để đảm bảo thi hành án thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo. Ở đây quy định rõ thẩm quyền ra quyết định là Hội đồng xét xử, Hội đồng ở đây hiểu là một tập thể, tập thể trong tố tụng có thể là 3 người hoặc 5 người. Trong phiên tòa rút gọn chỉ có 01 Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nên không thể xem Thẩm phán chủ tọa phiên tòa rút gọn là Hội đồng xét xử được. Như vậy, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa rút gọn không có thẩm quyền ra quyết định tạm giam theo Điều 329 BLTTHS.
Như vậy, tại Điều 459 BLTTHS có thể hiểu thẩm quyền ra quyết định tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thuộc về Chánh án, Phó Chánh án; trong quá trình xét xử thuộc về Hội đồng xét xử (tập thể). Trong trường hợp vụ án áp dụng thủ tục rút gọn (chỉ có 01 Thẩm phán) thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không được quyền ra lệnh tạm giam, khi xét xử xong vụ án thấy cần thiết tạm giam bị cáo 45 ngày để đảm bảo thi hành án thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đề xuất Chánh án ra quyết định tạm gian.
Do đó, kiến nghị tác giả đưa ra là không cần thiết. Khoản 1 Điều 329 BLTTHS nhà làm luật đã lường trước trường hợp tiếp tục tạm giam bị cáo sau khi phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm, việc tước quyền tự do, quyền con người bị cáo trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, xét xử do người đứng đầu cơ quan Tòa án (Chánh án, Phó Chánh án) hoặc do Hội đồng xét xử (tập thể quyết định); Phiên tòa theo thủ tục rút gọn là trường hợp đặc biệt, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ một người không được xem là Hội đồng xét xử được, thẩm quyền Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã được quy định cụ thể trong luật.
Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi đối với bài viết “Thẩm quyền ra quyêt định tạm giam đối với phiên tòa rút gọn, vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện” xin được trao đổi với tác giả và quý bạn đọc./.
TAND huyện Cao Lộc, Lạng Sơn mở phiên tòa theo thủ tục rút gọn – Ảnh: Nguyễn Thành Luân /VKSND huyện Cao Lộc
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận