Thẩm quyền xác định cha, mẹ, con
Hai tình huống thực tiễn có tình tiết cơ bản tương tự nhau, con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp của mẹ với cha (cha pháp lý). Nhưng sau đó, đều có người khác (cha thực tế) yêu cầu xác định lại là con của cha thực tế. Giải quyết thế nào cho đúng quy định của pháp luật?
Hai tình huống thực tiễn có tình tiết cơ bản tương tự nhau, con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp của mẹ với cha (cha pháp lý). Nhưng sau đó, đều có người khác (cha thực tế) yêu cầu xác định lại là con của cha thực tế. Trong cả hai tình huống tất cả các bên liên quan đều thống nhất/thừa nhận xác định người cha thực tế chính là cha của đứa trẻ.
Tuy nhiên, Tòa án đã xác định bằng hai vụ, việc khác nhau theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS). Cụ thể, có Tòa án xác định đây là tranh chấp (khoản 4 Điều 28 BLTTDS) và thụ lý giải quyết theo trình tự “vụ án”. Ngược lại, Tòa án khác thì xác định đây đơn thuần chỉ là yêu cầu không có tranh chấp (khoản 10 Điều 29 BLTTDS) nên đã thụ lý và giải quyết theo trình tự “việc”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nếu xác định cha, mẹ, con mà đều có sự thống nhất, thỏa thuận của các bên thì phải thuộc thẩm quyền của cơ quan đăng ký hộ tịch.
1.Tình huống thực tiễn
1.1. Tình huống thứ nhất[1]
Nguyên đơn – Anh K khởi kiện bị đơn – chị H (mẹ đẻ cháu A) đề nghị Tòa án xác định cháu A (đã có giấy khai sinh[2] có bố là anh Văn H – chồng của chị H) là con đẻ của nguyên đơn. Do trong quá trình hôn nhân hợp pháp, chị H và chồng là anh Văn H có thời gian ly thân, và bị đơn – chị H đã có quan hệ yêu đương với nguyên đơn – anh K và đã sinh ra cháu A, khi vẫn trong thời kỳ hôn nhân với anh H.
Tòa án trong trường hợp này đã xác định đây là loại tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền của Tòa án căn cứ theo khoản 4 Điều 28 BLTTDS “Tranh chấp xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ” và đã thụ lý giải quyết theo trình thủ tục giải quyết vụ án dân sự. Biết rằng, trong quá trình giải quyết, qua lời khai cho thấy các bên gồm hai người cha (cha pháp lý và cha thực tế) và mẹ đẻ của cháu A đều không ai tranh chấp hay không thừa nhận việc cháu A là con của anh K (cha thực tế) và cũng đã có kết luận giám định ADN về vấn đề này.
1.2. Tình huống thứ hai[3]
Người yêu cầu – Anh C có đơn yêu cầu xác định cháu H (đã có giấy khai sinh[4] có bố là anh Đ) là con đẻ của anh C với chị T (mẹ đẻ cháu H) đồng thời đề nghị Tòa án chấm dứt các quyền và nghĩa vụ giữa anh Đ và cháu H theo quy định pháp luật. Biết rằng, trước khi chị T kết hôn với anh Đ thì anh C và chị T đã sống chung như vợ chồng và đã mang thai cháu H nhưng hai người sau đó đã chia tay. Ngay sau đó, chị C đã kết hôn hợp pháp với anh Đ và chị C đã sinh ra cháu H. Do không hạnh phúc nên chị T và anh Đ đã ly hôn. Sau ly hôn, chị T và anh C quay lại kết hôn. Dựa trên kết quả giám định ADN giữa anh C và cháu H nên anh C đã quyết định làm đơn yêu cầu xác định cháu H là con đẻ của mình.
Tòa án trong trường hợp này đã xác định đây là loại yêu cầu về hôn nhân và gia đình căn cứ tại khoản 10 Điều 29 BLTTDS “Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình”. Biết rằng, trong quá trình giải quyết việc dân sự này cả anh Đ và chị T đều nhất trí với yêu cầu xác định cha cho con của anh C, ngoài ra các bên không có yêu cầu nào khác.
1.3. Nhận xét
Nhìn chung, các tình tiết cơ bản của hai tình huống thực tiễn trên đều tương tự nhau – trong đó, điểm mấu chốt của việc xác định cha cho con đều là xác định cha thực tế trên cơ sở đã có cha pháp lý của con trong giấy khai sinh hợp pháp và cả hai trường hợp này đều đã có kết luận giám định ADN xác định con là con của cha thực tế.
Duy chỉ có trong tình huống thứ nhất, yêu cầu xác định cha thực tế (anh K) cho con (cháu A) trong bối cảnh cha pháp lý (anh Văn H) của đứa trẻ và mẹ không ly hôn. Và mặc dù anh Văn H không phản đối việc xác định cháu A là con anh K, nhưng anh Văn H lại không đồng ý việc cải chính thông tin trên giấy khai sinh. Anh mong muốn cùng vợ anh là chị H tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng cháu A. Anh K muốn đi lại, thăm nom con thì phải được sự đồng ý của anh VH.
Đối với tình huống thứ hai, yêu cầu xác định cha cho con khi mà cha pháp lý và mẹ đã ly hôn trước đó, cha thực tế sau đó mới yêu cầu xác định con cho mình, trong tình huống này các bên hoàn toàn không có tranh chấp hay ý kiến nào khác và thống nhất xác định cha thực tế cho con.
Từ đây đã có quan điểm khác nhau trong thực tiễn về xác định thẩm quyền vụ hay việc của Tòa án khi thụ lý yêu cầu xác định cha, mẹ, con; và khi nào là thẩm quyền của cơ quan đăng ký hộ tịch.
2.Quy định của pháp luật
2.1. Pháp luật về hôn nhân và gia đình
Tại Chương 5 về “Quan hệ giữa cha mẹ và con”, tại mục 2 “Xác định cha, mẹ, con” của Luật Hôn nhân và gia đình (LHNGĐ), bao gồm 15 điều (từ Điều 88 cho đến Điều 102) đã quy định về: (i) căn cứ xác định cha, mẹ, con trong một số trường hợp cụ thể; (ii) những người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con; và (iii) đặc biệt quy định về phân định thẩm quyền xác định cha, mẹ, con giữa Tòa án với cơ quan đăng ký hộ tịch.
Theo đó, tại Điều 101 LHNGĐ quy định:
“Điều 101. Thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con
1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.
2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.
Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”
Như vậy, với khoản 1 Điều 101 LHN&GĐ đã khẳng định cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con mà không có tranh chấp. Và Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu xác định cha, mẹ, con trong 03 trường hợp: (i) có tranh chấp; (ii) người được yêu cầu xác định cha, mẹ, con đã chết; (iii) người có yêu cầu xác định cha, mẹ, con chết[5].
Vấn đề mấu chốt hiện nay là vẫn còn chưa thống nhất khi xác định thế nào “là có tranh chấp”, tranh chấp về vấn đề gì, các bên trong quan hệ tranh chấp này là ai (chỉ giữa những người là cha, mẹ, con hay bất kỳ ai có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến việc xác định cha, mẹ, con – ví dụ như những người thừa kế…).
Ví dụ, đối với tình huống thứ nhất, việc người cha pháp lý – anh Văn H không đồng ý việc yêu cầu cải chính giấy tờ hộ tịch cho cháu A có phải là tranh chấp trong việc xác định cha, mẹ, con hay không? Chúng tôi cho rằng, tranh chấp phải có liên quan trực tiếp đến việc xác định ai là cha, mẹ, con chưa có sự thống nhất của những người có quan hệ trực tiếp bao gồm cha, mẹ, con. Do đó, ý kiến phản đối của anh Văn H không phải là trường hợp có tranh chấp về xác định cha, mẹ, con. Và chúng tôi đồng ý với nhận định của Tòa án rằng “Anh Phạm Trung K và chị Đào Thị H có trách nhiệm liên hệ với cơ quan đăng ký hộ tịch làm thủ tục cải chính lại tên người cha trong Giấy khai sinh cho cháu Trần Đào Ngọc A theo đúng quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, từ đây lại đặt ra vấn đề, nếu xác định cha, mẹ, con trong cả hai tình huống minh họa như đã phân tích đều không có tranh chấp về xác định cha, mẹ, con thì có thuộc thẩm quyền của Tòa án hay không? Nói cách khác, có cơ sở tại khoản 1 Điều 101 LHNGĐ để xác định đây là thẩm quyền của cơ quan đăng ký hộ tịch?
2.2. Pháp luật về hộ tịch
2.1. Luật Hộ tịch (LHT)
“Điều 3. Nội dung đăng ký hộ tịch
1. Xác nhận vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch: … d) Nhận cha, mẹ, con;
2. Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:… b) Xác định cha, mẹ, con”.
2.2. Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch […] của Chính phủ (“Thông tư số 04/2020/TT-BTP”)
“Điều 16. Đăng ký nhận cha, mẹ, con, bổ sung hộ tịch trong một số trường hợp đặc biệt
1. Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Nếu có Giấy chứng sinh và giấy tờ tùy thân của người mẹ thì phần khai về người mẹ được ghi theo Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ. Nếu không có Giấy chứng sinh và giấy tờ tùy thân của người mẹ thì ghi theo thông tin do người cha cung cấp; người cha chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.
2. Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, đã được đăng ký khai sinh nhưng không có thông tin về người cha, nay vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục nhận cha, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con.
3. Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, chưa được đăng ký khai sinh mà khi đăng ký khai sinh, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào Giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, con.
Trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cung cấp thông tin về người mẹ và lập văn bản thừa nhận con chung không đúng sự thật tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.
4. Trường hợp con do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung hoặc người khác muốn nhận con thì do Tòa án nhân dân xác định theo quy định pháp luật.
Trường hợp Tòa án nhân dân từ chối giải quyết thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em chưa xác định được cha hoặc đăng ký nhận cha, con, hồ sơ phải có văn bản từ chối giải quyết của Tòa án và chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Thông tư này”.
2.3. Bộ luật Tố tụng dân sự
Về thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết đối với yêu cầu xác định cha, mẹ, con được BLTTDS quy định như sau:
“Điều 28. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
[…]4. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ”.
“Điều 29. Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
[…]10. Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình”.
3.Một số quan điểm
Qua phân tích quy định tại Điều 3 LHT cho thấy, cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền: (i) xác nhận vào sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch về việc nhận cha, mẹ, con; và (ii) ghi vào sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định cha, mẹ, con.
Vậy có sự tương thích giữa quy định tại LHNGĐ với LHT về việc xác định thẩm quyền giữa Tòa án và cơ quan đăng ký hộ tịch về yêu cầu xác định cha, mẹ, con hay không? Có thể có các ý kiến trái chiều như sau:
3.1.Quan điểm thứ nhất: Có sự chưa nhất quán trong hai văn bản nêu trên
Quy định của LHNGĐ cho rằng, cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con khi các bên không có tranh chấp là không phù hợp, nói cách khác, LHT quy định xác định cha, mẹ, con chỉ được cơ quan đăng ký hộ tịch ghi vào sổ hộ tịch khi và chỉ khi có bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định về vấn đề này. Do vậy, quy định hướng dẫn tại Thông tư số 04/2020/TT-BTP hướng dẫn tại khoản 4 Điều 16 đã khắc phục sự bất cập này khi xác định rõ “con do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung hoặc người khác muốn nhận con thì do Tòa án nhân dân xác định theo quy định pháp luật”.
Áp dụng quan điểm thứ nhất vào tình huống minh họa cho thấy, cả hai tình huống này đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và cơ quan đăng ký hộ tịch không có thẩm quyền vì đây đều là việc xác định cha, mẹ, con và ghi vào sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch. Nói cách khác, đây không phải là nhận cha, mẹ, con để cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác nhận vào sổ hộ tịch sự kiện hộ tịch này.
3.2.Quan điểm thứ hai: Hoàn toàn không có sự mâu thuẫn trong hai văn bản
Bởi lẽ, nếu có kết luận giám định ADN về việc xác định cha, mẹ, con thì đây cũng chính là quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vấn đề này. Do đó, nếu các bên không có sự tranh chấp và đã có kết luận giám định ADN cha, mẹ, con thì khi đó cơ quan đăng ký hộ tịch hoàn toàn có thẩm quyền xác định sự kiện này và ghi vào sổ hộ tịch. Tuy nhiên, nếu theo quan điểm này thì hướng dẫn tại khoản 4 Điều 16 Thông tư số 04/2020/TT-BTP là hoàn toàn không cần thiết và thừa vì nếu đã có kết luận giám định ADN thì cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện việc ghi vào sổ hộ tịch xác định cha, mẹ, con ngay mà không cần thông qua cơ quan Tòa án để giải quyết.
Áp dụng quan điểm thứ hai này vào hai tình huống minh họa thì cả hai tình huống thực tiễn minh họa trong bài đều thuộc thẩm quyền của cơ quan đăng ký hộ tịch chứ không thể là thẩm quyền của Tòa án.
3.3.Nhận xét và quan điểm của người viết
Chúng tôi cơ bản đồng tình với quan điểm thứ nhất nêu tại mục 3.1, tuy nhiên không cho rằng hai văn bản có sự mâu thuẫn mà chỉ là quy định cho rõ thêm, bởi lẽ, quy định của LHNGĐ cũng đã dẫn chiếu đến LHT, do đó, nếu LHT có quy định thì trường hợp này sẽ áp dụng theo LHT. Ngoài ra, chúng tôi có một số bổ sung luận giải thêm như sau.
Thứ nhất. Mấu chốt của vấn đề này là cần phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp có sự khác biệt cơ bản. Cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện công việc hành chính - tư pháp, cấp hộ tịch cho công dân theo tình huống hành chính thông thường, cứ có đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật thì trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan này là phải cấp, nhưng hoàn toàn không có quyền để đưa ra phán quyết xác định một người có phải là cha, mẹ, con hay không. Nói rõ hơn, nếu cung cấp đầy đủ các giấy tờ nhân thân về đăng ký kết hôn, giấy chứng sinh… hoặc người mẹ có giấy chứng nhận độc thân, giấy chứng sinh thì cấp giấy khai sinh cho trẻ, ở mục họ tên cha nếu có đăng ký kết hôn hợp pháp thì cơ quan đăng ký hộ tịch kiểm tra và sau đó ghi đúng họ tên cha đứa trẻ (nếu có), trong trường hợp có giấy chứng nhận độc thân mà chưa xác định được cha thì để trống chỗ ghi tên cha…
Ngược lại, cần phải hiểu rằng, trường hợp xác định cha, mẹ, con do cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện không bao gồm trường hợp một người nhận con của một người khác là con và người đang là cha, mẹ cũng đồng ý. Bởi vì, cơ quan đăng ký hộ tịch không thể tước bỏ quyền đang làm cha, mẹ, con của một người rồi lại xác định một người khác là cha, mẹ, con cho dù tất cả các chủ thể có liên quan đều tự nguyện và không có tranh chấp. Trường hợp này vẫn thuộc thẩm quyền của Tòa án, và thuộc yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ[6].
Thứ hai. Chúng tôi không đồng ý với quan điểm thứ hai khi cho rằng kết luận giám định ADN cũng là quyết định của cơ quan nhà nước. Cần phải hiểu rằng đây là kết luận của cơ quan chuyên môn về một vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn của họ. Tương tự như trường hợp xác định người bị tâm thần là người mất năng lực hành vi dân sự, Tòa án mới là cơ quan duy nhất tuyên bố một người nào đó là mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở có kết luận chuyên môn của cơ quan chuyên môn về việc người đó có đủ năng lực nhận thức… hay không. Tóm lại, quyết định một vấn đề cá nhân mang tính pháp lý (sự kiện pháp lý hay quyền dân sự) của một người chỉ có thể được xác định bởi cơ quan duy nhất đó là Tòa án. Việc xác định này có ý nghĩa quan trọng làm cơ sở cho việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật khác.
Cụ thể, với trường hợp xác định cha, mẹ, con, có thể làm chấm dứt quan hệ cha, mẹ, con của người này với người khác, kéo theo đó chấm dứt nghĩa vụ và quyền cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình…; chấm dứt hoặc/và phát sinh quyền thừa kế… Vì vậy, chỉ có thể là Tòa án mới có thẩm quyền tuyên bố và quyết định vấn đề này.
Thứ ba. Có sự không tương thích nội dung quy định tại LHNGĐ với LHT, tuy nhiên, LHT là văn bản chuyên ngành liên quan đến việc xác định các vấn đề về hộ tịch và cũng là văn bản được ban hành và có hiệu lực sau so với LHNGĐ[7], do đó, việc áp dụng và triển khai theo quy định của LHT là phù hợp nên cần phải quán triệt, thống nhất.
Thứ tư. Nội dung hướng dẫn tại Điều 16 Thông tư số 04/2020/TT-BTP cần phải có sự cân nhắc khi áp dụng dựa trên những nguyên lý gốc về quy định xác định cha, mẹ, con mà chúng tôi đã có phân tích ở trên. Theo đó, hướng dẫn tại khoản 4 Điều 16 về “con do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung hoặc người khác muốn nhận con thì do Tòa án nhân dân xác định theo quy định pháp luật” là phù hợp với LHT. Chúng tôi cho rằng có lẽ do thực tiễn vận dụng chưa thống nhất nên có hướng dẫn này để phân định thẩm quyền của Tòa án với cơ quan đăng ký hộ tịch cho rõ ràng hơn để tránh bấp cập chưa thống nhất.
Tuy nhiên, vấn đề bất cập lại nảy sinh với nội dung hướng dẫn “Trường hợp Tòa án nhân dân từ chối giải quyết thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em chưa xác định được cha hoặc đăng ký nhận cha, con, hồ sơ phải có văn bản từ chối giải quyết của Tòa án và chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Thông tư này”. Bởi lẽ, việc hướng dẫn nước đôi như vậy vô hình trung cho rằng việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp này có thể thuộc thẩm quyền của cả Tòa án và cơ quan đăng ký hộ tịch, và như vậy không phù hợp với những lập luận về nguyên lý phân định thẩm quyền giữa hai cơ quan này như trên chúng tôi đã luận giải.
Thứ năm. Cả hai tình huống minh họa đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án vì đứa trẻ đều đã có khai sinh và khai sinh đều đã có ghi tên cha pháp lý một cách hợp pháp của đứa trẻ trước đó. Sau khi có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì việc sửa đổi hộ tịch là đương nhiên và thuộc thẩm quyền của cơ quan đăng ký hộ tịch.
Vấn đề còn lại, xác định vụ hay việc để thụ lý trong hai tình huống trên cần thiết phải trên cơ sở có sự thống nhất của các bên (cha, mẹ, con) trong việc xác định này (phải có minh chứng để nộp cho Tòa án ngay thời điểm nộp đơn tại Tòa án) và đồng thời phải có kết luận của cơ quan chuyên môn giám định cho kết quả ADN tương ứng với sự thỏa thuận xác định cha, mẹ, con thì khi đó mới có thể có cơ sở cho Tòa án tiến hành thụ lý theo trình tự việc. Còn lại, nếu chưa có sự thống nhất (trong trường hợp do 1 bên yêu cầu và không có tài liệu minh chứng có sự thừa nhận) hoặc có sự thống nhất hoặc kể cả các bên cùng yêu cầu nhưng chưa có kết luận giám định ADN thì không thể xem đây là trường hợp không có tranh chấp để thụ lý theo việc. Nói cách khác, Tòa án thụ lý theo trình tự giải quyết vụ án nếu có các bên không có sự thống nhất về việc xác định cha, mẹ, con dù đã có kết luận giám định ADN của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền; hoặc trường hợp có sự thống nhất xác định cha, mẹ, con nhưng chưa có kết luận giám định ADN.
Ngoài ra, theo quy định của LHNGĐ còn có trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đó chính là người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết hoặc trong trường hợp có yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết thì người thân thích của người này có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con cho người yêu cầu đã chết (Điều 92 LHNGĐ). Tuy nhiên, việc xác định hai trường hợp này là “tranh chấp” hay “yêu cầu” để Tòa án thụ lý vụ hay việc cũng cần phải có sự nghiên cứu và phân tích cho thấu đáo, chúng tôi sẽ đề đề cập đến nội dung này trong một bài viết khác.
4.Kết luận
Qua nghiên cứu và phân tích chúng tôi cho rằng hoàn toàn có đầy đủ cơ sở hiểu và buộc phải hiểu rằng đối với việc khai sinh lần đầu cho con trong đó có ghi nhận tên cha, mẹ ngay hoặc khai sinh khi đã được đăng ký khai sinh nhưng không có thông tin về người cha thì cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền thực hiện trên cơ sở có đầy đủ giấy tờ, minh chứng (kể cả có sự thỏa thuận của các bên liên quan) đã được pháp luật quy định. Đối với trường hợp sửa đổi lại khai sinh về phần cha, mẹ, con hoặc không có sự thừa nhận của các bên trong việc xác định cha, mẹ, con thì cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ sửa đổi những thông tin này khi và chỉ khi đã có bản án hoặc quyết định của Tòa án tuyên về vấn đề này. Như vậy, Tòa án có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con khi có tranh chấp hoặc kể cả khi có thỏa thuận nhưng đứa trẻ đã có khai sinh (có ghi tên bố) hoặc chưa có khai sinh nhưng con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân thì đương nhiên là con hợp pháp của cha pháp lý, nên thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con phải thuộc thẩm quyền duy nhất của Tòa án.
TAND TP Cần Thơ xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn – Ảnh: Như Anh / Báo CAND
[1] Bản án 29/2020/HNGĐ-ST ngày 18/8/2020 V/v tranh chấp xác định con cho cha của Tòa án nhân dân Huyện V, Tỉnh Thái Bình.
Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-292020hngdst-ngay-18082020-ve-tranh-chap-xac-dinh-cha-cho-con-187376 của Tòa án nhân dân Huyện B Tỉnh Hải Dương.
[2] Giấy khai sinh số 114 ngày 25/5/2017, đăng ký tại Ủy ban nhân dân xã Trung An, huyện V, tỉnh Thái Bình thể hiện cháu A có bố là anh văn H và mẹ là chị H.
[3] Quyết định số 01/2018/QĐST- VDS ngày 21/9/2018 V/v yêu cầu xác định con cho cha.
Nguồn: http://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta162104t1cvn/chi-tiet-ban-an.
[4] Giấy khai sinh số 84/2012, quyển số 01/2012 do UBND phường KG, quận TX, thành phố Hà Nội cấp thể hiện cháu H có bố là anh Đ và mẹ là chị T.
[5] “Điều 92. Xác định cha, mẹ, con trong trường hợp người có yêu cầu chết
Trong trường hợp có yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết thì người thân thích của người này có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con cho người yêu cầu đã chết”.
[6] Xem thêm bài viết của PGS.TS. Nguyễn Thị Lan (2018), “Mối liên hệ giữa Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 với BLTTDS 2015 về giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình”, Tạp chí Tòa án online đăng ngày 01/7/2018 Nguồn: https://www.tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/moi-lien-he-giua-luat-hon-nhan-va-gia-dinh-2014-voi-blttds-2015-ve-giai-quyet-cac-vu-viec-hon-nhan-va-gia-dinh.
[7] LHN&GĐ có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, trong khi đó, LHT có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận