Thẩm quyền xét xử vụ án hình sự của Tòa án quân sự đối với pháp nhân thương mại ?

Theo Điều 272 BLTTHS về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự thì pháp nhân thương mại (PNTM) không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự. Trong khi đó hiện có hơn 100 PNTM có vốn của Quân đội hoặc thuộc sự quản lý của Quân đội…

Bộ luật hình sự (BLHS) 2015 và Bộ luật tố tụng hình sự  (BLTTHS) 2015 lần đầu tiên ban hành trách nhiệm hình sự (TNHS), thủ tục tiến hành tố tụng hình sự đối với pháp nhân thương mại (PNTM) đánh dấu bước phát triển trong pháp luật nước ta bám sát kịp thời với sự phát triển của xã hội.

Theo quy định tại Điều 74, 75 Bộ luật dân sự  (BLDS) 2015 thì PNTM được hiểu là tổ chức được thành lập hợp pháp, có cơ cấu thống nhất, có tài sản riêng và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Theo quy định tại các điều 74, 75 BLHS thì PNTM phải chịu TNHS khi đủ 4 yếu tố theo luật định và trong phạm vi về một số tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền.

Theo Điều 444 BLTTHS về thẩm quyền và thủ tục xét xử đối với pháp nhân thì Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự (VAHS) về các tội phạm do pháp nhân thực hiện là Tòa án nơi pháp nhân thực hiện tội phạm. Trường hợp tội phạm được thực hiện nhiều nơi khác nhau thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi pháp nhân đó có trụ sở chính hoặc nơi có pháp nhân đó thực hiện tội phạm. Như vậy, theo quy định thì thẩm quyền xét xử đối với PNTM là thẩm quyền theo lãnh thổ.

Theo Điều 272 BLTTHS thì thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự (TAQS) là các vụ án hình sự có bị cáo là cá nhân theo quy định hoặc có thể là cá nhân khác nhưng xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân… hoặc liên quan đến bí mật quân sự, hay gây thiệt hại tới tài sản, danh dự, uy tín quân đội.

Như vậy, có thể nhận định, PNTM không thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS.

Tuy nhiên, hiện nay, có hơn 100 PNTM có vốn của Quân đội hoặc thuộc sự quản lý của Quân đội, như vậy, vấn đề đặt ra là khi PNTM đủ 4 điều kiện phải chịu TNHS theo quy định của Điều 75 BLHS và phạm tội liên quan đến bí mật quân sự, gây thiệt hại tới tài sản, danh dự, uy tín quân đội lại không thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS thì trên thực tiễn lại không phù hợp. Trên thực tế, việc PNTM chịu sự quản lý của Quân đội phạm tội có liên quan tới bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại tới tài sản của Quân đội là có khả năng, việc phân định thẩm quyền xét xử vụ án hình sự này đối là TAND là chưa hợp lý vì sự việc này có liên quan tới quân đội. Vì vậy cần thiết phải bổ sung phạm vi chịu trách nhiệm hình sự cho PNTM và bổ sung quy định về thẩm quyền xét xử của TAQS để phù hợp với sự phát triển của xã hội và việc áp dụng pháp luật phù hợp với thực tiễn.

Trên đây là một số vướng mắc bất cập về thẩm quyền xét xử vụ án hình sự của TAQS kính mong độc giả đóng góp ý kiến.

 

TAQS Quân khu 2 xét xử vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản – Ảnh: Cơ Thạch/ Kiemsat.vn

 

ĐINH THỊ NGỌC BÍCH (Tòa án quân sự Quân khu 4)