Thẩm tra viên có được lấy lời khai người tham gia tố tụng và làm Thư ký phiên toà không?
Hiện nay, nhiều Tòa án thiếu Thư ký nên phải sử dụng Thẩm tra viên trong việc thực hiện các công việc, nhiệm vụ của Thư ký. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là Thẩm tra viên có được lấy lời khai người tham gia tố tụng trong vụ án dân sự, hành chính và có được làm thư ký phiên toà hay không?!
Quy định của pháp luật
Khoản 4 Điều 92 Luật Tổ chức Toà án nhân dân[1] quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thư ký Tòa án: (a) Làm Thư ký phiên tòa, tiến hành các hoạt động tố tụng theo quy định của luật tố tụng; (b) Thực hiện nhiệm vụ hành chính, tư pháp và nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm tra viên quy định tại khoản 4 Điều 93 Luật Tổ chức Toà án nhân dân quy định: (a) Thẩm tra hồ sơ các vụ việc mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo sự phân công của Chánh án Tòa án; (b) Kết luận việc thẩm tra và báo cáo kết quả thẩm tra với Chánh án Tòa án; (c) Thẩm tra viên về thi hành án giúp Chánh án Tòa án thực hiện các nhiệm vụ về công tác thi hành án thuộc thẩm quyền của Tòa án; (d) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án.
Theo hai điều luật trên đây thì Thư ký được làm thư ký phiên toà, còn Thẩm tra viên thì không có quy định làm thư ký phiên toà.
Điều 40 Luật Tố tụng hành chính quy định, khi được Chánh án Tòa án phân công, Thẩm tra viên có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: (1). Thẩm tra hồ sơ vụ án hành chính mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. (2). Kết luận về việc thẩm tra và báo cáo kết quả thẩm tra, đề xuất phương án giải quyết vụ án hành chính với Chánh án Tòa án. (3). Thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định của Luật này. (4). Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Thư ký Tòa án quy định tại Điều 41 khác với Thẩm tra viên, cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn gồm: (1). Chuẩn bị các công tác nghiệp vụ cần thiết trước khi khai mạc phiên tòa. (2). Phổ biến nội quy phiên tòa.(3). Kiểm tra và báo cáo với Hội đồng xét xử danh sách những người được triệu tập đến phiên tòa. (4) Ghi biên bản phiên tòa, biên bản phiên họp, biên bản lấy lời khai của người tham gia tố tụng. (5) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.
Điều 98 BLTTDS về lấy lời khai của đương sự, quy định thẩm quyền lấy lời khai thuộc về Thẩm phán. Điều luật ghi rõ: Thẩm phán tự mình hoặc Thư ký Tòa án ghi lại lời khai của đương sự vào biên bản.
Điều 50 BLTTDS quy định thẩm tra viên có quyền hại: Thu thập tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này. Hỗ trợ Thẩm phán thực hiện hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này. Có ý kiến cho rằng trên thực tế khi giải quyết vụ án ở giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm thì Thẩm tra viên cũng được tham gia tiến hành lấy lời khai và có quyền tự mình tiến hành lấy lời khai của đương sự trong giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm. Đây cũng là nhiệm vụ của Thẩm tra viên theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 50 BLTTDS 2015. Nhưng Điều 98 BLTTDS 2015 lại không quy định và cũng không quy định những trường hợp nào thì Thẩm tra viên được tiến hành lấy lời khai đương sự theo thủ tục giám đốc thẩm[2].
Theo quy định tại tại khoản 4, 5 Điều 50 BLTTDS thì: Thẩm tra viên thực hiện việc hỗ trợ Thẩm phán trong hoạt động tố tụng theo quy định tại BLDS, thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định tại bộ luật này.
Quan điểm khác nhau
Mặc dù trên thực tế, nhiều Tòa án hiện nay giao cho Thẩm tra viên thực hiện nhiệm vụ Thư ký, nhưng vẫn luôn có hai luồng quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Thẩm tra viên được tham gia lấy lời khai đương sự cùng với Thẩm phán và ký tên với tư cách Thẩm tra viên, khi được Chánh án phân công cùng với Thẩm phán giải quyết vụ án dân sự. Đồng thời Thẩm tra viên theo sự phân công của Chánh án giải quyết vụ án dân sự được ghi biên bản phiên toà với tư cách Thẩm tra viên (vì điều luật có cho thay đổi Thẩm tra viên trước và trong phiên toà- Điều 55 BLTTDS) nên Thẩm tra viên được ghi biên bản phiên tòa, hơn nữa Thẩm tra viên đã từng là Thư ký từ 05 năm trở lên.
Quan điểm này có lẽ chiếm đa số những người được hỏi ý kiến.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Thẩm tra viên không được ghi lời khai người tham gia tố tụng và không được ghi biên bản phiên toà và chỉ thực hiện theo quy định tại Điều 93 Luật Tổ chức Toà án. Những người theo quan điểm này cho rằng quy định tại khoản 4, 5 Điều 50 BLTTDS thì Thẩm tra viên thực hiện việc hỗ trợ Thẩm phán trong hoạt động tố tụng theo quy định tại Bộ luật dân sự, có nghĩa là Thẩm tra viên chỉ là người giúp Thẩm phán ban hành các văn bảm tố tụng, tống đạt các văn bản tố tụng… chứ không được ghi lời khai người tham gia tố tụng như quy định đối với Thư ký.
Rất mong nhận được ý kiến thảo luận của quý độc giả và TANDTC có vă bản hướng dẫn về vướng mắc này.
TAND huyện Kbang, Gia Lai xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Đinh Ngọc Thảo
[1] Nguyễn Hà, Một số điểm mới của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014- http://hocvientoaan.edu.vn/portal/page/portal/hvta/27676686/27677461?p_page_id=27677461&pers_id=28346379&folder_id=&item_id=97629173&p_details=1
[2] Nguyễn Hữu Duyên- Lấy lời khai đương sự trong vụ án dân sự của Tòa án… https://tapchitoaan.vn/lay-loi-khai-duong-su-cua-toa-an-theo-to-tung-dan-su-mot-so-bat-cap-va-kien-nghi
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận