Thành lập trung đội tự vệ để bảo vệ rừng

Trước những diễn biến phức tạp về công tác phòng chống phá rừng, đốt cháy rừng, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp H’ Đrai quyết định thành lập trung đội bảo vệ rừng cùng nhiều lực lượng chức năng tham gia bảo vệ rừng và lâm phần thuộc công ty quản lý.

Những bàn tay giữ rừng kiên định

Trong bối cảnh hiện nay, trước áp lực về nhu cầu sử dụng lâm sản và đất để sản xuất nông nghiệp của người dân nên công tác quản lý, bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nổ lực, vượt khó khăn của tập thể Chi bộ, Ban Lãnh đạo Công ty cùng toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động đã từng bước đưa Công ty hoạt động một cách hiệu quả; diện tích rừng tự nhiên do Công ty quản lý được bảo toàn, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trong khu vực đã được kiểm soát, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xâm hại tài nguyên rừng.

Với diện tích rừng rộng, số lượng nhân viên và cán bộ hết sức hạn chế, công cụ hỗ trợ cho việc xử lý, răn đe các đối tượng cố tình lấn chiếm rừng, phá hoại lại còn nhiều thiếu thốn. Với thực trạng đó, lãnh đạo cơ quan phải gồng mình với những trận tuần tra, kiểm soát lâm phần được giao. Có thể nói rằng, các tiểu khu, lâm phần của công ty nằm sát khu vực biên giới, mọi công việc của người giữ rừng không đơn giản chút nào. Còn ngày nào bám rừng thì ngày đó, trên đôi vai của những người cán bộ, nhân viên thuộc công ty Lâm nghiệp H’ Đrai phải nín thở và lo âu, thấp thỏm.

Năm 2020, vào tháng 4 trong những lần ra quân trấn áp các đối tượng cố tình phá rừng, xâm chiếm diện tích rừng tự nhiên, cán bộ anh Nguyễn Quang Đỗ (cán bộ bảo vệ rừng Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ia H’Drai) đang làm việc tại chốt bảo vệ rừng, thì ông Đinh Văn Tuấn (ngụ huyện Ia Grai, Gia Lai) có gợi ý xin đưa xe ô tô độ chế vào trong suối Ia Blok để chở đồ, với hành vi phá rừng, cán bộ Tuấn đã kiên quyết không chấp nhận một lý do nào để mất cây rừng.

Sự can đảm, kiên cường trong ý thức bảo vệ rừng của cá nhân anh Đỗ, cùng tập thể lãnh đạo công ty đã thành công, khiến các đối tượng có ý định phá rừng phải chùn chân.

Dù sự thù hằn, ích kỷ của các đối tượng lâm tặc manh động chống trả và làm anh Đỗ bị thương nhưng tất cả các cán bộ, nhân viên, cùng lãnh đạo công ty Lâm nghiệp H’ Đrai đã vượt qua tất cả, để rồi những cánh rừng, những tiểu khu được bình yên, vắng lặng. Để có rừng tự nhiên còn sót lại, có lẽ không thể không kể tới những khuôn mặt xanh xao, có cả ngày và đêm đi trên những con đường đầy sông, suối, núi đồi hiểm trở. Họ chẳng còn gì ngoài việc giữ rừng, chỉ nghĩ đến trách nhiệm, bản thân những người nhân viên và cán bộ nơi này phải cố gắng hết mình là phải nằm sâu trong rừng, bám chặt từng thân cây, từng khoảnh, và tiểu khu thuộc lâm phần quản lý.

Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Ia H’Drai tổ chức Hội nghị tuyên truyền bảo vệ rừng tại thôn, bản nhằm mục đích nâng cao ý thức trong việc gìn giữ rừng tự nhiên.

Còn nhiều trăn trở

Đặc điểm lâm phần Công ty quản lý tương đối rộng, nằm ở khu vực giáp ranh với tỉnh Gia Lai có chiều dài hơn 60km (đường sông, hồ) và tiếp giáp với huyện Sa Thầy hơn 45km. Các đối tượng lao động tự do, người dân từ phía Gia Lai thường lợi dụng đường sông, hồ để độ chế các loại phương tiện như thuyền sắt, phà sắt lén lút vào ban đêm, ngày nghỉ đưa người và phương tiện xâm nhập vào rừng trái phép thực hiện hành vi xâm hại tài nguyên rừng nên rất khó kiểm soát. Đây là yếu tố rất phức tạp trong triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, đặc biệt là công tác tuyên truyền, nắm bắt thông tin, tổ chức chốt chặn.

Các dự án chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng cây cao su để lại hệ thống đường mòn vào rừng tương đối nhiều đan xen trong lâm phần rất phức tạp gây nhiều khó khăn cho công tác chốt chặn, kiểm soát lâm phần. Các đối tượng lâm tặc đa phần là người thuộc tỉnh Gia Lai nên rất khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật bảo vệ rừng.

Người dân sinh sống gần rừng đa phần là công nhân của các Công ty cao su, họ ít tiếp cận các thông tin tuyên truyền bảo vệ rừng nên ý thức bảo vệ rừng chưa cao, đồng thời đa phần chưa được bố trí đất sản xuất nên họ cũng lén lút phá rừng lấy đất sản xuất, lấy gỗ làm nhà, một số người tận dụng lúc nông nhàn vào rừng khai thác gỗ bán cho đầu nậu để tăng thêm thu nhập nên rất khó khăn cho công tác kiểm soát, bảo vệ rừng.

Về cơ sở hạ tầng: hiện tại Công ty có 02 lâm trường, 08 trạm và 06 chốt bảo vệ rừng được đóng tại các vị trí có các tuyến đường vào rừng để ngăn chặn, kiểm soát người và các loại phương tiện ra vào trong khu vực. Tuy nhiên, do điều kiện tài chính còn nhiều khó khăn nên đa số các trạm, chốt được làm bằng các vật liệu tạm thời nên sinh hoạt của người lao động còn gặp nhiều khó khăn. Ở một số trạm bảo vệ rừng khi vào mùa khô không có nước để sinh hoạt, về mùa mưa nước suối dâng cao, đường xá bị sạt lở, lầy lội chia cắt không ra vào được khu dân cư để mua sắm lương thực phục vụ sinh hoạt hàng ngày; không có sóng điện thoại để liên lạc kịp thời báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ.

 

Ảnh: Trung đội tự vệ để bảo vệ rừng đã và đang ngày đêm túc trực, bám từng ngọn núi, từng khoảng lô trong lâm phần của công ty TNHH MTV Lâm nghiệp H D’rai.

 

TIẾN NHUỆ