Thanh lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ đến hạn
Th.s NGUYỄN TUẤN HẢI ( Học viện Tư pháp) Ngày 19/6/2014, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua Luật Phá sản 2014, Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, thay thế cho Luật Phá sản 2004 với nhiều qui định khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật cũ. Tuy nhiên thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ đến hạn vẫn còn có vướng mắc, cần tiếp tục nghiên cứu để tìm ra những giải pháp khắc phục.
1.Còn nhiều vướng mắc bất cập
Luật Phá sản 2014 đã bỏ chế định Tổ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản mà thay vào đó Luật đã bổ sung quy định về hoạt động của Quản tài viên và Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Như vậy, Luật Phá sản 2014 đã mở ra một nghề mới đó là nghề quản lý, thanh lý tài sản phá sản của Quản tài viên và Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Trình tự thủ tục phá sản theo Luật Phá sản 2014 cũng đã có sự thay đổi so với Luật Phá sản 2004, theo đó việc tuyên bố phá sản của Tòa án được thực hiện trước thủ tục thanh lý tài sản tức là sau khi Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản thì cơ quan thi hành án dân sự mới ban hành Quyết định thi hành án và Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc thanh lý tài sản.
Các quy định mới của Luật Phá sản 2014 đã khắc phục những bất cập hạn chế về thủ tục giải quyết các vụ việc phá sản của Luật Phá sản 2004, đồng thời tạo hành lang pháp lý để Tòa án giải quyết nhanh việc phá sản của các doanh nghiệp và hợp tác xã lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Mặt khác, việc bổ sung quy định về Quản tài viên và Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản cũng đã khắc phục được những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế phối hợp, tính chất kiêm nhiệm của các thành viên trong Tổ quản lý, thanh lý tài sản, đáp ứng được yêu cầu về tính nhanh chóng, hiệu quả và chuyên nghiệp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý tài sản doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản.
Tuy nhiên, khi thực hiện các quy định của Luật Phá sản 2014 cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Trong phá sản doanh nghiệp thì thanh lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là một thủ tục tư pháp đặc biệt, thủ tục đòi nợ và thanh toán nợ tập thể này có vai trò quan trọng, không chỉ bảo vệ quyền lợi của chủ nợ mà còn bảo đảm quyền lợi của chính doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, người lao động, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Do Luật mới chỉ quy định những nội dung chính nên rất cần những văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật của nước ta đang trong quá trình bắt kịp với những nhu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nên không tránh khỏi những bất cập, mâu thuẫn. Vì vậy, cần phải có những quy định trong các văn bản pháp luật khác đồng bộ với các quy định mới của Luật Phá sản (2014).
Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; trong đó tại Mục 3 Phần II về xây dựng và hoàn thiện pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh có nhận định: “Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng theo hướng tôn trọng thoả thuận của các bên giao kết hợp đồng, không trái với đạo đức xã hội, không xâm phạm trật tự công cộng, phù hợp với tập quán, thông lệ thương mại quốc tế. Đổi mới cơ bản pháp luật về phá sản”.
Ngày 19-2-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013–2020, trên cơ sở tôn trọng, bảo đảm thực hiện bình đẳng quyền và nghĩa vụ của mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức khi tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, phải đổi mới tổng thể cơ chế pháp luật về phá sản và việc ban hành Luật Phá sản 2014 chỉ là sự khởi đầu.
Theo đó, pháp luật về thanh lý tài sản của DN, HTX phá sản cần được tiếp tục hoàn thiện theo các định hướng sau:
Một là, pháp luật về thanh lý tài sản của DN, HTX phá sản phải đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong cấu trúc hợp thành và minh bạch trong nội dung thể hiệ.
Hai là, đảm bảo sự đồng bộ của pháp luật về quản lý, phân chia tài sản phá sản và các bộ phận pháp luật có liên quan: đất đai, tài sản cầm cố thế chấp, đăng ký bảo đảm, tài sản cá nhân …
Ba là, đảm bảo tính chuyên nghiệp của hoạt động quản lý, phân chia tài sản trong thủ tục phá sản
Bốn là, nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phá sản 2014, đặc biệt về các điều khoản chuyển tiếp.
Năm là, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về thanh lý tài sản của doanh nghiệp phá sản ở Việt Nam.
2. Một số kiến nghị nhằm thực thi có hiệu quả thủ tục thanh lý tài sản phá sản theo Luật Phá sản năm 2014
2.1. Quy định cụ thể về giới hạn tài sản phá sản
Tài sản phá sản theo Luật Phá sản (2014) chỉ bị giới hạn về thời gian (khối tài sản phá sản tính đến thời điểm mở thủ tục và những tài sản phát sinh trong quá trình giải quyết phá sản); không bị giới hạn bởi không gian tài sản tồn tại, loại hình tài sản, nguồn hình thành tài sản và các danh mục loại trừ. Tư duy pháp lý này làm cho nhiệm vụ quản lý, phân chia tài sản phá sản của doanh nghiệp phá sản bị thiếu tính chính xác, không công bằng cho các chủ thể tham gia thanh lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Về phạm vi lãnh thổ của tài sản, tuy Điều 64 Luật Phá sản (2014) không quy định rõ về nguyên tắc đối với trường hợp tài sản không nằm trên lãnh thổ Việt Nam nhưng theo quy định tại Điều 117 về Ủy thác tư pháp của TAND Việt Nam đối với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, có thể hiểu là trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản, đối với tài sản không nằm trên lãnh thổ Việt Nam, TAND thực hiện ủy thác tư pháp theo hiệp định tương trợ tư pháp mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
Pháp luật phá sản Việt Nam khi liệt kê các loại tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán tại Điều 64, nên ghi rõ ràng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không giới hạn trong phạm vi lãnh thổ, để các cơ chức năng cũng như những cá nhân có thẩm quyền dễ hiểu, tránh gây suy đoán dẫn đến nhầm lẫn, áp dụng không đúng các quy định của pháp luật.
2.2. Bổ sung các quy định về tài sản được loại trừ khỏi khối tài sản phá sản
Luật Phá sản năm (2014) không đưa danh mục các tài sản thuộc diện loại trừ khỏi khối tài sản phá sản, trong khi đó, nếu xét ở khía cạnh nhân đạo và thông lệ chung của quốc tế thì đối với trường hợp con nợ là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh thì pháp luật cũng phải xác định tài sản miễn trừ khi giải quyết phá sản đối với họ. Theo thông lệ của các nước thì các tài sản, quyền về tài sản được miễn trừ bao gồm: các đồ vật phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày mang tính chất tối thiểu của con nợ và các khoản trợ cấp cho con nợ do không còn khả năng lao động, do bệnh tật, do mất việc làm; tiền lương hưu, các khoản nhận được từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, các khoản cấp dưỡng sau khi ly hôn, tiền bồi thường do sức khoẻ bị tổn hại do hành vi vi phạm pháp luật của người khác gây ra,… những tài sản được quy định miễn trừ khỏi tài sản phá sản là hợp lý và cần thiết. Vì vậy, pháp luật phá sản nước ta nên bổ sung quy định về các loại tài sản miễn trừ khỏi khối tài sản phá sản, không thuộc khối tài sản phá sản để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
2.3 Những định hướng để thực hiện hiệu quả chế định quản tài viên, doanh nghiệp quản lý tài sản
Một trong những nội dung quan trọng, được thay đổi của Luật Phá sản (2014) lần này là việc thay đổi chế định tổ quản lý, thanh lý tài sản thành chế định quản tài viên. Ngoài các quy định của Luật Phá sản, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.
Theo Điều 12 Luật Phá sản (2014), các đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên bao gồm: luật sư; kiểm toán viên; người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 5 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo. Và đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, Nghị định 22/2015/NĐ-CP quy định tương đối đơn giản về thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề quản tài viên. Những loại giấy tờ thiết yếu phải nộp đối với người đề nghị cấp Chứng chỉ này chỉ gồm Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề quản tài viên, Sơ yếu lí lịch, giấy tờ chứng minh là đối tượng được cấp Chứng chỉ và Phiếu lý lịch tư pháp. Nghị định cũng nêu rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc cấp Chứng chỉ cho người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề. Thời gian kể từ khi Luật Phá sản được thông qua cho đến lúc có hiệu lực trên thực tế chỉ hơn sáu tháng. Ở giai đoạn Luật Phá sản mới có hiệu lực, để đảm bảo chế định quản tài viên phát huy tác dụng trên thực tế, các quy định pháp luật về điều kiện và thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên là khá đơn giản. Có thể thấy, pháp luật đã không đề cập tới việc đào tạo nghề quản tài viên mà “đặc cách” trong giai đoạn đầu bằng việc cho người có đủ điều kiện đăng ký để trở thành Quản tài viên.
Trong pháp luật phá sản, trách nhiệm và quyền hạn của Quản tài viên rất quan trọng. Ngoài hiểu biết về pháp luật, quản tài viên còn phải thực hiện những nhiệm vụ yêu cầu trình độ chuyên môn về kế toán, tài chính như định giá tài sản; lập bảng kê toàn bộ tài sản hiện có của doanh nghiệp; quản lý tài sản, tài liệu, sổ kế toán của doanh nghiệp… Có thể thấy, không phải luật sư hay cử nhân luật nào có 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật cũng am hiểu về lĩnh vực kinh tế, tài chính kế toán, quản trị kinh doanh; và ngược lại, rất nhiều kiểm toán viên hay cử nhân kinh tế nhiều năm kinh nghiệm lại có kiến thức rất hạn chế trong lĩnh vực pháp luật.
Từ những phân tích trên, có thể thấy, trong giai đoạn đầu Luật Phá sản mới có hiệu lực, việc trang bị, bồi dưỡng kiến thức cho Quản tài viên là điều hết sức cần thiết để đảm bảo cho sự hoạt động có hiệu quả của chế định này. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phá sản nên bổ sung quy định về việc bồi dưỡng kiến thức bắt buộc đối với quản tài viên, và có mức độ phù hợp với từng đối tượng.
Ngoài ra, vấn đề trách nhiệm của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản cũng cần được làm rõ hơn.
2.4. Vấn đề định giá lại tài sản
Pháp luật phá sản có quy định trường hợp xét thấy việc kiểm kê, xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã không chính xác thì TAND yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tổ chức kiểm kê, xác định lại giá trị một phần hoặc toàn bộ tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã. Giá trị tài sản được xác định, định giá theo giá thị trường tại thời điểm kiểm kê. Thực tế việc xác định giá của tài sản là một việc phức tạp, giá trị của tài sản trên thị trường có thể dao động theo từng ngày, từng thời điểm khác nhau nên việc định giá chính xác tài sản rất khó khăn. Vậy giá trị tài sản được định giá không chính xác là không chính xác đến mức độ nào thì mới cần tổ chức kiểm kê, xác định lại giá trị tài sản. Thiết nghĩ, pháp luật nên ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể quy định rõ giá trị tài sản được phép dao dộng trong khoảng bao nhiêu, tỉ lệ chênh lệch ra sao thì được coi là giá trị chính xác của tài sản và lớn hơn khoảng chênh lệch đó thì bị coi là định giá không chính xác, cần phải kiểm kê, xác định lại giá trị tài sản.
2.5. Về vấn đề thu hồi nợ của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán
Luật Phá sản 2014 chưa có quy định rõ ràng về việc trả nợ cho chủ nợ là doanh nghiệp mắc nợ, điều này gây nên sự chậm trễ trong việc thu hồi tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán đối với những khoản nợ của doanh nghiệp mà khó đòi. Pháp luật cần quy định rõ thời gian trả nợ của con nợ đối với chủ nợ là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và hậu quả pháp lý đối với việc trả nợ. Quá thời hạn quy định, nếu con nợ không trả nợ được thì cần tách ra để giải quyết bằng vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật. Cần có phương án giải quyết thống nhất đối với doanh nghiệp sau khi bán hết tài sản mà vẫn còn một số nợ chưa đòi được, cơ quan thi hành án tiếp tục việc thu hồi nợ theo quy định và sẽ phân chia cho các chủ nợ theo tỷ lệ đã có tại quyết định phân chia tài sản ban đầu.
2.6. Làm rõ thời hạn gửi Bản kiểm kê tài sản
Việc kiểm kê tài sản và xác định giá trị tài sản là một công việc quan trọng trong quá trình thanh lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ đến hạn. Bản kiểm kê tài sản nhằm xác định số lượng, giá trị tài sản của doanh nghiệp mắc nợ. Theo quy định của pháp luật, bản kiểm kê tài sản đã được xác định giá trị phải gửi ngay cho TAND tiến hành thủ tục phá sản. Tuy nhiên, Luật Phá sản (2014) quy định là phải “gửi ngay” mà không quy định rõ thời hạn gửi bản kiểm kê tài sản là trong phạm vi bao ngày. Điều này gây nên sự lúng túng trong lúc áp dụng, vì vậy, cần thiết phải ban hành văn bản hướng dẫn làm rõ quy định của pháp luật về thời hạn gửi bản kiểm kê tài sản. Văn bản hướng dẫn cần phải quy định rõ ràng bản kiểm kê tài sản phải gửi đi trong vòng bao nhiêu ngày kể từ khi bản kiểm kê tài sản hoàn thành.
2.7. Một số giải pháp khác
♦ Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật phá sản
Trước đây, việc thực thi Luật Phá sản gặp nhiều khó khăn một phần là do những chủ thể có liên quan đến phá sản doanh nghiệp chưa nhận thức đúng và đầy đủ về phá sản và trình tự phá sản. Để pháp luật phá sản nói chung và những quy định về thủ tục thanh lý tài sản phá sản thực thi có hiệu quả trong thực tiễn thì vấn đề nhận thức pháp luật của xã hội là hết sức quan trọng. Do đó, tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Phá sản năm 2014, đặc biệt là những quy định pháp luật về thủ tục phá sản là điều hết sức cần thiết. Công việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật phá sản hướng đến những người làm công tác áp dụng pháp luật như các cán bộ trong các ngành Tòa án, Kiểm sát, Thi hành án, các luật sư và đặc biệt là các doanh nghiệp để cho những đối tượng này nắm vững những quy định của pháp luật phá sản, hiểu đúng và rõ ràng hơn về pháp luật phá sản để từ đó tuân thủ nghiêm túc hơn.
♦ Đối với ngành Toà án
Thẩm phán là người trực tiếp giải quyết việc phá sản DN, HTX, do đó, chất lượng và hiệu quả của việc giải quyết phá sản phụ thuộc nhiều vào trình độ chuyên môn của Thẩm phán. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có các Thẩm phán chuyên trách về phá sản mà thường là kiêm nhiệm. Do vậy, trước mắt, cần phải bồi dưỡng, nâng cao trình độ thẩm phán giải quyết phá sản, đáp ứng những yêu cầu mới đặt ra. TANDTC cần thường xuyên, định kỳ tổ chức các hội thảo khoa học, các khóa đào tạo nhằm bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của Thẩm phán, Thư ký Tòa án trong việc giải quyết các vụ việc phá sản. Trong tương lai, cần hướng tới đào tạo các Thẩm phán chuyên trách về phá sản. TANDTC cũng cần thường xuyên theo dõi quá trình thực thi pháp luật phá sản, đồng thời tổng kết kinh nghiệm từ các vụ việc phá sản đã được giải quyết để kịp thời hướng dẫn xử lý những vướng mắc thường nảy sinh trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản.
♦ Tăng cường kỷ luật tài chính kế toán
Như đã phân tích ở trên, một trong những nguyên nhân làm suy giảm hiệu quả của pháp luật phá sản trong thời gian qua là do những yếu kém trong việc thực hiện chế độ tài chính kế toán trong các doanh nghiệp. Do vậy, cần tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ chế độ kế toán – tài chính doanh nghiệp, bắt buộc doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính định kỳ; bổ sung những quy định xử lý nghiêm khắc những vi phạm về kế toán, sổ sách.
**
Luật Phá sản 2014 vừa có hiệu lực với rất nhiều sửa đổi bổ sung về thủ tục phá sản. Tuy nhiên, để biết được thủ tục phá sản theo Luật mới có thực sự hiệu quả hay không, vẫn cần thời gian để kiểm chứng trong thực tế. Các cơ quan có thẩm quyền ban hành pháp luật cần phải có những giải pháp, định hướng cụ thể hơn nữa cho Luật mới để đảm bảo hiệu quả thi hành tốt trong thực tế; các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản cũng như những cá nhân, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc phá sản cần có cái nhìn đúng đắn về bản chất, vai trò của Luật Phá sản, để từ đó cùng nhau góp phần vào việc thực thi hiệu quả Luật Phá sản nói chung, thủ tục thanh lý tài sản phá sản nói riêng.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Bàn về quy định buộc xin lỗi, cải chính công khai khi bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín trên mạng xã hội
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Bất thường ở huyện nghèo Krông Búk –Đắk Lắk: Thanh niên mới 20 tuổi đã đứng tên nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng
-
Huyện Ia Pa – Gia Lai: Chính quyền có “bật đèn xanh” để doanh nghiệp xúc đất rẫy đổ vào dự án?
Bình luận