Thào A V phạm tội gì?
Thào A V mua 200.000đ thuốc phiện về hút, sau đó đã hai lần bán lại thuốc phiện cho người khác, và cho hai người sử dụng thuốc phiện tại nhà mình. V phạm tội gì, một tội hay hai tội?
BLHS năm 2015 đã có những quy định về tội phạm ma túy, được sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu, đấu tranh tội phạm trong tình hình mới. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn như: Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC (Nghị quyết 02/2003); Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999 (Thông tư số 17/2007); Thông tư liên tịch 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP sửa đổi Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT (Thông tư số 08/2015), các văn bản hướng dẫn đã được ban hành từ lâu nên nhiều quy định không còn phù hợp
Thực tế cho thấy, công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ma túy hiện nay gặp khó khăn chủ yếu từ việc định tội danh nhất là đối với tội: Mua bán trái phép chất ma túy; Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; Tàng trữ trái phép chất ma túy; Vận chuyển trái phép chất ma túy… trong nhiều trường hợp, việc xác định hành vi có những khó khăn trong nhận thức, sau đây là một ví dụ:
Khoảng 12 giờ, ngày 16/6/2018 trên đường đi rừng, V đã mua của một người đàn ông dân tộc Mông, không quen biết một gói thuốc phiện, với giá 200.000 đồng. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày khi Thào A V đang nằm hút thuốc phiện ở nhà thì có Thào A K đến hỏi mua thuốc phiện về làm thuốc, V lấy một ít thuốc phiện từ trong gói đã mua được lúc trưa, bán cho K 30.000 đồng; đến khoảng 16 giờ cùng ngày V lại tiếp tục bán cho Mùa A L 30.000 đồng. Đến khoảng 19 giờ ngày 17-6-2018, Mùa Thị C đến nhà V xin hút thuốc phiện, do không có thuốc cảm để trộn vào thuốc phiện để hút, V đi mua thuốc cảm. Sau khi mua được thuốc cảm V về nhà tự châm lửa bàn đèn; lấy thuốc phiện, sái thuốc phiện và thuốc cảm trộn vào nhau, sau đó viên thành từng bi, cho vào tẩu và trực tiếp châm cho C nằm hút sáu bi, trên giường ngủ nhà V, sau khi hút xong C trả cho V 20.000 đồng. Trong lúc V đang châm cho C hút thuốc phiện thì có Mùa Thị S đến và S cũng xin được hút mấy bi và hứa sẽ trả cho V 10.000 đồng, V nhất trí và sau khi C hút xong V tiếp tục châm cho S hút ba bi. Khi S vừa hút xong, chưa trả tiền thì có Giàng A L đến hỏi mua của V 100.000 đồng thuốc phiện, V đang định bán cho L một gói thuốc phiện với giá 30.000 đồng, khi hai bên chưa kịp đưa tiền và nhận thuốc phiện thì Công an huyện T đến, Mùa Thị C, Mùa Thị S và Giàng A L rời khỏi hiện trường. Công an huyện T bắt quả tang Thào A V, thu giữ toàn bộ thuốc phiện và một số vật chứng khác.
Tại bản kết luận giám định số: 125/GĐMT ngày 25/6/2018 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Y kết luận: Chất nhựa dẻo màu nâu đen thu giữ của Thào A V có khối lượng 6,82 (sáu phảy tám mươi hai) gam là ma túy; là thuốc phiện.
Có các quan điểm khác nhau trong việc xác định tội danh đối với vụ án trên:
Quan điểm thứ nhất: Bị cáo Thào A V đã hai lần bán thuốc phiện, một lần chuẩn bị bán và cùng một lúc tại nhà của mình tổ chức cho hai người sử dụng thuốc phiện. Vì vậy, hành vi mua bán phép chất ma tuý và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy của bị cáo V đủ yếu tố cấu thành hai tội: “Mua bán trái phép chất ma túy” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 251 và tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 255 của BLHS.
Quan điểm thứ hai: Bị cáo Thào A V chỉ phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 251 của BLHS. Đây cũng là quan điểm của tác giả:
Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy quy định:
Người nào mua bán trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: b) Phạm tội 02 lần trở lên
+ Theo Thông tư liên tịch số 17/2007, tại điểm a, b tiết 3.3 mục 3 Phần II “Mua bán trái phép chất ma túy” là một trong các hành vi sau đây:
a) Bán trái phép chất ma túy cho người khác (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy do đâu mà có) bao gồm cả việc bán hộ chất ma túy cho người khác để hưởng tiền công hoặc các lợi ích khác;
b) Mua chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác…
Trong vụ án này, ngoài hành vi Thào A V bán ma túy cho K, L và chuẩn bị bán ma túy cho Giàng A L, thì Thào A V khi đang sử dụng ma túy, còn cho C, S hút tại nhà mình, sau khi hút xong thu tiền của C, S. Điều đó thể hiện mục đích của V nhằm hưởng tiền từ việc bán ma túy, thực tế có hành vi đưa tiền diễn ra, C đã đưa 20.000 đồng S đã hứa hút xong sẽ đưa, nên đây cũng là một hình thức mua bán trái phép chất ma túy, vì vậy hành vi này không đủ yếu tố cấu thành tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” của BLHS năm 2015.
Qua diễn biến hành vi phạm tội và căn cứ vào các quy định BLHS 2015 và Thông tư liên tịch số 17/2007; phân tích về chủ thể, khách thể, mặt khách quan, chủ quan của Thào A V thì đã đủ yếu tố cấu thành tội đủ yếu tố cấu thành tội: “Mua bán trái phép chất ma túy” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 251 của BLHS 2015.
Thào A V không phạm tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 255 của BLHS năm 2015 và Thông tư liên tịch số 17/2007 vì những căn cứ sau:
Điều 255. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:a) Phạm tội 02 lần trở lên; b) Đối với 02 người trở lên…
Tại tiết 6.1 mục 6 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007 quy định:
6.1. “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” là một trong các hành vi sau đây:
a) Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;
b) Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy.
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy: đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy; chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất…) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; chuẩn bị địa điểm (thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm không thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác); chuẩn bị dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ…) nhằm sử dụng để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; tìm người sử dụng chất ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của họ”.
Quy định trên thấy rằng: Thào A V có sử dụng ngôi nhà của mình quản lý, để cho C, S hút ma túy cùng với V, nhưng có thỏa thuận trước là sau khi hút xong thu tiền của C, S như đã phân tích ở trên.
Ngoài ra, tại điểm a, tiết 6.3 mục 6 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007: Khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cần phân biệt: a) “Người nghiện ma túy có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc tội sử dụng trái phép chất ma túy”. Theo quy định trên vì A là người nghiện ma tuý và cùng cho người khác sử dụng ma tuý tại nhà mình nên không phạm tội này.
Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng điểm a, tiết 6.3 mục 6 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007 có nhiều bất cập trong thực tiễn áp dụng nên chưa có sự thống nhất có Tòa án áp dụng, có Tòa án không. Mặc dù, Thông tư liên tịch số 08/2015 sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch 17/2007 đã được ban hành sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ những quy định không còn phù hợp như: tại điểm đ tiết 3.7 mục 3 Phần II; điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II; mục 8 Phần II của Thông tư 17/2007, nhưng quy định trên vẫn chưa được khắc phục. Vì vậy, để đảm bảo thống nhất trong việc áp dụng pháp luật cần sớm có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Trên đây là những quan điểm cá nhân rất mong ý kiến trao đổi của quý độc giả.
Một góc xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, thủ phủ ma túy một thời nay đã bình yên – Ảnh: Thái Bá/ DT
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
1 Bình luận
Võ Văn Như
22:02 23/12.2024Trả lời